Tổng thống Mỹ Donald Trump và “chảo lửa” Triều Tiên: Đứng ngồi không yên
- Triều Tiên bắt giữ thêm một công dân Mỹ
- Mỹ - Nhật Bản tập trận chung rằn mặt Triều Tiên
- Mỹ- Triều Tiên: Bên bờ vực nhưng khó có chiến tranh
Giới quan sát nhận định, chính sách của Donald Trump trong quan hệ với Triều Tiên đang tỏ ra “cứng rắn và hiếu chiến” hơn rất nhiều so với những gì người tiền nhiệm Barack Obama đã thể hiện.
Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng Tổng thống Mỹ cần suy tính những bước đi ôn hòa để trở thành “người kiến tạo hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên, thay vì tạo ra một cuộc chiến bom nhiệt hạch và thi hành chính sách bên miệng hố chiến tranh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thông tin Triều Tiên vừa cho phóng thử thêm một quả tên lửa tầm xa nhưng thất bại càng khiến Mỹ đứng ngồi không yên. Bình Nhưỡng lại tiếp tục khiêu khích Washington khi nhiều lần lên tiếng đe dọa có hành động đáp trả khủng khiếp có thể bằng hạt nhân nếu Washington tiến hành tấn công phủ đầu để phản đối chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
“Ông chủ” Nhà Trắng cho biết, Triều Tiên đã và đang gây rắc rối, và nếu Trung Quốc quyết định không giúp đỡ, Mỹ sẽ giải quyết vấn đề một mình. Điều này cho thấy, ông Trump đã tự nhận thấy tình hình Triều Tiên đang ngày càng trở nên phức tạp hơn so với những suy nghĩ đơn giản trước đây.
Vào thế sẵn sàng
Dường như sự kiên nhẫn của chính quyền Mỹ với Triều Tiên đã cạn kiệt sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump với Triều Tiên đã cơ bản hoàn thành.
Một nhóm chuyên gia thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng đã đưa ra hàng loạt phương án từ việc tái triển khai vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc mà Washington đã rút lui từ năm 1992. Các nguồn tin được cho là xuất phát từ cộng đồng tình báo Mỹ tiết lộ Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng thực hiện đòn tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu có được các thông tin về việc Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Điều này không có gì bất ngờ bởi lẽ ngay sau khi trở thành “ông chủ” Nhà Trắng, vị tỷ phú đã nhanh chóng lên kế hoạch áp dụng quân sự với Triều Tiên. Bình luận về cuộc diễu binh quân sự giữa tháng 4 ở Bình Nhưỡng, ông Trump cho biết Mỹ, tưởng như đang lờ đi việc Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự thông qua tên lửa đạn đạo, thực chất luôn theo dõi mọi động thái và ở trong trạng thái “cảnh báo cao nhất” để đối phó với các mối đe dọa.
Mọi sự thất bại của Bình Nhưỡng có thể khiến Washington... thở phào nhẹ nhõm, nhưng không vì thế mà chính quyền Trump được phép lơ là, nhất là vào thời điểm nguy cơ chiến tranh “lơ lửng” như hiện nay.
Vị Tổng thống Mỹ gọi vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng là hành động khiêu khích, buộc Washington phải cứng rắn hơn, trong khi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng vì hòa bình thế giới. Khi mà các phương tiện truyền thông đang lan truyền các thông tin về khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên thì Bình Nhưỡng lại phát đi tín hiệu hết sức cứng rắn với Washington.
Tổng thống Donald Trump đã thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Triều Tiên không phải là đối tác tốt. |
Chính quyền Triều Tiên cam kết rằng nếu bị tấn công, họ sẽ không xuôi tay và đã sẵn sàng cho cuộc chiến toàn diện với chính quyền Mỹ. Bình Nhưỡng cáo buộc Washington là thủ phạm tạo ra các vấn đề trong khu vực bằng những tuyên bố đe dọa trên Twitter cá nhân của Tổng thống Donald Trump.
Theo đó, ông Trump luôn khiêu khích bằng ngôn từ hiếu chiến, ám chỉ “xuống tay” với Triều Tiên, từ đó tạo nên những căng thẳng không cần thiết trong khu vực.
Phía Triều Tiên cũng cảnh báo, nếu như tuyên bố của chính quyền Trump nhằm mục đích lật đổ hệ thống và Chính phủ Triều Tiên là thật thì Triều Tiên sẽ “không nương tay”. Bình Nhưỡng từng nhiều lần chỉ trích Washington gây ra nhiều rắc rối khiến Bình Nhưỡng “khó chịu và không thể nhượng bộ”, một trong số đó là việc ông Trump ra quyết định điều động tàu sân bay đến khu vực để tham gia các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Những hành động của Mỹ khiến Triều Tiên sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết. Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình và tiến hành các vụ thử hạt nhân cho đến khi nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy đủ.
