Bâng khuâng ở bảo tàng thuốc phiện

Thứ Hai, 26/01/2015, 18:14
Họ treo biển, bán các bộ sưu tập cân tiểu ly, quả cân, đĩa cân, các hình thức đo lường cổ xưa và tân kỳ nhất với muôn hình vạn trạng mà người dân và các ông trùm vùng Tam Giác Vàng thường dùng để buôn bán thuốc phiện…

Dù thế nào, trong bức tranh “khai thác du lịch” điểm đến huyền thoại Tam Giác Vàng của 3 quốc gia Lào - Thái Lan - Myanmar, thì niềm vui hốt bạc vẫn thuộc về người Thái Lan nhiều nhất. Người ta có thể gặp ngàn lẻ một thứ mang nhãn hiệu “Golden Triangle” (Tam Giác Vàng) trên phần đất ngã ba biên giới, ven sông Mê Kong của tỉnh Chiang Rai.

Từ khách sạn 5 sao, resort, cả một bảo tàng, cả khu bệnh viện đến từng món đồ lưu niệm, áo mũ, bật lửa, tranh ảnh, từng mụn vải miếng sắt nhỏ nhất… người ta đều quyết tâm dán thương hiệu TGV vào.

Thậm chí người ta còn làm những cái triện bôi mực đóng cồm cộp lên tấm thiệp (post card) với hình con sư tử (“Con Sư Tử” - The Lion - là “thương hiệu” khét tiếng được đóng lên bánh heroin sản xuất tại Tam Giác Vàng). Tôi và nhóm bạn cũng “vỗ tay theo” bằng cách thích thú triện nhãn hiệu bánh heroin xịn Con Sư Tử và dòng chữ “Golden Triangle” vào hộ chiếu của mình, coi đó như một niềm tự hào nho nhỏ.

Những tiếng rên xiết thê lương trong… bảo tàng!

Ở thành phố biên thùy Tachilek của đất nước Myanmar còn có cả thành phố “City of Golden Triangle”. Nhưng không lại được người Thái. Đỉnh cao của kỹ nghệ và năng lực làm du lịch từ huyền thoại TGV của người Thái, có lẽ là ba thỏi nam châm đã và sẽ còn thu hút du khách: Bảo tàng nha phiến ở bờ sông Mê Kong, doi đất “Trái tim TGV” và khu căn cứ của “hoàng tử chết” Khun Sa (ở làng Me Sai, huyện Chiang Sean, tỉnh Chiang Rai, sát sạt đường biên giới với Myanmar).

Trước hết nói về Bảo tàng Thuốc phiện (House of Opium Museum). Đây là một thứ “của độc”. Nói đến Tam Giác Vàng, ai cũng nghĩ ngay đến thế giới hàng nghìn cây số vuông bạt ngàn cây thuốc phiện đơm bông kết trái, điệp trùng các tay súng trẻ con và hoạt động kỳ quái của “ông vua không ngai” Khun Sa. Bây giờ, dù tự nguyện hay bị ép buộc, các Chính phủ liên quan đã có nhiều nỗ lực bài trừ hoạt động trồng, sản xuất, buôn bán ma túy khỏi cuộc sống của mình.

Vậy thì làm sao để khai thác thật quyến rũ huyền thoại TGV phục vụ “ngành công nghiệp không khói”?. Thế là Bảo tàng Nha phiến ra đời. Tôi bước vào, cảm giác hơi lạnh lẽo. Một người đàn bà phốp pháp ngồi tươi cười, chắp tay trước mặt chào khách mua vé thăm Bảo tàng thuốc phiện. Hỏi gì cũng cười, xin quay phim chụp ảnh cũng cười, thoải mái.

Bảo tàng thuốc phiện ở Chiang Rai, Tam Giác Vàng.

Với ba tầng lầu, bạn sẽ gặp ở bảo tàng ma túy việc ông bác sỹ phương Tây tìm ra công dụng giảm đau của cây thuốc phiện, rồi ở thế kỷ 17, người ta hồn nhiên pha nhựa anh túc vào cà phê ăn với bánh ngọt, kẹo mút cho nó phê phê biêng biêng. Thế giới cũng không thể nào quên được cuộc chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và 8 nước đế quốc, kết quả là Trung Hoa lục địa thất bại, bị diều hâu cú vọ xâu xé.

