Cuộc xung đột ở Nam Á: Có một người thứ ba

Thứ Tư, 13/03/2019, 09:37
Ngày 14-2-2019, một vụ tấn công liều chết bằng bom vào đoàn xe quân sự của Ấn Độ đã sát hại 40 binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. 

Ngay sau đó, nhóm phiến quân Hồi giáo Jaish-e-Mohammed tại Pakistan đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công trong một tuyên bố bằng video đăng trực tuyến. Đó là một cuộc tấn công táo bạo với mức độ thiệt hại lớn, giáng thẳng vào lòng kiêu hãnh của lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 19-2, 4 binh sĩ Ấn Độ tiếp tục thiệt mạng trong một cuộc đọ súng với lực lượng phiến quân Hồi giáo ở khu vực này. Những hành động vũ trang liên tiếp ở quy mô lớn và trực diện cho thấy sự lớn mạnh đáng kể của những lực lượng mà người ta vẫn cho là “bán vũ trang” này.

Xung đột dữ dội

Từ lâu, Ấn Độ đã luôn chỉ trích chính quyền Pakistan dung túng cho các lực lượng này để đối đầu với Ấn Độ. Các căn cứ của phiến quân Hồi giáo nằm ở vùng đất thuộc khu vực Pakistan kiểm soát và sát biên giới Ấn Độ trở thành nơi trú ẩn cho lực lượng phiến quân.

Không thể ngồi yên, màn đáp trả mạnh mẽ của Ấn Độ đã được tung ra sau đó. Không quân Ấn Độ đã vượt qua đường biên giới ở Kashmir để không kích các căn cứ huấn luyện của lực lượng Hồi giáo vào sâu đến 60km trên đất Pakistan. Trước hành động này, quân đội Pakistan cũng đáp trả mạnh mẽ khi cho máy bay xuất kích.

Ngày 27-2, Pakistan đưa ra thông báo về việc đã bắn rơi máy bay của Ấn Độ xâm phạm không phận của mình, đồng thời bắt giữ 1 phi công của Ấn Độ. Sau đó, máy bay của Pakistan cũng đã vượt qua đường biên giới để tấn công vào các căn cứ quân sự của Ấn Độ và phía Ấn Độ cũng ra thông cáo về việc mình bắn hạ 1 máy bay chiến đấu của Pakistan.

Kashmir không chỉ là chuyện riêng của Ấn Độ và Pakistan.

Trên mặt đất, những cuộc giao tranh đã diễn ra dọc biên giới trong khu vực. Cuộc xung đột trực diện bằng vũ khí nóng đã bùng nổ tại Kashmir, nguy cơ về một cuộc chiến tranh hiện lên rõ mồn một ngay trước mắt.

Dĩ nhiên, những cuộc xung đột dọc biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan không phải bây giờ mới nổ ra. Những vụ xung đột lẻ tẻ, bắn súng và pháo qua lại hai bên biên giới vẫn thường xảy ra. Nhưng, hành động vượt biên của quân đội hai nước là chưa từng có, kể từ khi một thỏa thuận hòa bình được ký vào năm 2003.

Pakistan, dù không thừa nhận, nhưng cũng khó chối bỏ trách nhiệm khi đã để cho các lực lượng Hồi giáo quá khích sử dụng lãnh thổ của mình làm căn cứ bàn đạp để tấn công Ấn Độ. Vì thế, hành động vượt biên của Ấn Độ dù hết sức nguy hiểm nhưng cũng là việc phải làm khi những trận pháo kích tầm xa không đủ để ngăn chặn nguy hiểm. 

Từ lâu, trong cách nhìn của người Ấn, chính lực lượng tình báo của Pakistan đã dung túng cho phiến quân. Năm 2002, chính lực lượng Jaish-e-Mohammed đã tấn công vào tòa nhà Quốc hội Ấn Độ, suýt nữa làm nảy sinh cuộc chiến tranh lần thứ tư giữa hai nước.

Nhưng không ai muốn chiến tranh

Cuộc xung đột bùng nổ ngay lập tức đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc đóng cửa không phận của cả hai nước làm ngành hàng không thế giới hỗn loạn. Về phía Pakistan, nền kinh tế khó khăn ở trong nước khiến họ thực sự không muốn bị cuốn vào một cuộc xung đột với Ấn Độ.

Trong khi đó, New Delhi cũng không hề muốn cuộc xung đột ở Kashmir làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế của mình. Chính vì thế, ngay sau đó, những thông điệp “hạ nhiệt” từ cả hai phía đã được đưa ra nhanh chóng. Cả Ấn Độ và Pakistan đều cho thấy không muốn để xung đột leo thang. Pakistan hôm 1-3 đã nhanh chóng trao trả phi công Ấn Độ vô điều kiện.

Cộng đồng quốc tế cũng góp tiếng nói để “làm nguội những cái đầu đang nóng”. Nga đã được Pakistan đồng ý cho đứng ra làm trung gian hòa giải. Những nhà ngoại giao Saudi Arabia và Trung Quốc cũng đã lên đường tới cả hai nước. 

Thậm chí hôm 28-2, khi còn đang dự hội nghị thượng đỉnh với CHDCND Triều Tiên ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không quên nhắn nhủ hai nước phải tránh một cuộc xung đột có thể leo thang.

