Nghĩa tình một cội

Thứ Năm, 26/04/2018, 18:55
Gần đây, mỗi dịp 30-4, nhiều người lại nhắc tới bức ảnh “Hai người lính” (hai người lính ở hai bên chiến tuyến khoác vai nhau) do một phóng viên chiến trường chụp năm 1973. 

Đây là một trong những bằng chứng sinh động về khát vọng hòa bình, về hòa hợp dân tộc, bác bỏ luận điệu cho rằng người Việt Nam “không thể hòa hợp dân tộc”.

Bức ảnh đen trắng, chụp hai người lính ở hai bên chiến tuyến đang khoác vai nhau trong bối cảnh Bắc - Nam chia cắt, hai giới phân ly (một người là bộ đội miền Bắc, người kia là lính thủy quân lục chiến của chính quyền Sài Gòn).

Khoảnh khắc do phóng viên Chu Chí Thành (Thông tấn xã Việt Nam) ghi lại vào tháng 4-1973. Không phải là hình ảnh bộ đội miền Bắc đang hành quân ra trận hay phút thư dãn, nghỉ ngơi, đây lại là hai người lính ở hai bên chiến tuyến, diễn ra trong thời điểm chiến trường miền Nam còn nóng bỏng. Vậy mà hai người lính khoác vai nhau với nụ cười thân thiện.

Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, bức ảnh Hai người lính được ông ghi lại tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Vào thời điểm đó, ông được cử đi chụp ảnh về cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam.

Ông kể: “Lúc đó, ban ngày thì những người lính phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sang chơi, còn ban đêm thì nhóm bộ đội miền Bắc lại vẫy tay gọi í ới chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh, hút thuốc lá Điện Biên. Thực sự, tôi cứ ngỡ là chuyện đùa giữa thời chiến. Tôi đã chụp được bức ảnh một số lính thủy quân lục chiến phía VNCH nói chuyện với một nữ dân quân”.

Bức ảnh “Hai người lính” - biểu trưng sống động tình cảm đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Khi tôi chụp xong bức ảnh đó, người lính VNCH bất ngờ gọi bảo tôi: “Anh nhà báo ơi, chụp cho em một bức ảnh kỷ niệm với anh lính Giải phóng. Tôi từ ngạc nhiên tới rất vui, hiểu rằng ngày đoàn tụ đã gần, liền chụp ngay lập tức”.

Bẵng đi mấy chục năm, tháng 12-2007, ông Thành làm triển lãm ảnh Những thời khắc không thể quên tại Bảo tàng Cách mạng (Hà Nội) và Ký ức chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP HCM. Bức ảnh Hai người lính lần đầu ra mắt tại hai cuộc triển lãm này, sau đó in trong sách ảnh song ngữ Việt-Anh tiêu đề “Ký ức chiến tranh”.

Hai người lính trong bức ảnh chính là chiến sĩ quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo và người lính VNCH Bùi Trọng Nghĩa. Sau 45 năm, đến đầu năm 2018 này, sau rất nhiều kết nối, hai người lính đã tìm gặp lại nhau ngay tại điểm hẹn năm xưa: chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, Quảng Trị. Lần này, họ lại khoác vai để ông Chu Chí Thành chụp ảnh trong cảm xúc khó tả.

Ông chia sẻ: “Hai tấm ảnh với hai người chụp cách nhau 45 năm nói lên được câu chuyện của đất nước. Tấm ảnh ngày xưa chụp ngay nơi chiến trường vừa kịp lặng tiếng súng, tình cảm bột phát, trong sáng, vô tư. Tấm ảnh ngày nay chụp khi hai người đã trải qua cả chiến tranh và hòa bình, tình cảm càng thân thiết, gắn bó. Chuyện phe này, phe kia trong tấm ảnh trước đã nhòa, trong tấm ảnh sau không hề hiện diện. Ý nghĩa của tấm ảnh là hạnh phúc của 3 anh em chúng tôi: Chu Chí Thành - Nguyễn Huy Tạo - Bùi Trọng Nghĩa và là của tất cả mọi người”.

Những người lính ra trận dù bên nào cũng luôn mong mỏi ngày hòa bình. Do hoàn cảnh lịch sử mà nhiều khi trong cùng một làng xã, một tập thể, thậm chí một gia đình, anh em lại người bên này, kẻ bên kia. Chiến tranh, họ hai bên chiến tuyến, hướng súng vào nhau. Nhưng hòa bình, họ cùng trở về mái nhà chung.

Con người Việt Nam vốn dĩ có truyền thống nhân nghĩa, hòa hiếu, hòa hợp. Lịch sử trải qua bao thăng trầm, lúc chiến tranh, lúc hòa bình, song sự hận thù không phải là sự lựa chọn của người Việt.

