Buổi hoàng hôn nho học dưới áp lực nền giáo dục Pháp - Việt

Thứ Bảy, 20/07/2019, 11:17
Chế độ thi cử Nho giáo, như vậy, đã chính thức tàn khép dưới bàn tay trị vì của một ông vua nhạt nhẽo và ham chơi bậc nhất triều đại sau chót. 

Ngày 31-7-1889, tại Hội nghị Thuộc địa Quốc tế tổ chức ở Paris, Etienne Francois Aymonier, bấy giờ là đương kim Giám đốc Trường Thuộc địa (lÉcole Coloniale) vừa mới thành lập, đã đọc một diễn văn hùng hồn nêu sự cần thiết phải dạy tiếng Pháp thay vì quốc ngữ, mong muốn triển khai triệt để chính sách Pháp hóa người Việt nhằm tạo nên một nước Pháp rộng lớn trên đất Đông Dương bất chấp An Nam có giành được độc lập hay không.

Trước đó mấy tháng, 1-1889, Đồng Khánh qua đời, hoàng tử trưởng Bửu Đảo còn nhỏ tuổi nên chưa được kế vị ngay….

1. Tham vọng của E. Aymonier khó thành nhưng không phải không có tác động nào. Ít nhất, trên phương diện giáo dục, hệ thống và chương trình dạy tiếng Pháp đang lan rộng một cách mạnh mẽ.

Báo cáo thường niên về tình hình Đông Dương năm 1889 cho biết, riêng tại Bắc Kỳ, giáo dục tiểu học nhận được sự quan tâm khá lớn của chính quyền Bảo hộ: có 16 trường nhận được ngân sách tài trợ, 12 trường Pháp - An Nam cho học sinh nam, ba trường nữ tại Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng; tại Hà Nội còn có thêm một trường Pháp do giáo sĩ của Hội truyền giáo điều hành.

Ngoài các trường của chính quyền Bảo hộ, còn có khoảng 20 trường tư của người An Nam dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp sơ đẳng.

Ở Nam Kỳ, quá trình thiết lập giáo dục Pháp Việt còn diễn biến mau lẹ hơn với liên tiếp các nghị định về học chính: nghị định 10-2-1868 lập Học đường thị chính gồm hai trường giáo dục phổ thông và một trường thông ngôn; Nghị định 22-4-1869 đặt chương trình thi tuyển giáo viên bản xứ, trong đó giáo viên hạng nhất phải thi viết chính tả Pháp ngữ và quốc ngữ Latin; Nghị định 17-11-1874 tổ chức lại ngành học chính, quy định học trình cấp tiểu học có tập đọc, tập viết chữ quốc ngữ, chữ Nho, tiếng Pháp; học trình cấp trung học phải học kỹ tiếng Pháp, sơ yếu về văn học Pháp, làm luận bằng tiếng Pháp…

Lớp học tân thời.

Nghị định 17-11-1874 áp dụng cho đến khi có Nghị định cải tổ giáo dục ban hành ngày 17-3-1879, trong đó, ở ba cấp học, lớp Pháp ngữ đã hoàn toàn lấn át lớp chữ Nho và quốc ngữ từ nội dung kiến thức cho đến số tiết học. 

Cũng trong khoảng thời gian này, theo Nghị định ngày 6-4-1878 thì kể từ đầu năm 1882, ở Nam Kỳ, mọi giấy tờ văn tự phải làm bằng chữ quốc ngữ, chính thức bỏ Hán - Nôm trong giao dịch với chính quyền.

Những nghị định đó, tuy từng bước một, nhưng đều nhắm đến trọng tâm là loại bỏ dần nền tảng và ảnh hưởng của giáo dục Nho giáo. E. Aymonier không ngần ngại đề xuất một giải pháp mà ông tin là đem lại ưu thế cho người Pháp: xây dựng nên giáo dục Pháp ngữ trên những cơ sở giáo dục Hán học trước đó và mở rộng đối tượng thụ hưởng, không chỉ quan chức nhà nước mà còn hướng tới bình dân An Nam.

Ngày 14-11-1905, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh cho Toàn quyền Đông Dương lập Nha học chính Đông Dương để thống nhất chỉ đạo và điều hành các hoạt động giáo dục. Ngày 20-1-1906, Nha Học chính thành lập và chỉ khoảng hai tháng sau, theo đề nghị của Tổng giám đốc đầu tiên là Henri Gourdon, một Hội đồng cải thiện giáo dục bản xứ đã được thành lập. 

