Tiến trình hòa bình Syria: Bế tắc

Thứ Năm, 11/05/2017, 10:01
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 7, vòng đàm phán thứ 5 về Syria diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) - nỗ lực quốc tế mới nhất nhằm chấm dứt chiến tranh - đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào. 

Điều này một lần nữa khẳng định, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình đến nay vẫn rất mong manh dẫu rằng một loạt cuộc gặp gỡ trước đó đều kết thúc bằng những thông báo tích cực. 

Giờ đây, tình hình trên thực địa không mấy khả quan khi lệnh ngừng bắn đang bị vi phạm nghiêm trọng. Các vụ đụng độ mới thường xuyên xảy ra với cường độ và quy mô ngày càng lớn. 

Dù dư luận Syria và thế giới đều kỳ vọng vòng đàm phán hòa bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ sẽ mang lại một giải pháp nào đó nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài, nhưng với những gì đạt được thì hy vọng về một nền hòa bình cho quốc gia Trung Đông này vẫn còn rất xa vời.

Chiến trường rối loạn

Xuất phát từ một phong trào nhân dân phản kháng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, cuộc nội chiến Syria giờ đây đã mang tầm quốc tế. Các bên tham chiến phức tạp vẫn tranh giành nhau đất nước Syria kiệt quệ trong một cuộc chiến không lối thoát, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ nhà cửa, quê hương. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ tại châu Âu. 

Theo Liên Hiệp Quốc, tại Syria, 13,5 triệu người đang phải sống phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo, 6,3 triệu người di cư trong nội bộ đất nước, hàng trăm nghìn người đã thực hiện những hành trình nguy hiểm để tìm kiếm nơi trú ẩn và 4,9 triệu người (phần lớn là phụ nữ và trẻ em) đang tị nạn tại các quốc gia láng giềng.

Sự rối loạn ở Syria xuất phát từ sự hỗn loạn các bên tham chiến. Trước hết là quân đội chính phủ và các lực lượng dân quân vũ trang ủng hộ chính phủ, đối mặt với họ là các lực lượng nổi dậy mang màu sắc Hồi giáo cùng hàng chục nghìn quân thánh chiến Hồi giáo 80 nước trên thế giới. 

Năm 2013, lực lượng Vệ binh cách mạng Iran và Hezbollah Lebanon đã lao vào cuộc chiến bên cạnh chế độ Damas lúc đó đang trong vị thế rất yếu. 

Năm 2015, quân đội Nga chính thức nhảy vào với các cuộc oanh kích của phi đội không quân hùng hậu và hàng nghìn lính trên các mặt trận. Mùa thu năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa chiến xa vào miền bắc Syria để tấn công lực lượng thánh chiến và quân vũ trang người Kurdistan.

Ngoài ra, cũng cần phải tính thêm cả nghìn lính thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng ở phía đông bắc Syria nhằm hỗ trợ các lực lượng người Kurdistan và Ảrập, các Lực lượng dân chủ Syria (FDS) chiến đấu chống các nhóm quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Các lực lượng đặc nhiệm Pháp và Anh cũng đã được triển khai để tư vấn, huấn luyện cho quân đội FDS. 

Cuối cùng, ở phía nam, quân đội Jordani cũng triển khai bí mật để theo dõi các lực lượng thánh chiến. Mục tiêu của các lực lượng nói trên rất mâu thuẫn, ngay cả khi họ liên minh với nhau.

Quá nhiều bên liên quan, cả trong và ngoài nước, khiến cuộc khủng hoảng trở nên phức tạp. Các lực lượng tham chiến chính bao gồm quân chính phủ và các lực lượng nổi dậy bắt đầu giao tranh vào năm 2011. 

Theo đánh giá, cả hai đều thực sự yếu kém và không thể chiến đấu lâu dài bằng thực lực của mình. Thế nhưng mỗi bên đều có sự hậu thuẫn của các cường quốc lớn (như Mỹ, Nga, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ). Quân đội chính phủ và phiến quân được nước ngoài tiếp trợ, và điều đó có nghĩa là nguồn khí tài của họ không bao giờ cạn kiệt. 

Trong khi đó, các lực lượng có thể làm giảm bế tắc của cuộc chiến lại thiếu vắng, nên nội chiến Syria được thúc đẩy theo chiều hướng không thể dừng lại.

Mặc dù quân đội Syria - với sự hỗ trợ của Nga, Iran và các đồng minh người địa phương - đã giành được thắng lợi lớn trong năm 2016 (trong đó có việc giải phóng Aleppo vốn được chờ đợi từ lâu), nhưng chính nỗi bất an về một chiến thắng có vẻ như sẽ cản trở tiến trình giải quyết cuộc xung đột Syria trong tương lai gần. 

Các lực lượng tham chiến tại Syria được xây dựng để chiến đấu, không phải để chiến thắng. Nội bộ lực lượng của Chính phủ Syria cũng như các lực lượng nổi dậy hiện đều yếu đến mức họ muốn duy trì tình thế bế tắc hiện nay. 