Giới quan sát nhận định, mọi hành động hiện thời của Mỹ chỉ đơn giản là không muốn công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Nếu xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên thì Mỹ sẽ chờ thêm ít nhất là 6 tháng nữa. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đang thực hiện những bước đi “từ tốn”, ám chỉ sẵn sàng tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên. Cụ thể, hôm 9/4, hải quân Mỹ đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu tiến tới gần khu vực bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Mỹ còn đưa ra quyết định tấn công bất ngờ khi cho phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ quân sự của Syria ở Homs. Các cuộc không kích của quân đội Mỹ nhằm vào Syria thực chất là lời cảnh báo tới nhiều quốc gia, trong đó bao gồm Triều Tiên.
Nhờ cậy đồng minh
Ông Donald Trump từng khẳng định, bất kỳ quốc gia nào gây nguy hiểm cho Mỹ đều phải chịu kết cục không mấy dễ chịu. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể sẵn sàng tấn công Triều Tiên như đã làm với Syria, nhất là khi Bình Nhưỡng được cho sắp làm chủ công nghệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ. Tuy vậy, ông Trump vẫn sẽ cố gắng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình, nhưng đồng thời cũng xem xét tất cả “các phương án khác”.
Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình và tiến hành các vụ thử hạt nhân cho đến khi nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy đủ. |
Ngoài ra, ông cũng tuyên bố rằng Mỹ muốn Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng hiện nay trong khu vực.
Biết rằng Bắc Kinh là đồng minh của Bình Nhưỡng, ông Donald Trump cũng đã không ít lần viết trên trang cá nhân rằng ông có niềm tin lớn về việc Bắc Kinh sẽ có “biện pháp cần thiết” với Bình Nhưỡng.
Thậm chí, ông đã có nhiều cuộc điện đàm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về những mối đe dọa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế rằng, việc hải quân Mỹ điều động nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên cho thấy trong các cuộc thảo luận, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào mang tính chắc chắn về phương thức giải quyết những vấn đề tranh cãi liên quan tới Bình Nhưỡng.
Theo giới phân tích, không phải ngẫu nhiên ông Trump chọn thời điểm tấn công căn cứ quân sự ở Syria lại trùng với dịp ông Tập sang thăm Mỹ. Quyết định tấn công Syria của ông Trump được đánh giá là có hai thông điệp nhắn gửi tới Trung Quốc.
Thứ nhất, Bắc Kinh chưa hành động đủ để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thứ hai, Mỹ có thể sớm đưa ra hành động với Triều Tiên ngay cả khi không có sự trợ giúp từ phía Trung Quốc. Điều này được thể hiện rất rõ khi ông Trump nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ “sẵn sàng tự lập”. Rõ ràng, Trung Quốc không thể còn giữ thế trung lập trong căng thẳng Mỹ - Triều bởi cuộc chiến giữa hai quốc gia này đang đến gần hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh này, Washington đã quyết định cho Bắc Kinh thêm thời gian để tăng cường các sức ép ngoại giao buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Tổng thống Donald Trump đã thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Triều Tiên không phải là đối tác tốt.
Triều Tiên là gánh nặng đối với tất cả các quốc gia và là mối đe dọa không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và thực tế là cả với Trung Quốc. Mỹ không có ý định thực hiện các biện pháp quân sự mà mong muốn giải quyết tình hình bất ổn hiện nay bằng các biện pháp ngoại giao nhờ sự ủng hộ của Trung Quốc, nhằm tránh gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và làn sóng tị nạn trên bán đảo Triều Tiên.
Với vị thế là đồng minh quan trọng nhất cả về mặt kinh tế và ngoại giao, Trung Quốc có đủ uy thế để ngăn cản Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích. Đây cũng chính là điều mà ông Trump muốn nhà lãnh đạo Tập Cận Bình giúp đỡ để tránh làm các bên tổn thương.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Bắc Kinh đưa ra các điều kiện thương mại thuận lợi hơn để đổi lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh khi chống lại mối đe dọa từ phía Triều Tiên. Ông cũng cam kết chính quyền Mỹ sẽ không chỉ trích Trung Quốc độc tài trong lĩnh vực tiền tệ.
Đáp lời, ông Tập khẳng định Trung Quốc quyết tâm giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời kêu gọi Mỹ cần ôn hòa hòa hơn, cũng như đưa ra các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng...