Khủng hoảng cứu trợ nhân đạo đang báo động

Thứ Hai, 05/06/2017, 07:23
Liên Hợp Quốc cảnh báo, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cứ trợ nhân đạo tồi tệ nhất kể từ năm 1945.


Theo ước tính, có tới hơn 20 triệu người dân tập trung ở một số quốc gia châu Phi đang có nguy cơ chết đói. Tổ chức này cũng nhận định, khoảng 1,4 triệu trẻ em có thể chết đói vào năm nay, đồng thời cho biết loài người "đang đứng trước một thảm họa lịch sử".

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang cùng nỗ lực nhằm thiết lập hệ thống cứu trợ nhân đạo toàn cầu tích cực và hiệu quả hơn. 

Liên Hợp quốc cũng khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giúp sức với khoản viện trợ khẩn cấp lên tới 4,4 tỷ USD trước tháng 7 nhằm đưa các quốc gia châu Phi thoát khỏi nạn đói và bệnh dịch.

Thực trạng báo động

Theo Liên Hợp quốc, hơn 6 triệu người dân tại Somalia (chiếm hơn một nửa dân số) đang cần hỗ trợ lương thực. Tình trạng hạn hán, nạn đói và sự xuất hiện của nhóm khủng bố al-Shabab đã đẩy đất nước và người dân rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Lần gần đây nhất Somalia tuyên bố nạn đói là vào năm 2011 với gần 260.000 người chết.

Đầu tháng 3 vừa qua, đã có báo cáo về 110 người chết trong một khu vực chỉ trong 48 giờ. Các nhóm nhân đạo lo ngại đây chỉ là sự khởi đầu: thiếu nước - một phần là do hiện tượng El Nino - khiến gia súc chết và mùa màng bị phá hoại - và khiến 6,2 triệu người cần sự giúp đỡ khẩn cấp.

Các tổ chức nhân đạo trên thế giới lên tiếng kêu gọi thành lập một hệ thống phân phối cứu trợ nhân đạo thường trực toàn cầu.

Bên cạnh đó, Somalia hiện đang chịu đựng các cuộc tấn công liên tiếp của nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabab. Nhóm khủng bố này tiếp tục cướp bóc lương thực trong khi phong tỏa mọi con đường, cộng với sự hoạt động của cướp biển ngoài khơi Somalia cản trở hàng hóa được vận chuyển, nên các hoạt động cứu trợ gần như không thể được tiến hành.

Trong khi đó tại Yemen, khoảng 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính. Hình ảnh những đứa trẻ gầy còm chỉ sống với chút sức lực còn lại, hay trẻ 4 tuổi chỉ bằng trẻ sơ sinh, khiến cả thế giới thương xót. Cứ 10 phút trôi qua lại có 1 trẻ em chết ở Yemen do những căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Theo ước tính, 19 triệu người, tương đương 2/3 dân số, đang cần trợ giúp nhân đạo sau 2 năm chiến tranh giữa quân nổi dậy Houthi và quân chính phủ, được hậu thuẫn bởi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.

Lệnh cấm vận do liên minh Saudi Arabia đưa ra xung quanh khu vực cảng Aden và các cuộc không kích tại cảng Hudaydah do chính phủ kiểm soát khiến hàng hóa không thể đưa vào Yemen. Thiếu nhiên liệu, cùng với sự mất an ninh, trong khi chợ và đường sá bị phá hủy ngăn cản việc phân phối hàng cứu trợ.

Nam Sudan cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi khoảng 100.000 người chịu cảnh thiếu ăn và hơn 1 triệu người khác được xếp vào nhóm sắp chịu ảnh hưởng của nạn đói. Chưa hết, 4,9 triệu người (tương đương 40% dân số) đang cần thực phẩm và hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đất nước đang chiến tranh từ năm 2013 khiến các đoàn xe và kho hàng nhân đạo đến Nam Sudan bị tấn công hoặc bị cướp bóc.

Tại Nigeria, Liên Hợp Quốc miêu tả thảm họa đang diễn ra là "cuộc khủng hoảng lớn nhất trên lục địa". Nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã giết chết 15.000 người và buộc hơn 2 triệu dân phải rời bỏ nhà.

Hồi tháng 12-2016, Liên Hợp quốc ước tính có 75.000 trẻ em có nguy cơ chết đói, 7,1 triệu người khác ở Nigeria và khu vực Hồ Chad được xếp vào nhóm "mất an toàn về lương thực". Hiện tại vẫn còn nhiều khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Boko Haram nên các cơ quan hỗ trợ không thể tiếp cận.

Có một thực tế rằng, không chỉ riêng các quốc gia châu Phi mà ngay cả châu Âu - nơi vẫn được coi là "miền đất hứa" đối với cư dân các quốc gia nghèo đói và chiến tranh - cũng đang phải hứng chịu một điều tồi tệ nhất trong lịch sử.

Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thừa nhận châu Âu đang rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đầu tiên trên lãnh thổ khi hàng nghìn người tị nạn và nhập cư phải chôn chân ở đây trong những điều kiện vô cùng khốn khổ như thiếu thốn lương thực, nước uống và tiện nghi vệ sinh. Khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng do những cuộc xung đột vũ trang kéo dài.

Theo ước tính, có tới hơn 20 triệu người dân tập trung ở một số quốc gia châu Phi đang có nguy cơ chết đói.

Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vào tháng 4-2014 tới nay, tổng số người bị thiệt mạng và bị thương tiếp tục tăng cao. Hiện có hơn 3 triệu người dân của quốc gia Đông Âu này cần viện trợ nhân đạo, trong khi việc các lực lượng đòi độc lập ở hai khu vực Donetsk và Lugansk từ năm 2015 tạm đình chỉ gần như toàn bộ hoạt động của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ quốc tế, cũng như quyết định của chính phủ Ukraine "đóng băng" các khoản chi trả xã hội đã khiến tình hình nhân đạo tại miền Đông Ukraine trở nên xấu đi nghiêm trọng.

Cam kết chung tay

Vấn đề xung đột vũ trang là nguyên nhân lớn nhất đẩy người dân vào tình cảnh cần trợ giúp nhân đạo. Ngoài ra, việc thiếu các giải pháp chính trị cũng khiến các cuộc khủng hoảng kéo dài dai dẳng hơn, số lượng người vô gia cư cũng ngày một đông hơn.

Năm 2014, khoản viện trợ nhân đạo toàn cầu đã lên tới mức kỷ lục 24,5 tỷ USD nhờ việc tăng bổ sung gần 1 tỷ USD từ các nước Vùng Vịnh, song mức tăng 20% vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thảm họa và xung đột. 

Tuy số tiền viện trợ tăng nhưng các tổ chức nhân đạo vẫn đang phải vật lộn để giúp đỡ số lượng ngày càng nhiều người mất nhà cửa hay thiếu đói. Và cho dù các nhà tài trợ vẫn tỏ ra hào phóng trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo nhưng khoảng cách giữa số tiền kêu gọi và số tiền thực tế nhận được ngày càng lớn.

Theo các chuyên gia, xung đột kéo dài, nghèo đói cùng cực và bất ổn chính trị khiến các mục tiêu viện trợ nhân đạo khó đáp ứng trong tương lai nếu thiếu các giải pháp bền vững thay thế. Thực trạng nhân đạo hiện nay là hệ quả tồn đọng từ nhiều năm sau những vấn đề phát sinh trong hệ thống cứu trợ nhân đạo thế giới vốn đã hình thành từ nhu cầu cấp thiết sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Việc xâm phạm các quy tắc của luật nhân đạo vẫn xảy ra thường xuyên, gây khó khăn cho công tác cứu trợ nhân đạo (chẳng hạn việc nhân viên cứu trợ nhân đạo thường xuyên bị tấn công hay sát hại tại những khu vực diễn ra xung đột). Nếu lãnh đạo các quốc gia không sớm hành động, tương lai thế giới sẽ có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. 

Hiện có khoảng 1,5 tỷ người đang sống tại các quốc gia liên tục chìm trong xung đột bạo lực. Vấn đề này gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu khoảng 14,3 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương 13% GDP toàn cầu.

Tại châu Âu, EC đã quyết định thành lập một cơ chế pháp lý và ngân sách nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu rộng. Trong giai đoạn 2016-2018, EC quyết định chi 700 triệu euro để hỗ trợ cho các quốc gia tuyến đầu.

Bên cạnh đó, cơ chế nhân đạo nội bộ EU sẽ cho phép áp dụng các tiến trình nhanh hơn cơ chế đang vận hành, tức là áp dụng tại các quốc gia chậm phát triển hay các chiến dịch đối với các tổ chức đặc biệt của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ nhân đạo hay các cơ quan đặc biệt của các quốc gia thành viên, với khả năng tài trợ 100% chứ không phải triển khai quỹ của quốc gia liên quan.

Các nguồn tài chính hỗ trợ sẽ được sử dụng để mua các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc, dụng cụ y tế hay giáo dục. Ngoài ra, có thể phân phát phiếu mua hàng nhằm góp phần vào thương mại địa phương.

Được kỳ vọng là diễn đàn để giới chức các nước cùng thảo luận, tiến tới thành lập một hệ thống phản ứng với các tình huống khẩn cấp ở cấp độ toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về nhân đạo được xem là cơ hội cho lãnh đạo của các chính phủ, các tổ chức viện trợ và các cộng đồng chịu ảnh hưởng trong khủng hoảng ngồi lại cùng nhau nhằm cam kết hành động để ngăn chặn và chấm dứt khổ đau cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng trong tương lai và thảo luận các vấn đề tài chính để giúp đỡ những người cần viện trợ.

Các bên tham dự đều đồng thuận rằng, thế giới cần thay đổi nhận thức về các cuộc khủng hoảng và hướng tới "một tương lai khác biệt". Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi một quyết tâm chính trị trên quy mô lớn.

Một số quan điểm cảnh báo thế giới hiện nay không tồn tại một hệ thống nhân đạo nào "phù hợp với tương lai". Theo đó, các quốc gia trên thế giới cần chấm dứt những lời hứa hay cam kết viện trợ sáo rỗng, mà phải triển khai những hành động cụ thể và thực chất, trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo toàn cầu đang ngày một tăng cao và rất cần đến những khoản viện trợ lớn từ các quốc gia "có tiềm năng".

Các tổ chức nhân đạo trên thế giới lên tiếng kêu gọi thành lập một hệ thống phân phối cứu trợ nhân đạo thường trực toàn cầu. Ngoài ra, các nước cần đầu tư cả về chính trị và tài chính để thực hiện trách nhiệm với những người dễ bị tổn thương. Điều đó có nghĩa là không chỉ tăng kinh phí để đáp ứng nhu cầu, mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng nếu cuộc xung đột kéo dài cũng như nỗ lực để xây dựng lại hòa bình...

Hồng Hạnh
.
.