Ánh mắt làng Hồng

Thứ Ba, 20/06/2017, 16:23
Bên cánh đồng ngày hôm ấy, tôi cũng bắt gặp nhiều ánh mắt của người làng Hồng, ánh mắt biết ghìm đi những nỗi đau gần nửa thế kỷ, để nhìn những mầm xanh đang vẫy gọi mỗi ngày.

Chiến tranh lùi xa rồi, cũng chẳng vào dịp kỷ niệm nào để nhắc nhớ, chỉ là đôi lúc nhìn mây trắng ngang đầu, tôi lại nhớ những gương mặt, những nhân vật từng đi qua trong các buổi trò chuyện của mình. Có thể là chủ ý, có thể là ngẫu nhiên. 

Nghề báo như Vũ Bằng tiên sinh từng đúc kết, "Có thể đưa ta đến bất kỳ đâu ngoại trừ thoát khỏi nó", tôi nhớ đại ý là như vậy. Bài viết này cũng là một nhắc nhớ ký ức để xác tín có làm cách nào cũng không thể thoát khỏi cái nghề ấy thôi.

1. Trước khi rời đi để đến gặp nhân vật, anh bạn lưu ý: "Hãy nhìn vào ánh mắt của anh ta, sẽ thấy được chiều sâu nỗi đau mà người đàn ông ấy không thể quên". Gặp anh rồi, tôi mới giật mình: "Đó còn là ánh mắt của làng Hồng".

Làng Hồng, ngôi làng thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) trong cuộc thảm sát Sơn Mỹ ngày 16-3-1968, vẫn còn đau đáu trong ánh mắt của anh Phạm Thành Công - Giám đốc Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ, dù anh đã nhiều lần lặng lẽ trong nước mắt để hoàn thành cuốn hồi ký "Chứng nhân còn lại từ làng Hồng".

Ngoài một vài lần anh cười, tôi mới thấy được nét khác từ khuôn mặt của anh, còn tất cả tựu trung về vẻ đượm buồn, đăm chiêu đến diệu vợi. Và đôi mắt của anh, thì trung thành hơn với nỗi u hoài. 

Có lẽ sự thăm thẳm ấy, được dệt nên từ những cái nhìn ngơ ngác đến sợ hãi của một cậu bé vừa hơn 10 tuổi. Đó là lúc cậu chứng kiến cảnh lính Mỹ lôi cả nhà gồm 6 mẹ con từ dưới hầm trú lên, rồi dồn vào một góc, rồi xả súng liên tục vào đàn bò đang neo trong chuồng. 

Bên hàng xóm, những tiếng khóc lóc, kêu cứu, van xin đến tận cùng thảm thiết, rồi bị đè bẹp bởi loạt súng man rợ. "Tất cả im bặt. Mẹ hốt hoảng nói với chúng tôi: Mỹ nó bắn chết hết nhà bác Ba Đích rồi, nhà thím Sáu Trị cũng vậy. Chắc mẹ con mình cũng… Rồi 6 mẹ con ôm nhau khóc, trong khi toán lính Mỹ xầm xì bàn tán" - anh Công nghẹn ngào nhớ lại.

Trong cơn hốt hoảng vì cái chết chực chờ ập xuống đầu, một tên lính Mỹ đến và lùa mẹ con anh Công xuống lại hầm. Bằng bản năng của một người mẹ, bà hét các con phải chui nhanh vào hầm, càng sâu càng tốt, nếu lính Mỹ có bắn đạn vào thì bà sẽ gắng gượng che chở cho những đứa con thơ dại. Lời bà thúc giục các con vừa xong, thì Công nghe tiếng gì đó thình thịch. Đó là quả lựu đạn lính Mỹ ném theo vào hầm. 

Tượng đài trong Bảo tàng Chứng tích Sơn Mỹ.

