Có một dòng sông mang tên Liệt sĩ

Thứ Hai, 18/12/2017, 08:26
Thật đặc biệt khi có một dòng sông, một con đường cùng mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Phùng (bí danh Phạm Khắc), nhắc nhớ mãi về công trạng của người con đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.


Con sông đào có tên Phùng Khắc trải dài từ đò Vạn (huyện Kinh Môn, Hải Dương) đến giáp huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) có từ năm 1956. Bên dòng sông ấy, 46 năm sau, ngày 18-12-2002, con đường Phùng Khắc nối huyện Kinh Môn với các huyện Chí Linh (Hải Dương) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) được khánh thành. 

Thật đặc biệt khi có một dòng sông, một con đường cùng mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Phùng (bí danh Phạm Khắc), nhắc nhớ mãi về công trạng của người con đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Bà Ngô Thị Hảo về làm vợ ông Nguyễn Văn Phùng ở làng Xuân Viên, xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Yên (nay là khu Xuân Viên 2, phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). 

Vợ tần tảo sớm hôm, chồng dùi mài đèn sách, đúng như cảnh trong câu ca dao: “Quả cau nho nhỏ/ Cái vỏ vân vân/ Nay anh học gần/ Mai anh học xa/ Tiền gạo thì của mẹ cha/ Cái nghiên, cái bút thiệt là của em”

Một buổi sáng, Nguyễn Văn Phùng bảo vợ: “Ngày mai Hảo làm mâm cơm để tiễn ông thầy dạy tôi, còn tôi sẽ lên đường đi làm cách mạng”. Trong suy nghĩ của người vợ lúc đó, quyết định đi làm cách mạng của chồng vừa đột ngột, vừa quan trọng và thiêng liêng lắm. Nhà hôm ấy không có sẵn thức ăn, đành bắt con gà đang ấp trứng để làm cơm. Đó là năm 1943, Nguyễn Văn Phùng tròn 18 tuổi.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Phùng.

Tham gia cách mạng từ giai đoạn tiền khởi nghĩa, Nguyễn Văn Phùng tham gia thành lập Đảng ủy huyện Đông Triều. Cuốn Sử huyện Đông Triều còn lưu: “Đồng chí Nguyễn Văn Phùng là một trong năm đảng viên đầu tiên của huyện bộ Việt Minh Đông Triều - tổ chức tiền thân của Đảng bộ huyện sau này. Đồng chí Nguyễn Văn Phùng trở về địa bàn xây dựng cơ sở cứu quốc, phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, nào tiễu phỉ trừ gian, nào quân Tàu Tưởng gây sách nhiễu”. 

Trong những ngày tháng ấy, hai người con gái của Nguyễn Văn Phùng lần lượt ra đời. Để đảm bảo an toàn, Nguyễn Văn Phùng đưa vợ con lánh về quê ngoại còn mình trở về Đông Triều lãnh đạo nhân dân kháng chiến và xây dựng nơi đây thành căn cứ du kích.

Mặc dù rất nhớ thương các con nhưng người cha hầu như không có thời gian về gặp mặt. Năm 1947, Nguyễn Văn Phùng là chính trị viên huyện đội Đông Triều và một năm sau được điều động về làm Trưởng ban Chính trị, Chính trị viên phó Tỉnh đội Quảng Yên.

Những năm 1952-1953, tình hình chiến sự ở Kinh Môn rất ác liệt, quân Pháp ra sức xây bốt lập tề, tiến hành nhiều đợt càn quét, khống chế liên lạc giữa vùng tự do với vùng du kích. Nguyễn Văn Phùng được Tỉnh đội phân công về Kinh Môn diệt ác, phá tề, khai thông liên lạc giữa cơ quan lãnh đạo kháng chiến vùng Sơn Động (Bắc Giang) với vùng tạm chiếm Kinh Môn, trọng tâm là chuẩn bị phương án đánh địch ngay trong lòng địch.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp vì trong bối cảnh đồn bốt, tề ngụy dày đặc nên rất khó bố trí được địa điểm bộ đội tập kết. Không những thế, trung tâm chỉ huy lại ở xa, địa hình bị ngăn cách bởi ba con sông lớn là sông Than, sông Kinh Thầy và sông Mạo Khê.

Phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, Nguyễn Văn Phùng mới tìm ra được phương án tối ưu mà trọng tâm chính là đồn Trung Hòa thuộc xã Quang Trung, huyện Kinh Môn - mắt xích quan trọng trong hệ thống đồn bốt của địch. Đây là một đồn lớn, được Pháp xây kiên cố từ năm 1948 nhằm bảo vệ quốc lộ 5 và quốc lộ 18, có giao thông hào rộng 10m, sâu hơn 1m, phía trên có nhiều tầng rào bằng tre, thép gai, dưới có chông nhọn.

Địch dùng đồn này để khống chế các xã xung quanh là Quang Trung, Lạc Long và Thăng Long khiến cho các lực lượng du kích, bộ đội, cán bộ địa phương không hoạt động được, phải sơ tán ra các xã xung quanh, tề gian mọc ra nhiều, một số thôn cơ sở trắng. Trấn giữ đồn này là cả một đại đội quân bảo an cộng hòa thay thế cho quân viễn chinh Pháp.

Nung nấu kế hoạch đánh đồn Trung Hòa, Nguyễn Văn Phùng dành thời gian tìm hiểu, bắt liên lạc với Trần Văn Kim - trung đội trưởng quân bảo an cộng hòa đóng trong đồn. Sau nhiều lần gặp gỡ, Nguyễn Văn Phùng đã thuyết phục được Trần Văn Kim là nội ứng cho quân ta.

Kế hoạch đánh đồn đã được Nguyễn Văn Phùng vạch ra hết sức tài tình mà lực lượng nòng cốt là Đại đội 910 thuộc Tiểu đoàn Bạch Đằng của tỉnh Quảng Yên - một đơn vị mạnh được Khu ủy Việt Bắc tặng cờ thi đua xuất sắc. Nguyễn Văn Phùng còn được sự ủng hộ của bà mẹ vợ Trần Thị Mùi - một người có tinh thần cách mạng và luôn ủng hộ hết lòng cho kháng chiến. Bà Mùi đã đồng ý cho con rể thực hiện kế hoạch đánh địch ngay trong nhà mình.

Tối ngày 11-4-1953, Đại đội 910 mật phục tại khu vườn nhà bà Trần Thị Mùi ở xã Quang Trung. Theo kế hoạch định sẵn, Trần Văn Kim dẫn lính đi tuần rồi mời chúng vào nhà cụ Mùi, lấy cớ nhà hôm đó tổ chức cúng giỗ, có xôi chè thết đãi. 

Khi địch vào nhà, cụ Mùi ra sau vườn ra ám hiệu, bộ đội ta xông vào bắt gọn. Ngay sau đó bộ đội ta lấy quân phục của bọn địch vừa bắt được để cải trang, với sự giúp sức của Trần Văn Kim, tiến sâu vào đồn Trung Hòa.

Tại đây, sau khi khống chế được lính gác, Nguyễn Văn Phùng và đồng đội đã nhanh chóng chiếm giữ các vị trí xung yếu của đồn, kêu gọi địch đầu hàng. Toàn bộ trận đánh diễn ra không một tiếng súng. Quân ta bắt gọn một đại đội lính Việt Nam cộng hòa, thu trên 100 khẩu súng các loại cùng số quân trang quân dụng lớn.

Sau chiến thắng, lực lượng của ta rút về căn cứ du kích Nhị Chiểu nhưng vì trời đã gần sáng, bộ đội không kịp vượt sông nên toàn bộ lực lượng phải dừng lại ở làng Đích Sơn (xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn) - một làng du kích mạnh có nhiều công sự và hầm bí mật. Thất bại ở đồn Trung Hòa, địch điên cuồng tấn công vào làng Đích Sơn.

Cùng đồng đội.

Tại khu phòng ngự Đích Sơn, bộ đội, du kích và nhân dân đã củng cố các công sự, chuẩn bị lương thực cho việc chiến đấu lâu dài với tinh thần phấn chấn do chiến thắng bốt Trung Hòa mang lại. Đồng chí Nguyễn Văn Phùng đến từng tổ chiến đấu động viên tinh thần.

5h15 ngày 12-4-1953, địch bắn đại bác liên tục từ Phú Thái, Lai Khê và đồn cao Đông Triều vào làng, rất nhiều nhà dân bị cháy, khói bay mù mịt. Sau khi im tiếng đại bác, địch dàn hàng ngang tấn công dồn dập.

Theo lệnh của chỉ huy Nguyễn Văn Phùng, quân ta chờ địch tiến đến gần chiến lũy mới nổ súng, hạ hàng loạt quân địch. Liên tiếp sau đó Đại đội 910 cùng du kích xã dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Phùng đã kiên cường đánh lui 7 đợt tấn công của một trung đoàn lính tinh nhuệ có yểm trợ của xe bọc thép, tàu chiến và đại bác, tiêu diệt gần 300 tên trong đó có nhiều lính Âu Phi. 

Đến 5h chiều, địch huy động 6 xe tăng và tàu bay tấn công dữ dội vào trận địa phòng ngự của ta và tràn vào làng.

Trong tình thế gấp gáp, Nguyễn Văn Phùng bình tĩnh hội ý nhanh trong ban chỉ huy, cho phổ biến chính sách khoan hồng của cách mạng và phóng thích tù binh, cất giấu vũ khí, lệnh cho các lực lượng không trực tiếp chiến đấu xuống hầm bí mật để bảo toàn lực lượng. Còn Nguyễn Văn Phùng ở lại cùng anh em đánh giáp lá cà với quân địch đang tràn vào.

Đồng chí Phạm Thị Lê - cán bộ phụ trách dân công, tải thương và hậu cần trận đánh sau này nhớ lại: “Trong lúc nguy cấp, tôi hỏi: “Anh Phùng bây giờ phải làm thế nào?”. 

Anh Phùng nhặt một khẩu súng giúi vào tay tôi và nói: “Đồng chí theo tôi, hôm nay chúng ta quyết sống chết một phen”. Nói rồi anh nhặt khẩu súng trường của một đồng đội đã ngã xuống, bật lưỡi lê và xông lên đánh giáp lá cà. Tôi chạy theo đồng chí Phùng được một đoạn, địch bắn dày đặc, một đồng chí bộ đội cạnh tôi bị trúng đạn, xô tôi ngã xuống, máu đồng chí thấm đỏ người tôi. 

Quân địch tràn tới, tôi đành im giả vờ như người đã chết... Trời tối dần, tôi cố hết sức lết xuống ao bèo tây và núp sau bụi cây gáo. Khi địch đã rút hết, anh em du kích tìm thấy tôi. Câu đầu tiên tôi hỏi: “Anh Phùng đâu?” thì nhận được câu trả lời trong nghẹn ngào: “Anh Phùng đã hy sinh khi đánh giáp lá cà rồi”. Tôi lặng người đi không nói được lời nào nữa. Hôm ấy là ngày 12-4-1953”.

Sau chiến thắng bốt Trung Hòa, bọn tề ngụy sợ hãi phải nằm im, một số ra đầu thú, không dám lộng hành như trước. Ba xã Lạc Long, Quang Trung và Thăng Long được giải phóng. 

Tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Văn Phùng đã tạo đà cho phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Một năm sau, liệt sĩ Nguyễn Văn Phùng được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Năm 1958 đồng chí được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

Nhưng cũng sau chiến thắng Trung Hòa, người vợ Ngô Thị Hảo và hai cô con gái nhỏ vĩnh viễn mất đi người chồng, người cha của mình. Nghe tin chồng hy sinh, bà Hảo nghẹn ngào không thốt nên lời, suốt mấy ngày liền lầm lũi như cái bóng.

Rồi bà gượng dậy, lam lũ làm lụng để nuôi hai con khi ấy mới lên 6 và 8 tuổi khôn lớn trưởng thành. Tấm lưng bà còng xuống, đôi bàn chân chai lại theo năm tháng. Không phụ lòng mẹ và để xứng đáng với sự hy sinh của cha, hai người con gái đã cùng mẹ vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, quyết chí học hành.

Con gái cả Nguyễn Thị Nhất là kỹ sư thủy sản, nguyên Phó giám đốc Tổng công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội Seprodex, con gái út Nguyễn Thị Nhàn là bác sĩ y khoa. Mặc dù hai chị em không được ở gần cha nhưng những câu chuyện kể của mẹ luôn khiến họ cảm nhận được cha rất gần gũi.

Cô Nguyễn Thị Nhất nay đã hơn 70 tuổi bùi ngùi lật giở những tấm ảnh đen trắng quý giá lưu giữ hình ảnh người cha Nguyễn Văn Phùng: “Mẹ tôi bảo rằng, cha tôi hiền lắm, không nỡ trách mắng ai bao giờ. Vậy mà khi ra trận thì gan dạ, quyết liệt vô cùng. Tôi luôn nghĩ về cha mình với một niềm tự hào và thương nhớ vô bờ”.

Suốt mấy chục năm qua, hai người con gái đã không quản công sức tìm gặp những người từng là đồng đội của cha, nghe kể về cuộc sống chiến đấu của cha Nguyễn Văn Phùng năm xưa. Năm 2003, Nhà tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Phùng đã được hai người con xây dựng tại quê hương Đông Triều, Quảng Ninh. 

Năm 2005, bà Nguyễn Thị Hảo qua đời, nhưng ước nguyện chồng mình được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp thì vẫn còn dang dở.

Hiện tại, hai người con gái của bà tuy tuổi đã cao nhưng vẫn gắng sức để niềm mong mỏi của mẹ trở thành hiện thực. Hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu cho liệt sĩ Nguyễn Văn Phùng đang được hoàn thiện để một ngày không xa, công lao của liệt sĩ được ghi nhớ đời đời, tồn tại mãi cùng con đường và dòng sông Phùng Khắc...

Huyền Châm
.
.