Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016: Bên tám lạng phía nửa cân

Thứ Năm, 12/05/2016, 15:19
Đã có những tín hiệu cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đang là cuộc đua song mã giữa cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (đảng Dân chủ) và tỷ phú Donald Trump (đảng Cộng hòa) khi hai ứng cử viên hàng đầu này tiếp tục giành những chiến thắng quan trọng tại các cuộc bầu cử sơ bộ. 


Theo đó, tỷ phú Donald Trump tiếp tục mạch thắng lợi khi vượt qua các đối thủ “khó nhằn” như Ted Cruz và John Kasich tại Pennsylvania, Maryland, Connecticut, Rhode Island và Delaware, qua đó duy trì lợi thế trong cuộc đua giành suất đại diện đảng Cộng hòa ra tranh ghế tổng thống Mỹ. 

Bên phía đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng dễ dàng áp đảo Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tại bốn bang gồm Maryland, Delaware, Connecticut và Pennsylvania. Với cục diện hiện tại, bà Hillary vẫn chiếm nhiều ưu thế hơn, tiếp tục gây áp lực để buộc các ứng viên khác phải rời cuộc đua.

Ưu thế vượt trội

Có thể nói, Hillary Clinton và Donald Trump đang tăng tốc và tạo thế song mã trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Các cuộc bầu cử sơ bộ năm nay, đặc biệt là cuộc bầu cử trong ngày “siêu thứ ba”, mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định tới số phận của ứng viên trong cuộc đua tới Nhà Trắng. 

Theo đó, một ứng viên Cộng hòa cần giành được 1.237 phiếu đại biểu để được bầu chọn làm ứng cử viên tổng thống của “Những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa), trong khi một ứng cử viên Dân chủ cần có được ít nhất 2.382 phiếu đại biểu để sở hữu tấm vé duy nhất đại diện cho “Những chú lừa” (biệt danh của đảng Dân chủ) trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Tính đến thời điểm hiện tại, bà Hillary đã có 2.141 đại biểu (đạt gần 90% số đại biểu cần thiết), còn ông Sanders bị bỏ xa khi chỉ có 1.321 đại biểu, và gần như không còn cơ hội chiến thắng. Cựu Ngoại trưởng cam kết chiến dịch của bà sẽ thiết lập các mục tiêu phát triển rõ nét để cải thiện đời sống người dân. 

Phu nhân cựu Tổng thống Clinton tuyên bố sẽ cố gắng hết sức cho cuộc tổng tuyển cử, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía cử tri trung thành của ông Sanders cùng nhau làm nên chiến thắng của đảng Dân chủ cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri đảng Cộng hòa không hài lòng với sự lựa chọn ứng viên của đảng mình. 

Bà khẳng định, nếu đảng Cộng hòa chiến thắng, đường lối chính sách sẽ “rối loạn”, và không thể xây dựng nên một nước Mỹ có thêm nhiều cơ hội cũng như ngăn chặn thực trạng bất bình đẳng.

Donald Trump và Hillary Clinton đang bứt phá tạo thế song mã trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Trong khi đó, bất chấp nỗ lực liên minh của hai ứng cử viên đảng Cộng hòa để ngăn đà thắng thế, tỷ phú bất động sản Donald Trump vẫn liên tục giành thêm các phiếu đại biểu, vượt xa các đối thủ của mình. Ông ca ngợi chiến thắng của bản thân là “chiến thắng lớn của tất cả người dân Mỹ”, kêu gọi Nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thống đốc Ohio John Kasich bỏ cuộc.

Sau những chiến thắng lớn với hơn 50% số phiếu bầu tại mỗi bang, ông Trump đã giành được 950 đại biểu, vượt trội so với ông Cruz và ông Kasich với lần lượt 544 và 153 đại biểu.

Tuy nhiên, ông vẫn còn phải trông chờ vào những cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới, đặc biệt là tại bang Indiana, để đạt được con số 1.237 đại biểu cần thiết nhằm trở thành ứng viên chính thức chạy đua vào Nhà Trắng trong Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa tổ chức ở Cleveland vào tháng 7 tới.

Đánh giá về cuộc đua giành đề cử trong nội bộ đảng Dân chủ, Tổng thống Barack Obama nhận định bà Hillary Clinton là ứng cử viên hiểu rõ những yêu cầu và bản chất công việc của một tổng thống.

Với thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nam Carolina trước đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ không những củng cố vị thế ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ, mà còn có bước chạy đà hoàn hảo trước những ngày bầu cử “nóng bỏng”, mang tính chất quyết định. 

Theo kết quả thăm dò mới nhất của kênh tin tức MSNBC, có tới 80% số cử tri tham gia các cuộc thăm dò mong muốn một ứng cử viên lão luyện chính trường lãnh đạo đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Đó là lý do vì sao bà Hillary, với hơn 20 năm kinh nghiệm chính trường, được phần lớn cử tri Dân chủ bỏ phiếu.

Ở bên kia chiến tuyến, trái với các dự báo rằng Donald Trump chỉ là hiện tượng nhất thời và không thể tiến xa, những diễn biến gần đây đã khiến dư luận buộc phải đổi ý. Sức hút của tỷ phú “vạ miệng” Trump có được là nhờ nền kinh tế Mỹ vẫn đang vật lộn đi lên sau cuộc khủng hoảng năm 2008. 

