Bi kịch đa cấp vẫn sẽ kéo dài, nếu…

Thứ Ba, 15/03/2016, 17:24
Làm những phóng sự điều tra đa cấp lừa đảo không phải để đẩy vài lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt vào tù. Mục tiêu là lỗ hổng pháp lý giám sát hoạt động bán hàng đa cấp, khiến cho mô hình kinh doanh được cho là tiên tiến trên thế giới, về Việt Nam lại biến tướng thành lừa đảo phải được bịt lại.


"Mẹ nói em đi mua cháo cho mẹ ăn… Đó là lần cuối cùng mẹ nói chuyện với em, lần cuối cùng em gặp mẹ". Câu chuyện của một nữ sinh ở Cẩm Thành, Cẩm Phả, Quảng Ninh cách đây mấy ngày cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi, không thể dứt ra được. Cô gái trẻ nước mắt chảy dài trên má, ngồi trước bàn thờ mẹ ở giữa nhà, hương khói hun hút lạnh lẽo, nói rằng em không biết vì sao mẹ lại bỏ em để ra đi đột ngột đến thế.

Chuyện chỉ có bố của em, tức chồng của người phụ nữ đã ra đi ấy, là tường tận. Ông kể rằng, vợ mình đã giấu chồng, vay nặng lãi số tiền 400 triệu đồng, rồi đem cắm sổ đỏ căn nhà bây giờ hai bố con đang sống, vay được một tỉ đồng nữa, tất cả nướng hết vào mạng lưới đa cấp ở Công ty Liên Kết Việt. 

Khi công ty này bị vạch trần lừa đảo, lo sợ phải ra đường sống, người phụ nữ ấy một mình mò mẫm đi Hà Nội, ăn nằm cả tháng trời, nuôi hi vọng đòi được 1,4 tỉ đồng kia. Càng ở lâu, niềm hi vọng ấy càng mong manh, đến khi về nhà thì chỉ còn hai bàn tay trắng. Quá uất ức, người phụ nữ ấy đã đứt mạch máu não mà chết.

Vụ lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt (Hà Nội) đã bị phanh phui. 60 nghìn người dân ở 27 tỉnh thành, một năm trước cùng ôm một giấc mộng đổi đời, dắt díu nhau vào Liên Kết Việt, bây giờ, là 60 nghìn bi kịch. Mấy ngày nay, rất nhiều người là bạn bè, là đồng nghiệp hỏi rằng, tại sao Liên Kết Việt lại có thể lừa được 60 nghìn người chỉ trong vòng một năm?

Tại sao họ lại tin rằng đa cấp có thể giúp họ sau một đêm, rũ bỏ bùn đen dưới chân, để khoác lên mình chiếc áo của doanh nhân thời đại mới, mà chẳng cần làm gì? Lịch sử kinh tế loài người đã chứng minh, chẳng thể nào có chuyện tiền đẻ ra tiền theo cấp số nhân, đầu tư 8,6 triệu đồng sẽ được nhận về 409 triệu đồng, mà tất cả những người đầu tư trong mạng lưới ấy không hề làm gì, tất cả chỉ ngồi nhà, rung đùi, chờ tiền chảy vào túi mình như thế?

Đầu tháng 8-2015, khi bắt đầu tìm hiểu về hoạt động của Công ty Liên Kết Việt để thực hiện loạt phóng sự điều tra đa cấp biến tướng cùng với một số đồng nghiệp, chính tôi cũng đặt ra những câu hỏi đó. Bán hàng đa cấp đã tràn về các vùng nông thôn Việt Nam trong mấy năm gần đây. Sau những lũy tre làng không còn sự yên bình nào nữa. Cơn bão đa cấp đã tạo những con sóng ngầm, âm ỉ lôi kéo nhau, đôi khi là những cuộc càn quét cả làng vào đa cấp… 

Nghe những tâm sự của nhiều người về cơn u mê của bố mẹ, họ hàng, người dân quê họ, của chính họ, trong quá trình làm các phóng sự điều tra về đa cấp lừa đảo cả nửa năm nay, chưa khi nào tôi nguôi được nỗi ám ảnh đa cấp.

Đa cấp, khi tỉnh cơn mê ấy, có người nào không trắng tay đâu?

Một tấn bi kịch. Không phải chỉ là bi kịch của cô nữ sinh Quảng Ninh mất mẹ, không phải bi kịch của người phụ nữ ở Hải Dương bị chồng đuổi ra sống trong cái chuồng gà cũ nát chỉ vì giấu chồng tham gia Liên Kết Việt… mà là bi kịch của đại bộ phận người dân nghèo, bi kịch của một thế hệ khốn đốn vì thiếu hiểu biết những khái niệm đầu tư, những phương cách làm kinh tế cơ bản. Đó còn là bi kịch của liên tiếp những nhiệm kỳ quản lý buông lỏng của cả hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương cho đa cấp biến tướng hoành hành.

Khi đi tìm câu trả lời, vì sao người dân lại dễ dàng tin vào lời hứa giúp họ đổi đời của Liên Kết Việt đến thế, mới thấy rằng, chỉ có sự buông lỏng quản lý, thì Lê Xuân Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt, mới có thể lộng hành, vẽ ra một công ty với những uy tín cao ngút trời đến vậy để lấy lòng tin nơi người dân chân chất thật thà.

Chỉ có những người quản lý mắt nhắm mắt mở cho Lê Xuân Giang cùng nhóm lãnh đạo 6 người khác của Liên Kết Việt tung đủ các chiêu trò, làm giả 7 chiếc bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, một bằng khen của chủ tịch UBND TP. HCM cho các cá nhân lãnh đạo Liên Kết Việt và cho công ty này. 

Những tấm bằng khen ấy, cùng với những ngày hội đón nhận bằng khen trong niềm hân hoan, háo hức của vài ngàn con người đứng đầu các nhóm đa cấp, với người lên trao tặng là lãnh đạo làm việc ở văn phòng Trung ương Đảng, đã giúp Liên Kết Việt lấy điểm tuyệt đối về uy tín trong mắt người dân, vốn tin vào những danh hiệu ấy. Câu trả lời vì sao dân lại tin, là đây.

Nếu Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương - cơ quan quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh đa cấp ở Việt Nam không quay lưng với người dân, ngoảnh mặt làm ngơ, thì thử hỏi, làm sao Lê Xuân Giang và đồng bọn của mình có thể ngang nhiên mặc quân phục, tổ chức hàng loạt đại hội lôi kéo người dân với cái mác là công ty thuộc Bộ Quốc phòng.

Tôi không tin rằng cán bộ của chúng ta lại không biết đọc, tôi càng không tin rằng cán bộ của chúng ta lại bị điếc… nên mới để cho thứ lừa đảo lên ngôi, lộng hành như chốn không người quản lý, vô pháp vô thiên.

Còn vì sao Cục quản lý cạnh tranh lại lờ đi những vi phạm của Liên Kết Việt suốt cả năm trời, thì những cán bộ, những người lãnh đạo ở cục này là rõ nhất. Những người đứng đầu Công ty Liên Kết Việt giờ đang trong trại tạm giam của Bộ Công an chắc là cũng nắm rõ, vì sao họ lại làm được điều đó - biến những cá nhân tạm cho là xuất sắc được tuyển chọn vào cơ quan quản lý chuyên ngành của nhà nước, trở thành những kẻ có mắt mà như không.

"Họ khoe được Văn phòng Chủ tịch nước tặng hoa, được Thủ tướng trao bằng khen, họ khẳng định công ty của Bộ Quốc phòng… Toàn cơ quan cấp cao cả, vững chắc quá rồi, sao tôi lại không tin được hả cô? Họ khoe tháng thu nhập 10 tỉ đồng, họ tặng xe ôtô, họ trao tiền trước mặt tôi, sao tôi lại không tin, không ham hả cô. Ai chẳng muốn có tiền? Chúng tôi làm sao biết được họ lừa đảo. 

Nhưng cơ quan quản lý họ có phương tiện trong tay, họ phải biết chứ. Khi hoạt động được 1-2 tháng sao không kiểm tra, sao không dẹp luôn, để đến giờ Công an bắt rồi, thì đã có không biết bao nhiêu người trắng tay như tôi", ông Hà, một nhà đầu tư đã bỏ 1,5 tỉ đồng vào hệ thống của Liên Kết Việt ở Hải Dương đặt câu hỏi với tôi về trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước trong vụ việc này.

Tôi làm sao mà trả lời được? Chỉ là khi ấy, tôi chợt nhớ đến buổi nói chuyện giữa tôi và Lê Văn Tú, Phó tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt, vào cuối tháng 8-2015. Lê Văn Tú tìm đến nhóm phóng viên chúng tôi để xin dừng loạt phóng sự điều tra lại.

