Xứ Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha

Thứ Tư, 11/10/2017, 08:19
Tây Ban Nha đang đối mặt với khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi chính quyền xứ Catalonia (hay Catalan) quyết tâm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý độc lập ngày 1-10 bất chấp những nỗ lực ngăn chặn từ chính quyền Madrid. Đây không phải lần đầu tiên xứ Catalonia có những động thái đòi độc lập.

Từ trước đến nay, chính quyền sở tại đã luôn “hục hặc” với chính quyền Madrid vì mâu thuẫn sắc tộc và kinh tế. Căng thẳng càng gia tăng khi một bên quyết dứt áo ra đi, còn một bên cho rằng đó là hành động vi hiến. Một số quan chức cấp cao tham gia vào công tác tổ chức trưng cầu bị bắt giữ, trong khi hàng loạt cuộc biểu tình bùng nổ ở thủ phủ Barcelona và nhiều thị trấn khác.

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10 của vùng Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha là một dấu mốc trong hành trình đòi độc lập của người dân Catalonia. 2 động lực của làn sóng chủ nghĩa ly khai mới là các tai ương kinh tế của Tây Ban Nha và một quyết định năm 2010 của Tòa án Hiến pháp nhằm bác bỏ một phần trong điều lệ mới của chính phủ tự trị.

Với những động thái liên tiếp đòi quyền độc lập, có thể thấy người dân Catalonia đã chuẩn bị sẵn sàng cho “ngày chia tay” với Tây Ban Nha. Trong khi đó, chính quyền Madrid liên tục đe dọa sẽ “mạnh tay” hơn. 

Thực trạng này nhiều khả năng sẽ đẩy mâu thuẫn giữa chính quyền Madrid và chính quyền địa phương lên cao hơn, qua đó khơi mào cho một cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài tại Tây Ban Nha.

Tham vọng độc lập

Xứ Catalonia hình thành vào thế kỷ thứ 8, là sự hợp nhất của các tiểu vương quốc phía đông Tây Ban Nha. Vào năm 987, do mâu thuẫn với Tây Ban Nha, xứ Catalonia đã ly khai (dù về mặt danh nghĩa vẫn là một quận của Tây Ban Nha). Sau hàng loạt cuộc sáp nhập vào các vương quốc khác nhau thông qua những cuộc hôn nhân hoàng gia, Catalonia vẫn giữ lại được pháp luật, hải quan và cơ cấu chính trị riêng.

Cho đến khi chiến tranh kế vị Tây Ban Nha (1701-1714) diễn ra, xứ Catalonia đã ủng hộ phe thua cuộc, nên phe thắng cuộc đã trả đũa bằng cách chấm dứt vĩnh viễn quyền tự trị của xứ này. Kể từ đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc vùng Catalonia liên tục đòi quyền tự trị cho vùng này.

Đảng chính trị đầu tiên ủng hộ độc lập là Estat Català (Nhà nước Catalan), được Francesc Macia thành lập vào năm 1922. Sau khi đảng của ông giành được thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố, Macia tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Catalan vào ngày 14-4-1931. Tuy nhiên sau khi đàm phán với chính phủ, ông chấp nhận đạo luật về quyền tự trị cho xứ này, ban hành năm 1932.

Sự tự trị ngắn ngủi của Catalonia chấm dứt khi tướng Francisco Franco lên nắm quyền và mọi thứ đều bị bãi bỏ vào năm 1938. Người Catalonia bị đàn áp dã man dưới chế độ phát xít của Francisco Franco khi bị cấm thể hiện văn hóa và ngôn ngữ riêng. Dẫu vậy, tư tưởng ủng hộ độc lập vẫn rất mạnh ở Catalonia cho đến thời điểm hiện tại.

Trải qua nhiều thế kỷ gắn bó với Tây Ban Nha, ngôn ngữ và văn hóa của xứ Catalonia vẫn được giữ nguyên vẹn. Thế nhưng, Hoàng gia Tây Ban Nha luôn coi Catalonia là “thành phần cá biệt”, còn Catalonia với năng lực kinh tế vượt trội, luôn đòi hỏi những đặc quyền được công nhận như là một “quốc gia”. 

