Shangri-La 2018: Màn dạo đầu cho cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông

Thứ Hai, 18/06/2018, 07:43
Như nhiều lần trước, Đối thoại Shangri-La 2018 đã trở thành kênh ngoại giao đa phương lớn nhất của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (nay còn mang ý nghĩa là Ấn Độ - Thái Bình Dương) thể hiện quan điểm của mình về những vấn đề an ninh khu vực. 


Cũng qua đó, Biển Đông tiếp tục được đẩy lên như một vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong các thảo luận về an ninh - hòa bình, về quá khứ, hiện tại và tương lai trật tự địa - chính trị của khu vực.

Nhưng sự khác biệt về lợi ích cốt lõi giữa các chủ thể chính với nhau (Trung Quốc và Hoa Kỳ) và giữa chủ thể chính với các quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ hơn (Việt Nam, Philippines, Đài Loan...) khiến cho Biển Đông tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, không thể cân bằng được lợi ích của tất cả các bên.

Khác với Trung Quốc, Đối thoại Shangri-La lại là dịp để Mỹ tuyên bố rõ ràng nhất về chính sách của Washington đối với Biển Đông - vấn đề quan trọng nhưng vẫn chưa được đặt vào trung tâm của cạnh tranh Trung - Mỹ.

Lợi thế của Trung Quốc

Kể từ sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã có một giai đoạn tương đối thành công khi đã hình thành nên được những lợi thế chiến lược trên Biển Đông, bao gồm những tuyên bố chủ quyền, hoạt động của tàu hải quân, hải cảnh và máy bay chiến đấu trên Biển Đông, trong đó tập trung vào những đảo đá đã được cải tạo thành căn cứ quân sự như đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi, đảo Phú Lâm. 

Ngay trước khi Đối thoại Shangri-La diễn ra, hồi tháng 5-2018, Trung Quốc cũng đã công khai đưa thêm các vũ khí mới đến quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Theo Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS/AMTI), Trung Quốc vừa theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, vừa tiếp tục các hoạt động xây dựng trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong đó đã hoàn thành việc nạo vét và chôn lấp để tạo ra 7 hòn đảo mới tại Trường Sa (2016) và mở rộng các đảo nhỏ tại Hoàng Sa (2017).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La ngày 2-6.

Có thể nhận thấy Bắc Kinh dường như không quá quan tâm đến những cảnh báo từ phía Mỹ khi chính quyền Donald Trump coi Trung Quốc là “cường quốc xét lại” trong bản Chiến lược An ninh quốc gia được công bố tháng 12-2017. 

Giới lãnh đạo Trung Quốc chưa cho thấy họ sẽ xem xét lại hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cho dù Washington đang thay đổi cách tiếp cận đối với khu vực. 

Vì thế, quốc gia này thường chỉ cử một phái đoàn ngoại giao cấp thấp tham dự hội nghị và luôn ở trong trạng thái bị cô lập do những quan điểm của Bắc Kinh được xem là nằm ngoài tầm nhìn chung của các quốc gia trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi thất bại trong việc thuyết phục ông Barack Obama về quan điểm “quan hệ nước lớn kiểu mới” đang tận dụng cơ hội đến từ vị Tổng thống Mỹ hiện tại Donald Trump. 

Ông Tập Cận Bình muốn quảng báo ra thế giới hình ảnh về một Trung Quốc luôn cổ vũ cho tự do thương mại và toàn cầu hóa - cái mà ông Trump đang phê phán.

Đồng thời, Bắc Kinh luôn nhắc nhở phương Tây về vai trò không thể không nhắc đến của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Về dài hạn, làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ và cấu trúc địa chính trị ở Đông Á đang tồn tại là điều mà Trung Quốc mong muốn. Nhưng Đối thoại Shangri-La 2018 lại cho châu Á - và cả thế giới biết - về những điều trước mắt mà Trung Quốc đang lo ngại. Đó là mối quan tâm về sự tồn tại. 

Như Trung tướng Lưu Lôi (He Lei) - trưởng đoàn Trung Quốc tại Shangri-La năm nay - ngụ ý việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là nhằm mục đích tránh bị xâm lược.

Chiến lược biển của Trung Quốc những năm gần đây có sự phát triển khi đề cập đến ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Trung Quốc trên con đường trở thành một cường quốc biển sẽ buộc phải hành động một cách “ôn hòa” như nhiều cường quốc biển khác, thay vì hiếu chiến như hiện nay. Nhưng tại Shangri-La, đoàn đại biểu của Bắc Kinh dường như không có nhiều cơ hội để thể hiện điều đó.

Trên thực tế, Trung Quốc đang xem quan hệ quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn như trong thế kỷ XIX. Điều này dẫn đến nỗi lo chung của mọi cường quốc mới trỗi dậy về sự tồn vong của bản thân và việc bành trướng là hệ quả tất yếu như một biện minh cho lý do để duy trì sự tồn tại. 

Quả thực, Bắc Kinh vẫn luôn coi sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương là mối đe dọa lớn nhất. Do đó, Trung Quốc luôn cố gắng duy trì vai trò của họ trên Bán đảo Triều Tiên, phản đối Mỹ củng cố khả năng quân sự tại Hàn Quốc bằng việc triển khai hệ thống THAAD và tìm cách chia rẽ các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Mặc dù phản đối với những cuộc tuần tra của Hoa Kỳ tại Biển Đông, song đó cũng là dịp để Trung Quốc thử nghiệm và hoàn thiện các căn cứ quân sự và vũ khí trên Biển Đông. 

