Bài 1: Khởi từ ái tình, đặt tên sách và quảng cáo
- Sức trẻ và diện mạo văn chương phương Nam
- Đời sống văn chương Việt: Nhiều nỗi niềm, ít giải pháp
- "Ngậm ngùi" với nghiệp văn chương
Tính chất thị trường buổi đầu ấy, thực tế, lại rất phong phú và sinh động khó ngờ, lại khiến cho các bước đi hiện đại hóa văn chương quốc ngữ có thêm nhiều mẹo mực sinh kế lẫn chiến lược tiếp cận thị hiếu công chúng.
Ngày nay nhìn lại, ít nhất, chúng ta dễ bắt gặp những tương đồng thú vị giữa tiền nhân và hậu thế trong cung cách khai thác đề tài ái tình, trong các chiêu trò quảng cáo và trong ý tứ đặt tên tác phẩm sao cho túi tiền độc giả lung lay dữ dội nhất!
1. Cho đến năm 1912, nghĩa là đã chớm 23 xuân xanh mà Nguyễn Khắc Hiếu vẫn chưa có nổi một điểm nhấn nào khả quan trong cả danh lẫn nghiệp.
Hai lần thi đều trượt, chuyện tình thầm kín với người đẹp phố Gia Ngư năm nào cũng thất bại, cậu ấm Hiếu nảy cơn tâm bệnh chán đời, hết xuôi thành Nam đến ngược miền Cổ Đằng (Sơn Tây), có lúc còn trú thân trong “tịch cốc” để chữa “đau răng ở trong tim”! Ấy vậy mà chỉ ba năm sau, ngoài việc tất lẽ là lấy vợ, Nguyễn Khắc Hiếu đã bắt đầu đăng in những bài văn đầu tiên trên Đông Dương tạp chí dưới bút danh Tản Đà, một bút danh rồi đây sẽ lừng lẫy thiên hạ, lưu danh sử sách.
Thấy mục “Một lối văn Nôm” mà Tản Đà cộng tác ăn khách, đến số 25, Đông Dương tạp chí đổi ngay thành “Tản Đà văn tập”! Năm 1916, như thể không muốn lãng phí cơ hội vừa có, Tản Đà dấn thêm những bước táo bạo, mới mẻ ít ai bì kịp: viết văn để kiếm sống, để tạo dựng cơ nghiệp. “Chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang/ Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng”; “Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu”, “vợ dại con thơ, sự sinh hoạt trông nhờ một ngọn bút” không chỉ là những tâm sự chân thành, là mục đích, động cơ viết văn của Tản Đà mà còn, trong thời điểm các tờ báo đang cạnh tranh gắt gao, cần thiết để xác định phẩm chất căn yếu của nhà văn hiện đại là gì: bớt dần tải chí, tải đạo giáo huấn nặng nề và hướng đến giải trí, “văn chơi” (“ngu văn”) để “bán phố phường”.
Trong khoảng mười năm (1916-1926), Tản Đà là ngôi sao trên văn đàn, có lượng hâm mộ đông đảo và ông cũng tỏ ra đắc chí, khoái cảm thụ hưởng tiền bạc, danh tiếng mà độc giả mang đến.
Thậm chí, năm 1927, Tản Đà đã được chủ báo Diệp Văn Kỳ biếu hẳn 1.000 đồng Đông Dương để trang trải việc làm báo lẫn rong chơi.
Nhưng cuộc đời về cuối của Tản Đà, từ giữa thập niên 1930, bắt đầu xuống dốc thê thảm, sức sáng tạo cạn kiệt, cái mới trong văn ông không đủ mới so với Thơ Mới, Tự lực văn đoàn, càng không có cơ hội chiếm được tình cảm của một thế hệ độc giả trẻ trung, Âu hóa hơn nhiều.
Bất đắc dĩ, Tản Đà tự quảng cáo nhận việc “chữa thơ cho thiên hạ, mỗi tháng bút phí lấy một đồng”, dạy hàm thụ quốc văn, rồi cả đoán số Hà Lạc. Mấy việc cầu âu đó không giúp Tản Đà thoát cảnh chết trong đói nghèo, bệnh tật vào tháng 4-1939.
