Bế tắc người nhập cư Châu Âu: Bỏ thì thương vương thì tội

Thứ Ba, 10/11/2015, 16:52
Một hội nghị giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước Balkans vừa kết thúc tại thủ đô Brussels (Bỉ) đã thông qua bản kế hoạch 17 điểm, nhằm giải quyết dòng người di cư đang đổ về “lục địa già” thông qua cửa ngõ Hy Lạp trong bối cảnh một số nước “tuyến đầu” cảnh báo đóng cửa biên giới nếu các nước Bắc Âu ngừng tiếp nhận người di cư. Tuy nhiên, bản kế hoạch này còn mang tính cục bộ, chưa phải là lời giải thấu đáo cho bài toán nhập cư đang trở thành gánh nặng ngày càng lớn cả về kinh tế, xã hội và an ninh đối với các quốc gia châu Âu.

Trong bối cảnh cả EU đang loay hoay đi tìm tiếng nói chung cho cuộc khủng hoảng người tị nạn, giải pháp tốt nhất hiện nay là cần thống nhất hành động, nhưng “lục địa già” vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Rất có thể trong tương lai không xa, thế giới sẽ phải chứng kiến sự sụp đổ lặng lẽ của Liên minh châu Âu.

Chưa thể thống nhất hành động

Hội nghị nói trên đã quy tụ lãnh đạo các quốc gia nằm trên tuyến đường Balkans từ Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới Hungary và Slovenia. Mục tiêu hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các nước trong vấn đề người di cư và bàn biện pháp đối phó với làn sóng hàng ngàn người di cư và tị nạn đang tiếp tục tràn vào châu Âu. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là “đưa ra một đề xuất chung và phải thực hiện ngay lập tức” bởi tình trạng khẩn cấp đang xảy ra ở các nước dọc theo tuyến đường của người di cư, phía tây Balkans; đồng thời hối thúc các nước châu Âu tạm ngừng việc đẩy người di cư sang các nước láng giềng trong hoàn cảnh hỗn loạn.

Các đại biểu dự hội nghị đặc biệt nhấn mạnh rằng, Hy Lạp là cửa ngõ vào châu Âu qua biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, Hy Lạp vừa là nguyên nhân, vừa là giải pháp đối với làn sóng người xin tị nạn tràn vào châu Âu đến từ Syria, Iraq cũng như Afghanistan. 

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, trong tổng số gần 700 nghìn người nhập cư trái phép vào EU kể từ đầu năm, trên 500 nghìn người qua các hòn đảo của Hy Lạp và phần lớn muốn tới Đức hoặc Thụy Điển. Vì vậy, các quốc gia tham dự hội nghị nói trên đã một lần nữa kêu gọi Hy Lạp nối lại việc kiểm soát biên giới với Macedonia nhằm đóng con đường từ khu vực Balkans tới Đức.

Cho tới hiện tại, chưa có một biện pháp nào có thể ngăn cản được “dòng lũ” người nhập cư.

Chỉ trong tuần qua, Slovenia - quốc gia nhỏ nhất EU với dân số 2 triệu người - lại trở thành một trong những khu vực trung chuyển mới của người nhập cư khi có tới 56 nghìn người đi qua nước này. Kể từ sau khi Hungary đóng cửa biên giới, dòng người di cư đã sử dụng “con đường Balkans” để thay đổi lộ trình, di chuyển từ Hy Lạp tới Serbia, Croatia để sau đó tới Slovenia, trước khi vào lãnh thổ Áo và Đức. 

Tại khu vực biên giới Nga đã xuất hiện hàng trăm người di cư dùng xe đạp trẻ em làm phương tiện vượt biên giới vào EU sau khi giới chức Nga ban lệnh cấm đi bộ xâm nhập lãnh thổ nước này nhằm ngăn nạn nhập cư. Trong khi đó, theo luật pháp Na Uy, đi xe đạp vào lãnh thổ của họ cũng là bất hợp pháp nếu không có giấy tờ hợp lệ.

Trong bối cảnh này, Bulgaria, Serbia và Romania - 3 nước “tuyến đầu” - tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới nếu Đức và các nước khác cũng có hành động tương tự; đồng thời cảnh báo không để khu vực Balkans trở thành “vùng đệm” cho những người di cư đang bị kẹt lại. 

Thái độ kiên quyết của Bulgaria, Serbia và Romania đang tạo áp lực cho các nhà lãnh đạo châu Âu. Bởi lẽ, trong những tháng gần đây, Serbia - quốc gia không phải là thành viên EU - bị tắc nghẽn bởi dòng người di cư từ Hy Lạp và Macedonia kéo đến. Vấn đề là sẽ có nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo nếu người tị nạn tiếp tục bị mắc kẹt ở các biên giới mà không có nơi ở phù hợp. Slovenia và Serbia đang yêu cầu sự trợ giúp sau khi hai nước này trở thành cửa ngõ chính của người tị nạn.

Cụ thể là Slovenia muốn châu Âu chi 140 triệu euro và nếu không có sự hỗ trợ thì nước này có thể xây dựng hàng rào biên giới với Croatia. Thực tế, các thành viên EU đã cam kết hỗ trợ tổng cộng 2,3 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư nhưng đến nay chỉ mới cung cấp được 275 triệu euro. 

Do vậy, châu Âu phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, với việc viện trợ khẩn cấp thay vì những cam kết trên giấy. Thế nhưng, “lục địa già” vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung khi mà ngay cả hội nghị lần này cũng bị chia rẽ bởi các quan điểm trái chiều. Sự mất niềm tin lẫn nhau giữa các chính phủ EU đang ở mức báo động. Đức liên tục thúc giục các nước EU mở cửa và đón nhận người tị nạn, nhưng những nhà lãnh đạo khác lại đặt ưu tiên hàng đầu là việc kiểm soát biên giới bên ngoài EU, từ chối tiếp nhận người tị nạn và trả tiền để các nước thứ ba giữ những người tị nạn trên lãnh thổ của mình.

Chờ đợi một giải pháp toàn châu Âu

Theo kế hoạch được thông qua, các nước nằm dọc tuyến di cư sẽ trao đổi thường xuyên thông tin và phối hợp cung cấp nơi tạm trú chân, thức ăn, hỗ trợ y tế, nước uống. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, EU sẽ bảo đảm tiếp nhận 100 nghìn người di cư tại các trạm trú chân dọc tuyến đường Balkans bắt đầu từ Hy Lạp. Đồng thời, EU sẽ khẩn cấp siết chặt kiểm soát biên giới với các nước ngoài liên minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển Hội đồng châu Âu (CEB) sẵn sàng tài trợ cho việc giải quyết khủng hoảng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, EU sẽ bảo đảm tiếp nhận 100 nghìn người di cư tại các trạm trú chân dọc tuyến đường Balkans bắt đầu từ Hy Lạp.

Có thể nói, sau nhiều tranh cãi, cuối cùng các nước EU đã thống nhất được giải pháp lớn cho vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây mới chỉ là một giải pháp mang tính cục bộ cho vấn đề nhập cư và còn không ít chông gai. Trước mắt, việc triển khai thực hiện các thỏa thuận nói trên không hề đơn giản trong bối cảnh lợi ích của các quốc gia điểm đến (Đức, Áo, Thụy Điển) và các quốc gia trung chuyển là rất khác nhau. 

Trong khi Đức nhấn mạnh mục đích là các nước EU đồng thuận về việc xóa bỏ “con đường Balkans” và phân chia trách nhiệm tốt hơn dọc tuyến đường này, thì Croatia tuyên bố nước này không chấp nhận trở thành vùng đệm. Hy Lạp cũng khẳng định không có khả năng trở thành trung tâm lưu giữ người tị nạn Syria.

Bên cạnh đó, thỏa thuận nêu trên cũng chưa thể giúp EU giải quyết một loạt khó khăn kinh tế, xã hội và các thách thức an ninh khi phải tiếp nhận số người di cư và tị nạn đã lên tới hàng triệu người. Gánh nặng nhập cư đang đè nặng lên các quốc gia trong khu vực. 

Theo thống kê, Đức đã phải dành 6 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong năm nay. Theo ước tính, khoản chi ngân sách mà quốc gia này phải bỏ ra để giải quyết vấn đề trên trong hai năm tới sẽ lần lượt lên đến 10 và 12 tỷ euro. Những khoản chi ngân sách lớn đột xuất như trên có thể ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và ngân sách hoặc mức xếp hạng tín nhiệm của một số nước EU. Làn sóng nhập cư cũng đang bào mòn phúc lợi xã hội của EU cũng như tạo nên các nguy cơ an ninh lớn với châu Âu trong bối cảnh các phần tử khủng bố đang trà trộn theo dòng người nhập cư tràn vào châu Âu và trở thành “bom nổ chậm” tại đây.

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh làn sóng người tị nạn Trung Đông chạy trốn chiến tranh, giờ đây còn có thêm di dân kinh tế. Những người dân vùng Balkans nghèo khó, thất nghiệp, hy vọng tìm một cuộc sống mới tại Đức. Hiện tượng di dân kinh tế “tháp tùng” theo làn sóng tị nạn chiến tranh đang khiến nhiều quốc gia loay hoay trong việc đối phó với hai làn sóng di dân cùng một lúc. 

Ngoài ra, làn sóng Balkans còn xuất phát từ lòng tham của các tổ chức tội ác buôn người. Các nhóm xã hội đen đã thu được những món tiền khổng lồ và khuyến khích dân chúng ra đi. Tìm cách đánh lừa các chính phủ Tây Âu với hy vọng được tị nạn chính trị, không ít di dân kinh tế đặt bom dưới xe hơi hoặc đánh sập cửa nhà để xin cảnh sát cấp giấy chứng nhận họ là mục tiêu của khủng bố, không thể sống tại quê nhà.

Cho tới hiện tại, chưa có một biện pháp nào có thể ngăn cản được “dòng lũ” người nhập cư. Và cũng chưa một quốc gia châu Âu nào (kể cả Đức và Pháp) có đủ cơ sở để đón tiếp hàng triệu người tị nạn đã và sắp đến. Những khó khăn, thách thức trên đây cho thấy, ngay cả khi EU triển khai có hiệu quả thỏa thuận 17 điểm tại hội nghị vừa qua, thì cơn khủng hoảng người nhập cư sẽ tiếp tục là một bài toán hóc búa trong những năm tới. 

Hai vấn đề cơ bản và gai góc nhất với “lục địa già” là việc tìm tiếng nói chung trong đại gia đình EU và ngăn chặn nguồn cung người tị nạn tiếp tục gia tăng từ các nước láng giềng. Để giải quyết tận gốc hai vấn đề nói trên, EU không chỉ cần sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên, mà rất cần có sự “đồng tâm hiệp lực” của các quốc gia ngoài khối…

Lê Nam
.
.