Thế giới những ngày đầu năm 2017

Bất ổn tiếp diễn

Thứ Sáu, 10/02/2017, 16:10
Thế giới chỉ vừa bước sang năm 2017, thế nhưng bức tranh toàn cảnh vẫn chưa xuất hiện nhiều điểm sáng. Vấn nạn khủng bố và bạo lực gia tăng xảy ra tại nhiều nước khiến hàng trăm người thương vong, báo hiệu không ít chông gai đang còn ở phía trước.

Trong khi đó, những mâu thuẫn giữa các cường quốc vẫn âm ỉ, đặt ra yêu cầu cấp bách về các giải pháp phi bạo lực. Và nguy cơ “tan thành mây khói” của những thỏa thuận hòa bình đang đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng. Giờ chính là lúc các nhà lãnh đạo phải thể hiện bản lĩnh và khả năng chèo lái của mình.

Khủng bố đẫm máu

Khủng bố và bạo loạn khiến hàng chục người thiệt mạng xảy ra tại nhiều nước. Một vụ đánh bom và xả súng kinh hoàng đã xảy ra tại thủ đô Mogadishu, Somalia ngày 25-1 khiến ít nhất 13 người chết và hàng chục người khác bị thương. 

Những kẻ tấn công đã kích nổ một chiếc xe bom trước cổng khách sạn Dayah, nơi một vài thành viên của quốc hội được cho là đang lưu trú. Không lâu sau vụ nổ đầu tiên, vụ nổ thứ hai xảy ra khi xe cứu thương và các phóng viên tới hiện trường vụ nổ thứ nhất, khiến nhiều người có mặt trong khu vực thiệt mạng và bị thương. 

Hiện nhóm phiến quân Al-Shabab đã nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công nói trên. Al-Shabab có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và đang tìm cách lật đổ Chính phủ Somalia được quốc tế hậu thuẫn và thường tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của chính phủ, mục tiêu dân sự, quân sự.

Tehran sẽ không để Washington phá vỡ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các tay súng tấn công vào một hộp đêm tại Istanbul, khiến 39 người thiệt mạng và 69 người bị thương. Sau đó, một vụ nổ bom xe xảy ra bên ngoài một tòa án ở thành phố Izmir, khiến 1 cảnh sát và 1 nhân viên tòa án thiệt mạng, ít nhất 11 người khác đã bị thương. 

Tại Brazil, chỉ năm ngày sau vụ ít nhất 50 người đã thiệt mạng vì bạo loạn đẫm máu tại một nhà tù ở thành phố Manaus, thì đến ngày 6-1, tại một nhà tù ở bang Roraima lại xảy ra vụ bạo loạn mới khiến 33 tù nhân thiệt mạng. Trước đó, ít nhất 11 người đã thiệt mạng khi một tay súng tấn công một bữa tiệc và sau đó tự sát trong dịp lễ mừng năm mới tại thành phố Campinas.

Ngày 10-1, một vụ đánh bom kép đã xảy ra tại Afghanistan khiến hơn 50 người thiệt mạng, trong đó có 5 nhà ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), và hơn 100 người khác bị thương. 

Vụ đánh bom liều chết đầu tiên do một phần tử Taliban tiến hành ở Lashkar Gah, thủ phủ tỉnh Helmand; trong khi vụ nổ thứ hai xảy ra gần tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kabul. 

Vài giờ sau, vụ đánh bom thứ ba xảy ra bên trong nhà khách của chính quyền tỉnh Kandahar, làm ít nhất 11 người thiệt mạng và gần 20 người khác bị thương. Các vụ đánh bom làm gia tăng quan ngại về tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Afghanistan, đặc biệt là trước mối đe dọa của các phiến quân Taliban, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Đàm phán đổ vỡ

Thỏa thuận hạt nhân mà Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được giữa năm 2015 đang bên bờ vực phá sản, trong bối cảnh Mỹ vừa gia hạn Đạo luật trừng phạt Iran (ISA) thêm 10 năm. 

ISA được thông qua lần đầu vào năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng Iran và răn đe việc Tehran theo đuổi tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran đã kịch liệt phản đối quyết định nói trên khi cho rằng Mỹ đang hành động ngược lại với các cam kết của mình. Tehran sẽ không để Washington phá vỡ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới, đồng thời cảnh báo về hậu quả nếu Mỹ đi ngược lại thỏa thuận.

Thủ tướng Theresa May “kích hoạt” Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để Anh rời EU (Brexit).

Trong một diễn biến tương tự, thỏa thuận ngừng bắn để tiến tới hòa đàm, chấm dứt nội chiến tại Syria đang đối diện nguy cơ đổ vỡ. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ đêm 29-12-2016, là lệnh ngừng bắn mới nhất do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, có sự tham gia của các lực lượng Chính phủ Syria và 7 nhóm vũ trang đối lập. 

Tuy nhiên, quân đội Chính phủ Syria cùng các tay súng thuộc phong trào Hezbollah của Liban vừa qua đã mở cuộc tiến công nhằm tái chiếm một khu vực được coi là nguồn cung cấp nước chủ chốt cho thủ đô Damascus hiện do các nhóm nổi dậy kiểm soát. 

Chính phủ Syria cáo buộc phiến quân đã “phạm sai lầm”, đồng thời phá hủy đường ống dẫn dầu làm ô nhiễm các nguồn cung cấp nước cho cả khu vực. Trong khi đó, khoảng 10 nhóm nổi dậy tuyên bố dừng thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Trung Đông tiếp tục trở thành điểm nóng khi triển vọng về giải pháp hai nhà nước tại Bờ Tây đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Israel thông báo kế hoạch xây dựng thêm 3.000 nhà định cư Do Thái tại khu vực này để “đưa cuộc sống trở lại bình thường”. Tuy nhiên, Palestine cho rằng Israel đang chôn vùi giải pháp hai nhà nước. 