Xét ở góc độ thị trường, Tản Đà đồng thời điển hình cho sự thành công và thất bại theo chiều biến động của thứ hàng hóa có tên văn chương. Tản Đà chỉ thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khi ông sớm bộc lộ những cảm xúc mới mẻ, phá cách, khiêu khích các cấm kị (như có lần ông thoải mái đặt tên thi phẩm là Bóp vú đau tay), thỏa mãn thị hiếu bạn đọc thập niên 1910.
Nhưng sau đó, những tác giả mới, có tư duy và cách triển khai văn chương mới mẻ hơn đã dần loại Tản Đà ra khỏi lựa chọn trên giá sách. Hàng hóa văn chương, có thể nói, cũng gần với thời trang và các lối sống đô thị bấy giờ, không cho phép cái gì cũ kĩ, ngưng trệ quá lâu.
Chưa kể, trong bối cảnh văn chương phải sống nhờ kênh truyền dẫn của báo chí/ in ấn, việc nhà văn viết cái gì đôi khi còn do chính chủ tờ báo quyết định sau khi đã “đánh hơi” thấy công chúng đau đáu, trông chờ thức vị gì. Nói theo ngôn ngữ mạng hôm nay, đó là bắt bằng được các “trend” (xu hướng) thất thường khôn xiết.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề ái tình rất được ưa chuộng, là “kho vàng” của nhiều tờ báo và tác giả.
Tờ Nông cổ mín đàm dưới thời chủ bút Gilbert Trần Chánh Chiếu chẳng hạn, đã vời khá nhiều ký giả - nhà văn tên tuổi cộng tác và họ, đặc biệt Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh, Lê Hoằng Mưu, đều góp phần làm tờ báo cao giá.
Tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt (đăng nhiều kỳ trên Nông cổ mín đàm, bắt đầu từ 20-7-1912 dưới tên gọi Truyện nàng Hà Hương, đến năm 1914 thì in sách) của Lê Hoằng Mưu từng được ghi nhận “bán chạy như tôm tươi”, “chinh phục xứ Nam kỳ và cả thế hệ thanh niên thời đó”, cũng chỉ vì, như nhà nghiên cứu Philippe M.F. Peycam nhắc lại, bị gán cho “là tiểu thuyết khiêu dâm đầu tiên viết bằng tiếng Việt”.
Hà Hương phong nguyệt trở thành mẫu hình để hàng loạt “ái tình tiểu thuyết” vừa ăn theo vừa hô ứng, suốt từ Nam chí Bắc, dằng dặc cho đến Tự lực văn đoàn, khiến lớp độc giả tân thời cảm thấy không bị bỏ rơi giữa chừng cái khao khát yêu đương tự do, hôn nhân tự nguyện, khiến họ như được trút gánh nặng văn chương nhà Nho dạy bảo đủ điều, trừ ái tình nhục dục.
Một Tố Tâm (1925) đạt đến danh tác là bởi, trái với mong muốn chủ quan của nhà văn, độc giả cho rằng chẳng có gì đau đớn, sai lầm nếu được chết vì ái tình mình chọn! Thị hiếu công chúng nhuốm màu sắc nổi loạn như thế thì thị trường văn chương, nếu khư khư luân thường đạo lý, phàm đủ sức chen chân ư?
2. Nhưng ái tình vẫn chưa phải là nấc thang cuối cùng. Cần có thêm vài thao tác hỗ trợ. Vào những năm 1938-1939, trên báo Ngày Nay, ông Lê Ta tức Thế Lữ, bằng giọng văn tưng tửng, châm biếm nhẹ nhàng, đã nêu đích danh việc các nhà văn thi nhau đặt tên sách “phải thực kêu” nhằm hút mắt độc giả. Lê Ta dẫn ra vài ví dụ: Người đàn bà trần truồng; Bão táp trong chiếc quần đùi; Mốt áo paressus; Sự thổn thức của quả tim non; Đùa với ái tình; Khi chiếc yếm rơi xuống…
Theo Lê Ta, việc đặt tên thực kêu ấy là biểu thị của thứ văn chương chợ búa, là mánh lới của nhà xuất bản để vét túi khách hàng nhẹ dạ cả tin ham thanh chuộng lạ. Ông nêu thêm một cái tên bí hiểm giật gân “Sự xấu hổ của chiếc quần đàn bà” và bình luận: “cái quần đàn bà ấy làm cho cuốn sách bán chạy […] Và nuôi sống con buôn”.
Thực ra, nếu công bằng hơn thì Lê Ta có thể kể đến những Đời mưa gió, Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân của Tự lực văn đoàn “kêu” chẳng kém gì Kĩ nghệ lấy Tây hay Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng mà ông khéo léo nhắc tới. Bàn tay thị trường, dưới sự chỉ huy của các nhà in/ xuất bản sách, chẳng phân biệt thức nào là “tả chân” hay món nào “lãng mạn” như các nhà nghiên cứu về sau cố sức sắp xếp.
Bán được sách và duy trì tốt cơ sở làm ăn, nói chung, là điều kiện tiên quyết thúc đẩy mối quan hệ tác giả-nhà in-độc giả tốt đẹp. Hiếm văn nhân và tác phẩm nào đứng ngoài quy luật tưởng là hạ thấp giá trị ấy. Đến như kiệt tác Chí Phèo, trước khi mang cái tên chuẩn mực đó, từng được Lê Văn Trương dán nhãn Đôi lứa xứng đôi dù sao cũng hấp dẫn, khơi gợi hơn hẳn Cái lò gạch cũ nghe chán ngắt, xoàng xĩnh!
Đáng tiếc, ông Lê Ta không được tận mắt chứng kiến giờ đây, đầu thế kỉ XXI, có tác giả còn trưng cả hình ảnh bán khỏa thân trong “tác phẩm” của mình (Sợi xích, 2010) với nhã ý rằng, nếu tài văn kém thì có cái thân người dày dày sẵn đúc kia lấy làm bù đắp.
Còn nếu xét liều lượng những pha ái tình xoay chong chóng thì dĩ nhiên, bất chấp các tiền nhân có đặt tên kiểu gì, cũng khó vượt qua vài văn phẩm thoạt nghe chói ngời nghiêm ngắn, chẳng hạn, Vàng Anh và Phượng hoàng đang bán chạy từ năm ngoái đến giờ.
3. Có chủ đề, có tên sách ưng ý nhưng vẫn phải kinh qua nhiều chiêu thức quảng cáo. Đáng chú ý, hầu hết các tờ báo giai đoạn giao thời đều miệt mài quảng cáo sách.
Từ “đã in” đến “sắp in” rồi “đã bán hết”, xen giữa các quảng cáo thuốc trị lậu và kem bôi da, quả thật, tạo ra khá nhiều kịch tính. Hẳn chúng ta sẽ lấy làm xấu hổ khi hôm nay, giữa lúc văn hóa đọc được rêu rao khắp chốn, không có tờ báo nào dành vài trang quảng cáo sách, không có một dòng quảng cáo sách nào thật sự ấn tượng.
Tôi đã đọc hầu hết các quảng cáo văn chương trên Phong Hóa, Ngày Nay và nhận thấy rằng từ thi sĩ mới nổi cho đến tác giả nức danh, đều được bản báo chua những lời mời chào nồng nhiệt.
Dĩ nhiên, không thiếu các quảng cáo mang tính khoa trương, phù phép và thả lỏng vàng thau lẫn lộn. Chuyện thẩm định tác phẩm sẽ chờ độc giả/ nhà phê bình, nhưng riêng phép tu từ “PR” thì quả đáng nể.
Xin khép lại bài viết bằng lời quảng cáo của tờ Điện tín Saigon dành cho Thi nhân Việt Nam (1942) mà tạp chí Tri Tân số xuân Quý Mùi (1943) trích lại: “Tết năm nay anh em nào ưa thích văn chương nếu chẳng có quyển Thi nhân Việt Nam bên ấm trà sen, đĩa mứt ngọt hay bên mâm đèn, Tết ấy mất phần hứng thú hết năm bảy phần”. Trà sen, mứt ngọt, mâm đèn và Thi nhân Việt Nam, hỏi còn gì độc đáo hơn?!