Những bóng hồng trên cánh gió
- Richard Sorge - Nhà tình báo vĩ đại nhất trong Đại chiến thế giới lần thứ hai
- 99 năm kết thúc cuộc Đại chiến Thế giới lần nhất: Những hình ảnh bi thảm2
- "Đại chiến thế giới lần 0" hay giải mã sự sụp đổ các nền văn minh thời Đồ Đồng
* Tổng cộng đã có 1.102 nữ phi công, tất cả đều là các phi công tình nguyện, hoàn tất các khóa huấn luyện của WASP, và được ghi nhận xứng đáng bởi các chỉ huy khi thực hiện nhiệm vụ thực địa. * 1.102 nữ phi công ấy đã điều khiển hầu như mọi dạng bay phục vụ mục đích quân sự, kể cả máy bay ném bom B-26 và B-29, như một phần của chương trình WASP. * 38 nữ phi công đã thiệt mạng khi thực hiện các chuyến bay phục vụ Tổ quốc. * ATA cung cấp tổng cộng 168 nữ phi công trong suốt Đại chiến thế giới lần thứ 2. |
Cùng với bổn phận dành cho tổ quốc của mình, những đóa hồng đó bay vào giông gió với cả lực đẩy là đam mê cũng như lòng yêu thích cảm giác phiêu lưu.
70 năm sau
Ký ức về những người nữ phi công từng phục vụ trong những đoàn quân chiến thắng của Đại chiến thế giới lần thứ hai chợt dội về với nhân loại, vào ngày 17-4-2018.
Hôm ấy, nói như trang www.cleveland.com: "Định mệnh, trong một vòng xoay không ai chờ đợi, đặt Tamie Jo Shults vào một tình huống sinh tử, mà may mắn thay bà đã được luyện tập".
Chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Mỹ The Southwest Airlines mà Tamie có mặt trong kíp lái hôm ấy bị hỏng động cơ, khi đang ở giữa những tầng mây. Tất cả mọi hành khách trên chuyến bay 1380 ấy đáng lẽ đã có thể đều trở thành người thiên cổ, nếu Tamie Jo Shults cùng cộng sự Darren Ellisor không quyết định cố gắng xử lý tình hình bằng một sự điềm tĩnh và chính xác đáng kinh ngạc.
Cất cánh từ sân bay La Guardia ở New York để đến tận sân bay Love Field tại Dallas, chiếc Boeing cuối cùng hạ cánh an toàn được xuống sân bay Philadelphia.
Những người chị em từ hai bờ Đại Tây Dương. |
Shults không phải là một tân binh. Bà đã từng là một trong những nữ phi công chiến đấu kỳ cựu của Hải quân Mỹ. Và trước đó, đã từng là một cô bé học sinh trung học đủ mộng mơ để nghĩ đến việc trở thành người chinh phục bầu trời.
Nhưng, bà không thuộc thế hệ tiên phong. Từ câu chuyện của bà, hoài niệm về những người nữ phi công đầu tiên đích thực, thế hệ trưởng thành trong binh lửa Thái Bình Dương 70 năm trước, mới được khơi lại. Họ tự hào về những gì Tamie Jo Shults thực hiện, trong vai trò là người kế tục họ. Và họ cũng có những vinh quang để chia sẻ, của riêng mình.
Bắt đầu từ Trân Châu Cảng
Nancy Love, mất năm 1976, được nhớ đến như người dẫn đầu của 300 nữ phi công thuộc WASP (Women Airforce Service Pilots - Những nữ phi công phục vụ trong không lực Hoa Kỳ). Nhiệm vụ của họ, hiểu một cách ngắn gọn, là bay vòng quanh nước Mỹ vì vô số những yêu cầu cần thiết của cuộc chiến tranh ngày đó.
Mùa xuân năm 1942 ấy, trận tập kích Trân Châu Cảng của hải quân Nhật Bản là một đòn đánh choáng váng, đồng thời cũng là pha "bật công tắc", kích hoạt toàn bộ tiềm lực quân sự của nước Mỹ tại mặt trận Thái Bình Dương.
Giao tranh trên mặt biển mênh mông ấy, thực tế đòi hỏi quá nhiều nhân lực, để tham gia vô số những công tác. Những nam phi công tốt nhất, không nghi ngờ gì nữa, nối nhau bay vào các cuộc chiến đấu trực diện.