Mẹ anh nhận biết điều đó, bà thảng thốt la lên, nhưng đã quá muộn. Bởi liền sau đó, là tiếng nổ long trời lở đất. Căn hầm từ từ rệu xuống. Bóng tối bao trùm. Công dường như chỉ còn nghe thấy tiếng thở của chính mình. Rấm rứt khóc khi nhận ra từng thớ thi thể của mẹ, chị và 3 em văng dính vào mặt. Năm người thân của anh đã chết, ngay sau tiếng nổ chát chúa của quả lựu đạn mà tên lính ác nhân nào đó ném vào, rồi bỏ đi trong sự run rẩy đến đờ người của anh. Anh thoát chết, vì là người đầu tiên được mẹ hối chui nhanh vào hầm.

Công thiếp đi bên cạnh mớ thi thể tan tác của mẹ, chị và các em, cùng vết thương đang rỉ máu. Anh chỉ tỉnh dậy, sau những thanh âm gào thét thảm thiết từ cha và hai người anh con ông bác. Ngồi ôm vết thương, nhìn cha bế đứa em gái út 2 tuổi lên hôn và khóc, Công nghe cổ họng như nghẹn ứ. Năm người thân ấy, chết tức tưởi, chết không toàn thây và chôn cất chẳng được tử tế. Vì cha anh phải vội chôn họ để mà còn ôm anh bỏ trốn đi làng khác. Vậy mà không ít lần anh tâm sự, và cả viết trong hồi ký, rằng nỗi đau của mình được an ủi ít nhiều khi còn có người chôn cất cho người thân. Bởi trong trận thảm sát hôm ấy, có đến hàng trăm gia đình bị giết sạch, chẳng chừa lấy một ai. 

Lúc ấy anh 11 tuổi. Cái tuổi có lẽ chưa đủ để hiểu nhiều điều, nhưng quá đủ để biết được đâu là nỗi đau. Nỗi đau càng thêm khắc họa, dai dẳng hơn khi vào cuối năm 1968, tức là chỉ cách vài tháng sau khi năm người thân bị thảm sát, anh lại thêm một lần chứng kiến cảnh hàng xóm bị chết dưới bom của Mỹ. 

Quả bom mà Mỹ ném xuống túp lều tranh của cha con anh hôm ấy, đã tước đi mạng sống của một người hàng xóm cùng 2 đứa cháu nội, riêng người con dâu bị mất một cánh tay, rồi phải nằm liệt một chỗ cho đến khi chết vào năm 1975. 

Công bảo, hôm ấy anh thoát chết là vì nhớ lời cha, rằng hễ Mỹ ném bom là cứ nhằm cánh đồng mà chạy ra, đừng bao giờ chạy về nhà. Hôm ấy anh đã nghe lời cha, và thoát chết, nhưng tâm hồn lại phải khắc thêm một nỗi đau. Với một cậu bé sắp sửa tuổi 12, thì có khủng khiếp lắm không?

2. Sau tất cả những ký ức đau thương, Công hẳn phải là cậu bé đầy nghị lực, biết ghì chặt nỗi đau để bước đôi chân trần về phía trước. Đó là khi anh 13 tuổi, và trở thành cậu bé mồ-côi-hoàn-toàn, khi cha anh đã hy sinh trong kháng chiến vào năm 1970. 

Du khách tham quan, tìm hiểu vụ thảm sát Sơn Mỹ. 

Với anh, niềm đau và sự thù hận chưa bao giờ nguôi ngoai trong trái tim vẫn còn đang tức tưởi. Nhưng anh không ôm lấy niềm đau để vùi đời mình xuống những bi lụy. Anh không ôm lấy thù hận để duềnh đời mình trong những vũng tanh hôi. Anh biến tất cả thành nghị lực. Anh chăm chỉ học hành, trước mắt là để thay đổi số phận đầy bất hạnh ập đến đời mình. 

Để rồi vào năm 1992, khi về làm ở Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ (nay là Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ), anh nhận ra rằng tất cả những sự việc ngày 16-3-1968, cần phải được ghi chép lại. Như để mọi người thấy rõ hơn vụ thảm sát ấy. 

