Tổng thống Putin: Người thuyền trưởng mùa ra biển thứ 4

Thứ Tư, 28/03/2018, 07:49
Theo kết quả bỏ phiếu bầu cử được công bố vừa qua, đương kim Tổng thống Vladimir Putin sẽ tiếp tục trở thành “thuyền trưởng” chèo lái con thuyền kinh tế và quân sự nước Nga thêm một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm.

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2018 là lần tranh cử thứ 4 trong sự nghiệp chính trị của ông Putin. Một chiến thắng trong cuộc bầu cử này đồng nghĩa với việc ông sẽ lãnh đạo nước Nga đến năm 2024, trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của nước này kể từ sau nhà lãnh đạo Liên Xô (cũ) Joseph Stalin.

Nhà lãnh đạo nổi bật nhất thế giới trong suốt 20 năm qua đã tái đắc cử với chiến thắng được dự đoán, hoàn toàn áp đảo các ứng viên khác. 

Trong bài phát biểu chiến thắng gần quảng trường Đỏ, Tổng thống Putin nói với người dân rằng ông coi thắng lợi như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về thành tựu ông đã đạt được trong những điều kiện khó khăn và tin vào những quyết định đúng đắn mà ông đã đưa ra cho “xứ sở bạch dương”.

Chiến thắng áp đảo

Theo kết quả kiểm phiếu chung cuộc do Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga công bố, nhà lãnh đạo Vladimir Putin đã nhận được 76,66% số phiếu ủng hộ, giành chiến thắng áp đảo và bỏ xa toàn bộ 7 đối thủ, qua đó giành quyền lãnh đạo nước Nga tới năm 2024.

Với kết quả này, ông Putin đã giành số phiếu bầu cao nhất trong các kỳ bầu cử Tổng thống Nga từ trước tới nay, đồng thời tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân “xứ sở bạch dương”.

Giới quan sát cho rằng, ông Putin được lòng dân và áp đảo hoàn toàn các ứng viên khác là nhờ vị thế lớn mạnh của nước Nga hiện nay. Cử tri Nga rất nhạy cảm với hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế. Sau gần hai thập niên nắm quyền, ông Putin đã có công củng cố vị thế nước Nga sau những “ốm yếu” từ thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin.

Có thể thấy, từ khi ông Putin lên nắm quyền, Nga có tiếng nói quyết định và quan trọng hơn rất nhiều trên sân khấu địa - chính trị thế giới.

Có vẻ như, chính sách đối ngoại của ông Putin, cùng với những nỗ lực để khôi phục lực lượng vũ trang Nga, trong nỗ lực để tăng cường vị trí của đất nước trên trường quốc tế là một “chiến dịch dài hơi” giúp ông Putin chiếm được lòng tin của người dân.

Với ông Putin, điều quan trọng hiện nay là phải duy trì tinh thần đoàn kết và nghĩ về tương lai của “nước Nga vĩ đại”. Rõ ràng sẽ còn có nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng Nga (dưới thời của Putin) hoàn toàn có cơ hội để đạt được nhiều bước đột phá.

Phát biểu sau chiến thắng, ông Putin bày tỏ: “Kết quả này cho tôi thấy một sự ghi nhận cho kết quả đã làm được những năm qua trong điều kiện vô cùng khó khăn. 

Tôi cũng thấy được niềm tin và hy vọng, hy vọng vào người dân của chúng ta sẽ cùng nhau làm việc một cách tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Cảm ơn vì chúng ta là một đội mạnh với hàng triệu con người. Thành công đang chờ đợi chúng ta”.

Giới quan sát nhận định, việc Putin tái đắc cử “chắc chắn sẽ xảy ra”, một phần là do tham vọng quyền lực của nhà lãnh đạo này, nhưng mặt khác bởi thực trạng của đất nước Nga cần ông phải làm như vậy.

Với chỉ số uy tín gần như tuyệt đối (thường xuyên đạt trên 80%) và tỷ lệ ủng hộ rất cao như vậy, có thể nói rằng việc ông chủ Điệm Kremlin ra đi khi vẫn đang còn mạnh khỏe và có khả năng cống hiến sẽ là cú sốc rất lớn đối với người dân Nga. 