Margaret Phelan Taylor. |
Phần việc còn lại: huấn luyện, vận tải, thám sát, tìm kiếm, giữ liên lạc quanh bờ biển nước Mỹ, cần phải có thêm "viện binh". Và những nữ phi công thể hiện được đầy đủ khả năng công tác sau kỳ huấn luyện, như Nancy Love, đã ghé vai gánh đỡ nhiệm vụ đó.
Nancy Love chính là người thuyết phục chỉ huy huấn luyện của mình, đại tá William H.Tunner, rằng có rất nhiều nữ phi công có thể tham gia các khóa huấn luyện đó. Mà thực tế, cũng cần phải đào tạo thêm hàng nghìn phi công nữa, nhằm bảo đảm thành công cho các chiến dịch quân sự.
Tunner và Nancy, lúc đầu, tuyển mộ 27 nữ phi công đã có kinh nghiệm bay dân sự, và đẩy họ vào bãi huấn luyện để làm quen với vai trò mới.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, kể từ Amelia Earhart huyền thoại - người nữ phi công đầu tiên trên thế giới một mình bay qua Đại Tây Dương - phụ nữ Mỹ đã có được một biểu tượng, một nguồn cảm hứng, một tấm gương để không đến nỗi quá xa lạ và sợ hãi với việc điều khiển một chiếc máy bay.
Nguồn cung cấp các nữ huấn luyện viên không đến nỗi quá khan hiếm, trong khi các tố chất sư phạm thiên phú của họ lại vô cùng phù hợp với nhiệm vụ mới. Và chương trình xem như đã thành công ngay từ đầu.
Tunner, được thúc đẩy bởi Nancy Love, mỗi lúc một trở nên tự tin. Đến mức độ, chỉ một thời gian sau, trong mắt ông đã không còn sự phân biệt về trình độ giữa phi công hai giới. Những nữ học trò của ông, cũng như nam giới, được phép bay cao hơn, nhanh hơn, lái những chiếc máy bay lớn hơn, với sức máy ghê gớm hơn.
Nhưng đến cuối năm 1944, khi đà thắng lợi đã nghiêng hẳn về phía phe Đồng Minh (Liên Xô, Mỹ, Anh), khi các cuộc chiến ở châu Âu đã co về sát thủ đô Berlin của Đức Quốc xã, và khi hải quân Nhật đã bị đẩy dạt về phía châu Á để co cụm phòng thủ trong những thành lũy cuối cùng, việc WASP tiếp tục hoạt động để mạo hiểm sinh mạng của những người phụ nữ trở nên không còn cần thiết nữa.
Chương trình dừng lại. Nhiều nữ phi công lại được chuyển về các hoạt động dân sự. Một số người xuất sắc tiếp tục phục vụ trong Không quân hoặc Hải quân Hoa Kỳ. Tamie Jo Shults là một trong những cái tên đó.
Sau câu chuyện ngày 17-4-2018, giới truyền thông Mỹ ngợi ca bà bằng cụm từ "hệ thần kinh thép". Và họ cũng khẳng định: Nancy Love, nếu còn sống, sẽ vô cùng tự hào.
Mauren Dunlop, một tượng đài của ATA trong khoang lái Spitfire. |
Những chiến công thầm lặng
"Khi chương trình WASP bắt đầu, tôi còn không dám chắc rằng những cô gái ấy có thể lái những chiếc B-17 bay trong thời tiết xấu hay không. Còn bây giờ, năm 1944, những số liệu thống kê đã khẳng định rằng phụ nữ hoàn toàn có thể điều khiển máy bay tốt như đàn ông" - Tư lệnh không quân Mỹ khi ấy, Henry "Hap" Arnold, từng thốt lên như vậy, vào những ngày cuối cùng mà chương trình còn hoạt động.
Những gì mà các nữ phi công đã thực hiện, tuy ít được nhắc đến và còn nhanh chóng bị phủ mờ dưới cát bụi thời gian, thực sự đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng cuối cùng của quân đội Mỹ ở Mặt trận Thái Bình Dương.
Họ chính là người lái những chiếc máy bay xuyên những chuyến bay dài qua cả nước Mỹ: Từ nhà máy sản xuất tới căn cứ quân sự, và rồi tới điểm tập trung để lên đường ra mặt trận. Họ cũng chính là những người thử nghiệm đầu tiên để tìm ra những lỗi, những sai sót, những nguy cơ có thể xảy đến với các mẫu máy bay mới.
