Báo động đỏ cho nước Pháp
- Nước Pháp lại dậy sóng với thuế nhiên liệu
- Biểu tình bạo loạn ở Pháp: Nhượng bộ thôi là chưa đủ
- Chính phủ Pháp "đau đầu" với cuộc khủng hoảng lớn nhất thập kỷ
Cuộc khủng hoảng xã hội “chưa từng có” ở nước Pháp đã và đang khoét sâu mâu thuẫn trong lòng nước Pháp có nguy cơ lây lan sang một số nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Chính quyền “lùi”
Nhận thấy sự nguy hiểm của phong trào này, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron phải “lùi” một bước lớn. Sự nhượng bộ còn bao gồm hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1-2019. Hoãn trong vòng 6 tháng đối với việc siết chặt đánh giá kỹ thuật đối với ô tô, vốn nhằm vào các xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ thế, Chính phủ Pháp còn giảm thuế nhà, không áp dụng phí đường trong nội đô, hoãn áp dụng thuế đối với xe tải... “Bước lùi” của Chính phủ Pháp ngoài việc được cho là để giúp các nhà lãnh đạo nước này thảo luận thêm các biện pháp nhằm hỗ trợ nhóm lao động nghèo vốn phụ thuộc vào các phương tiện giao thông, mặt khác cũng cho thấy thất bại trong chính sách điều hành nhằm định hình lại nền kinh tế và các biện pháp cải cách gây tranh cãi, khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elysée đang giảm xuống mức thấp.
Sức ép đang đè nặng lên Tổng thống Macron và Chính phủ Pháp khi nguy cơ một cuộc biểu tình bạo lực mới được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra. Câu hỏi đặt ra cho chính phủ: Nước Pháp sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng “áo vàng” như thế nào? Hay nói cách khác, đâu là giải pháp chính trị để thoát khỏi khủng hoảng trong đối thoại?
Chỉ có một lối thoát hẹp cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đó là phải tham vấn khẩn cấp các đảng phái chính trị và đối thoại với người biểu tình. Đây cũng là bước đi đầu tiên để tìm một lối thoát, dù là hẹp, để bước ra ra khỏi cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ lan rộng.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã phải hủy chuyến đi Ba Lan dự Hội nghị Khí hậu quốc tế COP24, để lần lượt tiếp lãnh đạo của tất cả các đảng phái, phong trào chính trị từ tả sang hữu và cánh trung cũng như cực tả hay cực hữu để cùng nhau tham vấn tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.
Biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu trên đường phố Paris. |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Aghentina trở về cũng đã tới “hiện trường” tan hoang sau vụ biểu tình bạo động ở Paris.
Ông Macron đã đích thân yêu cầu Thủ tướng phải tiếp ngay “lãnh đạo chính trị có đại diện tại Quốc hội cũng như đại diện người biểu tình”. Bản thân Tổng thống cũng tiếp một số nhân vật lãnh đạo đối lập để tìm hướng giải quyết vụ bạo động đang có nguy cơ lan rộng khi những người “áo vàng” đe dọa sẽ có thêm nhiều “Thứ bảy” nữa tại Paris.
Sự nhượng bộ của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron được cho là giúp hạ nhiệt căng thẳng do làn sóng biểu tình lên tới mức bạo loạn do phong trào có tên “áo vàng” gây ra 3 tuần qua khiến 263 người bị thương và cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan ngại bởi thiệt hại lên tới hàng tỷ euro.
“Áo vàng” tiến
Phong trào “áo vàng” đã biến các cuộc biểu tình thành bạo loạn với màu sắc chính trị mà lãnh đạo các đảng chính trị đối lập như cựu Tổng thống Francois Hollande; bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) và một nhóm nhà chính trị đối lập kích động “thổi hồn” vào.
Những dấu hiệu của một cuộc “cách mạng màu” đã xuất hiện khi cuộc biểu tình “áo vàng” không ngừng leo thang gây ra làn sóng bạo lực. Đỉnh điểm căng thẳng đã xảy ra vào ngày 1-12 khi trung tâm Paris bị những kẻ biểu tình quá khích chống lại lực lượng cảnh sát, đập phá cửa hàng và công sở, cướp bóc hàng hóa, đốt hàng chục xe ô tô và thùng rác nhựa ven đường...
Khải hoàn môn - biểu tượng vinh quang của nước Pháp bị bôi bẩn. Sự hỗn loạn không chỉ giới hạn trên đại lộ Champs-Elysées mà đã lan ra các quận xung quanh. Bầu trời trung tâm Paris kín đặc khói đen từ lựu đạn cay của cảnh sát và các đám cháy do người biểu tình đốt xe ô tô và hàng rào công trường trên đường phố.
Phong trào “áo vàng” là gì và tại sao lại có sự tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị xã hội Pháp đến vậy? Hoạt động biểu tình, phản kháng xã hội vốn được coi là một trong “truyền thống” lâu đời của người Pháp qua nhiều thế kỷ và hầu hết các hoạt động này diễn ra hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của phong trào “áo vàng” trong 3 tuần qua rất khác thường khi lực lượng biểu tình được tập hợp qua mạng xã hội, giống như từng xảy ra ở các quốc gia đã trải qua “Mùa xuân Arab”.
Phong trào “áo vàng” tuy không thuộc bất kỳ một đảng phái chính trị hay tổ chức công đoàn nào, không có người lãnh đạo, đã gây khó khăn lớn nhất của các nhà lãnh đạo Pháp để tìm ra thủ lĩnh thực sự của phong trào này.
