Ngày thứ năm đen tối

Thứ Sáu, 28/12/2018, 17:34
Không lực Hoa Kỳ, kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai đến hiện tại, luôn tự hào về tiềm lực hùng hậu cũng như những chiến công sáng chói của mình.

Song, xuyên suốt quãng thời gian đó, lịch sử chiến tranh thế giới cũng vẫn luôn ghi nhận những trận đại bại của lực lượng không quân hàng đầu thế giới ấy. Nằm giữa những trận quyết chiến với không quân Nhật Bản và thất bại nặng nề tại miền Bắc Việt Nam, có một trận đánh lưu danh, với cái tên "Ngày Thứ Năm đen tối" (Black Thursday).

Rực trời Áp Lục

Đó là ngày 12-4-1951, ngày mà theo hồi tưởng của cả các cựu chiến binh lẫn những chứng nhân khác, chưa bao giờ người ta thấy nhiều phi công Mỹ phải nhảy dù thoát thân đến vậy. 

Hôm đó, cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chứng kiến một khung cảnh hùng vĩ nhưng kinh khủng trên bầu trời giữa sông Áp Lục với sông Thanh Xuyên: một cuộc đấu máy bay quy mô lớn, gợi liên tưởng đến cuộc đấu xe tăng giữa Liên Xô và Đức Quốc xã, trong trận Kursk ở Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Không lực Hoa Kỳ hôm ấy có 36 chiếc máy bay ném bom B29 được lệnh xuất kích, nhằm phá hủy những chiếc cầu sắt bắc qua sông Áp Lục, những mạch máu nối CHDCND Triều Tiên với nguồn tiếp liệu và hậu cần từ CHDCND Trung Hoa. Khoảng 100 phi cơ chiến đấu F-80 và F-84 được bố trí hộ vệ cho đoàn máy bay dội bom B-29 ấy.

Một chiếc MIG 15 huyền thoại.

Đáp trả và để bảo vệ những chiếc cầu, 30 chiếc MIG-15 thuộc ba trung đoàn không quân, của Liên Xô viện trợ và do phi công Liên Xô đảm nhiệm, bay lên đánh chặn. MIG-15 bay quá nhanh, và dễ dàng sử dụng tốc độ của mình để tiếp cận rồi bắn hạ B-29, sau đó rút khỏi trận chiến trong sự bất lực của các phi cơ F-80 hay F84.

Sau 40 phút giao chiến, số liệu phía Liên Xô ghi nhận Mỹ mất 16 chiếc B-29 và 10 chiếc F-80. Ngược lại, các nguồn từ Mỹ chỉ xác nhận 3 chiếc B-29 bị bắn rơi, cùng 7 chiếc khác bị hư hỏng. Hai phía thống nhất được một điểm chung: Chẳng chiếc MIG-15 nào hề hấn gì.

Tuy vậy, sau đó, khu vực này được phi công Mỹ gọi là "Hành lang MIG" (MIG Alley). Quyền khống chế và "áp đặt lối chơi" nghiêng hẳn về phía các phi công Liên Xô, trong khi không quân Mỹ chỉ có thể lượn lờ ở bên ngoài. 

Và nếu đặt những điều đó cạnh cái biệt danh "Ngày Thứ Năm đen tối", hẳn bất cứ ai cũng có thể đặt nghi vấn: Thực sự tổn thất của Không lực Hoa Kỳ lớn đến mức độ nào trong trận chiến không trung ghê gớm này?  

Cuộc chiến bí mật

Cho đến khi cựu chiến binh Liên Xô Boris Abakumov cho ra đời cuốn "Một cuộc chiến ít người biết đến" sau khi Liên bang Xô viết đã sụp đổ, có rất ít thông tin về những trận không chiến này trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Lý do rất đơn giản: Không ai trong số cả hai siêu cường quân sự Mỹ và Liên Xô muốn công khai thông tin, để rồi tự đẩy mình vào thế đối đầu trực tiếp và toàn diện với đối thủ mạnh nhường ấy, trong một cuộc chiến tranh cục bộ - nổi lên như một trong những điểm nóng của tổng thể Chiến tranh Lạnh.

Phía Mỹ biết đến sự xuất hiện của các phi công Liên Xô từ khá sớm. Ngay từ cuối năm 1950, họ đã có thể xác nhận được điều đó. Một mặt là thông qua các nguồn tin tình báo. 

Mặt khác, các đài chặn thu sóng vô tuyến điện của Mỹ cũng từng ghi lại được nhiều đoạn đối thoại bằng tiếng Nga, từ những khoảnh khắc bất cẩn của các phi công. Hơn thế, phi công Mỹ cũng từng tận mắt nhìn thấy những khuôn mặt da trắng trong khoang lái của máy bay địch thủ.

Cường kích B-29 oanh tạc mục tiêu.

Vấn đề là, nếu công bố rộng rãi những thông tin đó, Nhà Trắng sẽ bị dư luận ép phải hành động, bởi chính họ - thông qua chủ nghĩa McCarthy - đã và đang xây dựng một tâm lý chống cộng sản cực đoan ở đất nước của mình. 

Hơn thế, có muốn, không lực Hoa Kỳ cũng phải mất vài năm để sẵn sàng cho một cuộc đọ sức cân bằng với không quân Liên Xô. Họ sẽ phải chuyển trọng tâm chiến lược quân sự từ châu Âu về bán đảo Triều Tiên.

Ngược lại, Liên Xô cũng không có lý do gì để thể hiện rằng mình trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh này, khi là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Tiếp viện cho Triều Tiên, nhiệm vụ chính đã thuộc về các đoàn Chí nguyện quân Trung Hoa.