Họ thậm chí còn phải đóng vai "quân xanh" trong các buổi luyện tập bắn đạn thật của các phi công lái chiến đấu cơ. Trong khoảng thời gian hai năm ngắn ngủi ấy, WASP đã trở thành một phần tất yếu của hệ thống huấn luyện quốc phòng Mỹ.
Một trong những nhân vật danh tiếng nhất trong số các nữ phi công của WASP thời ấy, không thể không nhắc đến, là Jacqueline Cochran - người sau chiến tranh trở thành nữ phi công đầu tiên bay vượt qua tốc độ âm thanh.
Cochran tự đặt cho mình một mục tiêu: Đào tạo càng nhiều nữ phi công càng tốt, hàng nghìn nữ phi công, chứ không chỉ là vài chục người phục vụ các chương trình dành cho nam giới. Bà muốn phụ nữ cũng được đào tạo chuyên biệt trong lĩnh vực quân sự.
Bà tin rằng điều đó là hoàn toàn khả thi. Và đúng vậy. Khi so sánh những chỉ số về an toàn, không hiếm khi có chuyện chỉ số của các nữ phi công còn tốt hơn những đồng nghiệp nam giới cùng thực thi một sứ mệnh tương tự.
Nhưng, điều gì phải đến cuối cùng cũng đến, vào cuối năm 1944, khiến ngọn cờ giải phóng phụ nữ mà Jacqueline Cochran trên bầu trời không thể tiếp tục được phất lên.
Vì bầu trời nghĩa là không giới hạn. |
Như nhà nghiên cứu lịch sử Katherine Sharp Landdeck - Giáo sư Sử học trường Đại học Phụ nữ Texas, tác giả cuốn sách viết về WASP mang tựa đề Against Prevailing Winds: The Women Airforce Service Pilots and American Society - nhận xét: "Phụ nữ thay thế đàn ông (trong vai trò phi công) là điều không thể chấp nhận được hồi ấy. Họ có thể góp phần giải phóng đàn ông - đó là vì lòng ái quốc - nhưng thay thế thì không được phép".
Một nhận xét dường như gợi lên khá nhiều khía cạnh, về những tâm tư ẩn sâu dưới lớp vỏ bọc bổn phận đầy hào quang vốn vẫn được nhắc đến đầu tiên khi nói tới các nữ phi công WASP.
Chạm đến bầu trời
Bay đã luôn là một giấc mơ hoang đường ám ảnh loài người, kể từ câu chuyện đau đớn về Icarus với đôi cánh tan chảy giữa tầng không trong thần thoại Hy Lạp.
Nhưng, có lẽ, với những rào cản giới tính dựng sẵn kể từ buổi hồng hoang của nhân loại, giấc mơ ấy còn ám ảnh phụ nữ hơn nhiều so với nam giới. Không phải ngẫu nhiên, cuộc đời phóng khoáng phi thường cũng như vụ mất tích bí ẩn của Amelia Earhart lại trở thành một nguồn chất liệu vô tận cho văn học hay điện ảnh Mỹ, cho đến tận bây giờ.
Không mang nhiều tính chất thần thoại hay anh hùng ca như vậy, không thể, nhưng cuộc đời của mỗi nữ phi công WASP cũng đều thấm đẫm khát vọng tự do - điều mà sau 70 năm, họ đã không còn phải giấu giếm nữa.
Họ đã có thể công khai về nó, như Jacqueline Cochran đã mở đường, và qua đó lật lên những bức màn lịch sử, đem ánh sáng soi rọi vào vài góc khuất bình dị.
Như Margaret Phelan Taylor, cô thôn nữ lớn lên ở một trang trại tại tiểu bang Iowa. Năm 1943, Margaret 19 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học. Một hôm, tấm ảnh bìa tạp chí Life, với câu chuyện về những nữ phi công WASP hồi đó, đập vào mắt Margaret.
Và thế đã là quá đủ để cô sẵn sàng cho những chuyến phiêu lưu. Vả lại, anh trai của Margaret cũng là một phi công đã được huấn luyện, vậy tại sao cô lại không thể?
Nhưng, mọi chuyện không hề dễ dàng. Margaret phải vay cha mình 500 USD - một số tiền rất lớn khi đó - để có thể tham gia khóa đào tạo và nhận chứng chỉ.
