Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Theresa May: Những nữ tướng của châu Âu

Thứ Năm, 31/05/2018, 19:31
Hiện nay, thế giới đã chứng kiến “sự lên ngôi” của cặp đôi nữ lãnh đạo châu Âu là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May - những cá nhân có thể đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, chính trị của khu vực và thậm chí thế giới.


Dù là “nữ tướng” thứ hai của Anh sau bà đầm thép Margaret Thatcher, bà Theresa May đang được so sánh nhiều hơn với bà Angela Merkel, người được mệnh danh là “nữ hoàng châu Âu”. Điểm chung nhất là cả hai đều vượt qua rất nhiều đấng mày râu để trở thành người đứng đầu của hai nền kinh tế lớn ở cả châu lục và trên thế giới.

Về tính cách, cả hai đều được đánh giá là thuộc týp người nhiều tham vọng, điềm tĩnh và có phong cách lãnh đạo không khoan nhượng - không như những gì người ta thường tưởng tượng về những “bóng hồng”. 

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cả hai nhà lãnh đạo đều giữ vai trò rất quan trọng trong tiến hành đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời EU (Brexit).

Hai “bông hồng” quyền lực

Thủ tướng Angela Merkel đã giữ vững vị trí lãnh đạo nước Đức trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp sau khi chiến thắng trong cuộc tranh cử quyết liệt. 

Nắm chức vụ Thủ tướng từ năm 2005, bà Merkel đang cố giữ cho Liên minh châu Âu nguyên vẹn và ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của đảng cực hữu. Quyền lực của bà Merkel vẫn vững chắc nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Đức. 

Bà Merkel mang đến một sự lãnh đạo ổn định và phi ý thức hệ, khiến xã hội Đức đã cởi mở và thoải mái hơn. Đức tin chủ yếu của bà Angela là “được tự do”, từ chuyện hoàn cảnh của một con người đến vấn đề thương mại của một quốc gia. Và đây cũng chính là “kim chỉ nam” của vị nữ thủ tướng trong quan hệ với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong khi đó, quyền lực không thua kém bà Merkel chính là nữ Thủ tướng Anh Theresa May - một nhà chính trị đảng Bảo thủ, người đã nhậm chức sau khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và khiến Thủ tướng Anh khi đó là David Cameron phải từ chức. 

Cặp đôi Angela Merkel - Theresa May được đánh giá là thuộc týp người nhiều tham vọng, điềm tĩnh và có phong cách lãnh đạo không khoan nhượng.

Giờ đây, bà May phải lãnh đạo một chính phủ liên minh chia rẽ và chèo lái đất nước đi qua quá trình Brexit cho tới năm 2019. Theresa May là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán, luôn đấu tranh cho nữ quyền. 

Truyền thông nhận xét bà là một người theo chủ nghĩa bảo thủ tự do và so sánh bà với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây cũng chính là những hình mẫu nữ chính trị gia có phong cách làm việc cứng rắn của châu Âu hiện nay.

Sự so sánh bắt đầu khi hai người phụ nữ này trở thành đối tác đàm phán về Brexit. Nếu bà Merkel có tiếng nói rất quan trọng khi là nhà cầm quyền lâu đời nhất tại nền kinh tế mạnh nhất châu Âu thì Theresa May là đối trọng sẽ khiến cả châu Âu thay đổi vì Brexit. 

Cả hai được biết đến như những người có phong cách lãnh đạo không khoan nhượng và xu hướng chính trị thực dụng là chìa khóa quan trọng đưa họ thăng tiến trong chính trường. Hai người phụ nữ khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải e dè đã “lên ngôi” vào thời điểm đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất. 

Bà Merkel nắm quyền ở Đức vào năm 2005 khi nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Trong khi đó, bà May trở thành thủ tướng khi đất nước gặp nhiều khó khăn ngay sau Brexit, đảng phái chính trị trong tình trạng hỗn loạn, gần một nửa đất nước còn hoang mang, thất vọng về những gì vừa diễn ra và cả những điều chưa đến.

“Bà đầm thép” hay “Nữ hoàng băng giá” là từ ngữ được dùng để nói về hai nữ tướng này. Bà May và Merkel đều là con của giáo sĩ Tin lành, nhưng nền tảng tôn giáo không ảnh hưởng đến các chính sách của họ. 

Với việc chào đón những người tị nạn, bà Merkel đã thực hiện một “mệnh lệnh đạo đức” như được thành lập trên các giá trị tôn giáo hơn là một nhà chính trị bảo thủ. 

Dù phản đối quyết liệt chính sách nhập cư của Đức, bà Theresa May vẫn luôn phấn đấu cho bình đẳng xã hội, những cải cách dựa trên lợi ích dân tộc cho thấy sâu thẳm trong “nữ hoàng băng giá” này không phải chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. 

Chính trường nhắc đến cả hai về những quyết sách táo bạo thay vì đề cập đến sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo của một nữ giới so với người đồng cấp nam giới.

Giới quan sát cho rằng, hai nữ thủ tướng sở hữu phong thái lãnh đạo tương đối điềm đạm, không bao giờ phản ứng tức thời những gì người khác chỉ trích mà sẽ cân nhắc và trả lời “sau đó”. 

Nhiều lúc, “sự bình chân như vại” trở thành đề tài chỉ trích của những nhà phê bình chính trị vì cho rằng đã đưa đất nước vào “chế độ ngủ đông”. Tất nhiên, hai lãnh đạo vẫn thể hiện sự linh hoạt trong các quyết sách với lập trường chính trị rõ ràng, biết cách thể hiện quyền lực của nhà cầm quyền tối cao với những quyết sách có tầm ảnh hưởng toàn cầu, cùng với những thay đổi chiến thuật vào đúng thời điểm. 

