Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Bên bờ vực nguy hiểm
Còn nhớ hồi năm 2007, ông Abe từng phải rút lui khỏi vị trí thủ tướng vì một bê bối liên quan tới thất lạc số liệu lương hưu. Và lịch sử đang có nguy cơ lặp lại khi hơn một thập niên sau, vị chính khách 64 tuổi đứng trước nguy cơ một lần nữa phải rời nhiệm sở.
Có thể nói, các bê bối gần đây liên quan tới chính quyền Abe đang hủy hoại lòng tin của công chúng với người đứng đầu “xứ sở mặt trời mọc”, đặt tương lai chính trị của ông bên bờ vực nguy hiểm.
Trong một diễn biến mới nhất, hàng chục nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình trước tòa nhà quốc hội ở Tokyo nhằm yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe từ chức. Người biểu tình, gồm cả thanh niên và người già, mang theo các khẩu hiệu chỉ trích Thủ tướng Abe và yêu cầu ông “nghỉ hưu sớm” sau những lùm xùm cá nhân.
Giới quan sát cho rằng sự tức giận ngày càng gia tăng, và cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng đang lan rộng nếu chính quyền Abe không có những động thái cụ thể.
Bê bối liên tiếp
Vụ lùm xùm mới nhất của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe liên quan tới hoạt động của các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tại Iraq.
Tháng 2-2017, Bộ Quốc phòng Nhật và Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Tomomi Inada đều khẳng định không có ghi chép nào về hoạt động của các binh sĩ Nhật Bản trong thời gian từ 2004-2006.
Thủ tướng Shinzo Abe đã công khai xin lỗi trước Quốc hội Nhật Bản, đồng thời muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc tới nhân dân sau những bê bối. |
Tuy nhiên, vào tháng 3-2017, SDF tìm thấy 14.000 trang ghi chép về hoạt động của binh sĩ nước này trong 376 ngày từ năm 2004-2006 tại thành phố Samawah (Iraq). Có vẻ như ghi chép đã bị SDF giấu nhẹm, không báo cáo lại cho Bộ trưởng Inada.
Hồi tháng 1 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tìm thấy bản ghi chép nói trên. Tuy nhiên, thông tin này vẫn tiếp tục bị giữ kín và chỉ được thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Itsunori Onodera vào ngày 31-3.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng vướng bê bối đánh mất ghi chép hoạt động của SDF tại Nam Sudan năm 2016, nơi binh sĩ Nhật Bản được triển khai trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Vụ bê bối này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada phải từ chức.
Từ đây, giới quan sát đặt câu hỏi liệu những vụ bê bối trên có phải là chỉ dấu cho thấy chính quyền của Thủ tướng Abe cố tình che giấu các hoạt động mang tính chất “tham chiến” của binh sĩ Nhật Bản tại nước ngoài.
Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản quy định binh sĩ nước này chỉ được triển khai tới các khu vực phi chiến sự, cũng như chỉ tham gia vào các nhiệm vụ nhân đạo và xây dựng tái thiết. Một số nghị sĩ đối lập cho rằng, che giấu là bản chất của chính quyền Abe, từ đó kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe cùng toàn bộ nội các phải từ chức.
Có một thực tế là bê bối liên quan tới ghi chép hoạt động của SDF tại Iraq vỡ lở trong bối cảnh bê bối đất công vẫn chưa hạ nhiệt. Thủ tướng Shinzo Abe và đồng minh của ông - Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, đang phải đối mặt với áp lực lớn liên quan thương vụ đất thuộc sở hữu nhà nước vốn là tâm điểm những cáo buộc thiên vị nhằm vào ông Abe.
Cụ thể, ông Abe bị cho là liên quan tới việc bán một lô đất công với giá rẻ đáng ngờ cho hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Toyonaka, tỉnh Osaka. Nhân vật này có quan hệ với vợ ông, bà Akie. Thủ tướng Abe đã hy vọng vụ bê bối sẽ lắng xuống, thế nhưng vụ việc một lần nữa lại nổi lên với những diễn biến khó tin.
Theo các số liệu của Bộ Tài chính, việc mua lại đất của nhà nước chỉ có mức giá bằng 14% giá thẩm định. Những tiết lộ cho thấy Bộ Tài chính đang lưu giữ tài liệu về việc bán đất của chính phủ để xây trường Moritomo Gakuen, làm dấy lên lo ngại về vụ bê bối tham nhũng hoặc hối lộ.
Vụ bê bối bùng nổ từ đầu tháng 2 khi các bằng chứng tiết lộ bà Akie có mối quan hệ với cựu giám đốc của tổ chức giáo dục Moritomo Gakuen, Yasunori Kagoike.
Ông Kagoike và vợ Junko đã bị bắt vào tháng 7-2017 vì tội gian lận nhận trợ cấp của chính phủ để xây dựng trường tiểu học. Các đảng đối lập cũng đưa ra câu hỏi về việc mua đất cho trường của ông Kagoike là do bà Akie (có thể cùng ông Abe) đứng sau.
Thủ Tướng Abe nhiều lần phủ nhận, cá nhân ông hoặc bà Akie, có những ưu ái đối với ông Kagoike. Thậm chí, ông còn tuyên bố sẽ từ chức nếu các bằng chứng được tìm thấy. Thủ tướng Abe kêu gọi Bộ Tài chính nỗ lực hết sức có thể nhằm làm rõ liệu các quan chức có thay đổi văn bản liên quan tới thương vụ bán đất nhà nước này hay không.
Xung quanh bê bối này tồn tại nhiều vấn đề. Truyền thông Nhật Bản đưa tin cảnh sát đang điều tra cái chết nghi là do tự sát của một quan chức Bộ Tài chính. Văn phòng địa phương của ông này cũng là cơ quan xử lý vụ mua bán đất của trường Moritomo Gakuen.