Hội đồng này bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc việc lập lại các trường dạy chữ Nho tại Nam kỳ và đồng thời, cải tổ dần chương trình thi hương tại Trung Kỳ, Bắc Kỳ nhằm mở đường đưa thêm tiếng Pháp và các môn khoa học khác vào học trình.

Gấp gáp nhưng thận trọng, ngày 16-5-1906, vẫn theo đề nghị của H. Gourdon, Toàn quyền Đông Dương đã kí liền 4 nghị định liên quan trực tiếp đến cải cách giáo dục bản xứ. 

Với sự kiện này, buổi hoàng hôn của giáo dục và khoa cử Nho giáo trên đất Trung Kỳ, Bắc Kỳ càng thêm lộ rõ: ba bậc học (ấu học, tiểu học và trung học) đều có quốc ngữ và sơ lược tiếng Pháp; thi hương tổ chức 3 năm một kỳ nhưng đã có môn thi phiên dịch từ Hán sang Pháp và từ Pháp sang quốc ngữ, viết luận bằng ba thứ tiếng Hán - Việt - Pháp.

Không những thế, ở bậc tiểu học, tổng số giờ học tiếng Pháp đã lên đến 23 giờ 30 phút/tuần, trong khi học chữ quốc ngữ là 3 giờ 45 phút/tuần, còn học chữ Hán giảm xuống còn 30 phút/tuần.

Đáng chú ý hơn, trong khi sách giáo khoa soạn bằng quốc ngữ và Pháp ngữ không ngừng tăng dung lượng kiến thức hiện đại (trong đó có toán, vật lý, nông nghiệp, văn chương, thương nghiệp, hành chính…) thì sách giáo khoa bằng chữ Hán có xu hướng lược giản tối đa, chỉ mang tính chất “cầm hơi” kiến văn nhập môn (Thiên tự văn, Ấu học giáo khoa, Chu Tử gia huấn, Ấu học luận ngữ, Mạnh Tử chính văn, Sử ký…).  

Cuộc cải cách 1906 này, tuy không phải mọi việc đều thuận buồm xuôi gió, nhưng đã tạo ra một thế hệ trí thức mới, đông đảo về số lượng và đa dạng về thành phần.

Chính họ, giới “tân học” xuất thân từ những ngôi trường Pháp - Việt ấy, bắt đầu tham dự sâu vào những chuyển biến lớn của thời đại, những ngành nghề, công việc cũng như quan điểm và lối sống mới. Đứng cạnh họ, tầng lớp “cựu học” thuần túy cửa Khổng sân Trình bắt đầu cảm thấy lúng túng, lép vế và hụt hơi trong khả năng thích nghi thời cuộc.

Lối học xưa ngày càng tàn lụi

2. Ngày 18-5-1916, Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định. Ở thời điểm đó, số học sinh trong các trường Pháp - Việt đông gấp đôi các trường chữ Hán vốn co rút về địa phương cấp xã huyện. Nhu cầu và chất lượng thi cử Nho học càng lúc càng xuống cấp đến mức khi Nam Triều của Khải Định tổ chức thi Hương ở Bắc Kỳ vào năm 1915, nó thành kì “thi vét”, khóa đuôi giấc mộng cử nhân, tú tài của sĩ tử bút lông.

Gần hai năm sau, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ban hành Học chính tổng quy, giáng một đòn mạnh vào tình thế lay lắt của mô hình khoa cử Nho học. Theo đó, nền học chính sẽ có ba cấp (tiểu học, trung học, cao đẳng) với hệ thống trường Pháp, trường Pháp - Việt và trường dạy nghề. 

Với chương trình giáo khoa Pháp - Việt, chỉ có hai khoa thi: thi lấy Bằng tiểu học Pháp - Việt (sau khi học hết bậc tiểu học 5 năm) và thi lấy bằng Thành chung (sau khi học xong bậc Thành chung 4 năm).

Ngay lập tức, trên Nam Phong tạp chí (số 12, 6-1918), Phạm Quỳnh viết một bài luận thuyết dài bàn về “cái vấn đề giáo dục ở nước Nam ta” nhưng dành nhiều dung lượng để chào mừng và tóm lược bộ Học chính tổng quy: “Nay quốc dân ta về đường giáo dục đã bước chân vào một thời kì mới […]. Đương lúc cơ hội này, gặp người chủ trương ấy, tưởng cũng là một cái hạnh phúc to cho hậu vận nước Nam ta vậy”. 

Phạm Quỳnh không quên trấn an những người còn lấn cấn Hán học: “Hán học là trọng mà không thể bỏ hẳn được. Trước kia ta mê man về đường ấy quá […]. Ngày nay ta đã tỉnh ngộ ra rồi mà quyết theo về đường học mới”.

Thế nhưng, thấm thía và đích đáng thay, khá nhiều người xuất thân Nho học lại tỏ ra thất vọng về chế độ khoa cử đã từng nhào nặn mình. Lớp nhà Nho duy tân, với cái nhìn thức thời và hiểu biết mới mẻ, đã không ngừng chĩa ngòi bút vào sự lạc hậu, trì trệ của khoa cử Nho học. 

Viết Việt Nam phong tục (1915), cử nhân Phan Kế Bính chua chát: “nhân tâm nước mình say mê bia đá bảng vàng […] Mà rút lại thì có gì đâu, học cũng chẳng qua là học văn chương, thi cũng chẳng qua là thi văn chương […] Vậy mà ta mê mẩn mấy trăm năm vẫn chưa tỉnh hết […] Xem như các nước bên Đông Á ta, như nước Tàu, Nhật, trước cũng thi cử như ta, mà họ bỏ đi đã lâu rồi. Duy ta còn khăng khăng giữ mãi, không biết bao giờ mới đổi được”. 

Chủ trương “đổi lông ra sắt” mà Tản Đà, hiện thân của thất bại trong thi cử Hán học, quyết liệt theo đuổi khi dấn sâu vào con đường viết văn viết báo kiếm ăn, thậm chí, còn không sánh bằng khí thế duy tân, khai dân trí bằng việc học quốc ngữ, đọc Tân thư của Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, những bậc túc Nho cũng từng kinh qua thi cử và có hẳn tên trên bảng vàng nhưng không bao giờ đóng mình trong khuôn thức đỗ đạt làm quan mòn cũ.

Hơn ai hết, họ chính là biểu tượng của thời đại Hán học đang dần rẽ ngoặt sang tiếp cận, tiếp nhận các giá trị giáo dục, học thuật phương Tây.

Và cùng với lực đẩy của các phong trào canh tân văn hóa, của các làn sóng cách mạng diễn ra như bão táp, thế hệ trí thức có cỗi gốc Khổng Mạnh ấy sẽ tự thân đứng lên làm mẫu hình tiên phong tìm hiểu, nắm bắt học vấn, văn minh mới.

3. Dưới nhà trường Pháp - Việt, những J. Rousseau, Ch.S. Montesquieu, Voltaire, V. Hugo, A. Musset, A. Daudet,… không chỉ làm mờ dần Tứ thư Ngũ kinh mà còn thuộc về điểm tựa trích dẫn, bàn luận mới. Cái mới từ và nhờ giáo dục, như một cơn gió, lần lượt đánh bật dần các thành trì cũ kĩ, đồng thời tiếp sức cho sự phá rào trong nhận thức và hành động. Ngay cả Khải Định cũng tự tin đỏm dáng hơn trước thần dân, dư luận.

Nhưng lịch sử đã chọn ông vua giỏi xây lăng cho mình này thực thi một công việc có thể coi là tất yếu hơn: Ngày 28-12-1918, chỉ sau khoảng 9 tháng thực hiện bộ Học chính tổng quy, Khải Định ra dụ bãi bỏ thi cử ở Trung Kỳ; ngày 15-5-1919, Khải Định ra đề bàn về “văn minh” ở khoa thi Đình cuối cùng; Ngày 14-6-1919, Khải Định kí dụ bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán cùng hệ thống văn bản quản lí từ triều đình đến cơ sở. 

Chế độ thi cử Nho giáo, như vậy, đã chính thức tàn khép dưới bàn tay trị vì của một ông vua nhạt nhẽo và ham chơi bậc nhất triều đại sau chót. 

Mai Anh Tuấn
.
.