Kiểm soát quyền lực
- Kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiện tượng “cả họ làm quan”
- Ranh giới giữa quyền lực và quyền hạn1
- Sự nguy hại của "tham nhũng quyền lực"
Những vụ việc vi phạm gần đây cho thấy, một khi cán bộ được đặt vào vị trí có nhiều quyền lực, nhiều bổng lộc, nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ dễ dẫn tới tự tung, tự tác, tham ô, tham nhũng, hống hách, ngạo mạn và trượt dài vào lối sống suy thoái, biến chất...
Kết luận tại kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương một lần nữa thể hiện sự chặt chẽ, nghiêm minh trong công tác giám sát, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng. Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Ủy ban kết luận, trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.
Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có nhiều vi phạm như ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân; ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh...
Bà Thanh còn kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm nêu trên của bà Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng và quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương, UBKT Trung ương xét thấy, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1-2004 - 5-2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng.
Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, TP HCM với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Mua cổ phần vượt mức quy định, chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ của Công ty...
Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Những vi phạm nêu trên thể hiện sự lạm quyền hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi theo động cơ, mục đích cá nhân. Điều này một lần nữa đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực - tức phải đưa ra những cơ chế, biện pháp để đảm bảo một cá nhân khi được giao nắm giữ các chức vụ, vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội phải hoạt động đúng theo khuôn khổ.
Một khi chức vụ, vị trí càng lớn, quyền lực càng nhiều mà không có cơ chế kiểm soát thì cá nhân đó rất dễ sai phạm, thậm chí dẫn tới tự tung, tự tác, hành động vì lợi ích cá nhân, bất chấp luật pháp. Một cá nhân sai phạm, một tập thể sai phạm thì đó là hiện tượng, còn nếu xảy ra có tính phổ biến, xuất phát từ “lỗi cơ chế” thì hậu quả là rất nặng nề.
Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã nhấn mạnh những giải pháp về kiểm soát quyền lực cũng như việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng.
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Nghị quyết khẳng định, trước mắt sẽ rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc Tổng Bí thư chỉ đạo UBKT Trung ương và cơ quan chức trách vào cuộc xử lý rốt ráo những vụ việc nóng liên quan cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước gần đây là những điển hình trong cuộc tái thiết kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước.
Quyền lực nhà nước là vấn đề xuyên suốt nhưng cũng rất phức tạp. Việc nắm giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước có hiệu quả sẽ là điều kiện để thực hiện được những mục đích đã đề ra, mang lại hạnh phúc và nhiều lợi ích nhất cho nhân dân, đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình nắm giữ, tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước thường tiềm ẩn rất nhiều những nguy cơ khác nhau như tham nhũng, lãng phí, lạm quyền... có thể dẫn tới tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mới đây, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị nhằm bảo vệ chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định, nguyên tắc tập trung dân chủ và cơ chế tập thể lãnh đạo bên cạnh những ưu điểm thì đã và đang tạo ra tình trạng khó xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân và tổ chức trong quá trình thực thi quyền lực. Điều này dẫn đến hiện tượng “núp bóng tập thể”, nhân danh tập thể để lạm quyền, vụ lợi mà không phải chịu trách nhiệm.
Vì lẽ đó, cơ chế kiểm soát quyền lực tuy có nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Hội thảo tập trung vào các giải pháp và điều kiện để kiểm soát quyền lực của Đảng chính trị và kiểm soát quyền lực của Nhà nước, những đề xuất để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị nhằm bảo vệ chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay.
Hiến pháp nước ta quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 2, Hiến pháp 2013). Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng lạm quyền, tha hóa quyền lực vẫn luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra. Một số cán bộ thay mặt nhân dân nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước nhưng lại lợi dụng quyền lực được giao vào mục đích vụ lợi hoặc vì mục đích cục bộ.
Nói như TS Vũ Ngọc Hoàng, “quyền lực như con ngựa bất kham, ai không đủ nhân cách mà được giao cầm cương thì nó sẽ phá tung, gây đổ ngã và làm chết cả những người ngồi trên yên ngựa. Quyền lực là con dao hai lưỡi, có thể phục vụ cho đời và cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam”.
Thế nên, việc kiểm soát quyền lực vừa gắn liền với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát song đồng thời phải thực hiện hiệu quả công tác cán bộ bởi suy cho cùng, cán bộ là gốc của công việc, nếu cán bộ xấu, có tính tham lam, vụ lợi thì thường tìm kẽ hở của luật pháp, của cơ chế để trục lợi.
Phương pháp tiếp cận của nước ta lâu nay đối với vấn đề này chưa phải đã tốt, quyền lực nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí không ít trường hợp hầu như ít bị kiểm soát và trên thực tế, việc lạm dụng quyền lực diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Chính nó đã tạo nên sự tha hóa rất phức tạp.
Những vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” được dư luận phanh phui vừa rồi chính là sự cảnh báo của công tác cán bộ - một nguyên nhân gốc dẫn tới thao túng, lợi dụng quyền lực làm bậy. Vì thế, thi tuyển lãnh đạo chính là việc quan trọng mà Bộ Nội vụ đang hướng dẫn thực hiện thí điểm theo đề án của Bộ Chính trị.
Đồng thời, kiểm soát quyền lực phải thông qua việc thực thi rộng rãi quyền dân chủ, kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân...
Nếu phát hiện ra những sai sót hoặc những biểu hiện của việc sử dụng quyền lực nhà nước không đúng, lợi dụng làm bậy, vì lợi ích cá nhân thì cần phải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ để có biện pháp xử lý.