Hội nghị của Liên hiệp quốc COP23:

Nói không với than đá

Thứ Tư, 06/12/2017, 07:14
Hội nghị lần thứ 23 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP23) đã kết thúc tại thành phố Bonn (Đức) với nhiều tín hiệu lạc quan. 

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh thiên tai ngày càng tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng, còn tình hình quốc tế lại có nhiều trở ngại liên quan đến nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại COP23, các nước phát triển đã nhất trí giữ cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (đạt được vào năm 2015), đồng thời đưa ra nhiều cam kết tự nguyện. Đáng chú ý nhất là việc hơn 20 nước quyết định không sử dụng than kể từ năm 2030 và nhất trí thành lập “Liên minh chống sử dụng than đá”.

Dù vẫn tồn tại bất đồng về vấn đề tài chính, các bên cũng nhất trí về bộ quy tắc hướng dẫn thực thi với mục tiêu chấm dứt sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong thế kỷ 21. Đây được xem là câu trả lời rõ ràng nhất “cảnh báo” Mỹ sau khi quốc gia này quyết định rút khỏi Hiệp định Paris.

Chạy đua với thời gian

Hội nghị COP23 đã thu hút lãnh đạo và quan chức của gần 200 quốc gia tham dự để tìm cách thúc đẩy thế giới hành động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở trong nước. Mục tiêu của COP23 là cụ thể hóa các thỏa thuận của Hiệp định Khí hậu toàn cầu mà lãnh đạo của gần 200 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký tại Paris cách đây 2 năm.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với báo cáo u ám về sự gia tăng tốc độ ấm lên của trái đất, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan cùng những tác động do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng mang tính hủy diệt hơn, đe dọa và tàn phá cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, nhất là ở châu Á và châu Mỹ.

Theo các chuyên gia, than đá, dầu và khí tự nhiên là thủ phạm chính gây nên hiệu ứng nhà kính. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2ºC, thậm chí 1,5ºC (nếu có thể), so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19). Tuy nhiên, lượng khí CO2 thải ra cho tới cuối năm nay ước tính sẽ vào khoảng 36,8 gigaton (tăng 2% so với năm 2016).

Điều này dẫn đến việc khoảng 30% dân số thế giới đang phải trải qua tình trạng “nhiệt độ cực nóng” trong ít nhất vài ngày mỗi năm, khiến số người dễ bị tổn thương khi phải tiếp xúc với những đợt nóng ở mức có thể đe dọa tính mạng đã tăng thêm 125 triệu người kể từ năm 2000. 

Giới khoa học cảnh báo, dù các quốc gia thực hiện các cam kết tự nguyện về cắt giảm khí thải carbon hiện nay, mức tăng nhiệt độ vẫn không thể giảm như mục tiêu.

Trước thực trạng này, các lãnh đạo thế giới tại COP23 đã cùng nhấn mạnh mối hiểm họa từ biến đổi khí hậu và kêu gọi hành động khẩn cấp. Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa của thời đại”. Ông Guterres khẳng định tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch là vô nghĩa về mặt tài chính và “phản tác dụng”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi chống biến đổi khí hậu là “cuộc chiến quan trọng nhất thời hiện đại”. Nhà lãnh đạo này kêu gọi các nước châu Âu tích cực ủng hộ cho Ban Khoa học khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hiện đang đối mặt với khó khăn tài chính sau khi Mỹ cắt giảm đóng góp. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý rằng biến đổi khí hậu là một thách thức trung tâm của nhân loại và thế giới cần phải sát cánh với nhau để triển khai Hiệp định Paris.

Cộng hòa Fiji, đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, giữ vai trò chủ tịch tại COP23 với sự hỗ trợ về khoa học, hậu cần bởi Chính phủ Đức. Đây được xem là điểm nhấn của COP23 khi Fiji là một trong những quần đảo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nước biển dâng và những cơn bão gia tăng không ngừng cả về số lượng và cường độ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu không chỉ đem lại sự mất mát, khổ sở cho con người mà còn đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Chúng ta không có thời gian để lãng phí nữa”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi hành động kiên quyết hơn hướng tới các mục tiêu của Hiệp định Paris. Theo ông, ngưỡng cửa cơ hội đang dần đóng khi nhiệt độ đang tăng nhanh, buộc các bên phải đi xa hơn và nhanh hơn để thực hiện những gì đã đề ra cũng như xác định các bước tiếp theo.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, các đại biểu tham dự COP23 cam kết sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán về quy định thực hiện Hiệp định Paris. Họ đã tập trung vào những quy tắc cụ thể để thực hiện khuôn khổ quốc tế về chống lại biến đổi khí hậu sau năm 2020.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về cách thức các quốc gia báo cáo cũng như xác minh những nỗ lực hướng tới đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính. Họ cũng trao đổi về vấn đề liên quan tới việc các nước phát triển có thể hỗ trợ cho các nước đang phát triển.

Đặc biệt, COP23 đã bàn thảo chi tiết về điều khoản các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo và đang phát triển. Cụ thể, các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển xây dựng kế hoạch huy động tối thiểu 100 tỉ USD vào năm 2020, và có sự đảm bảo nguồn hỗ trợ tăng lên trong dài hạn sau năm 2025.

PPCA cam kết dần loại bỏ sử dụng than đá, loại năng lượng “bẩn nhất” gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường trái đất.

Cam kết hành động

Trong khuôn khổ COP23, nhiều quốc gia, thành phố và khu vực đã phát động một sáng kiến về việc dần loại bỏ sử dụng than đá - loại nhiên liệu hóa thạch được dùng để sản xuất tới 40% lượng điện toàn cầu, vốn tạo ra lượng lớn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tiếp đó, do Canada và Anh dẫn đầu, “Liên minh chống sử dụng than đá” (PPCA) có sự tham gia của hơn 20 quốc gia, khu vực và thành phố, được thành lập, cùng nhau cam kết dần loại bỏ sử dụng than đá. PPCA kêu gọi các nước cùng chung tay loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện than trên quy mô toàn cầu, với các thời hạn khác nhau, trước năm 2030.

Đáng lưu ý là nước Mỹ chỉ có bang Washington tham gia, trong khi các cường quốc sử dụng than đá nhiều nhất như Trung Quốc, Nga hay Đức vẫn chưa đưa ra quyết định.

Đây là một tín hiệu tích cực về sự chuyển hướng toàn cầu khỏi than đá, loại năng lượng “bẩn nhất” gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường trái đất, nhằm mang lại lợi ích cho khí hậu, loài người và nền kinh tế. Sáng kiến này đồng thời là lời cảnh báo đối với các quốc gia đang tụt hậu trong việc chấm dứt sử dụng than, hoặc những nước đang thúc đẩy sử dụng than rằng loại nhiên liệu hóa thạch này không có tương lai.

Theo các cam kết ban đầu, Anh sẽ dừng dùng than từ năm 2023, Canada và Pháp sẽ chấm dứt sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch “bẩn” này vào năm 2021-2022. 

Liên minh đặt mục tiêu kết nạp 50 thành viên trước Hội nghị COP24, dự kiến diễn ra vào năm 2018 tại thành phố Katowice (Ba Lan) - một trong những thành phố bị ô nhiễm nhất châu Âu, đồng thời thiết lập các cơ chế thúc đẩy việc chia sẻ công nghệ giữa các quốc gia nhằm hạn chế phát thải CO2 trên quy mô toàn cầu.

PPCA được phát động sau khi Mỹ tổ chức một sự kiện giữa các quan chức Nhà Trắng và quan chức năng lượng Mỹ về thúc đẩy vai trò của nhiên liệu hóa thạch “sạch hơn” nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Sự kiện PPCA ra đời là câu trả lời rõ ràng nhất cho Mỹ về quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực bảo vệ môi trường, sau quyết định của chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Paris.

Trong một tuyên bố được đưa ra mới đây, Mỹ một lần nữa nhấn mạnh ý định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sớm nhất có thể, song để ngỏ khả năng tham gia lại văn kiện này nếu các điều khoản thuận lợi hơn cho người dân Mỹ.

Theo quy định, thời hạn sớm nhất để Mỹ rút hoàn toàn là ngày 4-11-2020. Tuy nhiên, vẫn có 20 tiểu bang, hơn 50 thành phố lớn cùng hơn 60 doanh nghiệp lớn nhất ở Mỹ đã đưa ra cam kết riêng về cắt giảm khí thải và ứng phó hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Với tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Donald Trump đã bỏ ngang cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm lượng khí thải xuống thấp hơn so với năm 2005 26%-28% do chính quyền tiền nhiệm đưa ra.

Ngoài ra, khoản viện trợ 2,5 tỷ USD Mỹ cam kết dành cho các quốc gia nghèo hơn để thích nghi và đối phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng không còn. 

Mặc dù vậy, rút lui khỏi hiệp định lịch sử không có nghĩa Mỹ sẽ không tìm cách cắt giảm lượng khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch, và Mỹ khẳng định sẽ vẫn là quốc gia đi đầu về năng lượng sạch và sáng tạo. Chính quyền Trump cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính “theo cách không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng hay sự cạnh tranh của thị trường”.

Nguyên tắc định hướng của Mỹ là, mọi người dân đều được tiếp cận với nguồn năng lượng giá rẻ và đảm bảo, cùng với thị trường mở và cạnh tranh nhằm thúc đẩy hiệu quả và an ninh năng lượng. Điều này không chỉ áp dụng với Mỹ mà còn trên cả thế giới...

Việt Dũng
.
.