Để họ sẻ chia trước những nỗi đau mất mát mà anh, người làng Hồng, người Sơn Mỹ đã gánh chịu hàng chục năm qua. Và trên hết, là để thấy bài học của lịch sử về sự tàn khốc của chiến tranh, mà con người biết yêu thương lấy đồng loại của chính mình.

Cái ý định ấy, hun đúc trong anh mãi, nhưng phải đến năm 2000 anh mới bắt tay vào viết. Khi đến phần gia đình mình bị thảm sát, anh nước mắt lưng tròng, ngòi bút bất lực trước ký ức đau thương ùa về. "Nhiều lúc anh em sang phòng, hỏi sao mình khóc. Mình chẳng biết nói gì, chỉ im lặng" - anh Công tâm sự. Việc viết hồi ký bỏ dở. 

Mãi cho đến năm 2010, khi có người hỏi về những tư liệu của vụ thảm sát, anh mới giật mình nhận ra, rằng tư liệu về nó ít quá, những cái đang có thì chỉ chung chung. Nên mới hạ quyết tâm quay lại viết.  Bản thảo lần đầu không còn, anh phải viết lại từ đầu. 

Nhưng được khoảng 30 trang, khi đến phần gia đình mình bị thảm sát, thì anh lại khóc và không thể tiếp tục như hồi năm 2000. Bây giờ thì tôi hiểu điều anh hay nhắc, rằng anh có thể tha thứ cho tội ác ấy, nhưng không thể quên nỗi đau này. Một nỗi đau quá lớn.

Sau hai lần dang dở. Phải đến tháng 6-2014, anh mới "dám" cầm bút viết hồi ký trở lại. Anh viết một mạch gần 6 tháng thì xong, rồi chuyển bản thảo vào TP HCM nhờ anh em xem và biên tập. Ngay lập tức, anh nhận được sự đồng cảm từ một biên tập viên. Và chính người này đã truyền thêm cho anh động lực đi đến quyết định xuất bản cuốn hồi ký "Chứng nhân còn lại từ làng Hồng" trong lúc anh còn đang lưỡng lự. 

Đến tháng 8-2016, anh cho xuất bản 2.000 cuốn, gồm 1.000 cuốn bản tiếng Việt và 1.000 cuốn bản tiếng Anh. 

"Vì ở khu bảo tàng này, khách Tây đến cũng khá nhiều, và họ càng phải được biết đến những gì xảy ra ở đây gần 50 năm trước. Riêng bản tiếng Việt, đầu năm 2017, tôi đã cho tái bản lần 2 với số lượng 1.000 cuốn" - anh Công chia sẻ.

3. Tháng 10-2017, Công sẽ về hưu. Và anh xem cuốn hồi ký như là nghĩa vụ, như là món quà anh để lại cho Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ - nơi anh đã gắn bó cuộc đời mình từ năm 1992. Nên khi in xong cuốn sách, anh mới thấy cuộc đời mình nhẹ nhõm ít nhiều. Dẫu vậy, trong đôi mắt ấy, tôi vẫn thấy những vết u buồn. Có lẽ anh nói đúng: "Tôi có thể tha thứ tất cả tội ác ấy, nhưng không thể nào quên được nỗi đau ấy".

Nên anh lắng nghe từng lời xin lỗi của những vị khách Tây tìm đến bảo tàng này. Anh vẫn gặp và tiếp chuyện với những người lính Mỹ năm xưa gây nên tội ác đó. Và anh cho rằng, không có lí do gì mà chúng ta không thể tha thứ cho những lỗi lầm.

Tôi rời đi, mang theo những ánh mắt của anh, mà thậm chí nó còn ám ảnh đến bây giờ - khi tôi đang ngồi gõ những dòng này. Bên cánh đồng ngày hôm ấy, tôi cũng bắt gặp nhiều ánh mắt của người làng Hồng, ánh mắt biết ghìm đi những nỗi đau gần nửa thế kỷ, để nhìn những mầm xanh đang vẫy gọi mỗi ngày. Tôi gọi đó là ánh mắt làng Hồng.

Xuân Thọ
.
.