Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều: Cuộc mặc cả lớn?

Thứ Ba, 05/06/2018, 07:47
Hội đàm Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore. Nếu theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa một tổng thống đương nhiệm Mỹ và một lãnh đạo Triều Tiên.

Sau những động thái hòa bình tích cực gần đây, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố dừng các cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh xem xét lại kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới nếu Washington vẫn tiếp tục gây áp lực phi hạt nhân hóa mà không tính đến quyền phòng vệ của Triều Tiên hay có thiện chí muốn cải thiện quan hệ song phương. 

Phản ứng với tuyên bố của Triều Tiên, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 

Theo đó, hội đàm Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore. Nếu theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa một tổng thống đương nhiệm Mỹ và một lãnh đạo Triều Tiên. Dù cuộc gặp này được dự đoán sẽ đem lại “nhiều hy vọng”, thế nhưng trên thực tế Triều Tiên và Mỹ vẫn còn khác biệt quá nhiều trong những mục tiêu kỳ vọng. 

Nếu có thỏa thuận nào được lập ra thì việc xác minh phi hạt nhân hóa Triều Tiên và một bản thảo về hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên cũng sẽ phải mất vài năm mới có thể hoàn thiện.

Bất ngờ “chơi chiêu”

Ngày 16-5, Triều Tiên tuyên bố dừng các cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc dù hai nước đã lên kế hoạch từ trước đó. Bình Nhưỡng thậm chí dọa sẽ xem xét lại kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tại Singapore vào ngày 12-6. 

Theo giới quan sát, “cơn giận” của Triều Tiên xuất phát từ việc nước này phản đối cuộc tập trận không quân chung Max Thunder của Mỹ và Hàn Quốc kéo dài tới ngày 25-5. 

Triều Tiên cho rằng đây là hành động “gây hấn”, đi ngược lại xu hướng cải thiện quan hệ Hàn-Triều và Tuyên bố Bàn Môn Điếm, là động thái chuẩn bị cho kịch bản xâm lược Triều Tiên. 

Chưa hết, cuộc tập trận của liên minh Mỹ-Hàn khiến Triều Tiên “nổi đóa” vì nước này muốn các cuộc tập trận phải dừng lại sau một loạt động thái cho thấy thiện chí “xuống thang” của Bình Nhưỡng như dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, hay dỡ bỏ khu thử hạt nhân trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế.

Việc Triều Tiên bất ngờ đưa ra tuyên bố về khả năng hủy cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về động cơ thực sự của Bình Nhưỡng. 

Rất có thể tuyên bố mới nhất của Triều Tiên là cách phỏng đoán mức độ sẵn sàng nhượng bộ của chính quyền Donald Trump trước thềm hội nghị thượng đỉnh song phương. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang đánh “đòn gió” để dự đoán khả năng Tổng thống Trump từ bỏ cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng. 

Mục đích thực sự của Triều Tiên không phải là hủy bỏ các cuộc gặp với Mỹ và Hàn Quốc mà là nỗ lực mang tính chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm nâng vị thế “mặc cả” trên bàn đàm phán cũng như thể hiện mức độ nhượng bộ của chính quyền Kim Jong-un trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Washington và Seoul.

Triều Tiên biết rằng việc hủy hội nghị thượng đỉnh sẽ không có lợi cho họ và Mỹ. Thế nhưng, chính quyền Triều Tiên sẽ không thể chấp nhận các yêu cầu phi hạt nhân hóa của Mỹ nếu chưa nhận được sự bảo đảm trước tiên về an ninh. 

Lời đe dọa hủy bỏ cuộc gặp với Mỹ là nỗ lực chiến lược nhằm nâng vị thế “mặc cả” của Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Washington.

Trước khi cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra, Washington tuyên bố muốn một tiến trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng và nghiêm ngặt, đồng thời yêu cầu Triều Tiên phải hủy bỏ kho vũ khí sinh học, hóa học và tên lửa đạn đạo. 

Điều này có thể khiến Bình Nhưỡng “khó chịu” vì chính quyền Kim Jong-un từng tuyên bố công khai rằng họ chỉ ủng hộ lộ trình phi hạt nhân hóa “theo từng giai đoạn và đồng bộ”. Thế nên, Bình Nhưỡng cảnh báo không có hứng thú với những cuộc đối thoại với Washington nếu như phía Mỹ chỉ muốn ép Triều Tiên “vào chân tường” và bắt Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân.

Chưa hết, Triều Tiên đã bày tỏ sự không hài lòng đối với các phương án giải trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong đó có hình mẫu kiểu Lybia, cho rằng hết sức phi lý khi so sánh một quốc gia đang ở giai đoạn đầu phát triển hạt nhân với một quốc gia đã sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cáo buộc Washington đang hiểu nhầm “sự rộng lượng và thiện chí” của Bình Nhưỡng là sự yếu đuối, đồng thời nhắc lại nhu cầu được đảm bảo an ninh từ phía Bình Nhưỡng, đề nghị Mỹ chấm dứt chính sách thù địch đối với Triều Tiên. 

Ông cũng khẳng định: “Đây thực sự là ý đồ áp dụng mô hình lật đổ chính phủ kiểu Lybia và Iraq đối với Triều Tiên. Tôi nghi ngờ liệu Mỹ có thực sự muốn đối thoại hay không. Tôi muốn nhắc lại rằng, thế giới nên hiểu Triều Tiên không phải là Lybia hay Iraq”.