Hơn nữa, những người ủng hộ tỷ phú Trump không hài lòng với đường lối lãnh đạo “nhạt nhòa” hiện nay của Nhà Trắng cũng như Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. 

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cử tri đảng Cộng hòa tin rằng nhà tài phiệt là lựa chọn tốt nhất để dẫn dắt nền kinh tế xứ Cờ hoa nhờ vị thế tỷ phú cùng tư duy kinh doanh sắc bén. Về chính sách đối ngoại, nhiều cử tri ủng hộ ông Trump khi nói rằng họ cần một cá nhân dám nghĩ và dám thay đổi sự do dự của Nhà Trắng trước mối đe dọa khủng bố mà Mỹ và phương Tây đang đối mặt.

Nghị sĩ Ted Cruz và Thống đốc Kasich sẽ “phối hợp tác chiến” để cản trở con đường chiến thắng của Donald Trump.

Khó khăn và kịch tính

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được đánh giá cao về kinh nghiệm hoạt động chính trị, sự sắc sảo và truyền thống gia đình (chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton). Bà Hillary Clinton cũng rất được người Mỹ gốc Phi ở các bang miền Nam yêu mến. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi tỷ lệ người Mỹ gốc Phi chiếm một nửa số cử tri của đảng Dân chủ tại nhiều bang.

Là ứng cử viên nữ duy nhất song cựu Đệ nhất phu nhân Clinton luôn thể hiện trước công chúng một phong thái mạnh mẽ, chuyên nghiệp, không hề thua kém một chính khách nam nào. Khoảng thời gian nắm giữ chiếc ghế Ngoại trưởng Mỹ đã giúp bà tạo dựng được hình ảnh người phụ nữ quyền lực, có đủ khả năng trở thành người đứng đầu nước Mỹ.

Tuy nhiên, bà Hillary Clinton chưa thể hoàn toàn loại bỏ được Thượng nghị sỹ Bernie Sanders ra khỏi cuộc đua chính trị khi chính khách này khẳng định vẫn còn khả năng chiến thắng, đồng thời tuyên bố chưa có ứng cử viên nào chạm đến số phiếu cần thiết. 

Ông Sanders cũng chỉ trích bà Hillary gay gắt, cho rằng trong vai trò Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama, bà đã tập trung quá mức cho việc vạch ra một chính sách Trung Đông, góp phần vào sự trỗi dậy của các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS. Bà cũng bị “soi” sau vụ bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân vào việc công hoặc bị cáo buộc trách nhiệm trong vụ đại sứ quán Mỹ tại Libya bị tấn công hồi năm 2012.

Bà Hillary đón nhận những chỉ trích gay gắt liên quan tới chính sách Trung Đông và vụ bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân.

Đối thủ tiềm năng của bà Hillary Clinton là tỷ phú Donald Trump lại có cú bứt phá ngoạn mục và đầy bất ngờ. Đã có không ít ý kiến hoài nghi khi ông trùm bất động sản này tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Khi mới bắt đầu tham gia cuộc đua, “người ngoại đạo” Trump được coi là một nhân tố lạ, gây chú ý bởi những phát ngôn sốc.

Tuy nhiên, không hề tỏ ra kém cạnh với bà Hillary, Donald Trump ngày càng chứng tỏ là một ứng cử viên tiềm năng nhất so với những đối thủ còn lại của đảng Cộng hoà ra tranh chức Tổng thống Mỹ, khiến các ứng cử viên khác phải giật mình và phải thừa nhận ông là một nhân vật đáng gờm.

Đối mặt với thất bại nặng nề, các đối thủ cùng đảng với tỷ phú Trump vẫn hi vọng vào những cơ hội cuối cùng để lật ngược tình thế. Nghị sĩ Ted Cruz dự đoán mọi thứ sẽ thay đổi khi mà ban quản lí chiến dịch tranh cử của ông và Thống đốc Kasich đã thông báo “phối hợp tác chiến” để cản trở con đường chiến thắng của Donald Trump. 

Kế hoạch liên minh của hai bên cùng nhất trí ông Kasich sẽ rút khỏi cuộc chạy đua tại bang Indiana, để Cruz có thể giành trọn số đại biểu trước đối thủ Trump. Theo một cuộc khảo sát của MSNBC, tỉ lệ ủng hộ của các cử tri tại bang Indiana cho ứng cử viên Trump và Cruz rất sít sao, với kết quả lần lượt là 40% và 35%.

Theo giới phân tích, nếu tỷ phú Donald Trump trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ có một cuộc đua “dễ thở”. 

Ông Trump được cho là bị “vạ miệng” sau những phát biểu mang tính thù địch với nhiều cộng đồng trong xã hội Mỹ. Thậm chí có ý kiến đánh giá tỷ phú này đã nêu ra những ý tưởng chính sách vô giá trị như việc dựng lên một bức tường để ngăn người Mexico vượt biên trái phép và yêu cầu Mexico phải thanh toán chi phí xây dựng bức tường này, hay cấm người Hồi giáo tới Mỹ. Tuy vậy, hiện còn quá sớm để dự đoán ai sẽ trở thành người chèo lái nước Mỹ trong 5 năm tới khi cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống chỉ vừa mới bắt đầu. 

Việc bà Hillary Clinton và ông Donald Trump giành chiến thắng vang dội khiến dư luận có thể tin vào một cuộc đua song mã đầy kịch tính giữa hai nhân vật “đối lập” sẽ diễn ra trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Hồng Hạnh
.
.