Amazon và những kẻ phá bĩnh

Thứ Năm, 17/05/2018, 14:58
Mới đây, Amazon và các đối tác vừa tuyên bố sẽ thành lập một liên minh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm ứng phó với tình trạng chi phí y tế ngày càng tăng cao. 

Theo đó, ba "người khổng lồ" Amazon, Berkshire Hathaway và JPMorgan đã ra thông báo sẽ tổ chức một công ty chăm sóc sức khỏe độc lập cho nhân viên của họ tại Mỹ. 

Liên minh giữa các "đại gia" hàng đầu thế giới này là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của các doanh nghiệp Mỹ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và chi phí điều trị y tế tăng phi mã trong những năm qua. 

Điều này cũng cho thấy một ngành công nghiệp vốn đã rối ren, phức tạp với hoạt động của các trang web bác sĩ, các bệnh viện, công ty bảo hiểm và các hãng dược phẩm, sẽ tiếp tục rối ren hơn với sự tấn công của những tay chơi mới, được ví như những "kẻ phá bĩnh".

Tham vọng chiếm lĩnh

Mặc dù đã có một đế chế thương mại điện tử hàng đầu thế giới cùng một mảng kinh doanh điện toán đám mây giữ vị trí số 1 nhưng Amazon không bao giờ ngừng phát triển những ý tưởng mới. Tham vọng tiếp theo của Amazon là thực hiện một cuộc cách mạng trong lĩnh vực y tế. 

Theo đó, Amazon đã ký thỏa thuận hợp tác với ngân hàng JPMorgan và Berkshire Hathaway - công ty đầu tư của tỷ phú Warren Buffett. Một công ty hoàn toàn mới sẽ được thành lập bởi liên minh ba "người khổng lồ" này, nhằm thay đổi cách chăm sóc sức khỏe của mọi người. Chi tiết về công ty mới này chưa được tiết lộ, nhưng mục tiêu chính sẽ là giảm bớt chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân.

Theo một báo cáo của JPMorgan, chi phí chăm sóc sức khỏe trung bình của người Mỹ là khoảng 714 USD (năm 2016). Nước Mỹ cũng phải chi 18% GDP cho y tế, và con số này đang ngày càng tăng cao. 

Tham vọng tiếp theo của Amazon là thực hiện một cuộc cách mạng trong lĩnh vực y tế.

Tỷ phú Warren Buffett và đối tác thân thiết Charlie Munger tại Berkshire Hathaway cũng rất quan tâm đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hồi cuối tháng 4, ông Buffett đã chỉ trích hệ thống y tế của nước Mỹ vì quá cồng kềnh và tốn kém. 

Trong khi đó, phía Amazon từng khen ngợi cách hoạt động của tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận Kaiser Permanente. Tổ chức này giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thông qua những kế hoạch y tế cộng đồng và hoạt động phi lợi nhuận. Rất có thể công ty mới của Amazon-Berkshire-JPMorgan sẽ có cách hoạt động tương tự như Kaiser Permanente.

Để có được sự hợp tác này, lãnh đạo của ba tập đoàn lớn này là nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, lãnh đạo Berkshire Hathaway Warren Buffet và chủ tịch JPMorgan Chase Jamie Dimon đã phải thảo luận trong nhiều năm về những vấn đề liên quan đến sức khỏe của chính các nhân viên của họ, đặc biệt là những người đang làm việc tại Mỹ. 

Amazon cho biết, các chi phí chăm sóc sức khỏe đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, và mục tiêu của liên minh mới là "không chịu áp lực về việc kiếm lợi nhuận" mà sẽ tập trung tìm ra một cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn với mức giá thấp hơn cho chính các nhân viên của các công ty này cùng gia đình của họ chứ không phải cho nhân viên của các công ty khác.

Jeff Bezos tuyên bố mục tiêu cuối cùng của liên minh là để tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi, bắt đầu từ việc sử dụng công nghệ để đơn giản hóa quy trình chăm sóc y tế. 

"Dù khó khăn nhưng để giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động và gia đình họ là việc đáng để nỗ lực thực hiện", ông Jeff Bezos cho biết.

Từ lâu, giới quan sát đã "ám chỉ" Amazon có thể là nhân vật tiềm năng tham gia thị trường chăm sóc sức khỏe nhưng Amazon luôn im lặng trước kế hoạch của mình. 

Với tuyên bố nêu trên, Amazon đã chính thức khẳng định quyết tâm "tấn công" lĩnh vực y tế, đồng thời đem lại nhiều đồn đoán về những đột phá mà liên minh có thể làm, đặc biệt trong bối cảnh sự len lỏi của Amazon trong cuộc sống thường nhật của người dân.

 Trong một diễn biến khác, Amazon đã lên kế hoạch xâm nhập thị trường dược phẩm bằng một số cuộc đàm phán với đại diện nhiều nhà sản xuất thuốc như Mylan và Sandoz. Việc Amazon tham gia vào thị trường phân phối thuốc đã có ảnh hưởng không nhỏ tới các công ty trong ngành như McKesson, AmerisourceBergen và Cardinal Health. 

Họ tỏ ra khá lo ngại khi "người khổng lồ công nghệ" sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Cổ phiếu của các nhà phân phối thuốc và nhiều công ty khác trong chuỗi cung ứng dược phẩm đã bị sụt giảm đáng kể khi có thông tin Amazon sẽ bước vào thị trường của họ. Tuy nhiên, chưa ai rõ Amazon sẽ nhập thuốc và bán ra như một nhà bán sỉ hay phân phối đến tận tay người tiêu dùng như một nhà bán lẻ. 