Lời đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều được cho là một trong những diễn biến khó đoán từ phía Triều Tiên dù gần đây nước này đã có những động thái hòa bình tích cực. Bình Nhưỡng yêu cầu Washington tham gia cuộc đàm phán với sự chân thành cũng như vì mục tiêu cải thiện quan hệ giữa hai nước và Triều Tiên sẽ “đáp trả hợp lý” với thiện chí của Mỹ. 

Nói về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng nhắc lại yêu cầu Washington chấm dứt chính sách thù địch và các mối đe dọa hạt nhân chống lại chế độ Bình Nhưỡng. 

Bên cạnh đó, Triều Tiên không quan tâm đến đề xuất từ phía Mỹ rằng sẽ hỗ trợ về mặt kinh tế,và đổi lại Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Bởi vì, Bình Nhưỡng chưa bao giờ kỳ vọng sẽ phát triển nền kinh tế dựa vào sự giúp đỡ của Washington hay bất cứ quốc gia nào.

Nắn gân hay nhượng bộ?

Gần đây, điều thu hút sự quan tâm của dư luận là các cuộc gặp và đối thoại Mỹ-Triều trong một bầu không khí tích cực và mang tính xây dựng. Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ và Triều Tiên đã bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp ở “cấp độ cực cao” trước hội nghị thượng đỉnh sắp tới. 

Trên thực tế, từ trước tới nay, chưa có một tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ chấp nhận một lời mời của Bình Nhưỡng. Ông Trump mô tả cuộc gặp thượng định Mỹ-Triều sắp tới sẽ là “thành công lớn”, ám chỉ rằng ông sẽ đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ lập tức rời khỏi phòng họp nếu thấy không thể đạt tiến bộ về việc giải giáp hạt nhân trên bán đảo này. Tuyên bố bất ngờ của ông Trump đã khiến tất cả sững sờ, kể cả các nhân vật “diều hâu hiếu chiến” lẫn những người ủng hộ hòa bình.

Chưa hết, ngay sau quyết định đột ngột đình chỉ cuộc hội đàm cấp cao liên Triều của Triều Tiên, ông Donald Trump đã lên tiếng khẳng định cuộc tập trận Mỹ-Hàn chỉ mang mục đích “phòng vệ”. 

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo có cuộc điện đàm để thảo luận về động thái của Bình Nhưỡng, trong đó giải thích chi tiết về lập trường hai bên liên quan đến việc hoãn các cuộc đàm phán liên Triều, và lưu ý “quyết tâm mạnh mẽ” của Seoul hối thúc Triều Tiên nhanh chóng quay lại đàm phán. 

Về phần mình, ông Pompeo cho biết Washington sẽ tiếp tục công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6, trong khi vẫn sẽ theo dõi sát sao các phản ứng của Triều Tiên.

Ông Trump đã ra tín hiệu về mong muốn có cuộc gặp gỡ với ông Kim Jong-un kể từ khi ông còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016. 

Giờ ông đã có một lời mời từ ông Kim Jong-un và câu hỏi đặt ra là liệu ông có thể tận dụng cơ hội này để kéo mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa mang tên Triều Tiên vào tầm kiểm soát hay không. Sau nhiều lần đe dọa “hủy diệt Triều Tiên”, giờ đây ông Trump tỏ ra muốn làm hòa. 

Chưa có gì bảo đảm là cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều sẽ hóa giải được hết những khúc mắc giữa hai nước, nhưng dường như ông Trump tin tưởng vào tài năng thương lượng của bản thân.

Ông Donald Trump được kỳ vọng sẽ tạo ra một thỏa thuận với Kim Jong-un lần này và thỏa thuận đó sẽ phải lấp đầy những khác biệt khổng lồ trong lợi ích của hai bên. Mục tiêu trên hết của ông Kim Jong-un sẽ là sự bảo tồn của chế độ; trong khi đó, ưu tiên hàng đầu với Mỹ là một sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, được xác thực và không thể thay đổi của Triều Tiên. 

Nếu có bất kỳ thỏa thuận nào được lập ra tại thượng đỉnh Trump-Kim, hẳn phải có một bên chịu nhượng bộ. Không thể phủ nhận cuộc gặp này sẽ là một đột phá ngoại giao, nhưng nó cũng mang nhiều rủi ro chiến lược. 

Trên tất cả, Mỹ cần phải tránh để cho cuộc gặp này biến thành “một quả bom nổ chậm” - nơi ông Trump không thể tránh khỏi một cuộc mặc cả lớn để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Tình thế như vậy sẽ gây tổn hại cho các lợi ích của Mỹ, hơn là duy trì thế bế tắc như hiện nay.

Mặc dù tuyên bố về khả năng hủy đàm phán của Triều Tiên được đưa ra chỉ vài tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều chính thức bắt đầu, song Bình Nhưỡng nhiều khả năng chỉ dừng lại ở những lời đe dọa và không đơn phương hủy bỏ cuộc gặp này một cách dễ dàng. 

Sự thiện chí của ông Kim Jong-un trong suốt thời gian qua, cũng như vai trò của các bên liên quan như Hàn Quốc, có thể sẽ giúp Triều Tiên “hạ nhiệt” và quay trở lại lộ trình đàm phán. Tuy vậy, lời đe dọa này của Triều Tiên mới chỉ là khởi đầu cho những trở ngại trên con đường gập ghềnh hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Singapore, đồng thời cho thấy Triều Tiên có thể “đổi giọng đột ngột đến mức nào”. 

Rõ ràng, con đường tới bàn đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Nguyễn Tuyết
.
.