Vụ lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt (Hà Nội) đã bị phanh phui. 

Tú nói rằng, nếu chúng tôi tiếp tục, công ty sẽ bị điều tra, sẽ phải đi tù mất. Tú thừa nhận tất cả những chiêu trò lừa đảo, như giả tặng xe ôtô, giả trao tiền hàng hoa hồng… để lừa người tham gia đa cấp. Tôi nói rằng, chúng tôi không thể dừng lại khi sẽ còn nhiều người có thể là nạn nhân của trò lừa đảo này. Lê Văn Tú năn nỉ, rằng chỉ cần chúng tôi im lặng là được.

Nhưng, làm sao mà im lặng được trước hàng tấn bi kịch đa cấp mỗi ngày hiển hiện trước mắt mình.

Cái kết cho 7 kẻ lừa đảo, những người đứng đầu Công ty Liên Kết Việt đang ngồi trong trại tạm giam chờ phiên tòa xét xử với tội danh bị khởi tố là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, không phải là cái kết do cơ quan quản lý chuyên ngành tạo ra. Đây là cái kết có được nhờ nỗ lực phanh phui của cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an. Trước đó, là nỗ lực của báo chí đã vạch trần những thủ đoạn lừa đảo rõ như ban ngày của Liên Kết Việt.

Khi tôi gặp Lê Xuân Giang trong trại tạm giam của Bộ Công an, Giang đã không còn vẻ lừng lẫy của kẻ tự phong cho mình là người giúp mấy chục ngàn người dân rũ bỏ đói nghèo trở thành tỉ phú, không còn vẻ oai phong của người luôn mặc quân phục để mạo danh người của quân đội nữa. Giang đi đôi dép tổ ong màu xám, đôi tất chân cũng màu xám. Ngồi trả lời phỏng vấn tôi, bên cạnh và ngoài cửa là 3 cán bộ Công an canh giữ, đôi tay Giang luôn đan chặt vào nhau, đôi mắt đỏ hoe, có lúc mắt cụp xuống…

"Bây giờ vào đây sống hai tháng rồi, rất buồn. Nếu được ra, tôi sẽ không làm đa cấp nữa. Tiền nhiều, chết cũng có mang theo được đâu, nhân quả mới là quan trọng. Bây giờ thì tôi đang gánh chịu", Lê Xuân Giang đã nói với tôi như thế.

Nhìn Giang khi ấy, có đôi lúc, tôi - một người phụ nữ làm báo, cũng mềm lòng lại. Nhưng, chính Giang lại nói đến giờ chỉ còn 134 tỉ đồng, tiền đó là của công ty, nhưng công ty là của Giang nên cũng là tiền của Giang. 

Dù đã nộp cho cơ quan điều tra, Giang vẫn nói rằng công ty không có trách nhiệm phải trả lại tiền cho người tham gia đa cấp. Khi ấy, bao nhiêu bi kịch gia đình khốn đốn, bao nhiêu người phụ nữ bạc đầu vì đa cấp, bao nhiêu người trắng tay, bao nhiêu người đã mất cả xương máu, mồ hôi nước mắt vì đa cấp lại xoáy vào tâm can tôi.

Tôi không thể dừng lại hành trình vạch trần đa cấp biến tướng lừa đảo đang hoành hành, như hàng trăm con đỉa khổng lồ hút máu hàng triệu dân nghèo.

Làm những phóng sự điều tra đa cấp lừa đảo không phải để đẩy vài lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt vào tù. Mục tiêu là lỗ hổng pháp lý giám sát hoạt động bán hàng đa cấp, khiến cho mô hình kinh doanh được cho là tiên tiến trên thế giới, về Việt Nam lại biến tướng thành lừa đảo phải được bịt lại.

Những vị cán bộ buông lỏng chức trách của mình, sẽ phải chịu trách nhiệm, ít nhất là với lương tâm mình và trước dư luận cả nước. Mục tiêu, là không còn cảnh một người quản lý như ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, chỉ biết cười khi được hỏi về trách nhiệm, dù sau lưng ông đang là nước mắt của 60 nghìn bi kịch mang tên đa cấp.

Nhà báo Bạch Hoàn hiện đang công tác tại Trung tâm Tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam. Một trong những cây bút điều tra xuất sắc hiện nay.

Bạch Hoàn
.
.