Phong trào “Phục hưng văn hóa” nhằm hồi sinh ngôn ngữ và truyền thống bản địa đã dẫn đến sự phát triển chủ nghĩa dân tộc và khát vọng độc lập. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một số cá nhân và đảng phái chính trị bắt đầu yêu cầu sự độc lập hoàn toàn của Catalonia. 

Việc đẩy mạnh quyền tự trị Catalonia tăng tốc với sự ra đời của nền dân chủ trong những năm 1970, nhưng một phong trào độc lập toàn diện Catalan chỉ thực sự phát triển sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 và 2008.

Kể từ những năm đầu của thế kỉ 21, chính quyền Catalonia đã liên tục đệ trình yêu sách và kế hoạch đòi độc lập lên Madrid, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Năm 2006, Tây Ban Nha ban hành luật tự trị cho Catalonia. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp đã hủy bỏ và sửa đổi một phần luật này vào năm 2010, lập luận rằng Catalonia không phải là “quốc gia”. 

Điều này gây nên sự giận dữ rộng khắp khi người Catalonia cho rằng quyền tự trị của họ không được mở rộng như mong muốn. Năm 2014, Catalonia đã tổ chức một cuộc trưng cầu mang tính biểu tượng, trong đó 80% cử tri ủng hộ ly khai hoàn toàn. 

Trong 3 năm qua, đã có rất nhiều người biểu tình ly khai ôn hòa xuống đường vào “Ngày quốc khánh” Catalonia (11-9 hằng năm). Sự hờ hững của chính quyền Madrid lại càng làm cho tinh thần độc lập của Catalonia lên cao, đặc biệt là sau sự kiện trưng cầu dân ý của xứ Scotland và Anh “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU).

Bước tiến mới

Ngày 10/1/2016, cơ quan lập pháp xứ Catalonia đã bỏ phiếu bầu ông Carles Puigdemont, người tuyên bố sẽ quyết tâm thúc đẩy việc ly khai khỏi Tây Ban Nha trước năm 2017, làm lãnh đạo mới với khẩu hiệu “Catalonia có quyền tự quyết về văn hóa, kinh tế và chính trị”. 

Các cuộc thăm dò ý kiến hiện nay cho thấy khoảng một nửa dân số Catalan thích độc lập hơn tình trạng hiện tại, dù hiện nay họ đã được hưởng mức độ tự trị cao, nắm quyền lực hành chính về các vấn đề giáo dục, y tế, cảnh sát và nhiều vấn đề khác. 

Phong trào ly khai phát triển mạnh trong vài năm qua khi tình hình kinh tế khó khăn. Những người ủng hộ cảm thấy khu vực giàu có với 7,5 triệu dân này từ lâu đã “cho đi” nhiều hơn “nhận lại” trong quan hệ với Tây Ban Nha. 

Vừa qua, chính quyền Catalonia đã tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 1-10 về việc tách khỏi Tây Ban Nha, phớt lờ những cảnh báo và răn đe từ phía Madrid coi đó là một hành động “bất hợp pháp”. Có thể nói, người dân sở tại đã bắt đầu nghĩ về viễn cảnh quê hương mình trở thành một quốc gia độc lập sau nhiều thế kỉ đấu tranh.

Cuộc đối đầu giữa chính quyền xứ Catalonia và chính quyền ở Madrid lại dâng cao khi một bên muốn đi, còn bên kia không chịu nhượng bộ. Xứ Catalonia chiếm khoảng 16% dân số Tây Ban Nha, nhưng lại đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất và tài chính của đất nước khi nắm tới 20% sản lượng kinh tế. 

Lãnh đạo Carles Puigdemont tuyên bố Catalonia có quyền tự quyết về văn hóa, kinh tế và chính trị.

Catalonia sau nhiều năm đã trở thành cộng đồng thịnh vượng và quan trọng bậc nhất cả nước, với trung tâm văn hóa, du lịch, kinh tế nổi tiếng Barcelona. Giới chính khách Catalonia cho rằng họ là một quốc gia đúng nghĩa với lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ riêng; do đó, tài chính cần phải độc lập khỏi Tây Ban Nha. 

