Tổng thống Emmanuel Macron và đề xuất EU 2.0: Châu Âu cần “một cuộc đại phẫu”

Chủ Nhật, 13/05/2018, 13:23
Bức tranh chính trị nước Pháp thời gian qua đã có những thay đổi sâu sắc nhờ sự xuất hiện của tổng thống trẻ nhất trong lịch sử đất nước Emmanuel Macron. 

Sau nhiều tháng đấu tranh với sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy trên khắp châu Âu và những chia rẽ chính trị do hậu quả của cuộc khủng hoảng di dân, sự nổi lên của chính khách Macron mở ra khả năng về sự khởi đầu mới cho một Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán đầy khó khăn để nước Anh chính thức rút khỏi EU (Brexit).

Với tư cách là Tổng thống Pháp, ông Macron muốn con tàu châu Âu hiện nay và trong tương lai có thể tiến lên. Trong năm 2018, chính quyền Macron sẽ tiếp tục những kế hoạch cải cách đầy tham vọng để hướng tới mục tiêu nâng cao uy tín của nước Pháp.

Ông khẳng định vị trí của Pháp là ở trong Liên minh châu Âu để bảo vệ những giá trị của mình trên thế giới, đồng thời đề xuất kế hoạch cải cách EU đầy táo bạo được thực hiện trong 10 năm tới trên mọi phương diện về kinh tế, chính trị và quốc phòng.

Những bước đi này cho thấy, Paris đang khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu lãnh đạo EU. Khi ấy, Tổng thống Pháp Macron, với tầm nhìn táo bạo, có thể trở thành người cứu vớt châu Âu hay ông vua mới của “lục địa già”.

Tham vọng đổi thay

Theo giới quan sát, đúng như những gì thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Macron tiếp tục dành ưu tiên cho những vấn đề của EU, theo cách mà EU sẽ thúc đẩy nước Pháp và ngược lại nước Pháp cũng thúc đẩy châu Âu. 

Ông luôn bảo vệ những thành quả của EU, kêu gọi một sự hội nhập sâu hơn trong những vấn đề được coi là then chốt đối với người dân Pháp như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát biên giới bên ngoài, nền quốc phòng chung, đồng euro hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 

Một trong những động thái đầu tiên trong lộ trình “cải tạo EU” của ông Macron là thực hiện chuyến công du tới Đức với mong muốn tăng cường mối quan hệ song phương dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu EU. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định EU cần "một cuộc đại phẫu" khi phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng, mà đặc biệt là Brexit.

Nền tảng chính sách châu Âu của ông Macron được thể hiện rõ bằng ưu tiên khôi phục niềm tin trong quan hệ Pháp - Đức, để từ đó có thể đưa thâm hụt công lần đầu tiên trong 10 năm xuống dưới ngưỡng 3% GDP, phục hồi việc làm thông qua cải cách thị trường lao động.

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của 28.000 người dân châu Âu vừa qua cho thấy quan điểm ủng hộ châu Âu đang quay trở lại bằng với mức của năm 2007, sau một thời gian “tuột dốc” do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Khoảng 57% số người được hỏi cho rằng việc đất nước của họ là thành viên của EU là “một điều tốt”. Chỉ có 14% cho rằng đó là một điều tồi tệ. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là khoảng 50% người dân châu Âu vẫn nghĩ rằng EU đang đi sai hướng. 

Mặc dù EU đang thay đổi để thích nghi với những yêu cầu mới nhưng tốc độ thay đổi còn quá chậm và không thuyết phục được người dân. 

Thế nên, bất chấp chủ trương ủng hộ mạnh mẽ chương trình nghị sự của EU, ông Macron cảm thấy vẫn phải chỉ trích khối này vì “hoạt động trì trệ như một cỗ máy khô dầu”, đồng thời kêu gọi cải cách sâu rộng liên minh này.

Ông Macron khẳng định rằng Liên minh châu Âu cần “một cuộc đại phẫu” trong quá trình đối phó với một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, cuộc khủng hoảng người di cư, các vụ khủng bố và đặc biệt là quyết định rời khỏi EU của nước Anh. 

Sau khi ổn định nội các, ông Macron đã chính thức khởi động tiến trình tái thiết EU bằng một bài diễn văn, trong đó có đoạn: “...ngày nay, chủ quyền, dân chủ và sự tin tưởng đang gặp nguy hiểm. Các quan chức và kỹ trị gia đã bóp méo tinh thần của liên minh. Loại bỏ EU sẽ là hình thức tự sát chính trị và lịch sử nhưng nếu EU không thay đổi, nó sẽ tan rã. Thế hệ của chúng ta có thể làm điều này. Chúng ta phải tìm ra sức mạnh để xây dựng lại châu Âu”. 

Theo đề xuất của Tổng thống Macron, EU trong tương lai sẽ là một liên minh dân chủ và chủ quyền, với các tốc độ phát triển khác nhau.

Kịch bản 2.0

Để “hô biến” EU thành phiên bản mới EU 2.0, ông Macron đưa ra một loạt đề xuất cải cách được đánh giá là rất táo bạo và tham vọng, với mục tiêu là thay đổi toàn diện Liên minh châu Âu trong 10 năm tới. 

Ông cho rằng EU đang “quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả”, song nhấn mạnh duy trì một châu Âu thống nhất và đoàn kết là cách duy nhất để các nước khu vực tham gia giải quyết hiệu quả những thách thức lớn của thời hiện đại trên trường quốc tế. 

