Cuộc chiến thương mại Canada – Mỹ: Ngọn lửa bất hòa

Thứ Ba, 12/12/2017, 08:06
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã kịch liệt phản đối tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ với Trung Quốc và Mexico, thậm chí với Đức, mà không một lần nào nhắc tới giao thương với Canada như một vấn đề. 

Tuy nhiên, giờ đây, Canada - đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ - đang dần trở thành “phép thử” lớn nhất đối với chính sách thương mại của chính quyền mới ở Mỹ, và điều này khiến Thủ tướng Justin Trudeau không mấy hài lòng.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Canada và Mỹ liên tục leo thang gần đây (với những đợt tấn công vào hoạt động kinh doanh máy bay, thép và nhôm, gỗ, sữa), Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định kiên quyết bảo vệ các lợi ích thương mại của Canada. 

Cùng lúc đó, khi mà Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang đứng trước viễn cảnh u ám, ông Trudeau đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Washington nhằm giải quyết những bế tắc.

Quan hệ đảo chiều

Thủ tướng Justin Trudeau đang duy trì rất tốt mối quan hệ với Washington. Trong các chuyến thăm Mỹ gần đây, ông đều khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Canada và Mỹ, nhấn mạnh hai nước “sẽ mãi là đối tác quan trọng nhất của nhau”.

Trên thực tế, mối quan hệ với Mỹ có vai trò rất quan trọng vì 75% hàng xuất khẩu nói chung và 98% xuất khẩu dầu mỏ nói riêng của Canada là sang thị trường Mỹ. 

Trong mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tỏ ra rất khác biệt và sẵn sàng chuẩn bị cho mọi tình huống “bất ngờ”.

Thế nên, ông Trudeau đã kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi và “xây dựng các nhịp cầu” kinh tế qua biên giới. Nhà lãnh đạo Canada bày tỏ tin tưởng hai bên có thể thảo luận về cách thức để tiếp tục tạo việc làm cho người dân ở cả hai nước.

“Chúng tôi luôn thảo luận tất cả những vấn đề mà chúng tôi quan tâm, như vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế, các cơ hội cho tầng lớp trung lưu, dựa trên thực tế rằng hàng triệu công ăn việc làm tốt ở biên giới của cả hai nước phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ một cách suôn sẻ qua khu vực này”, ông Trudeau cho biết.

Trong mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump, ông Justin Trudeau tỏ ra rất khác biệt. Trong khi ông Trudeau là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa tự do, tôn vinh nền thương mại toàn cầu và chào đón 40.000 người tị nạn Syria vào Canada thì ông Trump lại là một chính trị gia theo trường phái bảo hộ, sẵn sàng thực thi chính sách “đóng cửa” biên giới đối với người tị nạn và người nhập cư.

Thủ tướng Justin Trudeau luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, và sẵn sàng chuẩn bị cho mọi tình huống “bất ngờ”. Quả thực, ông đã gần như không chần chừ đến Washington đàm phán thẳng thẳn vào thời điểm mà nhiều người dân Canada lo sợ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ ban hành các biện pháp bảo hộ có thể làm tổn thương nền kinh tế Canada.

Nhà lãnh đạo Canada bày tỏ mong muốn hai bên giải quyết một cách thận trọng những bất đồng, khẳng định chính quyền Trudeau sẽ luôn đi theo những giá trị đã đưa Canada trở thành một đất nước đặc biệt - một nơi của sự cởi mở.

Không như mong đợi, chính quyền Justin Trudeau lại đang chứng kiến việc Donald Trump “tấn công” vào các hiệp định thương mại (mà theo Tổng thống Mỹ) đang gây bất lợi cho người Mỹ. 

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump thường xuyên đe dọa sẽ thương lượng lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn đã tồn tại 23 năm và sẽ không ngần ngại hủy bỏ nếu Mỹ không đạt được các điều khoản mới.