Tính chất vô tổ chức, mục tiêu đấu tranh không rõ ràng và sự manh động của những người “áo vàng” dựa chủ yếu vào sức ép đám đông để đe dọa nhà cầm quyền. Những phát ngôn viên tự xưng của phong trào không thể đại diện hết được cho tiếng nói của những người “áo vàng” thực sự, vì thế các lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay trở thành “lối hẹp”.
Các đảng phái đối lập lợi dụng tình hình quy trách nhiệm cho chính quyền của Tổng thống Macron. Họ đưa ra những đòi hỏi giải tán quốc hội, trưng cầu dân ý về chính sách hiện hành, đòi Tổng thống và Thủ tướng từ chức...
Cuộc biểu tình của những người nghèo
Theo sự phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh điểm tín nhiệm của tổng thống và chính phủ đang ngày càng xuống thấp như hiện nay, giải tán quốc hội sẽ là “cuộc tự sát chính trị” của đảng cầm quyền. Còn trưng cầu dân ý thì trưng cầu về cái gì?
Rõ ràng đây là cái cớ để các đảng phái chính trị đối lập một mặt lên án bạo lực, mặt khác không bỏ lỡ cơ hội thổi bùng lên ngọn lửa chống đối nhằm làm suy yếu Tổng thống Emmanuel Macron. Vậy làm sao để tham vấn những đối tác đang chạy theo phong trào phản kháng này để vụ lợi?
Điều gì đang tạo ra “sức hút” của phong trào “áo vàng”? Trả lời câu hỏi này, nhà chính trị học Benoit De Valicourt, cố vấn truyền thông của trang Observateur du Dimanche, phân tích: “Lần đầu tiên, gần như hầu hết dân chúng, cụ thể là 75% người dân ủng hộ phong trào “áo vàng”, nói rằng: Hãy lắng nghe chúng tôi! Hãy nghe những yêu cầu của chúng tôi!”.
Người dân thể hiện sự chán nản. Họ chán về những lời hứa được đưa ra mà không được thực hiện. Trong đó có cả lời hứa của chính phủ về cách vận hành kiểu mới, loại bỏ cách làm đã làm trì trệ trong đời sống chính trị Pháp.
Tổng thống Pháp E.Macron tới hiện trường vụ bạo loạn ở Paris. |
Ông Macron được bầu làm tổng thống vì những chính phủ trước đã không làm tròn chức năng của mình. Đáng tiếc là chính phủ kiểu mới đôi khi lại tỏ ra gần như tệ hơn cả kiểu cũ.
Trong bài viết tựa đề “Nỗi bất mãn về thuế của những kẻ bị lãng quên trong nền Cộng hòa”, tờ LExpress cho biết, nguyên nhân của biểu tình được thổi bùng lên do việc tăng giá xăng dầu, sự phẫn nộ đã âm ỉ từ nhiều tháng qua, nhất là tại những vùng mà nhà nước bỏ rơi.
LExpress trích lời Sylvaine, một cư dân ở thị trấn Blanc, tỉnh Indre, than thở: “Chúng tôi đã mất trụ sở tòa án, bây giờ cả nhà bảo sinh cũng đóng cửa luôn. Các dịch vụ công lần lượt biến mất”.
Đồng hương Noelle thì giận dữ nói: “Họ không thèm nghe chúng tôi thì chúng tôi lên Paris để lên tiếng cho họ nghe”. Theo LExpress, nghịch lý là ở chỗ những người biểu tình đã tập hợp lại để phản đối điều mà họ gọi là “trấn lột thuế”.
Thực tế đúng là tỷ lệ của toàn bộ các khoản đóng góp bắt buộc, tức toàn bộ các thuế tính trên GDP ở Pháp đã lên tới 45,3% năm 2017, theo số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE), đó là một kỷ lục mới.
Cũng năm 2017, toàn bộ số tiền đóng thuế và đóng góp xã hội mà dân Pháp phải trả đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ euro (chính xác là 1.038 tỷ), theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tài chính Hạ viện. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên tới 1.054 tỷ năm 2018 và 1.070 tỷ năm 2019.
Thuế nhiều như thế để làm gì vậy? Một số người nóng nảy đã vội thẳng thừng bác bỏ mô hình xã hội Pháp. Họ quên rằng, tại Pháp, tuy hệ thống an sinh xã hội ngày càng bị mất đi hiệu quả nhưng nhà nước vẫn bảo đảm được những phúc lợi xã hội như giáo dục miễn phí từ năm 3 tuổi, bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người, trợ cấp cho người thất nghiệp, thu nhập tối thiểu cho người già...
Mâu thuẫn ngày càng gia tăng, dân Pháp càng bớt đồng tình với thuế, trong khi sự đồng tình này chính là nền tảng cơ bản của nền Cộng hòa, nhất là trong tầng lớp trung lưu, bình dân.
Theo kết quả nghiên cứu của nhà xã hội học Alexis Spire, càng xuống phía dưới nấc thang xã hội, tâm lý bất mãn về thuế càng tăng. Chính những người có thu nhập thấp và có bằng cấp thấp nhất nghĩ rằng thuế hiện nay là quá cao và bất công. Sự cách biệt trong cái nhìn về thuế còn gắn liền với sự cách biệt giữa các vùng lãnh thổ.
Cũng theo điều tra trên, khi được hỏi Pháp có phải là quốc gia mà người dân đóng quá nhiều thuế hay không, chỉ có 39% dân Paris là “hoàn toàn đồng ý”, trong khi tỷ lệ này ở các vùng nông thôn lên tới 58% và ở các thành phố nhỏ là 62%.
Rõ ràng, các cuộc bạo loạn ở Paris đang báo động đỏ cho “một nước Pháp khác” của người nghèo. Vì thế không lạ khi nhiều người biểu tình “áo vàng” cho biết họ biểu tình trong lúc đã “cháy túi”.