Bức tranh khủng hoảng và đổ vỡ

Thứ Ba, 12/07/2016, 04:49
Thế giới những ngày qua chứng kiến nhiều đổ vỡ và khủng hoảng, gây ra tâm lý bất ổn trong dư luận và làm xáo động chính trường nhiều quốc gia trên thế giới.

Đó là cuộc “ly dị” gây sốc của Anh với Liên minh châu Âu (EU), khủng hoảng kinh tế - chính trị tại Venezuela và Brazil, những vụ khủng bố đánh bom liều chết liên tiếp và mâu thuẫn chưa thể hạ nhiệt tại biển Đông. 

Một loạt những “câu chuyện buồn” đang diễn ra theo dòng chảy của thời cuộc. Tất cả đang tạo nên một bức tranh toàn cảnh đầy u ám…

Anh “ly dị” EU

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh liên quan tới quyết định rời khỏi EU đang có dấu hiệu trầm trọng hơn trong bối cảnh các đảng phái tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau và các nhà lãnh đạo EU đang thúc ép London đẩy nhanh thủ tục “chia tay”. 

Trên chính trường, sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn – người phản đối Anh rời EU - cũng đang phải đối mặt với áp lực phải rời bỏ vị trí này. Trong khi đó, các cường quốc thuộc EU kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về thủ tục Brexit do lo ngại “hiệu ứng domino” có thể đe dọa tới tính thống nhất của EU.

Với người dân Anh, dường như họ vẫn còn chưa hết bàng hoàng về kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Rất nhiều người đã chọn ủng hộ Brexit thì nay lại tỏ ra hối tiếc vì đã không lường hết được những hậu quả. Hơn 3 triệu người Anh đã ký vào bản kiến nghị gửi lên Nghị viện Anh để đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý lại. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì quyết định rời EU của Anh là “không thể đảo ngược”. 

Câu chuyện Brexit đã ngã ngũ, và trước mắt, việc Anh “ly dị” EU sẽ có tác động lớn đến các nước trong EU và nền kinh tế thế giới. Về mặt xã hội, làn sóng bài ngoại nhằm vào những người theo đạo Hồi và cộng đồng người Ba Lan đang gia tăng. Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng sẽ vấp phải câu hỏi lớn về sự tồn tại của mình khi Scotland có thể tiếp tục trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Anh.

Venezuela và Brazil “dậy sóng”

Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã kêu gọi các phe phái chính trị tại Venezuela nỗ lực đối thoại hòa giải nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng hiện nay. Tỷ lệ lạm phát ở Venezuela đang ở mức kỷ lục 180%, cao nhất thế giới. Thực phẩm, thuốc men, hàng tiêu dùng thiết yếu và cả điện đang thiếu hụt trầm trọng. 

Tại thủ đô Caracas và một vài thành phố khác đã xảy ra tình trạng cướp bóc do khan hiếm lương thực. Hơn 400 người đã bị bắt giữ và nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn và cướp bóc.

Trước tình hình đó, các nhóm đối lập đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro thực thi chính sách kinh tế sai lầm, khiến Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế. 

Các nhóm này còn yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm phế truất Tổng thống Nicolas Maduro. Tuy nhiên, ông Maduro không chấp nhận trưng cầu ý dân cho tới năm 2017. Phản ứng trước các vụ cướp bóc, ông nói rằng tình trạng bạo động dẫn đến việc hàng trăm người bị bắt đã được lên kế hoạch từ trước, và nhiều cá nhân “đã được cấp tiền” để tham gia bạo động.

Trong khi đó tại quốc gia láng giềng Brazil, khủng hoảng chính trị vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, khiến dư luận xã hội đất nước này “dậy sóng”. Brazil hiện đang chìm trong khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng với một loạt vấn đề bao gồm tăng trưởng âm, thâm hụt ngân sách cao, sức tiêu dùng sụt giảm, và lạm phát ở mức hai con số. 

Tỷ lệ người dân phản đối chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer tiếp tục gia tăng, từ mức 61 lên 70%, khi cho rằng chính phủ không xử lý tốt nhiều vấn đề như giải quyết việc làm, nhà ở cho người nghèo, tham ô và lạm phát. 

Tổng thống đang bị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ Dilma Rousseff lại đang khiến chính phủ lâm thời lo ngại khi cơ hội quay trở lại quyền lực của bà đã được đặt ra (nếu được các nghị sĩ Thượng viện ủng hộ trong lần bỏ phiếu sắp tới).

Tổng thống Rousseff đã phải tạm rời bỏ cương vị vì những cáo buộc dính dáng đến vụ bê bối tham nhũng Petrobras. Nhưng, đến lúc này, chính những người công kích và đòi truất phế bà cũng đã lộ những bàn tay “nhúng chàm”. 