Tổng thống Trump cho rằng Canada, thông qua NAFTA, đã làm giàu trên xương máu của nông dân Mỹ, chủ yếu ở vùng Wisconsin và các bang sát biên giới giữa hai nước. Trong bối cảnh này, Thủ tướng Trudeau quyết định đến Nhà Trắng, nhưng cuộc gặp này không diễn ra trong bầu không khí “tay bắt, mặt mừng” như nhiều lần trước đó.

Nhà lãnh đạo Canada hoàn toàn phản đối quan điểm của “ông chủ” Nhà Trắng rằng “thỏa thuận 23 năm tuổi” đang cướp đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington cân nhắc kĩ lưỡng.

Ông Trudeau nhận định, Mỹ quá chú trọng vào số liệu thương mại song phương mà không quan tâm tới tổng giá trị thương mại của cả khối - vốn được coi là thước đo chuẩn xác cho hiệu quả của một hiệp định thương mại, khi con số này đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 5,5% so với năm trước đó.

Vì vậy, Thủ tướng Canada mong muốn Mỹ cân nhắc thận trọng từng quyết định, và yêu cầu các bên liên quan “hiện đại hóa” NAFTA một cách sâu rộng. Ông Trudeau cũng cảnh báo, việc Mỹ có ý định rút khỏi NAFTA là một sai lầm, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành công nghệ xe hơi khi mà Canada (và cả Mexico) là những mắt xích trọng yếu trong dây chuyền sản xuất xe hơi của Mỹ.

Thế nhưng, trải qua nhiều vòng đàm phán, số vấn đề đạt được sự đồng thuận của các bên rất ít. Điều này đang khiến cho chính quyền Trudeau phải lo lắng bởi các hạn chế thương mại mới mà Mỹ sắp đưa ra sẽ là “thảm họa” cho khả năng cạnh tranh của Canada và gây bất ổn cho doanh nghiệp trong nước.

Cuộc chiến gay gắt

Bên cạnh những rắc rối về NAFTA, Thủ tướng Trudeau và Canada cũng đang loay hoay trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, điển hình ở 4 lĩnh vực lớn là gỗ, thép và nhôm, máy bay, sữa. Canada là nhà xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất thế giới sang Mỹ. Gỗ là nguyên liệu đầu vào xuất khẩu nhiều thứ ba của Canada sang Mỹ, trong khi máy bay là mặt hàng chế biến xuất khẩu nhiều thứ hai của Canada sau các phương tiện gắn máy.

Còn sữa nằm trong số các sản phẩm nhạy cảm chính trị nhất vì mặt hàng này được sản xuất tập trung tại vùng Quebec nói tiếng Pháp ở Canada. 4 cuộc chiến thương mại với Mỹ nói trên hoàn toàn riêng rẽ, nhưng nếu gộp lại sẽ đặt ra một thách thức rất lớn đối với Canada - nước có tới 70% các mặt hàng xuất khẩu vẫn đang phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Hiện nay, “cuộc chiến gỗ” với Mỹ đang tạo ra vô số rào cản, chủ yếu liên quan đến thuế và giải quyết tranh chấp thương mại. Vừa qua, Mỹ quyết định áp mức thuế đối kháng 20% đối với các mặt hàng gỗ xẻ của Canada.

Theo đó, 5 công ty xuất khẩu gỗ xẻ của Canada sẽ phải chịu mức thuế từ 3,02-24,12%, các công ty còn lại cũng sẽ phải chịu mức thuế trung bình 19,88%. Động thái trên là bước đi cứng rắn tiếp theo của Mỹ sau cáo buộc Canada xuất khẩu gỗ sang Mỹ dưới giá thành sản xuất. Giới phân tích nhận định, khi “đánh” vào mặt hàng gỗ, ông Trump đã làm bùng lên “ngọn lửa bất hòa” với chính quyền Trudeau.
Canada đang loay hoay trong cuộc chiến thương mại với Mỹ ở 4 lĩnh vực lớn là gỗ, thép và nhôm, máy bay, sữa.

Quả thực, Canada lập tức tố cáo biện pháp của Mỹ, cho rằng chính quyền Trump đã nhượng bộ trước những áp lực của giới vận động hành lang lâm nghiệp, và trong tương lai sẽ tự cô lập mình bằng chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Justin Trudeau coi việc làm của Mỹ là “vô lý chưa từng có”, khẳng định kiên quyết bảo vệ các lợi ích thương mại của Canada đến cùng.

