Những huyền thoại kháng chiến bằng máu

Thứ Hai, 05/06/2017, 06:27
Phạm Thị Mai (Út Mai - Tám Tiệm) chào đời nơi cái nôi của phong trào cách mạng cực nam Trung bộ - quê nghèo Thuận Thắng, Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi đây có đến một nửa hộ dân là gia đình liệt sĩ mà trang sử hào hùng của dân tộc ghi đậm địa danh tam giác sắt Hàm Liêm - Hàm Chính - Hàm Hiệp…

Mất cả hai chân vẫn đánh dư trăm trận

14 tuổi, năm 1961, Út Mai vào du kích, công tác giao liên, địch vận..., một năm sau được kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc. Út phấn khởi lao vào công tác Đoàn ở vùng tranh chấp ác liệt nhất giữa ta và địch.

Những thử thách cam go đã khẳng định phẩm chất của Út Mai, ngày 10-2-1965 cô được kết nạp Đảng. Chiến trường cực nam Trung bộ lúc này đang là giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh cục bộ. Địch đánh phá dữ dội, ngày đêm là sự quần thảo của lũ “cán gáo” (trực thăng), pháo bầy từ biển, từ đồn chùa, núi Tà Dôn kết hợp với các đơn vị biệt kích. 

Lực lượng ta ban ngày phải thoát ly ra rừng, đêm đến mới về ấp, phát động quần chúng, gây dựng và củng cố cơ sở. Các tổ chức cách mạng vẫn hoạt động đều đặn phục vụ tốt cho việc chuyển quân, tập trung bộ đội, chuẩn bị tổng tấn công nổi dậy... 

Chủ tịch Quốc hội (Khóa 11+12) Nguyễn Văn An chúc mừng chị Tám Tiệm.

Lúc này do yêu cầu, Út Mai chuyển qua công tác phụ nữ, là đầu mối liên lạc của tổ chức. Trong một lần địch càn đi quét lại năm 1967, đúng lúc chị và đồng đội đang hoạt động trong ấp. Quá mệt, anh em hé nắp hầm để thở thì bị địch phát hiện phải xông lên chiến đấu. Lần đó không ai thoát, có 2 người bị bắt thì một là Út Mai bị thương nặng ở chân. Tiếp đó là chuỗi ngày dài Út Mai bị địch tra tấn dã man để tìm cơ sở của ta. 

Một trong những ngón đòn của chúng là bỏ không chữa vết thương để cho nhiễm trùng nặng, dòi bọ đục khoét, chị em bạn tù chỉ có thể giúp rửa ráy. Địch ra giá, nếu chịu khai báo sẽ chữa lành chân bị thương đi lại được. 

Út Mai là đầu mối, chỉ một lời khai là bể hết cơ sở phong trào, sẽ hi sinh xương máu đồng đội. Chị đã nghiến răng chịu đựng, quyết không hé môi. Địch tiếp tục khảo tra với nhịp độ ngày càng tăng, chân nhiễm trùng đến đâu, chúng cắt bỏ đến đó, cứ thế cắt đến sát khớp háng. Chị em tù xúm lại tìm mọi biện pháp ngăn chặn sự nhiễm trùng của mỏm xương cụt cuối cùng. 

Dã man hơn, địch tuyên bố nếu cứ tiếp tục ngoan cố không khai báo sẽ cắt cụt nốt cái chân thứ hai. Út Mai suy nghĩ, "chân có cụt thì đầu óc vẫn tỉnh táo, còn sống là còn chiến đấu được, không thể phản bội nhân dân, phản bội Đảng". 

Chí đã quyết nên lúc địch tra tấn, tỉnh thì chửi bới, ngất xỉu mới thôi. Địch cắt nốt cái chân thứ hai, bỏ chị nằm lay lắt 10 tháng liền, lưng cứng lại vẫn không khuất phục được người nữ du kích kiên cường Phạm Thị Mai - Tám Tiệm. Ngược lại chị vẫn là ngòi nổ của các cuộc đấu tranh, là gương sáng kiên trung bất khuất cho tù nhân. Không khai thác được gì, để trong tù càng bất lợi, năm 1970 địch buộc phải thả chị ra.

Ảnh chụp sau ngày chiến thắng với bà Nguyễn Thị Định và ông Tám Hiền, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

Hàm Liêm, quê hương Tám Tiệm, vốn là cửa ngõ của TP Phan Thiết, vẫn là vùng tranh chấp quyết liệt. Địch càng tăng cường càn quét tiêu diệt cơ sở cách mạng hòng đẩy ta dạt ra rừng để dồn dân vào vùng kiểm soát của chúng thì ta cũng quyết giữ. Cứ vậy, mãi trong thế giành đi giật lại. 

Cuối năm Tân Hợi, đầu 1972, lợi dụng lúc dân đang gặt lúa rộ, địch tung hàng đoàn xe GMC một mặt hốt hết lúa ngoài ruộng, mặt khác tràn vào ấp xúc hết heo, gà, vật nuôi phương tiện sản xuất, đồ dùng cá nhân... chở đi. Kế sách nham hiểm này làm người ta không thể tồn tại ở nhà mình và địch đã thực hiện được việc dồn dân vào các ấp chiến lược của chúng. 

Địch phân dân Hàm Liêm vào 3 nơi: Xã Hàm Hiệp, ấp Tân An và ấp Tân Điền. Ra tù, Tám Tiệm tập di chuyển bằng tay trên 2 ghế gỗ và lại móc nối với tổ chức để tiếp tục hoạt động. Thời điểm địch dồn dân vào các ấp chiến lược, Tám Tiệm được cài vào Hàm Hiệp, là người chỉ huy tại chỗ làm dân vận, quân sự, lãnh đạo chi bộ Đảng... 

Ngày 10-8-1973 để "diệt ác phá kềm", Tám Tiệm lận súng đi làm nhiệm vụ diệt tên cuộc trưởng cảnh sát ác ôn và chị bị bắt do nội gián chỉ điểm song đã bí mật quẳng súng đi. Ra tòa án quân sự, Tám Tiệm nhất quyết không nhận tội bởi vũ khí địch tìm được lúc đó không phải trong người chị, không xử được vì không đủ chứng cớ, chúng giam chị 6 tháng rồi thả. Ra tù, Tám Tiệm hoạt động táo bạo hơn, chị lại chỉ huy vạch kế hoạch "đánh đấm"... 

Để chị tự do ở bên ngoài hết sức bất lợi, nhất là sau Hiệp định Paris, địch đã hèn hạ lén bỏ chất nổ vào nhà chị để lấy cớ bắt giam lần thứ ba vào tháng 7-1974. Lại đưa ra tòa án binh và lại thất bại trong trò hề ngụy tạo này. Chị đã thẳng thắn tự biện cho mình trước tòa án: "...đem chất nổ đi đánh chứ ai ngu gì mà đem về để khơi khơi trong nhà...". 

Không đủ lý lẽ để lập hồ sơ tội trạng, địch lại phải thả chị ra. Càng gần đến ngày giải phóng, địch càng điên cuồng lồng lộn đàn áp. Đề phòng chúng có thể làm càn, bất chấp pháp luật mà thủ tiêu Tám Tiệm, tổ chức đã bí mật đưa chị về cứ cho đến ngày hoàn toàn giải phóng.

Người nữ chiến sĩ ấy đã dâng hiến cho quê hương cả cặp chân mình ở tuổi 20, đem hết sức lực của tuổi thanh xuân để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù ở ngoài mặt trận cũng như trong lao tù với tấm lòng luôn thanh thản.

Năm 1975, kết thúc chiến tranh, chị mới 29 tuổi.

Kỳ tích lao động hòa bình

Quê hương giải phóng, Tám Tiệm trở về làm công an xã nhà. Và người ta vẫn thấy chị thoăn thoắt đi lại bằng tay trên cặp ghế gỗ khắp các thôn ấp. Thoạt đầu chị ở trong bộ phận nhận trình diện của những người làm cho chế độ cũ để phân loại bởi chị am hiểu tường tận từng con người ở đây, tránh mọi nhầm lẫn sai sót. 

Năm 1976, chị được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ Đảng ở thôn. Là thương binh nặng, sức khỏe rất hạn chế, chị vẫn say sưa công tác. Lúc này nhà chị là túp lều “có chỗ đứng mà chẳng có chỗ ngồi”, nên năm 1979 quê hương đã cất cho chị một căn nhà tình nghĩa. 

Chị không chịu để Nhà nước nuôi mà xin cấp 8 sào ruộng, ngày ngày nắng cũng như mưa, chị ra đồng chủ yếu bằng 2 tay với cặp ghế gỗ, gần đây mới có xe lăn, rồi ào xuống ruộng với cặp ghế làm mạ, cấy, bón phân, làm cỏ, tưới nước chăm sóc...; đến vụ thì gặt, đập, phơi... Có những hôm suốt ngày ngâm mình dưới nước. Chỉ những công đoạn không thể tự làm được chị mới phải thuê.

Trong vòng tay các chị.

Cuộc sống của những ngày hòa bình nơi chị vẫn là sự hoạt động tận tụy của một người cán bộ đảng viên mẫu mực, vẫn lao động cật lực như một người nông dân bình thường nhưng đã mất đi 2 chân và biết bao sức lực của cơ thể cho chiến tranh. 

Và cũng vẫn là ngày đêm của nỗi dày vò cô đơn trống vắng, của nỗi khát khao được làm mẹ của người phụ nữ đã qua tuổi xuân mà hoàn cảnh thật éo le... Một quyết định táo bạo của lương tri: Phải tự mình giành quyền làm mẹ. Thế rồi năm 1984, cô con gái Yến Ly ra đời trong sự sung sướng tột cùng của chị.

