Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Tiến gần “ranh giới đỏ”

Thứ Năm, 25/05/2017, 14:48
Vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành phóng thử một quả tên lửa đạn đạo từ địa điểm ở phía bắc Bình Nhưỡng. Quả tên lửa của Triều Tiên bay được khoảng 30 phút và rơi xuống vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Ngay lập tức, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã yêu cầu Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa, đồng thời thực hiện ngay lập tức cam kết đối với việc phi hạt nhân hóa. Nhiều quốc gia lên tiếng bày tỏ vô cùng quan ngại trước tình hình căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tăng cường nỗ lực ngoại giao giảm căng thẳng, tiến tới phi hạt nhân hóa ở khu vực.

Thực tế cho thấy, tình hình Bán đảo Triều Tiên vẫn “căng như dây đàn”, có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh. Đại diện thường trực của Triều Tiên tại LHQ đã gửi thông cáo kêu gọi các nước thành viên LHQ cân nhắc lại việc triển khai các lệnh trừng phạt chống nước này.

Trong thông cáo báo chí của mình, Triều Tiên cáo buộc Mỹ đang tìm cách ép buộc các quốc gia thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ bằng cách “đe dọa sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ”. 

Có vẻ như Bán đảo Triều Tiên đang tiến tới gần “ranh giới đỏ” xung đột khi tuyên bố sẵn sàng cho tình huống chiến tranh để đáp trả lại việc Mỹ điều tới đây biên đội tàu sân bay chiến đấu.

Thắt chặt lệnh trừng phạt

Ngày 14-5, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo tại Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. Theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, vụ phóng tên lửa mới nhất của nước này là vụ thử thành công một loại tên lửa mới. 

Hãng KCNA cho biết tên lửa đã được phóng ở góc cao nhất nhằm đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng, bay được 787 km và đạt độ cao 2.111,5 km trước khi rơi xuống biển. Vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức, và là vụ thử tên lửa đạn đạo thứ hai của nước này trong vòng nhiều tuần qua.

Vụ thử tên lửa đạn đạo tại Bắc Pyongan cho thấy Bình Nhưỡng có tiến triển đáng kể hướng tới việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ.

Trước đó, Triều Tiên cũng đã từng phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 vào ngày 12-2 từ cùng địa điểm. Giới quan sát cho rằng, vụ phóng tên lửa lần này của Triều Tiên dường như đã cho thấy Bình Nhưỡng có tiến triển đáng kể hướng tới việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ.

Ngay sau vụ phóng tên lửa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu tiến hành một phiên họp khẩn cấp để thảo luận về vụ việc. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có tuyên bố phản đối mạnh mẽ vụ thử tên lửa của Triều Tiên, nhận định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản và vi phạm trắng trợn các nghị quyết của LHQ.

Tại cuộc họp khẩn ngày 16-5, HĐBA LHQ đã lên án mạnh mẽ Triều Tiên về vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất, kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại với chính sách phi hạt nhân. Trong một tuyên bố đồng thuận, bao gồm cả sự nhất trí của Trung Quốc, HĐBA đã yêu cầu Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa, đồng thời thực hiện ngay lập tức cam kết thực sự đối với việc phi hạt nhân hóa thông qua hành động cụ thể.

HĐBA cam kết sẽ tăng cường các biện pháp (trong đó có các lệnh trừng phạt) nhằm đáp trả hành vi gây bất ổn cao của Triều Tiên. HĐBA áp đặt những lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Bình Nhưỡng vào năm 2006 và đã nhiều lần củng cố các biện pháp chế tài để phản ứng trước các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa. Chính điều này khiến Triều Tiên phải gửi thư kêu gọi LHQ “xem xét lại” việc thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi các chuyên gia HĐBA đề xuất siết chặt các biện pháp trừng phạt theo các Nghị quyết 2270 và 2321. Nội dung trọng tâm là các biện pháp cắt giảm đáng kể hoạt động xuất khẩu than đá - vốn được xem là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực thu ngoại tệ của Triều Tiên.

Nghị quyết cũng kêu gọi các nước thành viên LHQ “lưu tâm” tới lĩnh vực xuất khẩu lao động của Triều Tiên trước nghi ngờ rằng nguồn thu từ các hoạt động này sẽ được sử dụng vào các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu các nước thành viên LHQ cắt giảm nhân viên trong các phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên, giảm số tài khoản ngân hàng mà mỗi phái đoàn ngoại giao và mỗi nhân viên ngoại giao Triều Tiên được sở hữu. 

Triều Tiên khẳng định rằng việc trừng phạt như vậy là “không thể chấp nhận được và đang cố ý gia tăng căng thẳng giữa các bên”, đồng thời nhấn mạnh LHQ cần thành lập diễn đàn quốc tế để xem xét các căn cứ khi HĐBA thông qua các nghị quyết kiểu như trên.

Căng thẳng chưa hạ nhiệt

Căng thẳng chưa bao giờ hạ nhiệt trên Bán đảo Triều Tiên. Trước đây, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và 24 vụ thử tên lửa đạn đạo trong năm 2016, bất chấp các nghị quyết cấm thử nghiệm của HĐBA. 