Có điều, khi quân đội Liên Hợp quốc do Mỹ dẫn đầu (hậu thuẫn cho Hàn Quốc) bắt đầu chiếm được ưu thế trên chiến trường, uy hiếp đến tận biên giới tự nhiên Trung - Triều nhờ sự vượt trội của không quân, Liên Xô không thể không có những động thái cần thiết.

Tháng 11-1950, những phi công Liên Xô ưu tú được tuyển lựa kỹ càng đặt chân xuống đất Triều Tiên. Họ phải mặc quân phục và đeo huy hiệu Chí nguyện quân Trung Hoa. 

Họ đã bị kiểm tra kỹ càng, để bảo đảm rằng không thể mang theo mình bất cứ vật dụng gì được sản xuất bởi Liên Xô, đặc biệt là những chiếc kèn harmonica mà binh sĩ Hồng quân rất ưa thích. Họ được đòi hỏi phải dùng tiếng Triều Tiên hoặc tiếng Hán, khi trao đổi với nhau qua điện đài.

Và ban đầu, họ chỉ được giao nhiệm vụ chính là bảo vệ các trung tâm hành chính, trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thông, trọng điểm kinh tế. Nhưng sau đó, khi mức độ cuộc chiến tranh trở nên mỗi ngày một ác liệt, phạm vi hoạt động của họ đã là cả bầu trời.

Uy lực MIG 15

Lần đầu tiên thực sự tham gia tác chiến trên chiến trường Triều Tiên, ngày 8-11-1950, không quân Liên Xô đã kịp lập công. Một chiếc MIG 15, do phi công Shegorev điều khiển, đã bắn rơi máy bay trinh sát P-51 của Mỹ trên bầu trời tỉnh An Đông (nay là Đan Đông, đông bắc Trung Quốc). Một ngày sau, thêm một chiếc F-80 và một chiếc F-47 rơi. Ngày sau đó, 10-11-1950, chiếc B-29 đầu tiên bị bắn hạ.

Mọi tuyến bay chiến đấu của không quân Mỹ dọc tuyến Áp Lục đều bị tạm đình chỉ bởi Lầu Năm Góc. Tháng 12-1950, Liên đội phi cơ F-86 của Mỹ đang trú đóng ở Nhật Bản được điều sang hỗ trợ chiến trường Triều Tiên.

F-86 là chiến đấu cơ hiện đại nhất của không quân Mỹ lúc đó, nên cách đánh cũ của MIG 15 vẫn thường áp dụng với F-80 hay F-84 không hiệu quả. Phi công Liên Xô, thắng ít thua nhiều, vẫn thường phải cố gắng tránh đối đầu với F-86.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra là phải có được những thông số kỹ thuật tuyệt mật của F-86. Trong khi các nguồn tình báo chưa thể thành công, nhiệm vụ đó lại được hoàn tất bởi một phi công xuất chúng: Thượng tá Pepelyayev, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân tiêm kích số 196.

Lúc đó đã là ngày 11-7-1951. Pepelayev, bằng tốc độ của MIG 15, bất ngờ tập kích được một chiếc F-86, ép phi công nhảy dù và rơi vào tay Chí nguyện quân. Qua thẩm vấn, phía Liên Xô đã nắm được điểm yếu chí mạng của chiếc máy bay chiến đấu tối tân ấy: Nâng độ cao chậm, nếu bay cao hơn 10.000m thì mọi tính năng đều suy giảm.

Hành lang MIG.

Và ngày 6-10-1951, 10 chiếc MIG 15 vọt lên giao chiến với 16 chiếc F-86 ở độ cao hơn 8000m. Pepelayev chủ định bắn vào khoang lái, ép phi công bỏ máy bay nhảy dù thoát thân. Xác chiếc F-86 ấy, gần như nguyên vẹn, lọt vào tay lực lượng kỹ thuật Liên Xô. 

Kể từ lúc đó đến khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, MIG 15 không còn quá lép vế so với F-86 nữa. Thế nhưng, đến cuối cuộc chiến, năm 1953, thế hệ máy bay chiến đấu + ném bom mới - F86-F30 đến Triều Tiên, để một lần nữa làm nghiêng lệch cán cân lực lượng.

Dù vậy, những tổn thất đã phải nhận trước và sau "Ngày Thứ Năm đen tối cũng đã đủ khiến không lực Hoa Kỳ ở Viễn Đông thiệt hại nghiêm trọng, không thể hỗ trợ như ý cho các cuộc hành binh dưới mặt đất. Rơi vào thế giằng co, Chiến tranh Triều Tiên bắt buộc phải đi tới thỏa thuận tạm ngừng bắn trong năm 1953.

Bán đảo Triều Tiên lại vẫn chia đôi ở vĩ tuyến 38. Và đến tận bây giờ, khát vọng đoàn tụ, thống nhất của dân tộc ấy vẫn chỉ được nối liền một cách thưa thớt qua các chuyến tàu hay một vài sự kiện thể thao.

Nhưng, thế cũng đã là đủ đối với các cường quốc. Và nhiệm vụ của các phi công Liên Xô, đến lúc ấy, xem như cũng đã hoàn thành…

* Theo thống kê phía Liên Xô, đã có 1106 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có tới 170 chiếc cường kích B-29. Moskva mất 335 máy bay cùng 126 phi công. Nhưng theo phía Mỹ, các phi công của họ đã hạ tổng cộng tới 792 chiếc MIG 15, và chỉ mất 78 chiến đấu cơ F86.

* Joseph McConnel là phi công chiến đấu đáng sợ nhất của Không quân Mỹ, với việc hạ tổng cộng 16 chiếc MIG 15. Một người khác, George Andrew Davis Jr được nhận Huân chương Danh dự bởi hy sinh khi cố gắng đơn độc đối đầu với phi đội 12 chiếc MIG 15.

Đông Quân
.
.