Đặc thù cho “Hòn ngọc Viễn Đông”

Thứ Hai, 18/12/2017, 08:41
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, cơ chế đặc thù cho TP HCM đã được thành phố “ấp ủ” từ năm 2005. 

Như vậy đã qua 12 năm với 4 đời Bí thư thành ủy, qua rất nhiều chặng nghiền ngẫm, đề xuất, tới nay, cơ chế đặc thù chính thức được Quốc hội thông qua và ông Nguyễn Thiện Nhân vinh dự là người được giao “cầm trịch” cơ chế ấy trên cương vị Bí thư. “Chúng ta còn 3 năm nữa, vận dụng cơ chế này như thế nào để phát triển hiệu quả nhất cho TP HCM, tạo sự phát triển tăng tốc, bền vững hơn.

Có thể nói đây là thời cơ chính trị để Đảng bộ thành phố phát huy sáng tạo của mình, truyền thống đoàn kết và sự đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân để tạo sự phát triển với một cơ chế có tính đột phá” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và đề cập đến yêu cầu phải triển khai thực hiện nghị quyết nhanh.

Tại sao TP HCM được Quốc hội lựa chọn làm thí điểm cơ chế đặc thù chứ không phải 62 tỉnh, thành còn lại? Điều này hẳn cần trở lại với mỹ từ “Hòn ngọc Viễn Đông” một thời và vị thế TP HCM ngày nay.

Vùng Viễn Đông theo địa lý gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Cuối TK 19, đầu TK 20, hầu hết các quốc gia này đều thành thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng của cường quốc phương Tây, trong đó Pháp và Anh là 2 nước xâm chiếm và mức độ cạnh tranh lớn nhất.

Danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" (La perle de lExtrême Orient) được người Pháp dùng để chỉ Sài Gòn, được xem là thủ phủ của Đông Dương để cạnh tranh với Singapore của người Anh. Giai đoạn này, Sài Gòn từ thành phố hoang vu, được gọi là thị trấn giữa rừng (Prei Nokor) đã được Pháp đầu tư xây dựng bài bản nhất so với các thành phố khác trong khu vực.

Dưới sự chỉ huy của trung tá công binh Coffyn, Sài Gòn được quy hoạch lại theo lối phương Tây. Giai đoạn này, khu vực trung tâm thành phố xuất hiện hàng loạt công trình nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Dinh thống đốc, Phủ toàn quyền...

Tuyến đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) được ví như trái tim của Sài Gòn khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường đã quy tụ giới tinh hoa, giàu có về tiêu xài, hưởng thụ. Các công trình được xây trên khu đất đẹp, cao ráo, hướng ra dòng sông uốn lượn bao quanh là rừng.

Trên kênh Lớn (đường Nguyễn Huệ nay) hay kênh Xáng (đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương với sông Sài Gòn tấp nập người mua kẻ bán. Một thị trấn giữa rừng dần chuyển mình phát triển. Những thương nhân ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... khi dong thuyền vượt biển qua trao đổi, buôn bán đều ấn tượng với thành phố mới nổi này.

Họ neo thuyền dọc cảng Bến Nghé, Bạch Đằng, lên bờ mua vải vóc, lụa là, châu báu rồi ghé những khu vui chơi sầm uất gần đó. Những thương thuyền này sau đó truyền miệng nhau tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” - mỹ danh của Sài Gòn ra khắp thế giới.

Nếu so sánh về hạ tầng cơ sở, ngày đó Sài Gòn bỏ xa Bangkok và Singapore. Lúc bấy giờ, Singapore có tầm quan trọng lớn về chiến lược khi nằm trên tuyến đường biển quốc tế, nơi thông thương của thương thuyền trên thế giới. Singapore cũng là hải cảng lớn nhất khu vực. Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, lúc Sài Gòn được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì thành phố có quy mô nhỏ, phạm vi chỉ gói gọn ở trung tâm Sài Gòn ngày nay.

Mỹ danh này cũng sớm kết thúc vào giữa thế kỷ 20. Do chiến tranh cũng như người dân nông thôn đổ về thành phố ngày một đông khiến nó bị quá tải. Sài Gòn xuất hiện nhiều khu ổ chuột, người dân sống nhếch nhác ven kênh rạch, điều kiện vệ sinh, an ninh kém.

Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, thập niên 60-70, Sài Gòn vẫn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” - thành phố được định danh duy nhất ở khu vực. Trong khi Singapore lúc đó chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Những quốc gia này đều coi Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo, mong ước “một ngày nào đó” được như Sài Gòn... 

Tuy nhiên, theo thời gian, dù vẫn bắt nhịp phát triển cùng đất nước nhưng danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” đã không còn nữa, Sài Gòn bị Bangkok, Singapore, Hong Kong... lần lượt “qua mặt”. 

Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế của thành phố gấp 1,6 đến 1,7 lần cả nước, tổng sản phẩm quốc nội chiếm 22% và đóng góp 28% ngân sách cả nước, là một trong những địa phương thu hút FDI lớn. TP HCM đối với cả nước thể hiện ở vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, cho dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số.

Một góc TP HCM hôm nay.

“TP HCM hiện phát triển hơn nhiều so với thời “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu đua tranh với các thành phố có vị thế, chức năng tương tự trên thế giới. Những thành phố như Bangkok, Singapore, Busan... đã vượt lên, dù TP HCM có xuất phát điểm tốt hơn” - PGS Trần Đình Thiên phân tích.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, TP HCM mong muốn trở lại vị trí dẫn đầu, quyết tâm lấy lại mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” nức tiếng một thời mà quốc tế đã dành cho Sài Gòn.

Ngày nay, TP HCM không chỉ đóng góp GDP hàng đầu cả nước mà đóng góp lớn nhất là hình thành nên thể chế hành chính kinh tế cho Việt Nam. Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã xác định TP HCM không thể đem so sánh với các thành phố trong nước mà phải so sánh với những thành thố phát triển hiện đại trong khu vực như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta... Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị đã tạo ra một hướng mới cho TP HCM.

Cụ thể những vấn đề đột phá nào mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nhưng không phù hợp thì TP HCM có thể xin thực hiện thí điểm. Và bây giờ, với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của thành phố sau 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hơn 30 năm đổi mới.

Nghị quyết được kỳ vọng giúp thành phố vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, từng bước giải quyết có cơ sở khoa học và thực tiễn các thách thức lớn đối với sự phát triển trong 30-50 năm tới.

Nghị quyết 54 của Quốc hội xác định 5 lĩnh vực điều chỉnh. Trong đó có thẩm quyền quản lý đất đai, HĐND thành phố được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Thẩm quyền quản lý đầu tư, thành phố được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công. 

Về thẩm quyền quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, có 11 nội dung ưu đãi, điển hình như ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

Đồng thời, HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ...

Với những ưu đãi về cơ chế, đặc biệt 11 điểm về ưu đãi tài chính, ngân sách, rõ ràng TP HCM có quyền tự chủ rất lớn để triển khai “theo ý mình”. Nhìn vào danh mục các cơ chế ưu đãi, những thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... hẳn cũng có lý do để “chạnh lòng”. 

uy nhiên, đây là cơ chế ưu đãi đặc thù, cả nước lấy TP HCM làm điểm nhấn thì duy nhất chỉ có một chứ không thể “ôm” thêm những địa phương khác. Thấy rõ điều đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá nghị quyết cho phép thí điểm cơ chế đặc thù chính là đổi mới về cơ chế có tính đột phá cho TP HCM phát triển.

Liệu Nghị quyết 54 của Quốc hội có trở thành chìa khóa để TP HCM tìm lại với hào quang “Hòn ngọc Viễn Đông” một thời? Có được “bảo bối”, đây là chìa khóa mở ra cơ hội nhưng với quỹ thời gian chỉ 3 năm áp dụng thí điểm, đặc thù nhưng lại mới mẻ, chưa có tiền lệ, nếu không nhanh tay tận dụng lấy mà nặng về do dự, “ngâm cứu” thì cái cơ hội ấy cũng có thể vụt trôi. Đó là câu hỏi và cũng là thách thức cho những nhà lãnh đạo thành phố lúc này.

An Nhi
.
.