Tiếp đó, Triều Tiên phô trương nhiều loại tên lửa đạn đạo trong cuộc duyệt binh ngày 15/4 nhân kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của nhà sáng lập đất nước Kim Nhật Thành.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa, mới đây nhất là vụ thử tên lửa hôm 14-5. Nhiều nỗ lực quốc tế đang được xúc tiến nhằm hạ nhiệt, tháo ngòi khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia nằm ở “tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng nỗ lực ngăn Bình Nhưỡng phát triển khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân.

Mỹ và Trung Quốc đang phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên nhằm đưa tình hình trở lại tầm kiểm soát. Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ sử dụng các “đòn bẩy đặc biệt” để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí.

Từ lâu nay, Trung Quốc - nước đồng minh và láng giềng lớn nhất của Triều Tiên - vẫn luôn phản đối chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, và kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hướng tới một giải pháp hòa bình.

Theo đó, lựa chọn tốt nhất cho Bình Nhưỡng lúc này là từ bỏ chương trình hạt nhân và đổi lại sẽ nhận được sự bảo đảm an ninh từ Bắc Kinh. Còn phía Nga thì cảnh báo tình hình Bán đảo Triều Tiên có nguy cơ chuyển biến với những hậu quả bi thảm, đồng thời nhấn mạnh giải pháp duy nhất là đàm phán dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, lịch sử và kinh nghiệm.

Giới quan sát cho rằng, “nút thắt” cần phải tháo gỡ hiện nay chính là quan hệ Mỹ - Triều Tiên. Những động thái có thể coi là “nghênh chiến” giữa Mỹ và Triều Tiên khiến quan hệ giữa hai bên căng thẳng tới mức luôn ở thế “già néo đứt dây” bất cứ lúc nào. Lâu nay, cánh cửa đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên hầu như bị khóa chặt bằng những “rào chắn” mà cả hai bên dựng lên theo kiểu đáp trả “ăn miếng trả miếng”.

Phía Washington ra chính sách cấm vận kinh tế, trừng phạt và cô lập, thúc đẩy Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên. 

Cũng chẳng kém, phía Bình Nhưỡng đáp trả bằng những thách thức và khiêu khích từ hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, bất chấp các nghị quyết trừng phạt của HĐBA.

Những động thái dồn dập từ cả Washington và Bình Nhưỡng đang phủ bóng lên giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Xuất hiện một số nguồn tin cho rằng Mỹ sẵn sàng phát động tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành thử hạt nhân.

Các nguồn tin cho biết Mỹ đã điều 2 khu trục hạm có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk tới khu vực chỉ cách bãi thử hạt nhân của Triều Tiên khoảng 480 km. 

Còn Triều Tiên vẫn thái độ cứng rắn với tuyên bố đáp trả “không ngần ngại mọi cuộc chiến tranh”, cùng với đó là cuộc phô trương sức mạnh quân sự rầm rộ nhằm giới thiệu vũ khí mới, liên tục thử tên lửa và chuẩn bị cho các vụ thử hạt nhân. Điều đáng lưu ý là Triều Tiên vẫn tuyên bố chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này là các biện pháp tự vệ bình thường để đảm bảo chủ quyền và chế độ.

Hội đồng Bảo an thắt chặt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng theo các Nghị quyết 2270 và 2321.

Tuy nhiên, những hậu quả thảm khốc chưa thể lường hết được của “kịch bản chiến tranh” giữa cường quốc quân sự số 1 thế giới và một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang trở thành “cái phanh” kìm hãm mọi nguy cơ chiến tranh. 

Giới quan sát tin rằng, chính quyền Mỹ không hề muốn tấn công Triều Tiên vì những hệ lụy nguy hiểm, mà chỉ tiến hành “kế hoạch A” gây sức ép buộc Trung Quốc can thiệp kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Giữa những thông điệp cứng rắn vẫn có những tín hiệu hiếm hoi về một cơ hội đối thoại. Mỹ, một mặt đe dọa sẽ không bỏ qua sự lựa chọn quân sự, mặt khác khẳng định không tìm cách gây xung đột hoặc làm thay đổi chế độ tại Triều Tiên. Mỹ sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc, để đạt được một giải pháp hòa bình tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Về phần Bình Nhưỡng, từ năm ngoái, thông qua các cuộc tiếp xúc với đại diện của Nga và Trung Quốc, đại diện chính thức của Triều Tiên cũng đã đề cập tới khả năng tiến hành các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương để giải quyết căng thẳng giữa các bên.

Thậm chí, đại diện Triều Tiên còn ngỏ lời đề nghị Nga giúp dàn xếp mở lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ lâu nay. Đây có thể là một tín hiệu tích cực khi mà các quốc gia đều ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đồng thời mong muốn Triều Tiên cam kết từ bỏ mọi vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình...

Anh Doãn
.
.