Chuyến xe rau vào thành phố

Chủ Nhật, 11/02/2018, 08:37
1. Chuyện xảy ra tròn một phần hai thế kỷ (trong dịp tết Mậu Thân 1968). Đó là chiếc Daihatsu loại vận tải nhỏ chuyên chở khách và hàng hóa với sức tải tối đa 1 tấn.

Chiều 29 tết năm đó, đoàn xe tải trên lộ 22 từ hướng Trảng Bàng, Củ Chi, nối đuôi nhau dài hàng cây số, chờ kiểm tra ở trạm Cầu Bông “cửa ải” cuối cùng trước khi vào thành phố. Đó là đoàn xe chở đồ hàng bông vào bán ở thành phố trong dịp tết. 

Tài xế Daihatsu là một tay cực kỳ láu cá, trước tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn với các trạm kiểm tra gắt gao như thế mà anh ta tỉnh bơ, lách qua cả đàn rồng rắn xe tải để vượt lên phía trước. 

Ỷ vào xe nhỏ, lại chỉ có 1 tài, 1 lơ, trên xe lèo tèo mấy cần xé rau, anh ta vượt luôn qua mặt viên cảnh sát đứng gác còn giơ tay chào theo kiểu nhà binh. Hẳn là nghĩ tới cái khối mãi lộ khổng lồ rồng rắn kia mà viên cảnh sát không thèm đếm xỉa.

Chiếc Daihatsu vút qua cầu, chạy thẳng về ngã tư Lý Thường Liệt - Trần Quốc Toản (nay là đường mùng 3 tháng 2) rồi rẽ vào đỗ trước một căn nhà nho nhỏ gần khu chợ Thiếc thuộc quận 10. Trong nhà có một người đàn ông vội chạy ra, phụ với tài xế và lơ xe khiêng những cần xế rau vô nhà.

2. Người lái chiếc Daihatsu là Năm Bi, cư ngụ tại Gia Tân, Trảng Bàng, Tây Ninh - cửa ngõ hoạt động của đơn vị chúng tôi (cụm tình báo H67 (A20) thuộc Đoàn tình báo chiến lược J22. 

Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời). Năm Bi là cơ sở bí mật của đơn vị. Lơ xe là Hai Hiệp - trinh sát của Cụm. Được Cụm trưởng Bảy Vĩnh giao nhiệm vụ chở vũ khí vào thành phố, Năm Bi vừa mừng, vừa lo. 

Mừng, là được Cách mạng tin tưởng giao cho nhiệm vụ quan trọng; Lo, vì quốc lộ 22 là con đường huyết mạch phía Tây Bắc Sài Gòn, địch kiểm tra gắt gao người và phương tiện giao thông. 

Đài phát sóng “Sài Gòn 2” của H67.

Đã có nhiều trường hợp bị bắt giữ. Bao đêm không ngủ, bởi phải suy nghĩ, đảm bảo cho chuyến đi an toàn. Trước tiên, là hình thức ngụy trang “hàng” một cách tự nhiên; thứ hai là phải khảo sát nắm quy luật kiểm tra ở các trạm.

Chiều 27 tết, Năm Bi lái chiếc Daihatsu vào thành phố. Xe trống trơn, chỉ có một cần xé rau các loại và một chậu hoa mai. Gọi là chuyến đi “làm quen” với các trạm. 

Tới trạm Cầu Bông, xe chết máy (cũng là vẽ chuyện như vậy), viên trung sĩ ở trạm đầu cầu lớn tiếng: “Xe làm sao mà dừng đó?”. - “Dở chứng! Mặc cha nó, hút điếu thuốc đã”. Năm Bi xuống xe, đi về phía trạm gác, lục trong 2 túi bu dông, toàn thuốc Caraven - “quên hộp quẹt rồi. Cho xin chút lửa. Cầm mấy gói hút cho đỡ buồn ngủ”. 

Viên trung sĩ xuýt xoa: “Cha!... ông anh xài sang thế. Toàn thuốc con mèo”. - “Ờ... thằng em ở Anh quốc gởi về mấy cây, kèm mấy ngàn đô để ông anh xài tết”. Tàn điếu thuốc, Năm Bi lên xe, làm bộ chỉnh sửa rồi nổ máy, giơ tay chào viên trung sĩ. Xe vút qua cầu.

Mấy tháng trước tết Mậu Thân, không khí trong các vùng căn cứ giải phóng tưng bừng rộn rã hẳn lên. Tất cả các đơn vị đều khẩn trường chuẩn bị cho một chiến dịch lớn tổng tấn công vào Sài Gòn. 