Dù vậy, nhiều hãng thuốc nổi tiếng như Pfizer và Allergan tỏ ra hào hứng khi được hỏi về triển vọng hợp tác với Amazon trong kế hoạch năm 2018.

Nói dễ hơn làm

Sau khi Amazon tuyên bố sẽ lập liên minh trong lĩnh vực y tế, giá cổ phiếu của các công ty liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đều sụt giảm mạnh. 

Phản ứng của thị trường cho thấy sức mạnh của "tay chơi mới" bởi liên minh tập hợp nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực khác nhau: Amazon - tập đoàn thương mại lớn nhất thế giới, Berkshire Hathaway  - tập đoàn đầu tư do Warren Buffett "cầm trịch", và JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất tại Mỹ tính theo giá trị tài sản. 

Thế nên, đã xuất hiện những lo ngại Amazon "hút hết" khách hàng từ hệ thống bệnh viện hiện nay như cách mà công ty này đã làm đối với ngành bán lẻ tất cả các lĩnh vực từ thời trang, sách, thực phẩm hay dịch vụ lưu trữ đám mây. 

Có thể nói, sự phát triển của Amazon cùng những đối tác lớn trong lĩnh vực y tế có thể xóa sổ hàng tỷ USD giá trị thị trường của các công ty đối thủ.

Sự liên kết giữa Amazon cùng hai "đại gia" đã khiến thị trường y tế chao đảo bởi lo ngại những ông lớn công nghệ này sẽ phá vỡ cấu trúc thị trường. Họ đang tiến vào một ngành công nghiệp mà ranh giới giữa các công ty như dược phẩm, bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ dường như ngày càng mờ nhạt. 

Việc Amazon tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dược phẩm có thể làm đảo lộn thị trường sản xuất và phân phối dược phẩm. Hiện nay vẫn chưa rõ mức độ các tập đoàn này thay đổi hệ thống bảo hiểm y tế hiện tại của nhân viên như thế nào - có phải họ chỉ giúp nhân viên tìm bác sĩ phù hợp, hướng họ tới các dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến hay sử dụng sức mạnh của mình để thương lượng giá thuốc và quy trình chăm sóc sức khỏe thấp hơn. 

Những động thái của Amazon (cùng đối tác) đang được theo dõi chặt chẽ bởi nếu thành công thì mô hình này có thể áp dụng cho các doanh nghiệp khác.

Tham vọng của Amazon là rất lớn nhưng không hề đơn giản để hiện thực hóa. Trước hết, kiểm soát tăng giá dịch vụ y tế đặc biệt khó khăn tại các thị trường nơi bệnh viện và các tổ chức y khoa thống trị. Nhiều công ty cố gắng giải quyết vấn đề trên theo những cách riêng của họ nhưng tất cả điều không hiệu quả. 

Việc đồng thời kiểm soát chi phí và nâng cao chất lượng thường "nói dễ hơn làm".

Chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực đặc thù, các công ty sẽ khó lòng ngăn được các bệnh viện và bác sĩ tăng giá hoặc đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe "bình dân" do họ không có đủ lợi thế để buộc các đơn vị cung ứng hạ giá. 

Chưa kể, Amazon hay hai công ty còn lại trong liên minh đều không có nhiều kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến việc cung cấp bảo hiểm hoặc dịch vụ y tế.

Bộ ba Amazon-Berkshire-JPMorgan trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chỉ có cơ hội giảm chi phí ở các công đoạn dành cho công ty bảo hiểm sức khỏe, nhà quản lý lợi ích nhà thuốc (PBM) và các doanh nghiệp phân phối dược phẩm. 

Thực tế, đây đều là các công việc kinh doanh với biên lợi nhuận thấp và hầu hết các doanh nghiệp lớn như Amazon, Berkshire và cả JPMorgan đều đã nhận được những chính sách chiết khấu rất tốt từ các khâu trung gian này từ trước tới nay. 

Để kiểm soát tốt chi phí hơn nữa, liên doanh của các ông lớn kể trên sẽ phải thắt chặt hơn ở thỏa thuận với PBM và dịch vụ y tế. Điều này đồng nghĩa với việc, họ chỉ có thể giảm được khoảng 3% so với chi phí hiện tại, đồng thời phải chấp nhận xây dựng hàng tá cơ sở hạ tầng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ con số không. Tất cả những điều này sẽ ăn mòn, thậm chí xóa bỏ lợi thế có được từ việc cắt giảm chi phí ở các khâu trung gian.

Bên cạnh đó, kiểm soát chi phí và nâng cao chất lượng thường là những mục tiêu xung đột với nhau. Ngay cả khi Amazon có hàng tá sáng kiến giúp chi phí giảm xuống, việc đồng thời nâng cao chất lượng luôn đúng với câu "nói dễ hơn làm". 

Một vấn đề cần quan tâm khác là chi phí chỉ có thể giảm trong dài hạn nếu liên minh có thể thiết lập được các mục tiêu chăm sóc sức khỏe lâu bền, với rất nhiều sáng kiến khác nhau. 

Rõ ràng, Amazon cần có cái nhìn lâu dài hơn nữa và sẵn sàng cho những trải nghiệm "không dễ chịu". Nhìn chung, việc có thêm những "tay chơi mới" trên thị trường luôn mang lại kỳ vọng sẽ định hình lại chất lượng và giá cả của dịch vụ. 

Giới quan sát đánh giá, liên minh giữa Amazon và hai đối tác sẽ là phép thử để các thành viên thị trường có thể đánh giá xem liệu các bước trung gian đã kiếm lợi đến mức nào tại lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và bao nhiêu mối dây liên kết phức tạp tại lĩnh vực này sẽ được gỡ bỏ...

Nguyễn Tuyết
.
.