Palestine coi việc xây dựng nhà định cư Do Thái trái với luật pháp quốc tế vì chúng được xây trên các phần đất mà Israel chiếm đóng của Palestine trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Palestine khẳng định, giải pháp hai nhà nước thông qua đàm phán là cách duy nhất để đạt hòa bình bền vững, đồng thời đe dọa sẽ kiện Israel ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

Mâu thuẫn âm ỉ

Thời gian qua tiếp tục chứng kiến căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa nhiều cường quốc. Tại châu Á, truyền thông Hàn Quốc đưa tin thông báo kế hoạch dựng tượng “phụ nữ mua vui” (mô phỏng các nạn nhân bị ép buộc phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trước và trong Thế chiến 2) trên nhóm đảo Dokdo, mà phía Nhật Bản gọi là Takeshima. 

Động thái này đã khiến quan hệ giữa hai quốc gia vốn nhiều “duyên nợ” trở nên căng thẳng hơn bởi trước đó, một bức tượng “phụ nữ mua vui” đã được dựng bên ngoài tòa Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Busan. 

Nhật Bản coi kế hoạch mới trên là không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định chủ quyền nhóm đảo Takeshima theo luật quốc tế và lịch sử. Nhật Bản đã triệu hồi đại sứ tại Hàn Quốc về nước, và đình chỉ các cuộc thảo luận kinh tế cấp cao giữa hai nước. 

Một vụ đánh bom tại thủ đô Mogadishu, Somalia.

Đáp trả lại, Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản ngừng tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo này, đồng thời triệu một quan chức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc tới để bày tỏ quan ngại và phản đối.

Ở châu Âu, quan hệ Nga -Ukraine có dấu hiệu xấu đi khi Ukraine đệ đơn kiện Nga lên Tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc, cáo buộc Moscow vi phạm công ước chống tài trợ cho khủng bố bằng cách cung cấp vũ khí và hỗ trợ các đơn vị vũ trang trái phép thực hiện hàng loạt các hành động khủng bố trên lãnh thổ Kiev. 

Ngoài ra, Moscow cũng vi phạm công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc khi tham gia cuộc vận động phân biệt đối xử các cộng đồng không phải người Nga sống tại bán đảo Crimea. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định Moscow không liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Nga cho rằng chính quyền Ukraine đang theo đuổi những lợi ích chính trị “thiển cận”, và Moscow sẽ sử dụng những phương tiện bảo vệ pháp lý sẵn có để đáp trả hành động của Kiev.

Được chú ý hơn cả là tình cảm “rạn nứt” giữa Mỹ và Iran khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng hủy thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ chính thức đưa Iran vào diện “lưu ý”, đồng thời sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. 

Động thái trên của Mỹ được đưa ra sau cáo buộc Iran tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 29-1. Phía Iran lên tiếng xác nhận đã thử một tên lửa đạn đạo, tuy nhiên khẳng định hành động trên không vi phạm thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc hồi năm 2015. 

Iran cũng cảnh báo Mỹ không nên lợi dụng các vấn đề liên quan đến quốc phòng của Iran để gây ra những căng thẳng mới, và Iran sẽ không khuất phục trước những đe dọa của Mỹ về kiềm chế năng lực phòng thủ của Tehran.

Châu Âu lục đục

Trong vòng chưa đầy một tuần, châu Âu chứng kiến hai quyết định quan trọng. Trước tiên, lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về kế hoạch hành động nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt từ Libya vào châu Âu qua Địa Trung Hải. 

Kế hoạch nhấn mạnh các ưu tiên bao gồm trang bị và đào tạo các lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya, triệt phá các đường dây buôn người, hỗ trợ phát triển các cộng đồng địa phương tại Libya, tăng cường khả năng đáp ứng điều kiện sống cho người di cư ở Libya và hỗ trợ các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về người di cư. 

EU sẽ trích 31 tỷ euro để trợ triển khai kế hoạch này thông qua các gói viện trợ phát triển (ODA) dành cho châu Phi. Tuy nhiên, nội dung cốt lõi của kế hoạch là ngăn dòng người di cư ngay trong lãnh hải Libya đã vấp phải sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền. 

Họ cho rằng việc này sẽ đẩy phụ nữ và trẻ em đối mặt với điều kiện sống tồi tệ ở các trại tị nạn cũng như đối mặt với các nguy cơ xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột lao động hoặc bị buộc phải hồi hương.

Tiếp đó, với tỷ lệ 498 phiếu thuận và 114 phiếu chống, các nghị sĩ thuộc Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua dự luật mở đường cho Thủ tướng Theresa May “kích hoạt” Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để Anh rời EU (Brexit). Dự luật này sau đó sẽ được chuyển lên Thượng viện để thảo luận và có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 7-3 tới. 

Theo kế hoạch, chính phủ của Thủ tướng May sẽ chính thức “kích hoạt” điều 50 vào cuối tháng 3 để bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU dự kiến kéo dài khoảng 2 năm. 

Bên cạnh đó, Anh đã công bố “sách Trắng” đề ra các kế hoạch cụ thể cho các cuộc đàm phán sắp tới, trong đó nhấn mạnh nước Anh sẽ tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với EU nhưng không bao gồm quy chế chuyển tiếp vô thời hạn. Anh sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với EU, duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và Ireland, đồng thời tiếp tục có những đóng góp nhất định vào ngân sách EU.

Nam Hồng
.
.