"Tôi nói với cha là tôi phải làm điều đó, và ông đưa tôi tiền. Hình như tôi chưa bao giờ trả lại cho ông", sau này, Margaret Taylor nhớ lại.
Chưa hết, Margaret thấp hơn nửa inch (tương đương khoảng 1,5 cm) so với tiêu chuẩn tuyển sinh. "Tôi phải nhón chân lên. Và tôi được nhận. Và rồi, khi đến khu huấn luyện, tôi gặp rất nhiều cô gái cũng thấp như tôi. Chúng tôi cười phá lên, vì biết rằng tất cả đã cùng làm một điều như nhau".
Cao, thấp, thanh mảnh, đẫy đà… tất cả bọn họ đều đã có mặt, cùng chỉ vì một mục tiêu: Làm thế nào để lái được máy bay? Đó giống như cả một nỗi uẩn ức, một niềm khao khát, của không chỉ một cá nhân nào hết.
Vì mục tiêu ấy, họ đã bất chấp tất cả, đã vượt qua những nỗi sợ hãi và những nguy cơ hoàn toàn xa lạ với phụ nữ. Margaret Taylor, trong lần đầu tiên đưa một chiếc máy bay bay xuyên nước Mỹ từ California đến Arizona, thấy khói bốc lên trong buồng lái của mình.
Bà đã được huấn luyện về việc thoát hiểm nếu có sự cố, nhưng "Dù thì lại được may to quá, không vừa với phụ nữ chúng tôi".
Bà đành đưa ra một quyết định khác: "Ta sẽ chờ xem có lửa không đã! Đến lúc thấy ngọn lửa thì nhảy dù cũng chưa muộn". "Bà có sợ không?". "Sợ á? Không! Chẳng bao giờ! Chồng tôi sau này còn bảo rất khó dọa được tôi!". Và đến lúc ngọn lửa bùng lên, bà mới nhảy ra ngoài thật. Bà an toàn, còn chiếc máy bay thì cháy rụi sau đó ít phút.
Một nữ phi đội WASP bên một chiếc B17. |
Hoặc là, bên cạnh Margaret Taylor, có thể nhắc tới Mabel Rawlinson, năm ấy 26 tuổi, đến từ Kalamazoo, một trong những người ngã xuống. Rawlinson được phác họa trong những hồi ức của đồng đội về mình, đầy lấp lánh và cũng vô cùng mộc mạc.
"Tôi biết Mabel rất rõ. Chúng tôi cùng được lên lịch bay đêm, trên một chiếc máy bay vận tải A-24. Đáng lẽ tôi bay trước, như cô ấy đòi đổi lịch. Chỉ bởi vì tôi chưa kịp ăn tối. Tôi ở trong căng-tin, và nghe thấy một tiếng động khủng khiếp. Chúng tôi chạy ra đường băng. Tôi nhìn thấy chiếc máy bay bị bao trùm bởi ngọn lửa, và nghe được cả tiếng thét của Mabel. Đó quả thực là một cơn ác mộng" - Marion Hanrahan, một cựu WASP khác, hồi tưởng.
Nhưng, đoạn sau của câu chuyện mới đáng chú ý, bởi sự bất nhẫn và chua chát của nó. Mabel, lúc đó, vẫn là một phi công dân sự. Thế nên, quân đội không chi trả cho tang lễ của cô, cũng chẳng trả cả chi phí gửi lại những kỷ vật cuối cùng về nhà.
Những đồng đội - chị em của Mabel ở WASP góp nhau từng đồng ít ỏi, để làm điều nghĩa tận đó. Có người xin giữ lại chiếc mũ của Mabel, như một chứng tích đau thương.
Trên quan tài của Mabel, dĩ nhiên, không được phủ cờ sao, cũng chẳng có nghi lễ nhà binh nào. Cha mẹ cô phải tự làm điều đó, ở nhà. Mabel, cũng như cả WASP, đã phải chờ tới 65 năm sau khi giải tán chương trình, mới được thừa nhận là một cơ chế quốc phòng mang tính quân sự, và được nhận những vinh dự muộn màng.
Bên kia Đại Tây Dương
WASP không cô đơn. Thật ra, bên kia Đại Tây Dương, những người chị em Anh quốc của họ thậm chí còn đã nhập cuộc sớm hơn họ khá nhiều, trong những nhiệm vụ tương tự. Và thậm chí là nhìn thẳng vào cái chết.