Trong thư tuyệt mệnh, ông tỏ ra lo lắng về khả năng mình sẽ buộc phải gánh tất cả trách nhiệm. Người này cũng cho biết, cấp trên đã yêu cầu ông ta thay đổi thông tin nền trong các tài liệu chính thức bởi các thông tin này quá chi tiết.
Các bản sửa đổi được thực hiện năm ngoái, bao gồm cả việc xóa bỏ những thông tin liên quan tới ông Abe và bà Akie trước khi các tài liệu này được chuyển cho các điều tra viên của quốc hội.
Ngoài ra, kết quả điều tra nội bộ của Bộ Tài chính cho rằng một số quan chức đã làm xáo trộn các tài liệu nhằm xóa các mối liên quan giữa thỏa thuận trên với vợ ông Shinzo Abe và các thành viên cấp cao trong đảng của ông.
Nguy cơ hiện hữu
Sau nhiều bê bối, Thủ tướng Shinzo Abe đã công khai xin lỗi trước Quốc hội Nhật Bản, đồng thời muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc tới nhân dân vì những bê bối đã hủy hoại lòng tin của người dân với chính quyền Abe. Đây là những lần hiếm hoi Thủ tướng Abe lên tiếng xin lỗi công luận Nhật Bản.
Tuy nhiên, những lời xin lỗi liệu có giúp chính trị gia 64 tuổi tiếp tục vững vàng trên cương vị Thủ tướng “xứ sở mặt trời mọc”, đồng thời tìm được cho mình hướng đi “an toàn không bê bối tái diễn”?
Người dân luôn mong chờ sự tích cực từ chính quyền Abe, tuy nhiên việc liên tiếp liên quan đến những lùm xùm cá nhân khiến họ cảm thấy “nản”.
Người dân tức giận, biểu tình yêu cầu ông Abe phải giải thích mọi vấn đề, thậm chí cáo buộc nhà lãnh đạo “lừa dối”. |
Cuộc thăm dò dư luận của hãng thông tấn Nhật JNN mới đây cho thấy tỷ lệ phản đối dành cho ông Abe đạt 58,4%, (tăng 9,5% so với kết quả hồi tháng 3). Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ ông Abe trong các cuộc thăm dò thực hiện bởi các hãng thông tấn lớn đều tụt xuống dưới 40%.
Sự tức giận của người dân đã tạo nên những cuộc biểu tình yêu cầu ông Abe phải giải thích mọi vấn đề, thậm chí cáo buộc nhà lãnh đạo “lừa dối” và chỉ trích các hoạt động thiếu minh bạch của chính quyền.
Nhiều ý kiến cho rằng ông Abe đã sử dụng ảnh hưởng của mình để che giấu những hành vi “không rõ ràng”, qua mặt cả Quốc hội để làm lợi riêng cho bản thân. Họ quyết định biểu tình để cất lên tiếng nói phẫn nộ nhằm đánh đổ chính phủ của ông Abe, buộc ông Abe phải cân nhắc phương án cuối cùng... nếu muốn được yên ổn là từ chức.
Ngoài ra, dư luận không chỉ tức giận với những bê bối gần đây của chính quyền Abe mà còn lo ngại kế hoạch cải tổ hiến pháp mà ông Abe và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hiện theo đuổi.
Phe chỉ trích cho rằng những thay đổi mà ông Abe mang lại có thể tạo tiền đề cho các chính phủ kế tiếp rộng đường can thiệp quân sự tại nước ngoài, làm sống lại quá khứ quân phiệt nửa đầu thế kỷ 20.
Các bê bối đã khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe giảm xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời đe dọa vị thế của ông Abe trong các cuộc tranh cử trong tương lai và gây ít nhiều tổn hại đến con đường chính trị của nhà lãnh đạo.
Mặc dù liên tục xuất hiện những lời kêu gọi từ các nhà lập pháp đối lập yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi về các bê bối nhưng ông Abe vẫn giành thế đa số tại nghị viện và được lựa chọn làm thủ tướng nhiệm kỳ 3.
Ngay cả khi ông Abe có thể dập tắt những tiêu cực từ dư luận thì cơ hội để ông tái ứng cử vào vị trí lãnh đạo đảng trong tương lai cũng đã sụt giảm.
Giới quan sát cảnh báo rằng một khi bê bối mới xuất hiện, Shinzo Abe hoàn toàn có thể bị “gạt” ra khỏi chính trường, uy tín của chính LDP sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng và họ sẽ mất vai trò đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021.
Từ trước tới nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn tự tin tuyên bố sẽ từ chức nếu có bằng chứng cho thấy ông có liên quan tới các bê bối. Thực tế cho thấy, vẫn chưa có bằng chứng nào xuất hiện nên ông Abe vẫn có thể đứng trên bê bối và tiếp tục nắm quyền.
Dù vậy, uy tín của ông Abe bị sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm các bê bối đe dọa phá tan hy vọng trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền LDP nhiệm kỳ thứ 3. Nhóm các chính trị gia ủng hộ ông Abe hầu hết bắt đầu hình thành từ giai đoạn 2006-2007 - thời điểm Quốc hội Nhật gặp phải vô số tai tiếng và lộn xộn về nhân sự.
Các chính sách cải cách của ông sau đó đã đưa nước Nhật chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh chóng và toàn diện. Tuy nhiên, với một truyền thống văn hóa vô cùng nhạy cảm trước các vụ bê bối, khả năng ông Abe phải chấm dứt sự nghiệp chính trị vẫn có thể xảy ra...