Nước Mỹ vẫn đau đầu "bài toán súng đạn"
- Vụ xả súng ở Mỹ không liên quan tới vấn đề súng
- Nghi phạm xả súng tại Texas, Mỹ từng ở trong Không quân
- Xả súng kinh hoàng ở Mỹ, ít nhất 27 người thiệt mạng
Con số 59 người chết, hơn 500 người bị thương, thảm kịch ở Las Vegas trở thành vụ bạo lực súng đạn đẫm máu nhất ở Mỹ kể từ năm 1949.
Giới quan sát nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ xả súng kinh hoàng có thể bắt nguồn từ chính sách kiểm soát súng của chính quyền Washington.
Tổng thống Đonal Trump, mặc dù gọi vụ xả súng ở Las Vegas là "hành động ác quỷ", song không hề nhắc đến việc kiểm soát súng đạn. Nhà Trắng còn tuyên bố rằng, hiện chưa phải là lúc tranh luận chính trị về việc kiểm soát súng đạn, mà thay vào đó đất nước cần đoàn kết sau vụ xả súng đẫm máu vừa qua.
Trên thực tế, kiểm soát súng đạn vẫn là một bài toán chưa có lời giải đối với "xứ sở cờ hoa".
Dân số Mỹ hiện có khoảng 315 triệu người nhưng có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội ngoài tầm kiểm soát. Quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và Quốc hội xem việc sở hữu súng là một trong những quyền cơ bản của con người. Dù hằng năm nước Mỹ phải chứng kiến rất nhiều vụ xả súng nhưng luật kiểm soát súng đạn vẫn là vấn đề gây chia rẽ lớn trong Quốc hội.
Còn nhớ cựu Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ song đều bị thất bại bởi đảng Cộng hoà chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
Nỗi ám ảnh dai dẳng
Những năm gần đây, người Mỹ đã chứng kiến nhiều thảm kịch kinh hoàng liên quan đến súng đạn. Thảm kịch Las Vegas nhắc nhở người Mỹ về vụ xả súng tại hộp đêm ở Orlando (bang Florida) hồi tháng 6-2016 làm 49 người chết, vụ nổ súng tại trường tiểu học ở bang Connecticut tháng 12-2012 khiến 28 người chết, hay vụ tấn công tại đại học bang Virginia tháng 4-2007 đã cướp đi sinh mạng của 32 người.
Theo ước tính, chỉ trong vòng một tháng tại Mỹ có trung bình 78 vụ xả súng. Mỹ là nước có số vụ xả súng cao nhất trong số 25 quốc gia phát triển giàu có, thậm chí gần gấp đôi tất cả các vụ ở 24 nước cộng lại.
Nỗi ám ảnh dai dẳng về vấn đề kiểm soát súng đạn một lần nữa đốt nóng dư luận Mỹ, đặt chính quyền Đonal Trump trước bài toán khó về ngăn chặn bạo lực súng đạn. Rất nhiều câu hỏi được dư luận Mỹ đặt ra ngay sau vụ xả súng ở Las Vegas, trong đó thắc mắc lớn nhất vẫn là vì sao thủ phạm có thể sở hữu số lượng vũ khí lớn và hành động theo kiểu "sói đơn độc" mà không hề bị phát hiện?
Giới chức an ninh Mỹ sau đó đã khẳng định không có bất kỳ liên hệ nào với các nhóm khủng bố, và hồ sơ của thủ phạm hoàn toàn "trong sạch". Điều này càng dấy lên "cảnh báo đỏ" về tình trạng bạo lực kiểu "sói đơn độc", vốn rất khó phát hiện và ngăn chặn nhưng đang có xu hướng gia tăng ở Mỹ.
Cho đến nay, Mỹ là nước có tỷ lệ người dân sở hữu súng đạn, kèm theo đó là tỷ lệ chết vì súng đạn, cao nhất thế giới. Xả súng đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Mỹ khi các vụ tấn công đẫm máu thường xuyên xảy ra tại nơi công cộng, thậm chí ngay cả các cơ sở quân sự của chính phủ, gây tâm lý bất an cho người dân.
Có thể thấy, thực trạng nêu trên có nguyên nhân từ tình trạng kiểm soát súng đạn lỏng lẻo, và người Mỹ hoàn toàn chẳng gặp bất cứ khó khăn nào khi muốn sở hữu ít nhất một khẩu súng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất súng đạn tại Mỹ hằng năm không ngừng giới thiệu các mẫu mã mới. Thực tế, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ, ước đạt doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm.
Bởi thế, nhiều nhóm vận động tại Mỹ lôi kéo các nghị sĩ nhằm bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp lợi nhuận khủng. Dù có nhiều tiếng nói phản đối Luật vũ khí quốc gia được thông qua từ năm 1935 nhưng các nỗ lực siết chặt kiểm soát súng đạn tại Mỹ vẫn chưa đạt kết quả.
Thảm kịch Las Vegas tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cấp thiết về tình trạng kiểm soát "hàng nóng" tại Mỹ cũng như những lỗ hổng trong các quy định hiện hành về sở hữu súng đạn. Hàng loạt nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã hối thúc Tổng thống Trump có hành động khẩn cấp.
Thế nhưng, Đonal Trump lại phản đối mạnh mẽ chính sách kiểm soát súng đạn, và từng tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật kiểm soát súng đạn mà người tiền nhiệm Barack Obama đề xuất. Theo ông Trump, nguyên nhân gây ra những vụ xả súng không phải do súng mà do "vấn đề sức khoẻ tâm thần".
Ông Trump cam kết sẽ giảm bớt việc kiểm soát súng đạn, hợp pháp hoá việc mang theo súng ở nhiều nơi, bao gồm ở các căn cứ quân sự và cả trường học, đồng thời đề xuất các lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn trong việc xử lý tình huống.