Nếu như không quân Nhật Bản, do những rào cản không thể vượt qua về tiếp liệu, hầu như không có cơ hội dội bom xuống vùng duyên hải nước Mỹ, thì bởi vì chỉ cách một eo biển Manche, không quân Đức Quốc xã, ngay từ đầu Đại chiến thế giới lần thứ hai, đã liên tục trút bom đạn xuống thủ đô Luân Đôn của nước Anh.
Bối cảnh ấy tạo nên những bản hùng ca đích thực, và ghi dấu cả những gương mặt phụ nữ vào lịch sử "Trận chiến Anh quốc" nổi tiếng này.
Người đầu tiên được chiêu mộ vào Không quân Hoàng gia Anh quốc là Pauline Gower - một tiểu thư trâm anh thế phiệt đúng nghĩa, con gái của cựu Thủ tướng Anh Sir Robert Gower. Nối bước Pauline, hàng trăm phụ nữ Anh cũng xung phong phục vụ cho Cơ quan Hỗ trợ Hàng không Anh quốc (ATA - The Air Transport Auxiliary), với sự thôi thúc của lòng yêu nước cũng như của khát vọng chạm đến bầu trời - một thứ khát vọng dai dẳng không có gì khác biệt so với những người chị em nước Mỹ.
Các nữ phi công của ATA lái cả các chiến đấu cơ khét tiếng Spitfire hay Hurricane, và cả máy bay ném bom hạng nặng Lancaster. Có người, như Mary Ellis, khi kết thúc thời gian phục vụ, đã thực hiện tới hơn 1000 phi vụ, với 74 loại máy bay khác nhau.
Có người, như Joy Lofhouse, 92 tuổi vẫn quay trở lại buồng lái phục vụ một chương trình truyền hình, và được BBC kính cẩn tặng biệt danh "Spitfire Woman".
Điều này xuất phát từ thổ lộ thấm đẫm tình yêu của bà, khi gặp lại cỗ máy ấy: "Spitfire là thứ gần gũi bạn nhất mà lại mang đôi cánh của riêng bạn, và có thể bay. Đó là một chiếc máy bay kỳ diệu. Thật khó mô tả cảm xúc này, khi lại có cơ hội bay cùng một chiếc Spitfire lần nữa, sau chừng ấy thời gian xa cách".
Trong ký ức của "Spitfire Woman", những ngày rực lửa của Đệ nhị thế chiến ấy cũng chẳng bao giờ phai mờ. "Đó là công việc tuyệt vời nhất mà tôi có thể có ngày ấy, bởi tôi có thể góp phần làm nên chiến thắng cho Không quân Hoàng gia Anh, cho nước Anh!".
Nước Anh và Luân Đôn, dù ngói tan gạch nát, vẫn đứng vững sau những trận không kích điên cuồng của không quân Đức. Để rồi, mệt mỏi và muốn tìm một hướng đột phá khác, những đoàn quân Quốc xã trả lại sự bình yên cho bầu trời Anh quốc, tiến quân sang phía Đông, vào biên giới Liên Xô.
Đổi lấy quãng nghỉ vô giá đó, ATA đã chứng kiến không ít những cuộc chia ly, cũng đau đớn như bất cứ cuộc chia ly nào. Amy Johnson, người có mặt trên những tấm poster quảng bá cho lực lượng, gục ngã vì thời tiết xấu ngay bên bờ sông Thames, năm 1941.
Margaret Fairweather, ra đi năm 1944, khi va chạm với máy bay của một người chị em đến tăng viện từ bên kia đại dương - Mary Nicholson.
Đúng vậy, ở chặng cuối Đại chiến, những bóng hồng trên cánh gió ấy đã gặp nhau, tạo nên những mối liên hệ - những gạch nối bất tử.
Jacqueline Cochran trở thành nữ phi công đầu tiên lái một chiếc máy bay ném bom băng qua Đại Tây Dương (một chiếc Lockheed Hudson V, hạng nhẹ chuyên săn ngầm), một sự chi viện từ nước Mỹ đồng minh, một chuyến bay mang tính biểu trưng cho việc không quân Đức Quốc xã đã bị đẩy lùi khỏi vùng trời Anh quốc, co cụm về sát hành lang sông Rhine.
Những gương mặt ấy, những tên tuổi ấy, những khát vọng ấy, những cống hiến ấy đã có lúc chìm sâu dưới trầm tích thời gian. Song, chưa bao giờ chúng thật sự bị lãng quên…