Hiện thực đất nước sau ngày giải phóng, Bắc Nam một nhà khẳng định rõ điều đó, khái niệm “ta - địch”, thù hận không còn ngăn cách trong cộng đồng người Việt Nam. Điều này chỉ xảy ra ở bộ phận người Việt di cư ra nước ngoài sau 1975, nhất là tại Mỹ và bộ phận chống phá trong nước.

Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử. Sau hơn 40 năm, Việt - Mỹ từ hai bên chiến tuyến, từ đối đầu, đối súng đã trở thành đối tác, bình thường hóa quan hệ từ 1995 và tới nay đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện.

Những người Việt di cư sau 1975 tới Hoa Kỳ hay trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, đến vùng miền nào trên thế giới, sự ra đi của họ có thể vì các lý do khác nhau song lòng ái quốc, tình cảm dân tộc, đất mẹ luôn là nền tảng, cội rễ sâu bền.

“Quê tôi là da, là thịt, là bàn tay, khối óc, tấm lòng, là tất cả đã sinh đẻ ra tôi, và dù có xa quê hương mấy chục năm trời, đầu óc có loáng thoáng cái văn hóa nước ngoài, da thịt có lẫn lộn với rượu vang, bánh mỳ, pho mát đi nữa, tôi vẫn là tôi. Về lại quê hương đất đai cây cối và con người, bầy chim, đàn cá đều nhìn nhận ra tôi và cao hãnh tìm lại được người thân. Có lẽ trên đời này chưa có gì là thực là hay như chim bay về tổ, cá lội về nguồn” - họa sĩ Lê Bá Đảng, một người Việt rời quê hương từ trước Cách mạng Tháng Tám, tới nay có hơn 70 năm cư nghiệp khắp năm châu bốn bể đã dành những lời tự đáy lòng như vậy khi nói về quê hương đất mẹ.

Đây là câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Lập trong một lần về thăm quê, được ra thăm quần đảo Trường Sa (ông Nguyễn Ngọc Lập vốn là cựu thiếu úy thủy quân lục chiến của VNCH, sau đó di cư sang Mỹ từ năm 1993). Khi lên đảo Trường Sa, căn bệnh cũ của ông tái phát, phải đưa vào bệnh xá của đảo điều trị.

Giới tuyến cầu Hiền Lương một thời.

Khi đó, Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Hải quân ra kiểm tra công tác chuyên môn tại đảo bằng máy bay trực thăng của Lữ đoàn 954 không quân hải quân. 

Biết chuyện, Thiếu tướng Lê Minh Thành đề nghị đưa ông Lập lên máy bay về đất liền điều trị. Sau đó, ông Lập được đưa đến Bệnh viện Quân y 87 - Nha Trang.

Trở lại Mỹ, ông Lập gửi thư đến Ban Giám đốc cùng toàn thể y, bác sĩ Quân y viện 87 - Nha Trang bày tỏ: “Tôi đã được trực thăng cấp cứu đưa đến Bệnh viện Quân y 87. Tôi đã được chăm sóc chu đáo, tận tâm... Vậy tôi viết vài dòng để tỏ lời biết ơn và làm nhân chứng cho sự thật. Về nước, tôi sẽ cổ động tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc và giúp một tay xây dựng đất nước và tìm cách gởi về các dụng cụ y tế”...

Trong các chuyến thăm Trường Sa, những Việt kiều - trong đó có những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH, đã bày tỏ tình cảm thiêng liêng nơi hải đảo. 

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kể, suốt 10 ngày hành trình trên biển, dừng thăm các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Đá Thị, Đá Tây, Đá Lát, Đá Nam, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1, đoàn đã tận mắt chứng kiến khó khăn, gian khổ, sự hi sinh lớn lao của bộ đội đảo và họ không chỉ sẻ chia phần vật chất mang theo dùng hằng ngày như bao thuốc, bánh kẹo mà còn góp với nhau từng đồng tiền để tặng bộ đội đảo và bộ đội, tổ phục vụ trên tàu. 

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 26-3-2004 xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

Do đó, một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ trong Nghị quyết này là: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính toàn diện, cơ bản và lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác kiều bào và là kim chỉ nam cho hành động của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ, tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội... có tinh thần dân tộc được trở về quê hương.

Gần đây, chúng ta đã có bước đột phá trong tiếp xúc, đấu tranh trực diện với các đối tượng chống đối và tổ chức cho nhiều người trong số này về nước. Đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người chúng ta nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Với những ai vẫn còn nuôi hận thù, định kiến, đã đến lúc cần soi rọi chính dòng máu quê hương đất mẹ của mình và dòng chảy thời cuộc để có cách nghĩ và hành động đúng đắn.

Phát biểu với các kiều bào trong chương trình “Xuân quê hương” năm 2018, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài luôn là máu thịt của dân tộc Việt Nam, luôn hướng về Tổ quốc, thực sự là cầu nối cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc, của giống nòi.

An Nhi
.
.