Các nhà lãnh đạo Syria hầu hết thuộc cộng đồng tôn giáo người Alawite thiểu số, chỉ chiếm một phần nhỏ dân số của Syria song lại chiếm phần lớn lực lượng an ninh. Sau nhiều năm giao tranh với các phe nhóm sắc tộc khác, người Alawite lo sợ rằng họ có thể bị diệt chủng nếu như Tổng thống al-Assad không đảm bảo giành được chiến thắng tuyệt đối.

Đàm phán thất bại

Dù có sự can thiệp của nhiều cường quốc và nhiều hội nghị hòa bình được tổ chức nhưng diễn biến của cuộc chiến ở Syria ngày càng tồi tệ. Vòng đàm phán thứ 5 về Syria diễn ra tại Geneva đã nhất trí về 4 vấn đề quan trọng, bao gồm quản lý đất nước, hiến pháp, bầu cử và cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều thách thức và những vấn đề vừa được nhất trí cũng chưa thể phát triển thành một thỏa thuận ngừng bắn. 

Trên thực tế, các vòng hòa đàm nhằm củng cố lệnh ngừng bắn ở Syria diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan từ tháng 1-2017 đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn hoàn toàn các cuộc xung đột ở quốc gia bất ổn này vì những hoạt động khủng bố tại Syria vẫn gia tăng nhằm ngăn chặn sự tham gia của các bên trong đàm phán.

Người dân Syria cảm thấy bất an và mất niềm tin vào thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, một số nhóm đối lập chính tại Syria vừa tuyên bố chính thức tẩy chay các cuộc đàm phán với lý do những cam kết liên quan tới việc chấm dứt các hành động thù địch ở Syria đang không được tôn trọng đầy đủ. Các nhóm đối lập rút khỏi hòa đàm tại Kazakhstan vì cho rằng lệnh ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp đã không được đảm bảo. 

Nhiều chuyên gia nhận định, chiến trường Syria là một đa giác phức tạp với sự tham gia của một tập hợp các nhóm nổi dậy với mục đích riêng, do đó cơ hội đạt được bất kỳ thỏa ước hòa bình nào đều bị thu hẹp. 

Mỗi bên còn có động cơ cạnh tranh với các nhóm khác để giành nguồn lực trong chiến tranh và để đạt được những nhượng bộ về sau. Đây chính là lý do tại sao các phe đối lập thường có xu hướng thất bại hoặc  rơi vào một cuộc chiến tranh thứ hai với nhau.

Syria đang mắc kẹt giữa hai cường quốc quân sự là Nga và Mỹ - vốn bất đồng sâu sắc về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng. Chính quyền Mỹ và các đồng minh nhấn mạnh rằng al-Assad phải từ chức trong khi Nga vẫn luôn cho rằng người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai của nhà lãnh đạo này. Trong khi, Mỹ khẳng định cách duy nhất là thông qua một giải pháp chính trị tại Syria thì Nga muốn ưu tiên chống khủng bố. 

Ngoài ra, sự bất đồng sâu sắc trong quan điểm về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục làm dấy lên lo ngại rằng biết đến bao giờ Nga và Mỹ mới có được cách thức chung để giải quyết cuộc xung đột đã bước vào năm thứ 7 tại quốc gia Trung Đông này.

Triển vọng hòa bình cho Syria một lần nữa bị phủ bóng đen vì trong suốt tiến trình thảo luận về các vấn đề của Syria, Nga và các nước phương Tây đã không tìm thấy “một mẫu số chung”, trong khi lập trường Mỹ kể từ khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 dường như thiếu ổn định và rõ ràng. 

Mới đây, Nga buộc phải sử dụng quyền phủ quyết để loại bỏ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Damascus làm 74 người thiệt mạng và 120 người bị thương, trong khi phương Tây lại buộc tội chính quyền Tổng thống Al-Assad và bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức bị coi là khủng bố.

Mọi nỗ lực giải quyết nội chiến Syria dường như vô hiệu bất chấp vô số cuộc tấn công, nhiều hội nghị hòa bình và các hoạt động can thiệp của các nước. Hiện nay, Liên Hiệp Quốc không thể đưa ra được thời điểm để tổ chức cuộc hòa đàm mới khi chưa thể mời chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập Syria quay trở lại bàn đàm phán cho đến khi có một lệnh ngừng bắn “đáng tin cậy”. 

Nhiều ý kiến cho rằng các cuộc tấn công can thiệp với mục đích góp phần kết thúc chiến tranh tại Syria trên thực tế lại làm tình hình trở nên bế tắc với bạo lực bộc phát gia tăng và các nẻo đường dẫn đến hòa bình đều khép lại. 

Trong khi cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa đàm tại Syria cũng như khẳng định thỏa thuận ngừng bắn vẫn được duy trì, không ít người dân quốc gia Trung Đông lại cảm thấy bất an và mất niềm tin vào thỏa thuận này. 

Rõ ràng, cuộc chiến tranh Syria chưa thể kết thúc trong năm 2017, và sẽ ngày càng tồi tệ, thậm chí được dự báo sẽ còn kéo dài hơn những cuộc nội chiến trường kỳ nhất trong lịch sử...

Lê Nam
.
.