Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015)

Báo chí, bộ trưởng và nghị trường

Thứ Hai, 08/06/2015, 14:33
Báo chí phản ánh về Bộ trưởng có lẽ hiếm nơi nào sôi động và gần hơn nghị trường Quốc hội – nơi có thể tiếp xúc, phỏng vấn, trao đổi giữa Bộ trưởng với các đại biểu và kéo dài cả tháng theo thời gian kỳ họp. Bởi thế, xuân thu nhị kỳ, người mới, người cũ tác nghiệp bên lề nghị trường có bao điều để nhớ, để ngẫm, cả điều lý thú và tất nhiên cũng không ít chuyện gay cấn, tâm tư…

Nhiều người nói, phóng viên báo chí nghị trường (tuyên truyền về kỳ họp Quốc hội) là “phóng viên salon, điều hòa”, ấy cũng là một lẽ bởi phạm vi xê dịch của các phóng viên chỉ quanh quẩn trong cái phòng báo chí độ trăm mét vuông với mấy màn hình trực tuyến, rộng hơn tý nữa là hành lang Quốc hội trong giờ đại biểu giải lao. Phạm vi chỉ có vậy thôi, điều hòa chạy mát quanh năm, nhưng thực sự không hề “mát lạnh” khi xét về độ nóng từ nghị trường, từ cử tri, dư luận và chính từ báo chí với vai trò là cầu nối giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với người dân. Chả thế mà có người nói “không khí nghị trường thì không thể hiền lành, duyên dáng, mát lạnh”.

Nhiều vị Bộ trưởng cũng đồng thời là đại biểu Quốc hội. Ở nghị trường, họ chính là người được báo chí quan tâm “săn đón”, nhất là khi trong phạm vi lĩnh vực, ngành thuộc bộ đó quản lý có vấn đề nóng nổi lên.

Ngày Quốc hội mới phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ, câu chuyện xăng dầu đến hồi quyết liệt khi ngoài chuyện liên tục xăng tăng giá gây bức xúc dư luận, chính Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã khởi phát một tín hiệu mới được báo chí, người dân rất trông đợi: thanh tra, làm rõ các đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Tuyên bố của ông gây rúng động: “Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui, kể cả Petrolimex, nếu không làm được, chúng tôi sẵn sàng đề nghị cho giải tán để lập tổng công ty khác”.

Giờ giải lao, ông trở thành nhân vật trung tâm được báo chí vây kín ngay hành lang Quốc hội, dù rằng chuyện xăng dầu hỏi tới hỏi lui thì cũng chỉ vậy nhưng như mạch ngầm khiến người ta không thể đứng ngoài cuộc. Bởi vậy, hình ảnh một vị Bộ trưởng thường mặc vest, xách chiếc catap bước ra khỏi hội trường rồi dừng lại trước hàng chục phóng viên báo chí, nói chuyện thân tình đến độ có hôm trời trưa, buổi họp đã xong cả giờ rồi mà báo chí vẫn khiến vị Bộ trưởng Tài chính “quên” nghỉ.

Phóng viên Quốc hội “vây” Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Cũng thời điểm đó, người mới ngồi vào “ghế nóng” Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng được báo chí “để mắt”. Chẳng là bởi, cái ghế Bộ trưởng Giao thông - Vận tải không hiểu vì lẽ gì mà dịp đó cứ hết chuyện này lại có chuyện khác gối lên, không trong phạm vi Bộ thì cũng là lĩnh vực Bộ quản lý, nhiều lúc dư luận sục sôi. Vị Bộ trưởng mới bắt mắt cánh báo chí trước hết có lẽ ở dáng vẻ bề ngoài rất chi thanh niên, trẻ trung. Nhưng cái cách tân Bộ trưởng nói mới khiến người ta chú ý: “Tôi muốn được như một vị tư lệnh ra mặt trận. Là tư lệnh phải cho tôi toàn quyền quyết định”.

Thực thì cái ý “tư lệnh” của ông không mới, nhiều người vẫn nghĩ như vậy và nói như vậy ở phạm vi nào đó, nhưng nói trước báo chí, đúng hơn là nói trước cả trăm phóng viên báo chí, lại khi vừa nhận chức thì quả đó là một dũng khí.

Và để khẳng định vai trò của mình, Bộ trưởng Thăng đã làm nhiều người bị sốc khi “trảm tướng” trong vụ chậm tiến độ xây đựng cảng hàng không Đà Nẵng; quyết liệt trong chỉ đạo nhằm giảm ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn (hạn chế xe máy, tăng cường xe công, đổi giờ làm việc…); đình chỉ 5 nhà thầu chậm tiến độ, kiểm điểm các nhà thầu. Rồi ông cũng cấm luôn cán bộ dưới quyền chơi golf… Hành động như tư lệnh trên mặt trận nên báo chí dành mỹ từ cho ông, và hẳn nhiên, họ cũng có lý do để có thêm nhiều bài phỏng vấn nóng.

Đương nhiên, không phải khi nào Bộ trưởng cũng có đủ thời gian và điều kiện để trả lời cả “rừng” câu hỏi báo chí. Ví như hồi ngành y tế xảy ra chuyện thẩm mỹ viện làm chết người rồi vứt xác phi tang, chuyện tiêm vaccine làm chết trẻ em, rồi bác sĩ vòi tiền bệnh nhân…, nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có lúc phải than: “Tôi vừa trả lời anh báo gì đó xong, cũng câu đó, giờ lại hỏi nữa”.

Phóng viên Báo CAND đặt câu hỏi phỏng vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bên hành lang Quốc hội. 

Nhưng không trả lời thì nhà báo lại bảo Bộ trưởng “né” hay có ý gì không hay, trả lời thì chẳng biết bao nhiêu cho đủ, chưa kể việc trả lời hay bị nhà báo cắt gọt, dễ bị “râu ông cắm cằm bà”, rồi thì trong văn nói không cẩn thận cũng dễ bị hớ. Rốt cuộc, nữ Bộ trưởng làm vừa lòng nhà báo bằng cách cho các phóng viên ghi câu hỏi vào giấy rồi tập hợp lại, hẹn hôm sau trả lời bằng văn bản. Hẳn cách làm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là phù hợp, tiện lợi cho cả đôi đường.

Lại nói về dũng khí của Bộ trưởng, hẳn báo chí các kỳ trước khó quên hình ảnh Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Cánh báo chí theo dõi nghị trường ấn tượng những câu nói đầy thẳng thắn của ông, ngay cả khi trả lời chất vấn và truy trách nhiệm. Chả là có lần bị đại biểu truy vấn xung quanh chuyện cấp quota, ông chẳng vòng vo gì cả, nói thẳng luôn: “Trách nhiệm là của tôi, của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển chứ không phải của ai cả, Quốc hội xử lý thế nào tôi nhận”.

Nhưng nghị trường và báo chí, Bộ trưởng không chỉ có những chuyện làm vui lòng người kể. Nhẩm lại, hơn 10 năm qua, có hai sự kiện Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm đối với chức vụ Bộ trưởng khi họ để xảy ra sai phạm và phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Và cũng chừng đó thời gian, câu chuyện về phiếu tín nhiệm, phiếu miễn nhiệm trở thành đề tài bàn luận khá nóng tại nghị trường.

Ngày 1/6/2004, khi ấy Hội trường Ba Đình hãy còn. Nắng tháng Sáu đến độ “cáu gắt”, còn các vị đại biểu đến nghị trường trong nhiều tâm tư khi thực hiện bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với ông Lê Huy Ngọ. Cuối cùng, với hơn 70% đại biểu tán thành, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng. Nghị quyết ghi rõ lý do miễn nhiệm ông.

3 giờ chiều, ông Lê Huy Ngọ xách chiếc catap từ Hội trường đi thẳng ra đường hoa hồng, đoạn mấy cây bằng lăng chỉ quá tầm người. Mấy anh em báo chí chúng tôi đứng cạnh ông, nhưng lúc bấy giờ cũng chẳng biết nên hỏi gì, nói gì, rồi một người rút túi lấy ra chiếc quẹt lửa châm thuốc cho ông. Mấy phút trầm tư thả khói mỏng tang, ông nói với chúng tôi: “Mình thấy đây cũng là việc bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị”…

Câu chuyện của ông “Bộ trưởng nông dân” rồi cũng dịu đi, cũng như cái nắng tháng sáu năm nào. Hai năm sau, Quốc hội lại sôi động với một kịch bản tương tự: Bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông - Vận tải đối với ông Đào Đình Bình.

Được tiếng cởi mở với báo chí, nhưng ông Bình dạo đó cũng không thể nói điều gì. Trong tờ trình, Thủ tướng nêu rõ việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bình vì có trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ án xảy ra tại PMU18 và một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có vụ lật tàu E1. Lại thêm một buổi chiều lắng đọng với báo chí chốn nghị trường…

Bỏ phiếu miễn nhiệm thì người bị bỏ phiếu “stop” rồi, còn gì để giãi bày với báo chí nữa, vả lại trước đó cũng đủ chuyện báo chí đã khơi rồi. Còn như lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong ba năm qua thì mọi chuyện không đến mức quá tâm lý, bởi suy cho cùng, lấy phiếu chỉ là thăm dò, là một bước “đo” tín nhiệm gần 50 vị trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước.

Giờ bước đi trong tòa nhà Quốc hội mới, cánh báo chí có phòng riêng dưới tầng hầm. Ở trong tòa nhà đó, phòng họp lớn nhất mang tên “Phòng Diên Hồng”, nơi gần 500 vị đại biểu Quốc hội ngồi hướng hình cánh quạt - một phong cách thiết kế mới xem ra hiện đại hơn kiểu chữ nhật truyền thống.

Cái tên “Diên Hồng” hẳn ngụ ý lấy cái hào khí Đông A năm xưa của cha ông để truyền cho các thế hệ đại biểu dân cử ngày nay tiếp lấy truyền thống, để đánh giá, phát biểu, để biểu quyết lập pháp cũng như những vấn đề hệ trọng của dân tộc. Và những vị Bộ trưởng, những đại biểu có dũng khí “Diên Hồng” hẳn thời nào cũng vậy, đều được cử tri, báo chí, nhân dân ngưỡng vọng.

An Nhi
.
.