Quê nghèo Hàm Liêm của chị vẫn luôn hấp dẫn kéo chúng tôi trở lại như những chuyến về nguồn. Và một lần là vào cuối năm Tân Tỵ. Nhà chị Tám lúc đó đã được sửa chữa thật khang trang, chị đang lúi húi ủi lúa phơi trên cái sân xi măng trước nhà. Chúng tôi lao vào ôm chầm lấy nhau, vâng những người thân lâu ngày mới gặp mà... 

Và cứ thế chị vui vẻ: "Con gái tôi đi học chưa về, đã lớp 11 rồi đó, ảnh hưởng của chất độc hóa học nên cháu hơi yếu, một mắt nhìn không rõ...".

Trong lúc chị nhanh nhẹn bổ dưa đãi khách, tôi rảo một vòng quanh nhà. Một bộ ván nhỏ sơn dầu đã lên nước bóng lộn, bốn chân tiện kiểu cọ cầu kỳ, một đầu đặt chiếc ti vi 14 inche được phủ một tấm vải hoa, một đầu sát cửa sổ là mền mùng xếp gọn ghẽ. 

Chỗ nghỉ của chị đấy. Góc buồng bên kia là những bao tải thóc đã phơi khô, quạt sạch xếp chồng lên nhau. Căn phòng nhỏ trước khi ra phòng khách là chỗ của hai cô con gái. Ra là lúc đang mang bầu Yến Ly, có việc đi qua bệnh viện, chị Tám đã nhận nuôi bé gái mới 3 ngày tuổi bị ai đó bỏ lại. Chị đặt tên bé là Ái Lan... Tôi chú ý đến một căn buồng có móc khóa, mở ra thì đủ hết: gà, vịt, heo... 

Trở lại phòng khách, lại nghe giọng chị oang oang: "Vừa rồi tự tôi đã tổ chức cuộc gặp mặt tại nhà này cho hơn một trăm cựu chiến binh trong xã, cũng có đàn hát văn nghệ và cả ăn uống nữa, vui lắm... Tôi nói với anh chị em: Chúng mình giờ không phải là đồ bỏ đâu, giặc cứ đến biên giới là xin Đảng cho ra trận ngay!". 

Ngày 28-4-2000 chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Chúng tôi lại đi thăm chị Tám. Tam giác sắt thuở nào bom cày đạn xới chỉ còn thấy đất với đá một màu đỏ quạch, nay màu xanh đã trải ngút ngàn được tô điểm bởi những nét chấm phá đậm đà của sự phát triển công nghiệp. 

Từ TP Phan Thiết về đến sân nhà chị chỉ với 8 cây số đường trải nhựa phẳng lì. Vẫn cái khung nhà ấy nhưng nội dung đã lắm đổi thay. Vòng tay người mẹ đã ôm trọn gia đình nhỏ Ái Lan, cháu đã có con gái hơn 3 tuổi. Yến Ly làm địa chính ở xã cũng đã có người yêu, đang tiến dần tới hôn nhân. 

Cạnh bộ ván của chị Tám là chiếc giường của anh con nuôi, vốn dân Quảng Bình, lúc ở bộ đội đọc báo viết về chị xúc động quá xin làm con nuôi. Ra quân anh về Phan Thiết làm thợ điện, thỉnh thoảng chạy đi chạy về xem mẹ cần gì thì làm...

Rất vui bởi sự có mặt của chúng tôi, với đôi ghế gỗ chị Tám lăng xăng đi lại khắp nhà, khi mở tủ lạnh lấy sữa chua đãi khách, lúc lại với lên bật đầu CD cho chúng tôi xem đoạn băng kỷ niệm của Đài Truyền hình Bình Thuận quay về chị... Trong không khí ấm cúng và hạnh phúc ấy, chị Sáu Sâm - một cựu nữ tù kháng chiến Bình Thuận đã nghỉ hưu - nhỏ nhẹ hỏi về mối tình đầu của chị.

Mắt chị Tám chợt xa xăm: “Ảnh tên Trung, cùng quê, cùng chiến đấu với nhau, khi xa có đôi dòng thư thăm hỏi, lúc gần cũng chỉ nắm tay nắm chân vậy thôi... Khi em ở tù lần đầu, bị địch cưa chân thì ảnh hi sinh, gia đình ảnh nay chẳng còn ai... Dạ, em chỉ có ảnh!”.

Cái điểm sáng hạnh phúc duy nhất ấy chỉ lóe lên khi chị mới 20 tuổi rồi vụt tắt ngay để dành chỗ cho những chiến đấu hi sinh thật khốc liệt của huyền thoại kháng chiến viết bằng máu và những tháng năm của kỳ tích lao động hòa bình...

Lê Khắc Hân
.
.