Từ năm 2016, Trung Quốc đã triển khai trái phép trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9, tiêm kích cơ J-11, các xe radar. 

Sau khi phải ứng phó với sự hiện diện với tần suất cao của các khu trục hạm của Mỹ trong năm 2017, đầu năm 2018, Trung Quốc đã thực hiện cuộc diễn tập phô trương sức mạnh với 40 tàu chiến và tàu ngầm trên Biển Đông, trong đó có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.  

Với lợi thế đang có được, Trung Quốc sẵn sàng bất chấp mọi phản ứng từ phía bên ngoài, họ vẫn sẽ tiếp tục biến Biển Đông thành những căn cứ trên biển trước khi phải đối mặt với những thách thức quân sự thực sự từ phía Hoa Kỳ và đồng minh.

Sự bắt đầu mới của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự thất vọng đối với Trung Quốc vì quốc gia này không nhiệt tình gia tăng áp lực tối đa nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. 

Song đó không phải là lý do để giải thích việc chính quyền Donald Trump đã từ bỏ chính sách lôi kéo của người tiền nhiệm Barack Obama để chuyển sang chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc. 

Điều đó đã được thể hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của ông Donald Trump, Trung Quốc là “cường quốc xét lại”, là kẻ thách thức trật tự thế giới tự do mà Mỹ đang dẫn đầu và tạo ra luật chơi.

Những màn tấn công ngoại giao mà Mỹ dành cho Trung Quốc đã diễn ra ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La 2018. Ngày 30-5, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố không mời Trung Quốc tham gia tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC). 

Trước đó, 2 tàu chiến của Mỹ đã thực hiện tuần tra gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đã xây dựng thành trung tâm quân sự và quản lý các hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa.

Tại Đối thoại Shangri-La, trong phiên thảo luận có chủ đề “Sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức của an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thẳng thắn chỉ trích ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. 

Song, trọng tâm chính bài phát biểu của ông James Mattis đúng như chủ đề phiên họp, đó là tái khẳng định: (i) vai trò thống trị của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; (ii) sự tự do và ổn định của các hoạt động hàng hải trên Biển Đông là lợi ích quan trọng đối với Mỹ; (iii) trấn an và củng cố quan hệ đồng minh, đặc biệt với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia cũng đang đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc.

Ông James Mattis cũng không quên nhắc lại: “Chắc chắn rằng: Mỹ là ở đây tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là khu vực ưu tiên của chúng tôi”. 

Hưởng ứng cho những cam kết mạnh mẽ này của Mỹ, Bộ Quốc phòng Anh và Pháp cũng tuyên bố sẽ đưa tàu chiến đến Biển Đông. Rõ ràng, những áp lực mà Trung Quốc đang phải đối mặt lớn hơn rất nhiều so với những gì họ từng trải qua khi ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ.

Trên thực tế, Biển Đông vẫn chưa nằm trong trọng tâm chính sách của Mỹ tại khu vực. Washington vẫn đang giành ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Vấn đề Biển Đông không ảnh hưởng nhiều đến an ninh của Mỹ, nhưng việc Kim Jong-un sở hữu vũ khí hạt nhân thì lại khác. 

Do đó, dù rất muốn song Mỹ vẫn chưa thể có những động thái quân sự đủ mạnh để chặn đứng bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông, ít nhất là trong năm nay. 

Việc bị chi phối bởi nhiều điểm nóng đã ảnh hưởng đến kết quả phân phối các nguồn lực của Mỹ trong khu vực, do đó, họ buộc phải cân nhắc các lợi ích để có được những ưu tiên chính sách, mặc dù điều đó không nằm ngoài mục đích chung là ngăn chặn Trung Quốc.

Cuộc chơi trên Biển Đông thay đổi

Những gì mà Trung Quốc quan tâm có thể được gói gọn trong lời phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Biển Đông lớn hơn tất cả sự hiện diện của Trung Quốc và các nước khác gộp lại”.

Với một tư duy theo kiểu nước lớn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chắc chắn vẫn sẽ coi Biển Đông là cuộc chơi giữa hai diễn viên chính là Trung Quốc và Mỹ. 

Do đó, vì sự khác biệt lợi ích, Mỹ sẽ không tìm cách xoa dịu những nỗi lo sợ của Trung Quốc về sự hiện diện của Mỹ, đồng thời cũng sẽ không để Trung Quốc đạt được những lợi ích quốc gia một cách dễ dàng.

Theo chiều hướng đó, Mỹ sẽ thể hiện vai trò đứng đầu bằng việc khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải suy nghĩ lại trước khi đẩy Trung Quốc vượt quá giới hạn, có thể dẫn đến xung đột giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp trên Biển Đông và quan trọng hơn, buộc Trung Quốc phải ngừng lại nếu không muốn đối đầu trực tiếp với Mỹ tại Biển Đông.

Trung Quốc và Mỹ, vì thế, sẽ là hai nhân vật chính trong cuộc cạnh tranh trên Biển Đông. Đây là điều mà Trung Quốc không hề mong muốn.

Trần Bách Hiếu
.
.