Dân chủ và độc đoán

Thứ Sáu, 03/08/2018, 13:27
Dân chủ là bản chất, là nguyên tắc có tính rường cột trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, dù nhiều nơi vẫn ghi rõ “tôn trọng nguyên tắc tập trung, dân chủ” nhưng thực tế, đây chỉ là những ngôn từ hình thức.

Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, áp đặt, thẳng tay trừng trị những “quan điểm dân chủ” nhưng tất cả vẫn bị lấp liếm bởi báo cáo nặng hình thức, chỉ khi cơ quan chức trách vào cuộc làm rõ các kiện cáo, sai phạm, một phần sự thật mới lộ diện…

Gần đây, kết luận phiên họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) tại nhiều tổ chức, cá nhân đứng đầu đã khui lộ những mảng tối vốn lâu nay bị che đậy bởi các lớp vỏ bọc ngụy tạo, trong đó vi phạm khá phổ biến là nguyên tắc tập trung dân chủ, việc quản trị, điều hành ở đơn vị, tổ chức mang tính độc đoán, chuyên quyền, áp đặt... 

Vì nhiều lý do, sự thật này vẫn bị bưng bít suốt thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất và tinh thần. 

Tại kỳ họp thứ 26, kết quả kiểm tra của UBKTTƯ cho thấy Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để BIDV có nhiều vi phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống trong thực hiện quy chế làm việc, quy định về phân cấp thẩm quyền và quy trình, thủ tục cấp tín dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn; để nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, bị xử lý hình sự... 

Đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV...”. 

Một buổi lấy ý kiến nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở.

UBKTTƯ kết luận, những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và BIDV, gây bức xúc trong xã hội.

Tương tự, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu AVG, UBKTTƯ kết luận: “Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổng Công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án trên”. 

Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban cán sự, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định”. 

UBKTTƯ cũng kết luận một số cá nhân khác đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án...

Trước đó, liên quan đến các sai phạm trong công tác cán bộ, quản lý đất đai ở Đà Nẵng, UBKTTƯ chỉ rõ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công sản, triển khai dự án; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. 

Ông Nguyễn Xuân Anh được xác định đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền”.

Như vậy, những sai phạm tại các cơ quan, doanh nghiệp trong các vụ việc lớn, nổi cộm thời gian qua mà UBKTTƯ kết luận đều có căn nguyên từ việc một số cá nhân lãnh đạo tại đây vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, xử lý các vụ việc có tính áp đặt, nhiều trường hợp biểu hiện mưu lợi cá nhân, coi thường lợi ích tập thể, cộng đồng... 

Đây chỉ là những vụ việc điển hình được UBKTTƯ kết luận, tức chỉ phần nhỏ trong thực tiễn muôn hình vạn trạng của đời sống xã hội. Mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền đang là vấn đề nhức nhối, không chỉ ở cơ sở mà xảy ra tại nhiều cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Cách đây hơn 20 năm, tháng 6-1997, Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. 

Tiếp sau đó, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. 

Trong Chỉ thị 30, Bộ Chính trị đã chỉ rõ, việc xây dựng và thực hành Quy chế dân chủ cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo là: Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải đặt trong tổng thể cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. 

Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trật tự; quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; lợi ích đi đôi với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh, đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật. Gắn quá trình xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính, sửa đổi những quy chế, chính sách về thủ tục hành chính không còn phù hợp. 

Chỉ thị 30 cũng chỉ rõ những nội dung rất cụ thể cần chú trọng để các cơ quan nhà nước xây dựng quy chế dân chủ như quy định quyền của mọi người dân được thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật; có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ... của chính quyền, cơ quan, đơn vị... Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu xác định trách nhiệm của tổ chức chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ở cơ sở định kỳ.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”. 

Tổng Bí thư cho rằng, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất. 

Việc nắm tình hình nhân dân và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời. Trong khi đó, nhiều người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối.

Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân?

Đó là câu hỏi đòi hỏi phải được giải quyết, phải được tháo gỡ bởi dân chủ là bản chất chế độ XHCN, chúng ta không thể để tình trạng này diễn tiến, kéo lùi sự phát triển, gây bức xúc xã hội. 

Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối. 

Tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân... là những yêu cầu cấp bách.

An Nhi
.
.