Sẵn sàng “chơi theo luật”
- Donal Trump lần đầu điện đàm với Tổng thống Nga
- Hé lộ chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ
- Những hình ảnh màu cực hiếm về chiến tranh Thái Bình Dương
Khái niệm địa chính trị “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mà Tổng thống Trump sử dụng thay thế cho thuật ngữ “Châu Á - Thái Bình Dương” phản ánh một tầm nhìn khu vực chiến lược hoàn toàn mới của Mỹ. Đó là quan điểm về duy trì thịnh vượng, cũng như bảo vệ hòa bình ở một khu vực rộng lớn, năng động và vô cùng quan trọng đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ không tìm cách thống trị mà chỉ muốn hợp tác với các quốc gia mạnh, độc lập và sẵn sàng “chơi theo luật”. Giới quan sát nhận định, tầm nhìn mới “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của ông Trump được cho là đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa” và sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thay đổi chiến lược
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ lâu đã có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình các cam kết rộng lớn hơn cam kết “Châu Á trước hết” của Mỹ. Ấn Độ Dương là khu vực tập trung nhiều nhất các kênh giao thông đường thủy quan trọng trên thế giới. Dầu thô vận chuyển hằng năm qua Ấn Độ Dương chiếm 46,5% lượng vận chuyển dầu thô bằng đường biển hằng năm trên thế giới. Thương mại quốc tế hai chiều qua Ấn Độ Dương đạt gần 1.000 tỷ USD/năm.
Khu vực này hiện là nơi có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 7/8 thị trường phát triển nhanh nhất và 7/10 lực lượng quân đội quy mô nhất toàn cầu. Nhiều người thậm chí còn dự đoán rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ đóng góp hơn một nửa sản lượng kinh tế thế giới trong những năm tới. Chính vì vậy, bất cứ một nước lớn nào cũng đều rất coi trọng Ấn Độ Dương, mong muốn có thể chiếm vị thế chủ đạo ở khu vực chiến lược này.
Trên thực tế, chính quyền D. Trump tỏ ra vô cùng hứng thú với khu vực này đến mức thay thế hoàn toàn cụm từ “đã cũ và lỗi thời” mang tên “Châu Á - Thái Bình Dương” từ thời cựu Tổng thống B. Obama, và đặt lại tên thành “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Theo đó, Washington muốn làm mới quan hệ với các đối tác, để cùng nhau hành động nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và thương mại giữa tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng và bảo vệ an ninh khu vực.
Tổng thống D. Trump cũng tuyên bố, Mỹ sẵn sàng ký kết hiệp định thương mại song phương với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mong muốn trở thành đối tác của Mỹ, nhấn mạnh Mỹ nằm ở trung tâm của mọi mối quan hệ đối tác, mong muốn sự hợp tác dựa trên cơ sở “công bằng và cùng có lợi”.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Modi đồng thuận trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. |
Chuyến công du của Tổng thống Mỹ D. Trump tới châu Á, tuy chỉ đạt được một số ít thành công cụ thể, song đã tạo ra được sự thay đổi khái niệm quan trọng cho chiến lược của Mỹ tại khu vực. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và những ẩn ý chính sách kèm theo là chỉ dấu quan trọng cho thấy Mỹ đang rất nỗ lực để định hình chính trị.
Tuy chính quyền D. Trump cho rằng lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương là đa phương diện, liên quan đến chính trị, kinh tế, an ninh và tài nguyên, nhưng thông qua việc tổng kết lại có thể thấy lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương trước hết là bảo đảm chắc chắn rằng Ấn Độ Dương trở thành tuyến thương mại quốc tế an toàn và thông suốt.
Về lâu dài, Mỹ muốn âm thầm khống chế dầu mỏ của khu vực Trung Đông, gây ảnh hưởng đối với những nước nhập khẩu dầu mỏ quan trọng, từ đó duy trì quyền lực của mình.
Giới quan sát nhận định, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của chính quyền Trump ở góc độ nào đó cũng giống với đường lối “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” của cựu Tổng thống B. Obama.
Với chuyến thăm 5 quốc gia châu Á, ông Trump chứng tỏ sự bắt đầu chiến lược chuyển hướng sang châu Á của Mỹ, mà mục tiêu trước mắt là thúc đẩy xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tuy nhiên, ông Trump cũng chưa có ý định từ bỏ hoàn toàn chiến lược cũ của người tiền nhiệm. Minh chứng cho việc Mỹ không rời khỏi châu Á - Thái Bình Dương chính là việc để Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Theo đó, việc để James Mattis lần đầu tiên tham gia hội nghị nêu trên có ý đồ nhấn mạnh sự coi trọng của ông Trump đối với khu vực này. Tín hiệu mà ông muốn truyền đi là, Mỹ sẽ không rời khỏi châu Á - Thái Bình Dương.
