Con đường gập ghềnh
- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng theo nghiệp cầu thủ
- Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron: Từ vô danh đến... vụt sáng
- Emmanuel Macron, niềm hy vọng chống lại phe cực hữu Pháp
Nhiều người lo sợ “ông chủ Điện Elysee” còn quá thiếu kinh nghiệm vì mới chập chững bước vào chính trường được vài năm, trong khi đó số đông tin tưởng rằng ông là người của thời đại mới, có phương pháp hành động khác hẳn những chính khách kỳ cựu đã thi nhau… thất bại, đẩy một quốc gia đầy tiềm năng vào ngõ cụt.
Có một điều chắc chắn rằng Emmanuel Macron vừa mở một kỷ nguyên mới trong nền chính trị ở Pháp và ở châu Âu. Dù chiến thắng với số phiếu vượt trội nhưng tân Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức lớn tồn đọng qua nhiều đời chính quyền, nhất là việc cải cách một cường quốc tụt hậu và hàn gắn những rạn nứt trong xã hội Pháp.
Làn gió mới
Ngay sau khi đắc cử, tân Tổng thống Pháp Macron đã nhanh chóng công bố danh sách chính phủ mới với nhiều nét khác biệt. Đây là một chính phủ hỗn hợp với sự tham gia của nhiều đảng phái chứ không chỉ là người của phong trào “Tiến bước” do ông sáng lập.
Báo chí Pháp cho rằng, đây là lần đầu trong lịch sử Pháp một nửa số thành viên chính phủ đến từ xã hội dân sự, phần còn lại xuất thân từ đảng Xã hội cánh tả, đảng Những người Cộng hòa cánh hữu và các đảng trung dung. Việc lựa chọn nhân sự như trên được xem là nước cờ khôn ngoan của vị tổng thống trẻ tuổi, bởi nội các này vừa bảo đảm hàn gắn nước Pháp đang bị chia rẽ, vừa tạo lợi thế cho phong trào “Tiến bước” trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.
Với thành phần nội các có nhiều điểm khác biệt, phong trào “Tiến bước” sẽ có cơ hội giành thêm nhiều lá phiếu của các cử tri là phụ nữ, người trẻ tuổi, người nhập cư.![]() |
Emmanuel Macron đang mang lại hy vọng về một bầu không khí chính trị mới ở Pháp: trẻ trung, đa sắc màu và đầy sức sống. |
Giới phân tích cho rằng, việc các đảng phái đều có chỗ trong chính phủ mới buộc họ phải cùng có trách nhiệm phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu phong trào “Tiến bước” giành đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện, Tổng thống Macron có thể dễ dàng thực hiện các chương trình cải cách tham vọng của mình.
Bên cạnh đó, với việc bảo đảm nguyên tắc “cân bằng giới tính” (nội các có một nửa số thành viên chính phủ là nữ) cũng như trọng dụng những người trẻ (nhiều nhân vật mới có tuổi đời trẻ hơn cả tuổi 39 của Tổng thống), ông Emmanuel Macron đã thực hiện cam kết khi tranh cử và điều này giúp ông giành được niềm tin của cử tri. Như vậy, với việc lựa chọn nội các khôn ngoan như trên, ông Macron được cho là đã bắn “một mũi tên trúng nhiều đích”.
Chỉ một ngày sau lễ nhậm chức, ông Emmanuel Macron đến Đức, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên, với mong muốn tăng cường mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU). Chọn Đức là điểm đến đầu tiên trong nhiệm kỳ, ông Macron tiếp tục dành ưu tiên cho những vấn đề của EU, theo cách mà EU sẽ thúc đẩy nước Pháp và ngược lại Pháp cũng thúc đẩy EU.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh việc hợp tác giữa Pháp và Đức cần những hành động thực tế hơn, đồng thời hai quốc gia cần phối hợp chặt chẽ với nhau để vạch ra được lộ trình giúp quá trình hội nhập EU trở nên sâu sắc hơn và giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chống chọi tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng.
Giới quan sát nhận định, chiến thắng của ông Emmanuel Macron phản ánh sự kỳ vọng của cử tri Pháp hơn là những nội dung trong cương lĩnh tranh cử. Người dân Pháp hy vọng, quan điểm cải cách ôn hòa của ứng cử viên trẻ trung sẽ đưa nước Pháp trở lại quỹ đạo phát triển mà không phải chịu cảnh phức tạp như ở Anh sau quyết định rời EU hay ở Mỹ thời hậu bầu cử tổng thống.
Trên thực tế, những việc làm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron hiểu sự kỳ vọng này, đồng thời ông cũng muốn khẳng định rằng sự kỳ vọng của những cử tri ủng hộ ông là hoàn toàn có cơ sở, chứ không chỉ đơn thuần vì nhằm “loại bỏ cực hữu”.
Rõ ràng, Emmanuel Macron đang mang lại hy vọng về một bầu không khí chính trị mới ở Pháp: trẻ trung, đa sắc màu và đầy sức sống. Ông muốn làm việc theo tinh thần thích hợp với thời đại đổi mới, thoát ra khỏi sự trói buộc ý thức hệ tả - hữu đã đè nặng sinh hoạt chính trị Pháp, và biến Pháp thành một quốc gia tụt hậu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng nước cờ táo bạo của tân Tổng thống Pháp cũng chứa đựng không ít rủi ro.
Theo đó, việc điều hành một chính phủ hỗn hợp với nhiều thành viên khác biệt về tuổi tác và quan điểm chính trị là không dễ dàng. Một số chính khách trẻ tuổi dù được kỳ vọng có thể “thổi luồng gió mới”, song họ chưa nhiều kinh nghiệm chính trị trong bối cảnh chính trường Pháp và châu Âu nhiều sóng gió như hiện nay.
Những… tử huyệt
Giành được chiếc ghế quyền lực của nước Pháp không đồng nghĩa rằng con đường phía trước là bằng phẳng. Trong những năm tới, ông Macron sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức lớn tồn đọng qua nhiều năm, được miêu tả như những “tử huyệt” trên con đường phục hưng nước Pháp.
Trước hết, đó là vấn đề tái xây dựng và khôi phục lòng tự tin ở một nước Pháp đang có xu hướng lún sâu vào tâm lý hoài nghi và sợ hãi. Emmanuel Macron, một nhân vật trung dung theo đường lối ủng hộ EU, sẽ lãnh đạo một nước Pháp có đến gần một nửa số cử tri ủng hộ quan điểm cực đoan chỉ trích EU, toàn cầu hóa và tầng lớp tinh hoa.
Tiếp đó, nhiệm vụ của ông là tiếp tục tận dụng sự ủng hộ vượt bậc của cử tri để duy trì sự hiện diện vững chắc trong quốc hội. Trên thực tế, Emmanuel Macron đã vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên với gần 1/4 tổng phiếu bầu. Khi đối mặt trực tiếp với bà Le Pen, ông giành được tới gần 2/3 số phiếu. Ông Macron cam kết vượt ra khỏi biên giới “cánh tả - cánh hữu” truyền thống để xây dựng một thế đa số mới trung dung.
![]() |
Ông Macron sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức lớn tồn đọng qua nhiều năm như vấn đề thất nghiệp và khủng bố. |
Tổng thống Macron tin rằng người Pháp sẽ tiếp tục trao cơ hội chiến thắng lần nữa vào cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào giữa tháng 6 tới đây. Tuy nhiên, phe trung tả truyền thống hy vọng phản công và có thể buộc đảng của Macron thành lập liên minh trong quốc hội.
Giải quyết nạn thất nghiệp cũng là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Macron. Tỷ lệ người không có việc làm ở Pháp đến nay là 10%, cao hơn mức trung bình của EU là 8% và vượt xa chỉ số của nước láng giềng Đức là 3,9%.
Ông Macron đặt mục tiêu cắt giảm thất nghiệp còn 7% đến trước năm 2020 bằng cách thay đổi luật tuyển dụng, nới lỏng hạn mức về giờ làm việc của Pháp. Ông Macron cam kết sẽ cải cách luật lao động bằng các sắc lệnh hành pháp ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền. Sự thúc đẩy quy trình này (và qua mặt quốc hội) có thể dấy lên sóng gió trong những tháng đầu tiên của ông Macron.
Mặt khác, tình hình an ninh cũng cần những nỗ lực giải quyết mạnh mẽ. Hơn 230 người đã chết sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào Pháp kể từ tháng 1-2015. tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm phần lớn các vụ việc.
Bên cạnh những chiến binh Hồi giáo là hàng trăm tay súng vốn là người Pháp nhưng đã bị cực đoan hóa. Nhóm này được cho là sẽ trở về quê hương để hành động sau nhiều năm ở Syria và Iraq. Vì là người chưa hề có kinh nghiệm trong an ninh quốc gia, ông Macron cần phải nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh trong vấn đề chống khủng bố, củng cố vai trò là tổng tư lệnh của nước Pháp.
Và quan trọng nhất là vấn đề cải tổ EU sau những biến cố bi đát từ cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp (năm 2009) đến sự kiện Anh rời EU (năm 2016). Tổng thống Emmanuel Macron tin rằng việc khôi phục trục liên minh Pháp - Đức là vấn đề then chốt để chấn hưng EU sau những cú sốc.
Trong những tháng đầu tiên, ông Macron dự định công du những quốc gia lớn trong EU để giới thiệu về lộ trình 5 năm để xây dựng ngân sách hiệu quả cho EU và tạo ra một châu Âu cho 27 nước. Ông Macron cũng tuyên bố quyết tâm phát triển hợp tác quốc phòng chung giữa các nước châu Âu qua việc điều phối các chiến dịch và hoạt động công nghiệp trong lĩnh vực này.
Riêng đối với bản thân Tổng thống Macron, ông cũng phải đối mặt bài toán xoay chuyển tình thế khó khăn của nước Pháp hiện nay. Tuy có nhiều điểm tích cực hơn các đối thủ nhưng các ý tưởng cải cách của Emmanuel Macron thường bị chỉ trích là thiếu chi tiết.
Thậm chí, có ý kiến từ phe cánh tả và cực hữu cho rằng ông là người theo chủ nghĩa tự do mới và chính sách của ông không khác với chính sách kinh tế khắc khổ “thắt lưng buộc bụng”.
Ở thời điểm hiện tại, ông Macron vẫn chưa giành được niềm tin của đa số người dân khi mức độ tín nhiệm của người dân dành cho ông khi mới bắt đầu nhiệm kỳ đã xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Do vậy, dù “trình làng” một nội các được cho là khác biệt và táo bạo, song Tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải hành động quyết liệt để thuyết phục người dân về khả năng giải quyết tốt các vấn đề kinh tế và xã hội còn tồn đọng...