Các chính trị gia ủng hộ độc lập ở Catalonia cho rằng, họ đang phải đóng góp quá nhiều tiền thuế cho Madrid. Tiền của Catalonia được dùng trang trải cho những khu vực nghèo khổ, lười biếng, sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ một cách không hợp lý.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố phản đối mọi hành động gây ra sự chia cắt đất nước mà Catalonia đang hướng đến. Ông Rajoy viện dẫn Hiến pháp 1978 quy định rõ sự toàn vẹn và gắn kết các khu vực trên đất nước là bất biến, mọi cuộc trưng cầu ly khai đều không được phép. 

Thủ tướng Rajoy đã “đe dọa” chính quyền Catalonia rằng “Hãy chấm dứt sự leo thang của chủ nghĩa cực đoan và dừng ý định ly khai mãi mãi”. Trong khi đó, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha - nơi đã đình chỉ luật trưng cầu dân ý được Quốc hội Catalonia thông qua hồi tháng 9 - đang xem xét liệu luật này có vi phạm hiến pháp hay không. 

Các thành viên hiện thời của chính quyền Catalonia cũng đang phải đối mặt với tòa án về vai trò của họ trong việc thúc đẩy độc lập. Căng thẳng gia tăng đáng kể sau khi lực lượng cảnh sát dân sự Tây Ban Nha khám xét hàng chục tòa nhà của chính quyền khu vực tại Barcelona và bắt giữ nhiều quan chức cao cấp.

Hồi chuông cảnh báo

Với nền kinh tế năng động bên bờ Địa Trung Hải, Catalonia chính là “con gà đẻ trứng vàng” của Tây Ban Nha, còn Madrid lại đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế châu Âu. Do đó, một khi Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, quốc gia Tây Âu này sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc suy thoái năm 2008. 

Hiệu ứng domino sẽ không chỉ khiến Madrid hay Brussels lao đao, mà còn có khả năng đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Bên cạnh đó, việc xứ Catalonia ly khai khỏi Tây Ban Nha sẽ là “giọt nước tràn ly”, khiến mầm mống ly khai tiếp tục sinh sôi, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. 

Phía sau một châu Âu trong tiến trình nhất thể hóa, với tham vọng có nền hòa bình bền vững và thống nhất toàn vẹn, là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa ly khai chỉ chực chờ bùng phát.

Cho dù cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-10 được coi là vi hiến, song việc người dân Catalonia luôn âm ỉ ước muốn “rũ áo ra đi” là hồi chuông báo động, buộc các nhà lãnh đạo EU phải tính đến các giải pháp để hạn chế mầm mống ly khai đang lan rộng và đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia. 

Quyết tâm rời bỏ Tây Ban Nha của xứ Catalonia một lần nữa khiến châu Âu cảm thấy lo ngại về phong trào đòi quyền độc lập tăng cao trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, Scotland đang lên kế hoạch đề nghị Anh tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về việc nước này độc lập vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 - một động thái London cho rằng có thể gây bất ổn trên toàn châu lục. 

Trong khi đó, từ đảo Corsica ở Pháp, các khu vực công nghiệp phát triển phía bắc Italia đến vùng Flander và Wallonia ở Bỉ, đảo Faeroe ở Đan Mạch, dường như tất cả đều chực chờ “phát súng hiệu” để nhất loạt thể hiện tinh thần “độc lập”.

Không ai biết trò chơi đuổi bắt giữa chính quyền Tây Ban Nha và Catalonia bao giờ mới kết thúc khi cả hai phía đều không có dấu hiệu nhượng bộ. Rõ ràng, việc ly khai của Catalonia sẽ còn là một chặng đường dài. Madrid sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hoặc bất kỳ cuộc bầu cử độc lập nào trong khu vực này, sẵn sàng cho các cuộc biểu tình lớn và thời kỳ khó khăn phía trước. 

Dù vậy, chủ nghĩa ly khai của xứ Catalonia sẽ không thể biến mất. Tham vọng độc lập ở xứ Catalonia sẽ là “phát đạn” làm rung chuyển cả châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và quan hệ của các nước trong EU đang gặp nhiều trục trặc thì vấn đề “đi hay ở” của xứ Catalonia sẽ tiếp tục là bài toán khó cho Tây Ban Nha nói riêng và cho EU nói chung...

Hồng Hạnh
.
.