Vừa hợp tác, vừa đối đầu
Cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” không mới, thậm chí khá phổ biển ở Nhật Bản khi được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra hơn một thập niên trước. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ D. Trump đã “mượn” những lời này để quy tụ các quốc gia có chung lý tưởng hợp tác với nhau trên nguyên tắc “có đi có lại”, để đặt ra và duy trì các nguyên tắc về tương hỗ cũng như về kinh tế và an ninh quân sự.
Bằng cách khoanh vùng khu vực dưới góc nhìn mới, ông D. Trump đã cho thấy ý định rõ ràng của Mỹ là nhấn mạnh vào sự tiếp nối và mở rộng chiến lược của chính quyền tiền nhiệm, thay vì đột ngột “xoay trục” mà ở đó Mỹ có thể tái cân bằng hôm nay nhưng cũng sẵn sàng rút lui vào ngày mai.
Cùng với việc nhìn lại lịch sử và tập trung vào sự năng động của châu Á, tầm nhìn của ông Trump xoáy sâu vào một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, khẳng định Mỹ không tìm cách lấn lướt mà mong muốn làm đối tác với những quốc gia mạnh mẽ và “hiểu luật chơi”.
Chiến lược mới của chính quyền D. Trump làm sáng tỏ lập trường đa phương hóa của Mỹ ở châu Á. Chủ trương của ông Trump là dựa trên cơ sở duy trì và củng cố mối quan hệ với các đồng minh tốt nhất với chính quyền Mỹ trước đây như Nhật Bản, Mỹ sẽ “mở rộng vòng tay” với các đối tác mới, nhất là Ấn Độ hay Australia, đồng thời tìm cách thông qua sự cạnh tranh và cân bằng trong thời gian dài để đối phó với sự khuếch tán quyền lực xuất hiện ở châu Á.
Chiến lược hiện nay của Tổng thống Trump đặc biệt thúc đẩy tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách khu vực của Mỹ, coi Ấn Độ là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn lập ra một liên minh trong đó cả Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để tạo ra trật tự kinh tế khu vực, từ đó mở đường cho liên minh 4 bên.
Đây cũng có thể là cách Mỹ duy trì niềm tin ở các quốc gia khác trong khu vực khi họ có vẻ dè chừng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Đối với Mỹ, việc đề cập đến Ấn Độ Dương cũng là nhắc đến Ấn Độ, một quốc gia rộng lớn với nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Á và chứng kiến những thay đổi tương đối trong chính sách.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ lâu đã có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình các cam kết rộng lớn của Mỹ. |
Ấn Độ bắt đầu rời xa chính sách trung lập vốn tồn tại lâu dài trước đây để đổi sang sách lược chiến tranh ngoại giao có tính cân bằng với Trung Quốc. Ấn Độ đã lên kế hoạch chi tiêu ít nhất 61 tỷ USD trong 12 năm tiếp theo để phát triển lực lượng hải quân khi các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Ấn Độ Dương.
Mỹ tìm thấy điểm chung với Ấn Độ trong việc kiềm chế và ngăn chặn tham vọng vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Vì thế, Washington hy vọng cải thiện và tăng cường quan hệ với New Delhi có thể là một chính sách đối trọng với Bắc Kinh trong khu vực.
Một số ý kiến khẳng định, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” rõ ràng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong một khu vực rộng lớn hơn. Chính sách mới của chính quyền Trump đang dần lôi kéo nhiều cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia về một liên minh khác với chiến lược phát triển của Trung Quốc ở khu vực.
Tuy nhiên nếu quan sát kĩ sẽ nhận thấy, ông Trump thực chất muốn ngăn chặn các nước không hữu nghị với Mỹ giữ vai trò chủ đạo Ấn Độ Dương, đặc biệt là thông qua “con đường yết hầu” của Ấn Độ Dương nằm ở phía đông eo biển Malacca và kéo dài đến Biển Đông - nơi Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Thông qua sáng kiến “Một vành đai - Một con đường”, với trọng tâm là Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, Trung Quốc đang thể hiện rõ ý định thay đổi hiện trạng và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy của Trung Quốc tất nhiên sẽ thách thức lợi ích chiến lược và an ninh của Mỹ ở khu vực này.
Với việc đưa ra một bộ các nguyên tắc và lợi ích dự kiến được làm rõ hơn trong những năm tới, ông Trump đã phác thảo tham vọng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của riêng mình nhằm đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, mà ở đó Trung Quốc nằm ở trung tâm của vũ đài thế giới vào giữa thế kỷ này.
Và thay vì một con đường, một cách nói gợi nhắc đến chiến lược “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ chỉ ra rằng thế giới có rất nhiều giấc mơ và nhiều con đường.
Suy cho cùng, sứ mệnh mà ông Trump đặt ra khi vẽ nên bức tranh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là bảo toàn quyền lực của Mỹ trong lúc tìm kiếm những cơ hội mới để “xứ cờ hoa” duy trì ảnh hưởng chiến lược trên toàn bộ khu vực rộng lớn và năng động này...