Thời “vàng đen” đã qua
Rẻ nhưng rất bẩn, than đá đã trở thành thủ phạm gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia muốn sớm chấm dứt kỷ nguyên than đá, kéo theo nhiều chính sách chuyển hướng sang các loại nhiên liệu sạch hơn nhằm giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó kìm hãm hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự thay đổi đột ngột từ việc sử dụng than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo, sớm hơn nhiều so với dự kiến, đang làm thay đổi nền kinh tế năng lượng, đồng thời kéo theo những tác động đến toàn thế giới. Nếu chỉ mấy năm trước, than đá vẫn được coi là một sự đặt cược dài hạn vững chắc cho các nhà đầu tư thì nay sự đặt cược vào nguồn nhiên liệu này không còn mấy tươi sáng.
Không còn được ưa chuộng
Kể từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tiêu thụ than tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng chóng mặt, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đến giai đoạn đỉnh vào năm 2015, than chiếm tới 41% thị phần phát điện toàn cầu. Đây được cho là giới hạn không thể chịu đựng được nữa trước sự hiện hữu rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu và than bị quy là một trong những thủ phạm chính gây phát thải khí nhà kính CO2.
Các công ty than càng làm ăn có lãi bao nhiêu, thế giới càng chịu cảnh phát thải khí nhà kính kinh khủng bấy nhiêu mà hậu quả là chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng tại các thành phố lớn, khiến hơn ba triệu người chết do ô nhiễm không khí mỗi năm.
Châu Á, với hai nước tiêu thụ than lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho ngành than với mức tăng nhu cầu lần lượt là 2,6% và 4,8% mỗi năm. Trong nhiều năm qua, việc kinh doanh than đá toàn cầu đã tăng gấp đôi, với bốn nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Điều này đồng nghĩa với sự chuyển đổi việc tiêu thụ năng lượng than đá từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á, và do đó, châu Á cũng trở thành khu vực phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới.
Trong số các quốc gia trên thế giới, chỉ duy nhất có Ấn Độ là nước còn tiếp tục tăng mạnh việc sử dụng than. Trước năm 2020, Ấn Độ dự kiến sẽ còn sử dụng gấp đôi than, và vẫn còn tiếp tục dựa rất nhiều vào loại hình năng lượng rẻ tiền này trong nhiều thập niên tới.
Không còn mặn mà với than đá, nhiều quốc gia đang dần hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, báo hiệu một kỷ nguyên phát triển mới sach và xanh hơn. |
Hiện chỉ còn Đông Nam Á đang đại diện cho sự chống cự cuối cùng của ngành công nghiệp than "đang hấp hối". Lý do duy nhất khiến than đá vẫn tồn tại trong các kế hoạch chính ở Đông Nam Á là bởi các chính sách ủng hộ việc sử dụng than đá của các chính phủ, và từ nguồn tài trợ dồi dào của Nhật Bản. Tuy nhiên, những dấu hiệu này không đủ để đảo ngược xu thế toàn cầu "chia tay" với than đá.
Theo cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), một loạt các chỉ báo cho thấy xu thế sử dụng than sẽ chững hẳn trên toàn thế giới vào ngưỡng cửa 2020, với mức tiêu thụ 5,8 tỷ tấn. Tốc độ tăng trưởng của nhu cầu than trên thế giới sẽ chỉ tăng trung bình hàng năm là 0,8% từ nay đến 2020. Tỉ trọng than trong toàn bộ các năng lượng dùng để sản xuất điện dự kiến cũng sẽ sụt giảm (37% so với 41% hiện nay).
Ở Mỹ, thị phần than đá trong sản xuất điện đã giảm xuống 36% trong năm nay so với mức 50% một thập kỉ trước, báo hiệu bước chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất điện của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn phụ thuộc tới 2/3 vào các loại năng lượng hóa thạch.
Ở châu Âu, nhu cầu than được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm nhanh chóng khi đến năm 2030 mức tiêu thụ than đá chỉ chiếm 12%. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã yêu cầu chấm dứt trợ cấp tài chính cho ngành khai thác than đá. Dưới sức ép của dư luận, các ngân hàng, các nhà quản lý vốn, các hãng bảo hiểm và hãng công nghiệp đang từ bỏ dần lĩnh vực này. Theo nhận định của giới chuyên gia, có lẽ cần vài chục năm nữa để tất cả các nước châu Âu hoàn toàn rời bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch này.
Có nhiều lời giải thích về sự thoái lùi của loại hình năng lượng từng một thời rất được ưa chuộng với tên gọi "vàng đen". Thứ nhất là các đòi hỏi về môi trường trở nên khắc nghiệt hơn khiến việc dùng than phải vượt qua không ít cửa ải. Thứ hai là việc giá dầu sụt giảm mạnh, thêm vào đó là sự phát triển của các loại hình năng lượng tái tạo.