Rồi hình ảnh ông Lâm Tắc Từ dùng bàn tay thép của mình hỏa thiêu tới 1,2 triệu lạng thuốc phiện tại Hổ Môn vào ngày 3/6/1836, lửa ma túy cháy suốt 20 ngày mới tắt. Hai nhân vật chống và ủng hộ thế lực dùng thuốc phiện thao túng thế giới là vua Đạo Quang của Trung Quốc và nữ hoàng Victoria cũng được “dựng tượng” tại bảo tàng.

Từ người đàn ông cáu bẩn nằm ám khói bê bết trong căn lều xơ xác với bộ bàn đèn ống tẩu, đến các vị “vua” với mưu đồ làm giàu và xác lập địa vị chính trị nhờ thuốc phiện, tất cả đều có mặt trong bảo tàng. Họ sưu tầm hiện vật, họ dựng tượng, trưng bày ảnh, sử dụng hiệu ứng ánh sáng, với tiếng rên xiết thê lương, không gian quái đản. Họ chiếu phim về thuốc phiện, công nghệ và hệ quả của nó. Có người gớm ghiếc như yêu quái vì vật thuốc, người thân tàn ma dại, nằm hút thuốc phiện phì phèo, người khổ sở cha giết con, con giết cha, vợ giết chồng rồi bị tống giam vì con ma anh túc đưa đường. Cái gì cũng có.

Tất cả được trình bày chi tiết đến… rụng rời: đây là gương mặt của từng dân tộc vùng TGV, từng trổ tài nghệ canh tác cây thuốc phiện; kia là hàng trăm thứ dụng cụ cạo chích, gom nhựa, rồi hàng chục loại cân tiểu ly, cân đĩa, mỗi quả cân là một hình thù cổ quái khác nhau. Và nữa, ảnh những nương hoa anh túc mênh mông, thứ nhan sắc giết người từng thống trị núi rừng, không gian, sông suối mà lãnh địa “vua” Khun Sa trùm lên lãnh thổ 3 quốc gia.

Trang phục, các cộng đồng người với bản sắc rực rỡ, cảnh nam nữ từ ông hoàng bà chúa đến những người đói rách nằm thoài loài rất phồn thực để ngất ngư hút thuốc phiện. Ảnh và tượng đắp “vua thuốc phiện” Khun Sa (Khun Sa Opium King) lúc cưỡi ngựa, lúc đủng đỉnh trong thế giới ma mãnh mà “Ông là một là riêng là thứ nhất/ Bạn bè chi không sánh nổi cùng… ông”.

Bảo tàng còn “quái đản” tới mức, trưng bày những thứ mà người Việt Nam có lẽ vĩnh viễn không bao giờ được mục sở thị ở ngoài đời: các lô-gô, nhãn hiệu, thương hiệu heroin loại xịn nhất mà Tam Giác Vàng có thể phân phối đi khắp thế giới (various heroin logoes).

Bảo tàng trưng bày những đồ vật liên quan đến thuốc phiện.

Nơi duy nhất trên thế giới treo biển bán “opium” (ma túy)

Đặc biệt, ở Bảo tàng Thuốc phiện, có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới, các cửa hiệu có treo biển bán… opium (thuốc phiện). Họ treo công khai, mua bán công khai, chỉ có điều những cái du khách mang về là đồ cổ sưu tầm, là hàng mỹ ký, quà hàng lưu niệm, giúp khách nhớ về một thế giới từng tràn ngập cây thuốc phiện và đủ loại ma túy khác mà khách từng có mặt.

Họ treo biển, bán các bộ sưu tập cân tiểu ly, quả cân, đĩa cân, các hình thức đo lường cổ xưa và tân kỳ nhất với muôn hình vạn trạng mà người dân và các ông trùm vùng Tam Giác Vàng thường dùng để buôn bán thuốc phiện, bạch phiến (heroin), metamphetamine…

Tôi ghi chép được các biển hiệu bán “thuốc phiện” (tên quốc tế là: opium), gồm: “opium weights”, “opium scales”, “opium boxes”, “opium pipes” (cân bán thuốc phiện, bàn đèn, ống tẩu, ống điếu hút thuốc phiện).