Giờ đây, nạn tham nhũng là vấn đề trầm trọng nhất hiện nay trong chính giới Brazil. Bốn gương mặt chính trị cao cấp đã bị bắt khẩn cấp, bao gồm cả chủ tịch Thượng viện Cunha, chủ tịch Hạ viện Calheiros, cựu Tổng thống Sarney và cựu Bộ trưởng Kế hoạch Juca. 

Chưa hết, hiện đã có thêm ba bộ trưởng trong thành phần nội các của ông Temer buộc phải từ chức vì bị tình nghi dính líu tới tham nhũng. Giờ đây, chính trường Brazil vẫn đang bế tắc trong vòng luẩn quẩn.

Đánh bom đẫm máu

Ngày 28-6, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị rung chuyển bởi hai vụ nổ tại nhà ga quốc tế của sân bay Ataturk, trong đó có một vụ đánh bom liều chết, khiến ít nhất 43 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. 

Theo công bố, ba kẻ đánh bom mang quốc tịch Nga, Uzebekistan, và Kyrgyzstan, dưới sự chỉ đạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay đã luôn phải đối mặt với hàng loạt mối đe doạ và tấn công khủng bố khi quân đội nước này đang dốc sức chống lại các phần tử ly khai người Kurd. 

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tham gia vào liên quân do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống IS tại nước láng giềng Syria. Hầu hết các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ đều do nhóm vũ trang người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân IS tiến hành.

Trong một diễn biến mới nhất, ít nhất sáu người thiệt mạng và bảy người khác bị thương trong các vụ đánh bom tự sát tại ba thành phố của Ảrập Saudi ngày 4-7, thời điểm chuẩn bị diễn ra lễ Eid al-Fitr mừng kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. 

Anh đã quyết định “ly dị” EU sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử.

Theo điều tra, một kẻ đánh bom tự sát đã cho kích nổ một quả bom gắn trên người tại bãi đỗ xe bên ngoài thánh đường Prophet's Mosque ở thành phố Medina, địa điểm linh thiêng thứ hai của người Hồi giáo. 

Vụ đánh bom thứ hai xảy ra tại thành phố Jeddah, một kẻ tấn công đã đỗ chiếc xe ôtô gần lãnh sự quán Mỹ sau đó kích hoạt thiết bị nổ. Trong khi đó, tại thành phố Qatif, nơi có nhiều người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống, ít nhất một và có khả năng là hai vụ nổ xảy ra gần một thánh đường của người Hồi giáo Shiite.

Trước đó một ngày, tại thủ đô Baghdad của Iraq đã xảy ra hai vụ đánh bom xe làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Một kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt khối thuốc nổ trên xe ôtô tại một con phố mua bán đông đúc ở Karada, phía nam thủ đô Baghdad. Vụ đánh bom thứ hai xảy ra tại một khu chợ ở phía đông thủ đô Baghdad, khiến năm người thiệt mạng và 16 người bị thương. 

Các vụ đánh bom trên xảy ra trong bối cảnh tháng lễ Ramadan sắp kết thúc và nhiều gia đình đổ ra các đường phố để mua sắm. Tổ chức IS đã thừa nhận gây ra vụ đánh bom nói trên nhằm vào những người Hồi giáo dòng Shiite.

Biển Đông “chưa nguội”

Những diễn biến không mấy suôn sẻ tại Hội nghị đặc biệt ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại Côn Minh mới đây cho thấy khu vực và thế giới đang ngày càng quan tâm hơn tới những căng thẳng trên biển Đông. 

Việc Trung Quốc gây sức ép nhằm không để ASEAN đưa ra được tuyên bố chung về Biển Đông cuối cùng lại có tác dụng ngược. Ngoài ra, việc các nước không có tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc là Indonesia và Singapore cũng ra tuyên bố riêng của mình, bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực tranh chấp, cho thấy biển Đông không còn là vấn đề giữa Trung Quốc với từng quốc gia riêng rẽ có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nữa. 

Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên đưa ra cảnh báo ngoại giao đối với Trung Quốc, cho rằng tất cả các quốc gia đều phải được tự do đi lại ở biển Đông, và phản đối mọi hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng.

Việc Trung Quốc liên tục có những động thái khiêu khích ở biển Đông và gây sức ép lên các nước chủ tịch luân phiên ASEAN là không mới. Trung Quốc luôn tìm cách đe dọa, lôi kéo các nước ASEAN về phía mình và mong hạ uy tín của Tòa Trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc PCA trước khi ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”. 

Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực cản trở từ Bắc Kinh, PCA thông báo sẽ ra phán quyết vụ kiện này vào ngày 12-7 tới. Sau khi xem xét đơn kiện của Philippines, PCA đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng vụ tranh chấp trên thực tế không thuộc quyền tài phán của PCA. 

Theo PCA, vụ kiện phản ánh tranh chấp giữa hai nước liên quan tới việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và vấn đề này thuộc thẩm quyền của PCA…

Anh Doãn
.
.