Thực tế cho thấy, những nước châu Âu phụ thuộc vào than đá để phục hồi và phát triển kinh tế phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích những nước sản xuất than đá lớn như Ba Lan và Đức vẫn tiếp tục khai thác và đốt than trong các nhà máy nhiệt điện. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người, và đó cũng là lý do than đá là kẻ thù của loài người.
Rẻ nhưng rất bẩn, than đá đã trở thành thủ phạm gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng, "chịu trách nhiệm chính" cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. |
Hình thành xu hướng mới
Không còn mặn mà với than đá, các công ty sản xuất nhiên liệu tại nhiều quốc gia đang dần hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo. Nếu các quốc gia có thể tiếp tục sử dụng ít than đá và tăng cường khai thác năng lượng sạch, điều này sẽ mang đến hy vọng không chỉ cho bầu khí quyển toàn cầu, mà còn có thể báo hiệu một kỷ nguyên phát triển mới giúp "trái tim" của nền kinh tế toàn cầu trở nên khỏe mạnh hơn.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) chỉ ra rằng năng lượng tái tạo sẽ là xu hướng tất yếu của thế giới trong tương lai ngắn hạn cũng như dài hạn, với hai động lực chính là chi phí ngày càng được tối ưu và sự tham gia tích cực từ các nước đang phát triển. Theo đó, tỷ lệ sản lượng của các loại năng lượng tái tạo sẽ tăng lên hơn 26% năm 2020 từ mức 22% trong năm 2013.
Trong 5 năm nữa, sản lượng các loại năng lượng tái tạo có thể lên tới 700 GW (chiếm 2/3 tổng sản lượng tăng lên trên toàn cầu), và sẽ đủ đáp ứng nhu cầu điện năng của ba nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, và Brazil.
Nhu cầu thế giới về than bắt đầu giảm được cho là hy vọng cho một kỷ nguyên năng lượng carbon thấp. Canada vừa qua đã gia nhập danh sách ngày càng đông các nước loại trừ hầu hết các loại nhiên liệu địa khai.
Không chỉ Canada có lộ trình chấm dứt phụ thuộc than vào năm 2030, ngày càng nhiều nước khác cũng lên phương án cụ thể. Anh, Pháp, Phần Lan, Áo, Bồ Đào Nha là những quốc gia châu Âu tiên phong trong việc sớm loại bỏ than đá ra khỏi các chính sách phát triển năng lượng của quốc gia, cắt giảm đầu tư vào ngành công nghiệp than và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Tại Anh, chính phủ cam kết loại trừ toàn bộ nhiệt điện than vào năm 2025. Anh đã thường xuyên đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy than và chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hoặc khai thác các trạm điện gió biển. Hiện nay, ngành năng lượng của nước Anh chỉ phụ thuộc vào than ở mức 9%.
Trong khi đó, Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Để có được vị trí này, chính phủ Phần Lan đã tuyên bố kế hoạch ngưng sử dụng than đá trước năm 2030. Đây cũng là một phần trong mục tiêu đầy tham vọng, cắt giảm ít nhất 80% phát thải khí nhà kính trước năm 2050 của chính phủ nước này.
Tiêu thụ than tại các nền kinh tế đang phát triển tăng chóng mặt, chiếm tới 41% thị phần phát điện toàn cầu. |
Hiện tại, Phần Lan chỉ duy trì 8% năng lượng từ than đá, hầu hết được nhập khẩu từ Nga. Còn lại, năng lượng tái tạo và hạt nhân lần lượt đóng góp 45% và 35%. Quốc gia đã hướng tới kế hoạch cho đến năm 2050, sản xuất năng lượng phi carbon với nhiều kế hoạch chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sinh học hoặc năng lượng tái tạo.
Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% hiện nay lên 20% và giảm mạnh lượng khí thải. Để đạt mục tiêu này, các nước EU áp dụng chế độ cấp hạn ngạch khí thải cho các ngành công nghiệp.
Theo đó, đến năm 2020 tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều phải mua giấy phép hạn ngạch khí thải (trừ một số ngành như luyện kim, xi măng hay hóa chất). Các tính toán gần đây cho thấy, vào năm 2030 và 2036, xây dựng một nhà máy năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ có chi phí rẻ hơn giữ một mỏ than cũ.
Bên cạnh đó, EU đang bắt tay vào dự án "năng lượng tham vọng" với cam kết hỗ trợ phù hợp cho các khu vực hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành khai thác than. EU cũng sẽ dành ít nhất 1,1 tỷ euro cho việc cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo cho các khu vực cần phải thích nghi với việc chuyển đổi kỹ năng và tạo việc làm mới trong các lĩnh vực năng lượng và môi trường...