Trở lại câu chuyện làm du lịch nương theo huyền thoại TGV của người Thái Lan. Nếu như bầu chọn vài thứ hàng hóa mà người Việt Nam (và hầu hết các quốc gia khác) cấm đoán, bài trừ quyết liệt nhất, thì nhất định phải có: vũ khí nóng và ma túy. Theo luật pháp Việt Nam, buôn bán, vận chuyển một bánh heroin (khoảng 3,3 lạng) đủ để một người chịu án tử hình.

Và, nếu như thăm Bảo tàng Ma túy (Opium Museum), tất cả những thắc mắc, tò mò kỳ khu nhất, ngóc ngách nhất về công nghệ, kỹ thuật, truyền thống trồng, sản xuất, buôn bán, sử dụng ma túy của thế giới và của vùng Tam Giác Vàng rộng hàng nghìn cây số vuông núi non hiểm trở phủ bóng lên ba quốc gia Lào, Thái Lan, Myanmar… sẽ đều được lý giải tương đối đầy đủ; thì nhất định, thế giới tràn ngập huyền thoại của “vua thuốc phiện” Khun Sa cũng sẽ được tái hiện, cung cấp thông qua chuyến thăm “Khun Sa Old Camb”, lãnh địa, căn cứ cũ của “hoàng tử chết”.

Mũi đất nổi tiếng, nơi xuất phát tên gọi huyền thoại.

“Khun Sa Old Camb” nằm ở làng Me Sai, huyện Chiang Sean, tỉnh Chiang Rai, sát sạt đường biên giới giữa Thái Lan và Myanmar. Khác với hình dung và miêu tả bảy thực ba hư của nhiều người, đây không phải là khu lán trại, làng dã chiến với rợp trời súng đạn, càng không phải tòa ngang dãy dọc với khu “thái ấp” của Khun Sa được đầu tư hàng tỷ USD, gồm kiến trúc bằng đá trắng liền khối theo đúng vóc dáng Nhà Trắng bên nước Mỹ.

Cũng không ùng oàng bom đạn, không có quá nhiều đe dọa, hay các trạm gác họng súng lăm lăm mà người “đột nhập” phải khổ sở như Quan Công “quá ngũ quan trảm lục tướng… Tào”.

Đường vào căn cứ Khun Sa quả có đèo dốc hãi hùng gấp nhiều lần Tây Bắc Việt Nam, nhưng mặt đường mở rộng, trải nhựa êm ru, 70km từ Chiang Rai vào, có qua 5 cái trạm gác, có lính canh và các nhân viên an ninh kiểm soát rất lịch sự. Họ tươi cười làm nhiệm vụ, chứ mắt không lom lom hình viên đạn như ta vẫn hằng gặp.

Bởi sau khi Khun Sa quy hàng Chính phủ Myanmar, làng Me Sai, nơi có căn cứ địa của ông ta, lập tức được những người nhanh nhạy nghĩ cách kiếm tiền bằng cách đưa “lãnh địa bí ẩn” nức trời danh tiếng kia vào làm du lịch. Ngoài sự nhanh nhạy bắt huyền thoại tàn khốc đẻ ra tiền, tôi nghĩ, đây còn là một thái độ sòng phẳng với lịch sử, với các nhân vật dù ở phe nào, dù lương thiện hay bất nhân, nhưng rõ ràng họ đã gây nhiều ảnh hưởng cho lịch sử thế giới, đã là dấu cộng của những huyền thoại đáng để người đời tìm hiểu.

Dù là quỷ sứ hay thiên thần, người ta đều có nhu cầu tìm hiểu về “bọn chúng”. Chính vì thế, mà sự đầu tư làm du lịch ở “thủ phủ của Khun Sa” khá nghiêm túc, bài bản. Chúng ta có thể dựng lại bức chân dung thuyết phục nhất, chân thực nhất có thể có của “ông hoàng thuốc phiện”, chỉ thông qua một chuyến thăm “Khun Sa old camb”.

Đó là một cách ứng xử với lịch sử rất sòng phẳng, văn minh. Đứng ở đó, ngẫm về cách làm bảo tàng của Việt Nam, tôi mới chợt thấy hơi bâng khuâng buồn buồn.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.