Tuy nhiên, lợi ích từ ngành công nghiệp súng đạn rất lớn, giới lập pháp lại khó tìm được tiếng nói chung trong vấn đề kiểm soát súng. Bởi thế, việc tìm lời giải cho bài toán xoá đi nỗi ám ảnh về bạo lực súng đạn đeo đẳng người dân Mỹ lâu nay chắc chắn không phải nhiệm vụ dễ dàng của chính quyền Đonal Trump.
Tranh cãi không hồi kết
Trong thập kỉ qua, hơn 33.000 người Mỹ chết vì súng. Khoảng 1.300 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến súng. Trong khi các con số này đang ngày càng gia tăng thì chính phủ Mỹ vẫn loay hoay và bế tắc trong "mớ bòng bong" súng đạn.
Mỗi khi xảy ra xả súng, theo "thủ tục", các quan chức chính phủ đều bày tỏ thương xót với gia đình nạn nhân, rồi sau đó chỉ trích phe chính trị đối lập vì không thể giải quyết vấn đề súng đạn. Các chính trị gia cũng "tát nước theo mưa", tranh thủ chiếm lòng cử tri bằng các bài phát biểu nhiều chiều.
"Các chuyên gia" lai lịch không rõ ràng bỗng nhiên xuất hiện tràn ngập các phương tiện truyền thông với những phát ngôn thái quá về nguyên nhân cốt lõi của vấn đề súng đạn, và đưa ra những giải pháp gần như không thể áp dụng được.
Chưa hết, sau mỗi vụ xả súng hàng loạt, cuộc tranh cãi giữa phe ủng hộ và phản đối các chính sách kiểm soát súng đạn lại rộ lên mạnh mẽ. Tranh cãi xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn đã kéo dài hàng thập kỷ qua, và là một trong những nguyên nhân đang chia rẽ nước Mỹ.
Các cuộc tranh cãi này không chỉ gói gọn trong một tầng lớp hay một thế hệ, mà là hệ quả của lịch sử nước Mỹ từ ngày thành lập, đan xen trong tất cả các tầng lớp và khu vực trong xã hội vốn đa dạng và vô cùng phức tạp của Mỹ.
Những năm gần đây, người Mỹ từng chứng kiến nhiều thảm kịch kinh hoàng liên quan đến súng đạn. |
Về quan điểm, tổng thống thuộc phe Cộng hoà thường ủng hộ nới lỏng hạn chế súng đạn trong khi phe Dân chủ liên tục đưa ra các đề xuất hạn chế. Việc ủng hộ quan điểm nào phụ thuộc mật thiết vào ý chí của cử tri ủng hộ họ.
Chính vì thế, để đưa ra dự luật, kể cả ủng hộ hay hạn chế, thì chính quyền đều gặp khó khăn. Nền văn hoá và tâm lý ưa thích súng đạn lâu đời, tận dụng thủ đoạn chính trị để kiếm phiếu bầu cộng với lợi ích kinh tế to lớn dường như là những yếu tố chính đã gây ra tranh cãi về kiểm soát súng đạn nhiều năm qua.
Giới quan sát cho rằng, súng đạn được coi là một phần của lịch sử và văn hoá Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua, và quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi cùng tội ác.
Việc dễ dàng sở hữu vũ khí cá nhân khiến súng đạn trở thành phương tiện phạm tội của những phần tử cực đoan, và vụ thảm sát ở Las Vegas là hệ quả mới nhất của tình trạng trên, đặt thêm một thách thức hoàn toàn mới cho năng lực lãnh đạo của ông chủ Nhà Trắng Đonal Trump.
Trong thời gian tới, không chỉ những người ủng hộ quan điểm kiểm soát chặt chẽ súng đạn sẽ lên tiếng mạnh mẽ mà ngay bản thân ông Trump và các quan chức ủng hộ sở hữu súng đạn cũng không thể tránh né, buộc phải mang vấn đề đã và đang gây nhức nhối trong dư luận Mỹ ra thảo luận. Cho dù kết quả tranh cãi giữa phe ủng hộ và phản đối như thế nào thì chính quyền Trump cũng bắt buộc phải đưa ra quan điểm rõ ràng của mình về kiểm soát súng đạn.
Sau cùng, cấm súng đạn vẫn là một bài toán chưa có lời đáp. Nhìn chung, quy trình đăng kiểm nghiêm ngặt, kiểm tra sức khoẻ tâm thần, cấm tấn công, cấm vũ khí tự động, cấm sử dụng đạn dược và các loại vũ khí tương tự đã không đạt được hiệu quả. Tranh cãi vẫn tiếp diễn khi phe ủng hộ cho rằng những luật cấm súng đạn quá gò bó, có xu hướng đe doạ "quyền tự do cá nhân", còn phe phản đối lại nhận định những luật này quá yếu và không hiệu quả.
Với sự chia rẽ hiện nay trong xã hội Mỹ, khả năng có đủ người đứng ra cùng giải quyết vấn đề là rất thấp. Do đó, súng sẽ còn rất lâu mới bị cấm bởi cả cánh tả lẫn cánh hữu đều không đủ lực để áp đảo phe còn lại. Từ những góc nhìn trên, các vụ xả súng không chỉ là lời cảnh báo nghiêm khắc về vấn đề an ninh trong lòng nước Mỹ mà cũng là những thách thức lớn đối với chính quyền Donal Trump.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì việc người dân Mỹ phải chứng kiến nhiều hơn các vụ xả súng và tiếp tục "đổ máu" vì một nền văn hoá thảm sát với mức độ ngày càng nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi...