Ai Cập: Sông Nile dậy sóng

Thứ Tư, 16/02/2011, 11:00
Có lẽ những diễn biến giàu kịch tính nhất của "cuộc cách mạng Arab vĩ đại" mà tâm điểm đang là Ai Cập còn ở phía trước. Số phận tương lai của Trung Đông, cái rốn "vàng đen" khổng lồ cũng như giá dầu mỏ trên thế giới đang phụ thuộc vào sự lựa chọn của quân đội Ai Cập, thành trì cuối cùng cho sự ổn định ở quốc gia Arab lớn nhất này. Và cũng phụ thuộc vào quan điểm của Washington, chỗ dựa chính của chính thể do Tổng thống Hosni Mubarak đứng đầu.

Trung Đông là một trong những khu vực nhạy cảm nhất trên hành tinh của chúng ta: Những giếng dầu mỏ khổng lồ, xung đột trường niên giữa Israel với Palestine, những phong trào Hồi giáo cực đoan đang ngày càng trở nên đông đảo và mạnh mẽ hơn. Tưởng như chỉ cần một que diêm được tung vào đây là có thể làm bùng cháy cả hành tinh. Và hình như que diêm ấy đã được tung ra…

Vậy nên vừa bước vào năm mới 2011, thế giới Arab đã bất ngờ trở nhiệt và đang ngày một nóng hơn. Ngọn lửa bạo loạn đã được châm ngòi ở Tunisia, quốc gia có 10,6 triệu dân với mức thu nhập bình quân tính theo đầu người là 9,5 nghìn USD một năm. Đây cũng là một quốc gia mà phe đối lập (nay đã thắng thế nên lại trở thành lực lượng cầm quyền) cho rằng có tới 50% số dân thất nghiệp.

Các cuộc biểu tình dẫn tới xung đột đường phố được bắt đầu từ một vụ tự thiêu của một người bán hàng rong, bất mãn vì xe hàng của mình bị cảnh sát đập phá nên đã quyên sinh. Tin này ngay lập tức được lan truyền trên các mạng xã hội và là que diêm được ném vào sự bất mãn dai dẳng từ lâu của nhiều bộ phận dân chúng Tunisia.

Quá mù ra mưa, Tổng thống Ben Ali, người từng 23 năm ngồi ở vị trí nguyên thủ quốc gia đã bắt buộc phải bỏ của chạy lấy người sang Arab Saudi.

Hội chứng Tunisia đã kích động không ít những người dân Arab nhìn lại các chế độ chính trị ở nước mình. Và làn sóng bất mãn đã có dấu hiệu bùng nổ ở Jordan, Syria, Yemen

Cốt truyện tương tự như ở Tunisia còn tiếp diễn ở Mauritania và Algérie, nơi cũng đã xảy ra những vụ tự đổ xăng lên người để đốt. Điều đó có nghĩa là không ít người dân ở những nơi này đã bị dồn tới bước đường cùng. Tuy nhiên, tham gia các cuộc bạo loạn và biểu tình chủ yếu lại là tầng lớp trung lưu.

Đặc biệt, tại Ai Cập, đông đảo người dân xuống đường để bày tỏ sự bất mãn của mình với Tổng thống Hosni Mubarak mà họ từng coi là anh hùng chiến trận nhưng giờ đây đã thành chán ngán đối với họ sau ngót nghét ba thập niên sống dưới sự cai trị của ông này.

Ai Cập là quốc gia vào loại hàng đầu trong thế giới Arab với  79 triệu dân. Tỉ lệ thất nghiệp tại đây ở mức  10%. Tại Ai Cập cũng có tới 21,2% số dân thường xuyên sử dụng mạng Internet và những người này chiếm tỉ lệ cao trong đội ngũ đi biểu tình. Và họ duy trì liên lạc của mình với lực lượng hậu thuẫn qua các mạng xã hội Facebook và Twitter.

Các cuộc biểu tình ở Ai Cập.

Ai Cập, cũng như ở nhiều nước Hồi giáo khác,  là nơi đang tồn tại sự bất bình đẳng quá lớn trong thu nhập của các tầng lớp công dân khác nhau. Thu nhập của rất nhiều người Ai Cập chỉ ở mức gần 2 USD một ngày, trong khi mức thu nhập bình quân tính theo đầu người là 2,7 nghìn USD một năm.

Cũng cần phải nói rằng, Ai Cập là nơi luôn tồn tại những phong trào Hồi giáo hùng hậu. Vì thế như các nhà quan sát khẳng định, nếu bây giờ tại đó tổ chức những cuộc bầu cử tự do theo kiểu thuần túy phương Tây, thì những lực lượng như Anh em Hồi giáo sẽ chiếm thế thượng phong. Phong trào này đã có từ năm 1928 và cho tới nay vẫn bị cấm tham gia tranh cử.

Thí dụ ở Tunisia và Ai Cập cho thấy, bạo động và biểu tình bùng nổ không phải chỉ ở nơi có nhiều người nghèo, đói, ít học mà cả ở nơi đang có đông đảo những thanh niên có trình độ học vấn và bị nhiễm những tư tưởng văn minh phương Tây. Những thanh niên này có nhiều khát vọng nhưng bất ngờ lại phát hiện ra rằng, ở đất nước mình không có những bậc thang xã hội cần thiết cho họ đi lên.

Và họ chợt hiểu ra rằng, các tấm bằng đại học, thậm chí là từ Đại học Sorbonne của Pháp cũng không phải là giấy thông hành cho họ bước vào đời và chờ đợi họ hoặc là một công việc xứng tầm hoặc là chỗ bán hàng rong trên đường phố, hoặc chỉ là một nhân viên chạy việc vặt trong bưu điện…

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính quốc tế càng làm cho tình trạng thiếu việc làm ở tất cả các nước Trung Đông trở nên trầm trọng hơn. Sự thiếu cơ hội nhân với nỗi thất vọng tràn trề tạo nên "điểm sôi", đẩy mọi người xuống đường làm loạn hay chí ít cũng là đòi thay đổi lãnh đạo.

Các nhà quan sát đã từng vẽ ra những triển vọng khác nhau đối với diễn tiến tình hình ở Ai Cập. Trước hết, có thể lặp lại cốt truyện như ở Tunisia, khi giới tinh hoa địa phương buộc Tổng thống hợp hiến phải "bỏ của chạy lấy người". Phương án này cũng là một mục tiêu chính của những người đang biểu tình ở Cairo và các địa phương khác của Ai Cập.

Nhưng đó là phương án mà Tổng thống Hosni Mubarak không đồng ý vì ông muốn nếu có phải ra đi thì cũng theo một phong cách mã thượng. Ngay cả phương Tây cũng không thích thấy  sự ra đi cực chẳng đã của một nguyên thủ như ông Mubarak vì trong tình huống này, rát khó lường hết được những hệ lụy phức tạp cho tương lai.

Phương án thứ hai là: Tổng thống Mubarak tự nguyện rời khỏi chức vụ và một chính phủ chuyển tiếp với lãnh đạo là một nhân vật gần gụi với phương Tây được lập ra. Vai trò này có thể được dành cho những người như ông Mohamed El Baradei, cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) chẳng hạn.

Phương án này hợp ý hoàn toàn với Mỹ, EU và Israel. Và cả những phần tử Hồi giáo từ tổ chức Anh em Hồi giáo, những người cũng ủng hộ ông El Baradei. Nhưng phương án đó lại khó làm hài lòng những người đang biểu tình ngoài đường phố vì trong số họ, tỉ lệ chống Mỹ và Israel khá cao. Và Tổng thống Mubarak cũng không thích phương án này vì nó không bảo đảm cho ông khỏi một triển vọng bị truy đuổi hình sự sau này.

Phương án thứ ba tới từ chính Tổng thống Mubarak. Ông hứa sẽ tổ chức bầu cử tự do và trung thực. Trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ có một chính phủ lâm thời. Phương án này đang được đưa vào thực tế và cũng làm cho phương Tây hài lòng. Nhưng lại không vừa ý những người đang tham gia biểu tình. 

Thế nhưng phương án đã diễn ra trong thực tế là: Ông Mubarak đã ra đi nhưng thay vào đó lại là quân đội Ai Cập chứ không phải là lực lượng đối lập. Xuất hiện trên Đài Truyền hình quốc gia vào tối 11/2, Phó Tổng thống Omar Suleiman đã thông báo: “Trong hoàn cảnh nghiêm trọng mà Ai Cập đang trải qua, Tổng thống Hosni Mubarak quyết định rời bỏ chức vụ Tổng thống. Ông ra  lệnh cho Hội đồng Tối cao quân đội xử lý các vấn đề của đất nước”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi hiện đang là người đứng đầu Hội đồng Tối cao quân đội. Nếu diễn biến tình hình ở Ai Cập tiếp tục xấu đi thì tới một thời điểm nào đó, quân đội sẽ chán cảnh "dĩ hòa vi quý" và sẽ có một thái độ dứt khoát hơn đối với thời cuộc.

Muốn nói gì thì nói, những sự kiện diễn ra trong những tuần gần đây đã làm thay đổi hẳn thế giới Arab và nó sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa. Một thời đại mới đã bắt đầu. Trong dự đoán về 10 điểm nóng tiềm ẩn trên thế giới hiện nay do Ban biên tập tạp chí Mỹ Time biên soạn mới đây có tới một nửa là các quốc gia ở vùng Trung Cận Đông. Đó là Arab Saudi, Algeria, Iran, SudanYemen. Không ai dám nói chắc về những gì sẽ xảy ra ở những quốc gia này.

Algeria: Dân số: 35,2 triệu; thu nhập bình quân đầu người: 7,2 nghìn USD/năm; tỉ lệ thất nghiệp: gần 20%; tỉ lệ số dân tiếp cận Internet:  13,6 %.

Tunisia: 10,6 triệu; 9,5 nghìn USD/năm, 50% (theo phe đối lập vừa thắng thế); 34%.

Thổ Nhĩ Kỳ: 73 triệu, 4 nghìn USD/năm, 13%; 45%.

Lebanon: 41 triệu; 12-12 nghìn USD/năm; 9,2%; 24,8%.

Syria: 22 triệu; 48 nghìn USD/năm; 9%; 17,7%.

Jordan: 6,4 triệu; 5-5,3 nghìn USD/năm; 27%; 17,7%.

Iraq: 29 triệu; 3,6 nghìn USD/năm; 30%; 1,1%.

Oman: 3 triệu; 43 nghìn USD/năm; 15%, 41,7%.

Yemen: 23,5 triệu; 2,6 nghìn USD/năm;  35%; 1,8%.

Arab Saudi: 25,7 triệu; 24 nghìn USD/năm; 8,8%; 38,1%.

Sudan: 41 triệu; 2,3 nghìn USD/năm; hơn 50%; 10%.

Ai Cập: 79 triệu; 2,7 nghìn USD/năm;  10%, 21,2%.

Lybia: 65 triệu; 14,2 nghìn USD/năm; 30%; 5%.

Marocco: 33,2 triệu;  4,25 nghìn USD/năm; 23%, 33,4%.

Nguyễn Hữu Huy
.
.