Nhưng, ở khu vực Kashmir rộng lớn với phần lớn người Hồi giáo sinh sống đang bị chia đôi, những rắc rối sẽ vẫn tiềm ẩn đâu đó. Những cuộc xung đột dai dẳng cùng ký ức về 3 cuộc chiến tranh giữa hai nước trước đó vẫn luôn là nỗi ám ảnh với người dân cả hai bên. Những phần tử cực hữu bên phía Pakistan sẽ không bao giờ hài lòng với một nửa Kashmir nằm trong tay Ấn Độ. 

Trong khi đó áp lực từ người dân lên chính quyền Ấn Độ đòi hỏi phải mạnh tay hơn với các lực lượng Hồi giáo chống đối ở đây chưa bao giờ giảm đi. Cho dù chính quyền hai bên đều sẽ cố gắng để không làm bùng nổ xung đột lớn, Kashmir đã, đang và sẽ là vấn đề với cả hai nước trong nhiều năm tới.

Nỗi niềm “người thứ ba”

Tuy nhiên, khác với những lần bùng nổ xung đột trước đây giữa hai nước, cuộc xung đột lần này giữa Ấn Độ và Pakistan, có lẽ, khiến cho một quốc gia khác cảm thấy bất an hơn cả. Đó là Trung Quốc.

Kể từ cuộc xung đột năm 2003 trở về trước, mối quan tâm của Trung Quốc với khu vực Kashmir là không lớn. Đối tác quốc tế có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực là Mỹ. 

Những mối quan hệ phức tạp với nhiều thách thức đang được đặt ra cho chiến lược đối ngoại của Trung Quốc ở Nam Á.

Mỹ có quan hệ tốt với Ấn Độ nhưng Mỹ lại cần Pakistan để giải quyết những vấn đề ở Afghanistan. Ấn Độ, dù không có khúc mắc gì với Mỹ nhưng cũng không hài lòng khi Mỹ viện trợ nhiều tỷ USD cho Pakistan trong nhiều năm. Cuối cùng, mối quan hệ Mỹ - Pakistan đổ vỡ năm 2011, khi Mỹ xâm phạm lãnh thổ của Pakistan để tiêu diệt Bin Laden.

Mất nguồn tài chính từ Mỹ, Pakistan lập tức tìm kiếm đối tác mới, đó là Trung Quốc. Với nhu cầu khuếch trương tầm ảnh hưởng trong khu vực, Trung Quốc đã chọn Pakistan làm đồng minh chiến lược của mình. Pakistan là nơi mà Trung Quốc đã chiếm lĩnh được khá nhiều thị trường khi các nước phương Tây vẫn còn chưa nhảy vào, với các dự án hạ tầng và các khoản vay lớn.

Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc đi qua khu vực này cũng nằm trên phần lãnh thổ Kashmir mà Pakistan quản lý. Đây đồng thời là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Trung Quốc. Vai trò và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Pakistan hiện nay là rất đáng kể. 

Pakistan từ lâu nay cũng đã ngả hẳn theo Trung Quốc để tìm lời giải cho những vấn đề của mình. Nên nhớ, chính Islamabad đã chủ động đề nghị Trung Quốc làm trung gian hòa giải giữa hai nước

Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc có những vấn đề về lãnh thổ, vì thế sẽ rất khó có được thứ gọi là niềm tin chiến lược giữa hai nước. 

Một cuộc xung đột vào năm 2017 đã suýt nổ ra khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc có những động thái xâm phạm biên giới lãnh thổ. Tuy nhiên, khi mà Trung Quốc đang đứng trước khó khăn kinh tế của cuộc đối đầu thương mại với Mỹ thì Ấn Độ đã được coi như một đối tác thay thế.

Với 1,2 tỷ dân, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng với hàng hóa Trung Quốc. Họ đã cố gắng giải tỏa bất đồng với Ấn Độ bằng cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu năm ngoái.

Với Trung Quốc, việc can dự vào vấn đề ở Nam Á là không thể tránh khỏi. Nhưng lúc này, nếu Trung Quốc ủng hộ Pakistan thì chẳng khác nào đẩy Ấn Độ sang vòng tay của Mỹ. Khi đó, tình thế đối đầu Mỹ-Trung sẽ ngay lập tức chuyển từ lạnh sang nóng. Đây là điều mà Trung Quốc không hề muốn. 

Ấn Độ cho tới lúc này vẫn khá độc lập trong chính sách đối ngoại nhưng nếu bị Trung Quốc o ép, có thể họ cũng không ngại ngần liên minh với Mỹ. Trung Quốc không muốn để xung đột leo thang trong khu vực vì những lợi ích kinh tế của mình.

Vấn đề là, để làm được điều đó, họ sẽ lại phải dàn xếp ổn thỏa mối quan hệ của hai nước thù địch này. Làm sao đảm bảo cho Pakistan thấy rằng mình vẫn là một đồng minh tin cậy đồng thời không để Ấn Độ mất lòng, một bài toán đối ngoại mới mà Trung Quốc lần đầu gặp phải.

Nhận thức được vấn đề này nên Trung Quốc là một trong những nước sốt sắng nhất tham gia hòa giải. Sau sự kiện này, bóng dáng của Trung Quốc ở Nam Á cũng đã lộ ra rõ rệt. Cái thời để Trung Quốc núp sau những bức tường thành đã qua lâu rồi. 

Vì lợi ích của chính mình và cả yêu cầu đối với thế giới, Trung Quốc sẽ phải can dự ngày càng sâu hơn vào các vấn đề khu vực. Mỗi lựa chọn của họ sẽ ngày càng trở nên khó hơn rất nhiều.

Tử Uyên
.
.