Cuối cùng, cả hai người phụ nữ này đều đã có những chiến thắng quan trọng trước những người đàn ông quyền lực để trở thành nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn.

Cam kết hợp tác

Từ trước tới nay, Anh và Đức luôn là hai đối tác thân thiết trong EU. Với tiềm lực kinh tế thuộc hàng đầu của châu Âu, Anh và Đức từng là hai quốc gia “đầu tàu” trong việc giải quyết các hàng loạt vấn đề của châu lục như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di cư hay chống khủng bố. Hai nhà lãnh đạo Angela Merkel và Theresa May bày tỏ tin tưởng tiếp tục duy trì mối quan hệ bền chặt này, bất chấp việc Anh sẽ ra khỏi EU. 

Bà Merkel cho rằng Đức và Anh cùng có “niềm tin và những giá trị giống nhau”, trong khi bà Theresa May gọi Đức là “đối tác sống còn và người bạn đặc biệt”. 

Dư luận hi vọng, bộ đôi Merkel - May có thể tìm ra cách tiếp cận hợp lý cho những vấn đề vẫn còn nhiều khác biệt, để Anh và Đức tiếp tục là những đối tác thân thiết ở châu lục.

Thực tế đã cho thấy, trong các cuộc gặp mặt liên quan đến lộ trình Brexit, hai nữ thủ tướng đã chứng tỏ có cách tiếp cận khá mềm dẻo, làm nền tảng cho mối quan hệ bền chặt Anh - Đức. 

Với cách tư duy thông thường rằng “cùng dấu sẽ đẩy nhau”, các cuộc gặp gỡ giữa hai nữ thủ tướng có tính cách mạnh mẽ luôn được dự đoán sẽ rất khó khăn, nhất là khi vấn đề trọng tâm trong cuộc trao đổi sẽ là lộ trình đưa nước Anh ra khỏi EU. 

Trong khi lãnh đạo các thành viên còn lại của EU luôn thúc giục Anh phải tiến hành thủ tục Brexit càng sớm càng tốt, bà Merkel chấp nhận cho nước Anh trì hoãn.

Khi nước Anh không còn là một phần của EU, Angela Merkel và Theresa May sẽ đại diện cho hai đối tác ở về hai phía, và bên nào cũng muốn giành những lợi ích tốt nhất có thể sau “cuộc chia tay” này. Dù vậy, kết quả sau cùng cho thấy họ kết hợp khá ăn ý chứ không hề “đẩy nhau” như những lời đồn đoán.

Hai nữ lãnh đạo đồng thời cam kết thúc đẩy mối quan hệ hai nước trên tinh thần đoàn kết và hữu nghị. Đặc biệt, hai bên xác nhận sẽ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới sau khi Thủ tướng Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, đưa London bước vào tiến trình rời khỏi EU. 

Phía Đức khẳng định những tác động của Brexit không ảnh hưởng gì đến quan hệ song phương, cũng như việc nước Anh vẫn là một đối tác mạnh và là đồng minh của Đức trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Động thái này cho thấy Thủ tướng Theresa May muốn khẳng định cam kết rằng London sẽ không quay lưng lại với EU thời hậu Brexit. 

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng vai trò của London đối với an ninh châu Âu là vô cùng quan trọng đối với lợi ích của các quốc gia khác trong EU - một dấu hiệu cho thấy Anh có thể mở rộng một số hình thức hợp tác với châu Âu thời hậu Brexit.

Dù câu hỏi nước Anh sẽ thực hiện tiến trình ra khỏi EU thế nào đang làm các nhà lãnh đạo châu Âu đau đầu, song hai thủ tướng đã tìm được cách tiếp cận chấp nhận được với cả hai bên. Bà May cho rằng nước Anh cần thời gian để xác định rõ ràng các mục tiêu của mình và đảm bảo “Brexit hợp lý và trật tự”. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra rất thấu hiểu những khó khăn mà bà Theresa May phải đối mặt khi bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của bà May - bất chấp áp lực của lãnh đạo các nước châu Âu còn lại. 

Bà Angela Merkel cho rằng, việc nước Anh cần “một chút thời gian” để làm rõ những điều mình muốn là đúng đắn và cần thiết, đồng thời khẳng định “chúng tôi sẽ lắng nghe nước Anh, chúng tôi muốn biết họ thực sự muốn gì trước khi đưa ra quyết định của mình”.

Cách ứng xử của bà Angela Merkel một lần nữa cho thấy bà là một trong những nhà lãnh đạo kiên nhẫn nhất trước sự ra đi của nước Anh. 

Trong khi lãnh đạo các thành viên còn lại trong EU luôn thúc giục Anh phải tiến hành thủ tục ra khỏi EU càng sớm càng tốt, bà Merkel chấp nhận cho nước Anh một khoảng thời gian trì hoãn. 

Dù vậy, bà Theresa May cũng hiểu rằng bà Angela Merkel không hề thay đổi những quan điểm cốt lõi nhất trong vấn đề Anh rời khỏi EU, đó là sẽ không có cuộc đàm phán không chính thức nào giữa Anh và EU khi Điều 50 chưa được kích hoạt và Anh không được quyền lựa chọn nghĩa vụ nào sẽ tuân theo và nghĩa vụ nào không. 

Bởi vậy, một khi bà Merkel đã nhượng bộ thì bà May cũng cần “đáp lễ” tương xứng trong những cuộc đàm phán với EU sắp tới.

Lê Nam
.
.