Cụm H67 không phải là đơn vị trực tiếp chiến đấu, song vì có nhiều cơ sở bí mật nội thành nên được cấp trên giao cho trách nhiệm cử cán bộ có kinh nghiệm chuyển một số vũ khí, đạn dược (súng AK, súng ngắn, lựu đạn, cơ số đạn dự trữ) cùng một số thiết bị phục vụ cho đài phát sóng “Sài Gòn” và dẫn đường đơn vị chủ lực tấn công mục tiêu nha cảnh sát quốc gia tại 258 Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi) khi có lệnh mở màn chiến dịch vào giờ “G”, ngày “N”.

Dời cuộc họp khẩn các cụm trưởng ở Thanh An về tới căn cứ Bời Lời, sáng hôm sau Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) đã triệu tập cuộc họp toàn đơn vị và triển khai kế hoạch ngay. Ông chỉ định một cụm phó chỉ huy bộ phận bám trụ căn cứ sẵn sàng chiến đấu; sẽ có một số đồng chí do ông trực tiếp chỉ huy đột vô Sài Gòn. Nhiệm vụ cụ thể sẽ bàn riêng với từng người.

“Hàng” (vũ khí đạn dược) từ J22 đã chuyển về căn cứ. Ông giao trách nhiệm cho Hai Hiệp chỉ huy tổ trinh sát, bí mật chuyển ra cửa ngõ Gia Tân, tập kết tại nhà Năm Bi, xếp gọn vào 4 cần xé và ngụy trang cẩn thận. Lực lượng xâm nhập nội thành có 6 người.  

Hai nữ giao thông viên là Tư Chiến và út Hiệp vào trước, sẵn sàng chuyển tin tức, tài liệu về căn cứ đề phòng bị đứt liên lạc bằng đường điện đài. Năm Bi lái chính (Daihatsu của gia đình), Hai Hiệp phụ xe. Cụm trưởng Bảy Vĩnh chở Năm Tuyến bằng xe Honda 67 đi áp tải và dẫn đường cho chiếc Daihatsu. Thời gian xuất phát vào 15 giờ ngày 29 tết.

3. Những cần xé rau chuyển về địa chỉ gần chợ Thiếc, đó là nhà Hai Khề, một cơ sở bí mật an toàn của H67. Song, đó chỉ là nơi tạm tập kết để rồi sẽ có phương tiện an toàn hơn chuyển tới một nơi rất an toàn. Hai Hiệp tạm trú tại nhà Hai Khề, Năm Bi đánh xe trở về Trảng Bàng.

Bảy Vĩnh chở Năm Tuyến về nhà “H3” - một địa chỉ “bất khả xâm phạm”. Hai người sẽ bám trụ ở đó để chỉ đạo công tác phối hợp tác chiến khi giờ “G” nổ ra và trong những ngày tết Mậu Thân.

“H3” là Ba Lễ - nghị sĩ quốc hội, một nhân vật quan trọng trong ủy ban an ninh - quốc phòng hạ viện Sài Gòn - điệp viên gạo cội của H67 mà trước đó mấy tháng Cụm trưởng Bảy Vĩnh đã tháp tùng ông đi điều nghiên nhiều mục tiêu quan trọng theo chỉ đạo của cấp trên để phục vụ cho chiến dịch: Sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu, tổng nha cảnh sát quốc gia, nha cảnh sát đô thành, tiểu khu Phước Long, chi khu Phước Bình, chi khu Hóc Môn... họ đi tới đâu cũng đều được đón tiếp trọng vọng.

Đặc biệt là chuyến điều nghiên tại Phước Long, Bình Long, vì đường bộ bị quân Giải phóng chặt đứt từ nhiều tháng trước nên họ đã “cưỡi” máy bay ra đó. Chuyến bay được ưu tiên đặc biệt vì có ông nghị sĩ quốc hội đi cùng. 

Tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Phước Long là một viên trung tá, lớp đàn em của Ba Lễ, vì vậy, ra đó quá thuận lợi. Cụm trưởng Bảy Vĩnh sắm vai nhà tư sản, bạn thân của ông nghị ra Bình Long, Phước Long, để nghiên cứu kinh doanh đồn điền cao su nên thả sức điều nghiên tỷ mỉ các mục tiêu quan trọng ở đây.