Với một người luôn đặt đất nước và nhân dân Nga lên trên hết như ông Putin, ông sẽ vì niềm tin và kỳ vọng của nhân dân để tiếp tục chèo lái con thuyền nước Nga thêm một nhiệm kỳ nữa.

Chưa hết, tương lai bấp bênh của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất (UR) trở thành mối quan ngại ở vào thời điểm hiện tại khi UR phụ thuộc quá lớn vào uy tín cá nhân của ông Putin. Không còn Putin đồng nghĩa với việc mất vị thế áp đảo trong quốc hội, và không thể tự quyết trong mọi chính sách. Do đó, ông Putin còn nhiều việc phải làm để cải tổ và nâng cao uy tín của UR, trước khi từ bỏ chiếc ghế quyền lực ở Điện Kremlin.

Với một xã hội mà dấu ấn lãnh tụ vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng dân như Nga hiện nay, người thay thế ông Putin phải là người kiên định “đối phó với phương Tây”, có khả năng giúp đất nước vượt qua những thời kỳ khó khăn nhất. Thế nhưng, thực tế cho thấy vị trí của Tổng thống Putin hiện nay chưa có người kế vị xứng đáng, mặc dù vẫn đang có những gương mặt sáng giá như Thủ tướng Medvedev hay Ngoại trưởng Lavrov.

Bên cạnh đó, Nga đang chuẩn bị tiến hành một cuộc cải tổ quy mô lớn các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật. Theo đó, Nga thành lập Bộ An ninh quốc gia (MGB) trên cơ sở Cơ quan An ninh liên bang (FSB) và Cục Tình báo Đối ngoại. Chính việc cải tổ này được cho là yếu tố khiến ông Putin chưa thể rời chiếc ghế quyền lực trong bối cảnh chưa có người kế vị nào có đủ uy thế để trấn áp những phe nhóm phương Tây trên chính trường, thì nước Nga có thể nhanh chóng lâm vào bất ổn, suy sụp.

Nhiệm kỳ sóng gió

Tại Nga, ngay sau khi kết thúc bầu cử, phe đối lập Nga đã lên tiếng tố cáo gian lận. Đối thủ đáng gờm nhất của Vladimir Putin là ông Alexei Navalny không được quyền tranh cử tuyên bố: “Thắng lợi với hơn 70% tỷ lệ ủng hộ này đã được quyết định từ trước”.

Một số nguồn tin đề cập tới hiện tượng nhồi phiếu vào các thùng phiếu, nhiều cử tri thì đi bầu nhiều lần. Hiện tượng bất thường phổ biến hơn cả là cử tri bị buộc phải đi làm bổn phận công dân, nhất là khi họ được phép bỏ phiếu ở bất kỳ địa điểm bầu cử nào.

Tổng thống Vladimir Putin phải chuẩn bị sẵn sàng cho một nhiệm kỳ mới khi mà căng thẳng với các nước phương Tây đang leo thang.

Tuy nhiên, chính quyền Nga đã có phản ứng ngay lập tức, giải thích toàn bộ lại quy trình bỏ phiếu và giám sát trong suốt giai đoạn bầu cử hay kiểm phiếu, đồng thời nhấn mạnh chiến thắng của ông Putin là hoàn toàn... hợp pháp. Đây được coi là phản ứng trái chiều thường thấy trong dư luận Nga sau sự kiện ông Putin tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong khi đó, các nước châu Âu lại đang chia rẽ sau khi ông Putin tái đắc cử. Một số chính trị gia coi việc hàn gắn mối quan hệ là cần thiết, những người khác nhận định rằng nước Nga dưới sự lãnh đạo của ông Putin đã quay lưng với những giá trị tự do phương Tây và quy tắc quốc tế. Một nhóm khác, thuộc chủ nghĩa dân túy cánh hữu lại đang ăn mừng thắng lợi này.

Mâu thuẫn giữa các chính trị gia chủ đạo của châu Âu được thể hiện trong cuộc họp vào ngày 19-3 giữa Chính phủ Ba Lan, vốn là nước phản đối Nga trong Liên minh châu Âu và Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo đang muốn dùng mọi cách để cải thiện quan hệ với ông Putin. Tương tự, thái độ của Pháp cũng có mâu thuẫn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng làm ông Putin thất vọng khi hướng dòng chủ nghĩa dân túy theo chiều chống lại EU, nhưng sau đó, chính ông đưa tay hợp tác với ông Putin trong hội nghị cấp cao tại Versailles. 

Nếu nói tới sự thay đổi lớn nhất trong nền chính trị châu Âu thì phải kể đến Italia, với thành công của Phong trào 5 sao và Liên đoàn phía Bắc ủng hộ Điện Kremlin trong cuộc bầu cử.

Trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống Vladimir Putin phải chuẩn bị sẵn sàng cho một nhiệm kỳ mới khi căng thẳng với các nước phương Tây đang leo thang. Tiếp tục được cử tri “chọn mặt gửi vàng”, ông Putin càng phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề. Trước mắt là bài toán khủng hoảng với Anh sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.

Trong động thái trả đũa những biện pháp “khiêu khích” và “những cáo buộc vô căn cứ” của London, Moscow tuyên bố sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh trong vòng một tuần, ngừng các hoạt động của Hội đồng Anh - một tổ chức quốc tế của London về hợp tác văn hóa và giáo dục - trên phạm vi toàn nước Nga.

Điện Kremlin còn cảnh báo, nếu Anh có thêm các hành động không thân thiện nhằm vào Nga, họ sẽ đưa ra những biện pháp “mạnh tay”. Tình thế đang rất nguy hiểm và nhà lãnh đạo Nga cần có chiến lược để vấn đề không tiếp tục bị chệch hướng.

Giới quan sát đánh giá, trong 6 năm tiếp theo nắm quyền, ông Putin sẽ phải gánh vác trọng trách rất nặng nề: đó là giải quyết các vấn đề nội bộ, tiếp tục đấu tranh với nạn nghèo đói, nâng cao nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng và các vấn đề bên ngoài với các nước phương Tây, hướng tới mục tiêu tiếp tục củng cố vị thế nước Nga trên trường quốc tế.

Đồng thời, ông Putin cần phải tìm kiếm người kế nhiệm vì rất có khả năng năm 2024 sẽ là năm cuối cùng ông nắm quyền. Các chính trị gia phe đối lập chỉ trích rằng vị trí của người đứng đầu nhà nước đã bị nắm giữ bởi một người trong nhiều năm. 

Thế nên, sẽ không hề dễ dàng để “ông chủ Điện Kremlin” có thể tìm được người kế nhiệm hoặc một công thức quản lý tạo nên sự thống nhất trong hệ thống chính trị của ông.

Hiện nay xuất hiện hàng loạt câu hỏi khó dành cho ông Putin. Trước hết, quan hệ với phương Tây xấu đi, liệu Nga có thể “hướng Đông”? Về lý thuyết, Tổng thống Putin muốn phát triển các đồng minh ở phương Đông, nhưng theo giới quan sát thì Moscow chưa hình dung rõ ràng những lợi ích mà Nga có thể đạt được và những gì có thể cung cấp lại cho các đối tác châu Á.

Mặc dù vậy, nếu nhận được lời đề nghị hợp tác từ các quốc gia phương Đông, ông Putin sẽ thể hiện sự quan tâm. Tiếp đó, khi nào hoạt động quân sự của Nga ở Syria kết thúc? Tổng thống Putin đang đàm phán với phương Tây. Nếu Mỹ và NATO nhượng bộ về các vấn đề Ukraine và vùng Baltic, có lẽ ông sẽ hợp tác với họ. Nếu họ không chú ý tới mối quan tâm của Nga, Tổng thống Putin sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn ở những nơi khác trên thế giới.

Từ đây, một số chuyên gia quan ngại về nguy cơ xung đột với phương Tây. Tuy nhiên, Tổng thống Putin là người thực tế và nếu có một cuộc xung đột nghiêm trọng có thể dẫn đến chiến tranh, ông sẽ không đưa đất nước mình rơi vào đó...

Nam Hồng
.
.