Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Không hô khẩu hiệu suông

Thứ Ba, 15/08/2017, 17:09
Thời gian qua, Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định đặt an ninh quốc gia làm trọng tâm chính sách đối ngoại mới của Pháp, đồng thời vạch ra các kế hoạch giảm can thiệp trong các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Ông công khai ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhằm đem lại hòa bình cho khu vực Trung Đông, và kêu gọi Israel và Palestine nối lại các cuộc đàm phán.

Trong vấn đề Syria, ông Macron cho rằng việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức không còn là một “điều kiện tiên quyết” để tiến hành các cuộc đàm phán hậu chiến. Tổng thống Pháp bày tỏ mong muốn thay đổi nguyên tắc “cứng nhắc” đối với vấn đề Syria nhằm đạt được kết quả khả quan nhất, và đang làm việc chặt chẽ với các đối tác, đặc biệt là Mỹ, để thúc đẩy một giải pháp thay thế cụ thể cho thời kỳ hậu chiến ở Syria.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp đã chứng tỏ sự quyết đoán nhưng rất khôn khéo về mặt đối ngoại. Ông Emmanuel Macron khẳng định rằng dù có những quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt. Với Mỹ, Tổng thống Pháp luôn coi Washington là đồng minh chiến lược để giải quyết những vấn đề quan trọng.

Xa hơn nữa, ông Macron muốn chứng tỏ vị thế của nước Pháp ở vị trí trung tâm trong trục quan hệ Mỹ - châu Âu - Nga và trong các vấn đề toàn cầu. Nhà lãnh đạo mong muốn thông qua đối thoại để giải quyết những bất đồng vì lợi ích chung, nhằm lấy lại vị thế của một cường quốc và của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Thay đổi quan điểm

Những năm gần đây, Pháp đã nhanh chóng can thiệp quân sự vào các điểm nóng xung đột Trung Đông và chủ nghĩa thế tục nghiêm ngặt đã khiến Pháp trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng Hồi giáo. Chính sách của những người tiền nhiệm đã đẩy Pháp “chiến đấu” cùng với các nước như Mỹ và Anh.

Khi mới nhậm chức, Tổng thống Macron được cho là sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại hiện nay của Pháp bởi đây là lĩnh vực vẫn còn khá mới đối với ông. Tuy nhiên, trên thực tế mọi thứ đang thay đổi khi ông Macron gắn chính sách đối ngoại của mình với các ưu tiên của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Đồng thời, ông cũng tìm cách cải thiện quan hệ với Nga - quốc gia mà ông coi là một đối tác lâu dài hơn là một mối đe dọa trực tiếp.

Tổng thống Macron tuyên bố từ bỏ yêu cầu việc Tổng thống Syria al-Assad phải ra đi như một điều kiện cho bất cứ giải pháp hòa bình nào tại Syria.

Sự thay đổi bắt đầu từ cách tiếp cận tương đối thận trọng và tránh xung đột tối đa với phía Israel trong cuộc gặp đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine là một khúc mắc lịch sử phức tạp kéo dài nhiều thập kỷ nên ông Macron không muốn có bất cứ động thái sai lầm nào.

Hồi đầu tháng 7, ông Macron đã gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và cho biết bất kỳ thỏa thuận nào về hòa bình ở Trung Đông cũng đều phải thừa nhận quyền hợp pháp có một nhà nước độc lập của người Palestine, đồng thời bảo đảm an ninh cho phía Israel.

Không có một giải pháp tin cậy nào có thể thay thế cho giải pháp hai nhà nước để đem lại hòa bình cho khu vực này. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động vì những bất đồng giữa hai bên.

Trước tình hình đó, Pháp đã chủ trì một hội nghị quốc tế về tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine - một bước đi cụ thể nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình đang “ngắc ngoải”.

Rõ nhất phải kể đến sự thay đổi quan điểm của ông Macron đối với vấn đề Syria. Tổng thống Macron tuyên bố tình hình nhân đạo phải được cải thiện, đồng thời từ bỏ yêu cầu về việc Tổng thống Syria al-Assad phải ra đi như một điều kiện cho bất cứ giải pháp hòa bình nào tại Syria.

Theo ông Macron, nhà lãnh đạo đương thời của Syria không phải là kẻ thù của Paris và ưu tiên của Pháp là đảm bảo sự ổn định cho đất nước Syria, tránh để quốc gia Trung Đông này trở thành một quốc gia tan vỡ, bởi điều đó chỉ có lợi cho khủng bố. Rõ ràng, quan điểm của chính quyền mới Macron trái ngược hoàn toàn với quan điểm của chính quyền tiền nhiệm.

Trước đây, chính sách của Pháp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tập trung vào việc công khai kêu gọi nhà lãnh đạo này từ chức, ủng hộ phe đối lập và thúc đẩy kế hoạch chuyển giao hòa bình.

Tuy nhiên, khi được giao nắm giữ quyền lực, chính quyền tân Tổng thống Macron đã có sự thay đổi rất lớn trong lập trường về Syria, cho rằng chính sách của Paris là quyết không để bị lôi vào một cuộc xung đột kiểu như Libya - một sai lầm không thể nào sửa chữa được khiến hàng loạt nhóm khủng bố nở rộ tại quốc gia Bắc Phi này.

Dưới thời Macron, Pháp đang tập trung vào triển vọng an ninh trong chính sách đối ngoại và khởi xướng cách đối phó của riêng mình với các tay súng Hồi giáo ở Mali, Libya và Syria. Ông Macron muốn duy trì các mối quan hệ mật thiết với một số lãnh đạo ở châu Phi nhằm phát triển các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực mà Pháp không còn muốn can thiệp lâu dài nhưng vẫn cần các lực lượng bản địa.

Hiện nay, Pháp cũng có một kế hoạch hòa bình cho các phe phái đối địch tại Libya, trong đó lần đầu tiên công khai kêu gọi thành lập một quân đội quốc gia thống nhất ở nước này (bao gồm cả lực lượng dân quân miền Đông) để chống các tay súng Hồi giáo.

Thậm chí, Pháp còn thúc đẩy Liên Hiệp Quốc thành lập một lực lượng chống khủng bố mới tại Tây Phi, bên cạnh 4.000 binh sĩ Pháp. Phát biểu với báo giới, ông Macron khẳng định đây sẽ là sự kết thúc của chủ nghĩa bảo thủ, từng thâm nhập vào Pháp 10 năm qua. Paris cần tìm lại sự gắn kết và sức mạnh của một chính sách quốc tế, giúp lấy lại lòng tin và có một chính sách an ninh mạnh tay chống khủng bố.

Thắt chặt quan hệ

Paris thể hiện sự nhất quán khi luôn xem Moscow đóng vai trò quyết định với ván cờ Syria. Tổng thống Macron tỏ ra khá tương đồng với lập trường của Moscow, khi xem việc thay thế ông Bashar al-Assad không phải là sự lựa chọn khả dĩ cho ván cờ Syria.

Ông khẳng định một cuộc chiến toàn diện chống khủng bố cần sự hợp tác của tất cả các lực lượng, đặc biệt là Nga. Nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết nếu thiếu Nga và Paris đang tìm kiếm những cuộc đối thoại với Moscow. 

Paris đang tìm kiếm những cuộc đối thoại với Moscow.

Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nước Pháp đã hiện thực hóa lời nói của mình bằng việc thân thiện tiếp đón Tổng thống Putin khi nhà lãnh đạo Nga có chuyến thăm tới “đất nước hình lục lăng”.

Người đứng đầu Điện Elysees cho biết, ông đặt niềm tin vào Tổng thống Putin khi cho rằng có thể làm việc với người đồng cấp Nga để tìm ra một giải pháp thích hợp cho vấn đề Syria. 

Ông Macron cũng thể hiện mong muốn hợp tác thực chất hơn với Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố, chứ không chỉ là những khẩu hiệu suông như người tiền nhiệm, vốn chỉ được hô lên sau mỗi khi nước Pháp bị khủng bố tấn công, rồi sau đó thì chìm vào quên lãng.

Trước việc Tổng thống Emmanuel Macron thay đổi quan điểm về cuộc xung đột tại Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump bình luận rằng người đứng đầu Điện Elysees đã cho thấy một cái nhìn rất thực tế về các mục tiêu quân sự và chính trị của Pháp ở Syria, chấp nhận cả khả năng Tổng thống Bashar al-Assad sẽ nắm quyền lẫn việc phối kết hợp với Nga để đạt được bất kỳ kết quả khả quan nào.

Cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Pháp không mâu thuẫn với lập trường của chính quyền Trump trong ván cờ Syria, bởi ông Macron đã tuyên bố “sẵn sàng hành động đơn phương để đáp trả bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học nào của chế độ al-Assad”. 

Giới phân tích cho rằng, ông Macron đã tạo nên một sự khác biệt rõ ràng với người tiền nhiệm, và đó được xem là một “nước cờ cao” khi đảm bảo cho Pháp không chịu bất kỳ sự bất lợi nào trong quan hệ với các bên liên quan đến ván cờ Syria.

Chưa hết, Tổng thống Macronđã góp phần nâng cao vị thế cho nước Pháp trong bàn cờ chính trị thế giới - vốn bị lu mờ trước hình ảnh của đồng minh chiến lược bên bờ tây của Đại Tây Dương - sau khi Paris coi Moscow là đối tác quan trọng và thực hiện tối thiểu hóa khác biệt với Washington trong cuộc xung đột Syria.

Tuyên bố của Tổng thống Macron về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad được đưa ra trong bối cảnh có những diễn biến quan trọng liên quan tới vai trò và vị thế của Mỹ cũng như những nước cờ của Washington đã, đang và sẽ thực hiện tại Syria. Lập trường của Paris không mâu thuẫn với hành động của Washington trong cuộc chiến Syria.

Dường như ông Macron nhận thấy giữa Washington và Moscow đã có những động thái tích cực xoay quanh cuộc chiến tại Syria. Đặc biệt là thỏa thuận ngừng bắn tại nam Syria do Nga - Mỹ bảo trợ đã giúp cho Syria lần đầu tiên im tiếng súng, qua đó làm thay đổi rất lớn vai trò và vị thế của Washington trong ván cờ Syria. 

Washington đã trở thành “đạo diễn” cùng với Moscow, và sẽ tiếp tục kết hợp với nhau để có thể giúp cho khu vực ngừng bắn được mở rộng hơn trên lãnh thổ Syria...

Hồng Hạnh
.
.