Bên cạnh đó, ông nhận định hiện châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế, địa chính trị to lớn, và “lục địa già” không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi nếu muốn tồn tại trước sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc trong các thập kỷ tới.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là các đề xuất về quốc phòng và an ninh. Ông Macron muốn EU có một ngân sách quốc phòng độc lập, hình thành học thuyết quân sự riêng và thành lập lực lượng can thiệp “mang phong cách EU” để sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa về an ninh trong khu vực. 

Ngoài ra, khối này cần có một học viện riêng để đào tạo và điều phối các hoạt động tình báo. Để đối phó với các đe dọa khủng bố, ông Macron đề xuất lập ra một Viện kiểm sát châu Âu chuyên xét xử các tội phạm dạng này. 

Trong lĩnh vực thể chế của Liên minh châu Âu, ông Macron công khai tuyên bố ủng hộ quan điểm “một châu Âu, đa tốc độ”, tức là chia 27 thành viên Liên minh châu Âu thành các nhóm khác nhau, tùy theo trình độ phát triển và cam kết hội nhập vào khối.

Nhóm đóng vai trò cốt lõi sẽ là các nước Tây Âu, vốn là thành viên sáng lập Liên minh EU (như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan...) trong khi nhóm vòng ngoài chủ yếu gồm các thành viên mới gia nhập EU, mà đa số đến từ Đông Âu như Ba Lan, Hungary hay Slovakia... 

Tiếp đó, ông Macron đề xuất ngay từ kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu tới vào năm 2019, các cử tri châu Âu sẽ bầu theo các danh sách tranh cử liên quốc gia, thay vì theo từng nước như hiện nay, và số lượng uỷ viên trong Uỷ ban châu Âu sẽ giảm xuống còn 15 người, tức chỉ gần một nửa so với con số 28 người hiện nay.

Đối với các chủ đề quan trọng khác, ông Macron đề xuất lập cảnh sát biên phòng EU để kiểm soát làn sóng tị nạn, hay đánh thuế mạnh hơn vào các giao dịch tài chính, tăng thuế môi trường và thuế trong lĩnh vực kinh tế số nhằm tạo nguồn thu mạnh cho ngân sách của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Nhiều ý kiến cho rằng mô hình EU 2.0 của Tổng thống Macron có thể sẽ là sự khởi đầu của việc EU tan rã.

Thách thức không nhỏ

Tuy nhiên, mô hình EU 2.0 của Tổng thống Macron không hề dễ thực hiện. Mặc dù có chung nhận thức về sự cần thiết phải cải tổ EU nhưng sự chia rẽ hiện tại trong nội bộ EU chắc chắn sẽ khiến cho việc đạt được đồng thuận về mô hình EU 2.0 gặp nhiều khó khăn. 

Một số ý kiến quan ngại kịch bản đa tốc độ sẽ làm suy yếu tư tưởng cốt lõi của châu Âu là coi trọng các thành viên của liên minh như nhau. 

Những nước như Ba Lan, Hungary hay Rumania sẽ trở thành thành viên hạng 2. Đây sẽ là sự khởi đầu của sự kết thúc của EU. Mô hình EU 2.0 cũng vấp phải các phản ứng trái chiều từ nhiều chính khách Đức khi họ cảnh báo những đề xuất mới có thể biến EU thành một liên minh “chuyển đổi không có giới hạn”. 

Theo đó, sáng kiến của ông Macron là không thích hợp để đưa châu Âu tiến lên và thậm chí đang phá vỡ Hiệp ước tăng trưởng và ổn định của EU.

Thách thức tiếp theo là làm sao dung hòa được tính hai mặt của nguyên tắc “dân chủ và chủ quyền”. Tham gia vào một tổ chức quốc tế, những thành viên có nguồn lực còn hạn chế đều mong muốn thông qua nguyên tắc dân chủ và chủ quyền để bảo đảm lợi ích. EU hình thành được cũng chính là dựa trên nguyên tắc này, bởi thành viên ban đầu rất đa dạng. 

Trong quá trình phát triển, các nhà lãnh đạo EU dần đi theo hướng tập trung quyền lực vào các cơ quan đại diện thông qua việc tăng cường tính ràng buộc pháp lý của các chính sách. Theo đề xuất của Tổng thống Macron, quy trình ra quyết sách của EU sẽ không tránh khỏi tình trạng chậm chạp và phức tạp. 

Để khắc phục hạn chế này, các thành viên EU buộc phải thống nhất được về mức độ “dân chủ và chủ quyền”. Cuộc mặc cả về vấn đề này chắc chắn sẽ hết sức khó khăn và có thể kéo dài.

Giới quan sát nhận định, nhà lãnh đạo Pháp có một tầm nhìn táo bạo, có thể sẽ “soán ngôi” lãnh đạo châu Âu của Thủ tướng Đức Angela Merkel để trở thành người cứu vớt châu Âu. 

Tuy nhiên, để trở thành một người hùng, Tổng thống Pháp không thể hành động một mình, nhất là khi tầm nhìn mới công bố của ông đang tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận châu Âu. 

Chưa hết, giữ cho phương án EU 2.0 đi đúng hướng cũng sẽ là một thách thức không nhỏ khi đề xuất của Tổng thống Macron chỉ đang ở mức độ khởi đầu và còn không ít nội dung cần cụ thể hóa hay điều chỉnh nhằm dung hòa lợi ích của các thành viên. 

Tuy vậy, bất luận thế nào thì rõ ràng EU 2.0 cũng đã nói thay được tâm huyết của ông Macron, được giới quan sát coi là điểm khởi đầu để thực hiện mục tiêu cải tổ EU vì ít nhất giờ đây các thành viên EU đã có một phương án để thảo luận...

Việt Dũng
.
.