Tác giả (thứ hai từ trái qua) và Sáu Tâm (cán bộ H67) thăm phu nhân ông Ba Lễ đang bị bệnh tim. Ngoài cùng bên trái là con trai bà. (ảnh chụp năm 2015)


Tới nhà “H3”, Năm Tuyến được đưa lên lầu 3 chuẩn bị chỗ nghỉ, thực ra là để nghiên cứu địa điểm an toàn cất giấu vũ khí. Bảy Vĩnh hội ý chớp nhoáng với Ba Lễ ở tầng trệt rồi hai người nhanh chóng ra xe. Cố nhiên là xe của ủy ban an ninh - quốc phòng do “ông nghị” trực tiếp lái và chạy thẳng về phía chợ Thiếc.

Thời gian ấy, Hai Hiệp và Hai Khề lo xếp sắp lại “hàng”, dồn vào 2 cần xé, với tư thế sẵn sàng chuyển lên xe và chỉ hơn nửa giờ sau, số “hàng” trên đã nằm yên tại nhà “ông nghị H3”, Năm Tuyến cất giấu tại kho đồ cũ trên lầu thượng.

Ngày hôm sau (30 tết), Năm Tuyến ở nhà lau chùi dầu mỡ vũ khí, nạp đạn vào băng; tất cả ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cụm trưởng Bảy Vĩnh đi từ rất sớm, gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho một số điệp viên và kiểm tra 2 đài phát sóng “Sài Gòn 1” và “Sài Gòn 2”. 

Chất lượng thu tin và phát sóng tốt. Tại đây, ông nhận được chỉ đạo của cấp trên với tinh thần: “Mục tiêu A đã có đơn vị khác đảm nhiệm (mục tiêu A là tổng nha cảnh sát quốc gia). H67 tập trung bảo vệ an toàn “Sài Gòn 1” và “Sài Gòn 2” nhằm giữ vững liên lạc với Trung tâm”.

Quả là một ngày căng thẳng. Song, Bảy Vĩnh vẫn trở về kịp bữa tất niên với gia đình “H3”.

Đêm hôm ấy, vợ con ông Ba Lễ đi nghỉ sớm. Ba người ngồi đàm đạo với nhau tới hơn hai mươi ba giờ rưỡi. Cụm trưởng Bảy Vĩnh rủ Ba Lễ và Năm Tuyến lên tầng thượng chờ xem không khí đón giao thừa.

Đúng 24 giờ, pháo nổ râm ran, trên nhiều dãy phố. Phía sân bay Tân Sơn Nhất bỗng lóe lên nhiều ánh chớp, sau đó là những tiếng nổ ì ầm dội tới. Bảy Vĩnh khẽ reo lên: “Nổ rồi! Nổ rồi!... Giờ “G” đã điểm!”. 

Ông kéo Ba Lễ và Năm Tuyến lại gần, hạ thấp giọng: “Chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy vào Sài Gòn và trên khắp chiến trường miền Nam bắt đầu. Sẽ có nhiều điều bất ngờ xảy ra. Chắc chắn địch sẽ phản kích dữ dội, tình hình sẽ rất căng thẳng. Vì vậy, sáng sớm mai, anh Ba đưa chị Ba và các cháu tạm lánh ra Vũng Tàu ít bữa. Riêng anh sẽ trở về thành phố ngay.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải nắm diễn biến tình hình chiến sự và thường xuyên báo cáo về Trung tâm. Thuận lợi là xe hơi của anh có thể đi tới nhiều nơi. Tuy nhiên, cần thận trọng, tránh xẩy ra sự cố đáng tiếc. Cố gắng nắm diễn biến tình hình các mục tiên trọng điểm tôi và anh đã đi điều nghiên. Rất cần thông tin nhận định tình hình thế sự của giới quân sự chóp bu. Ở nhà đã có tôi và Năm Tuyến lo. 

Thống nhất bình phong tôi và Năm Tuyến là anh em bà con ở quê lên chơi lo việc gia đình giúp ông nghị. Mục tiêu “B” đã có lực lượng bảo vệ với đầy đủ vũ khí. Tôi đã điều Hai Hiệp về đó. Chiều mai, khi anh Ba trở về sẽ tranh thủ chở Năm Tuyến tới tăng cường cho mục tiêu này”.

Rất may, chuyến xe rau chiều 29 tết đã bổ sung kịp thời thiết bị điện mới cho 2 đài phát sóng hoạt động thông suốt cùng với hệ thống giao thông viên dày dạn kinh nghiệm của đơn vị, giúp cho H67 hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cả chiến dịch Mậu Thân và những năm tháng tiếp sau đó cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Hà Nội, xuân Mậu Tuất 2018

Khổng Minh Dụ
.
.