Mỹ tiếp tục “tăng nhiệt” cuộc chiến thương mại với Canada bằng đe dọa vào sữa và các sản phẩm từ sữa. Đăng tải trên trang Twitter, ông Donald Trump viết rõ: “Canada đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của nông dân sản xuất sữa ở Wisconsin và một số bang vùng biên khác. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này”.

Tổng thống Mỹ tuyên bố chính sách về ngành sữa của Canada là một “điều hổ thẹn” và tuyên bố sẽ loại bỏ hệ thống quản lý nguồn cung “không công bằng” trong ngành công nghiệp sữa của Canada. Đáp lại, Thủ tướng Trudeau khẳng định Mỹ đang đạt thặng dư 300 triệu USD trong buôn bán sữa với Canada nên Canada không phải là mối đe dọa cho Mỹ. Ông cũng cho biết sẽ giữ hệ thống hạn ngạch sữa hiện nay và nêu rõ nhiều nước khác cũng đang trợ cấp nông nghiệp.

Chưa hết, Mỹ sắp hoàn tất một cuộc điều tra có thể ngăn cản xuất khẩu thép và nhôm từ Canada. Chính quyền đang cân nhắc áp các hạn chế nhập khẩu mới dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, nhằm chấm dứt tình trạng bán phá giá và “giết chết” các công ty hay người lao động Mỹ. 

Tuy nhiên, trong cuộc chiến thương mại này, Canada là một người ngoài cuộc vô tội, một nhà cung cấp thép và nhôm lâu dài, đáng tin cậy. Canada nhấn mạnh rằng xuất khẩu thép của mình hoàn toàn không đe dọa an ninh của Mỹ.

Bên cạnh nhôm thép, Canada và Mỹ tiếp tục “đụng độ” trong lĩnh vực sản xuất máy bay. Mỹ đã đề nghị mức thuế khổng lồ (trên 200%) đối với dòng máy bay mới CSeries của Bombardier - hãng sản xuất máy bay lớn nhất Canada, nhằm bảo vệ hãng chế tạo máy bay Boeing.

Trước tình hình này, Thủ tướng Trudeau bày tỏ thái độ sẵn sàng chiến đấu, cảnh báo sẽ hủy hợp đồng trị giá khoảng 5,2 tỉ USD để mua chiến đấu cơ Super Hornet của Boeing. Ông Trudeau nói không thể “giao dịch kinh doanh với một công ty còn đang bận kiện chúng tôi và muốn khiến công nhân ngành công nghiệp hàng không của chúng tôi mất việc”.

Mới đây, Mỹ cáo buộc Canada về những hạn chế không công bằng đối với việc bán rượu vang nước ngoài ở British Columbia - tỉnh cực tây của Canada. Theo quy định, những loại rượu được sản xuất tại British Columbia được phép bán trên các kệ hàng tạp hóa thông thường, trong khi đó rượu vang ngoại nhập khẩu chỉ được bán ở “một kệ hàng riêng biệt”.

Mỹ lập luận rằng, chính sách này cho thấy sự phân biệt đối xử với rượu vang nước ngoài, trong khi rượu vang địa phương lại được phép “tiếp cận độc quyền” với người tiêu dùng. Cáo buộc lần này cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Canada và Mỹ chưa thể dừng lại.

Giới phân tích nhận định, Thủ tướng Justin Trudeau chắc chắn sẽ không nhượng bộ trong “cuộc chiến” này nhưng vẫn luôn nỗ lực đàm phán tìm ra các thỏa hiệp. Đây chính là lúc nhà lãnh đạo Canada cần thể hiện bản lĩnh cũng như khả năng xử lý tình huống để tìm ra phương hướng giải giải quyết nhanh chóng mà vẫn đảm bảo tôn trọng các lợi ích kinh tế, từ đó ngăn chặn những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại không biết bao giờ mới chấm dứt...

Nam Hồng
.
.