Tại sao World Cup không chỉ là bóng đá?

Thứ Ba, 26/06/2018, 19:42
Tại vì, nếu chỉ là câu chuyện của bóng đá đơn thuần - nơi mà 11 gã đàn ông "đấu" 11 gã đàn ông rồi chấm hết thì World Cup không thể tạo nên một ma lực khủng khiếp đến như thế. 

Điều quan trọng nằm ở chỗ, từ câu chuỵện của những gã đàn ông, người xem có xúc cảm, có suy tưởng và đôi khi, có cả những ngẫm nghĩ về những biến động lớn của không riêng gì những gã đàn ông.

Từ câu chuyện VAR 

Đấy là 3 chữ viết tắt của một cụm từ tiếng Anh Video Assistant Referee - công nghệ video hỗ trợ trọng tài. Tên gọi ấy nói với chúng ta: bóng đá của cái thời 4.0 này gắn chặt với công nghệ và để có sự gắn chặt ấy người ta đã phải trải qua cả một quá trình dài trăn trở, đấu tranh. 

Liệu có thể áp dụng công nghệ vào các trận đấu bóng đá để hạn chế tối thiểu những sai lầm của các trọng tài được không? Đây là câu hỏi được thế giới bóng đá đặt ra từ hàng chục năm về trước. Người bảo: được. Người bảo: không được. Nhưng rồi FIFA trả lời chắc nịch: không! 

Bởi theo FIFA, sai lầm của trọng tài là một phần của bóng đá, đã tham gia cuộc chơi là phải biết chấp nhận những cái sai rất con người của trọng tài.

FIFA từng bảo thế, vậy mà bây giờ lại quay ngoắt 180 độ, để cho phép VAR lần đầu tiên xuất hiện trong một kỳ World Cup là sao? Vì, nó là điều không thể khác trong cái thời mà cả thế giới chỗ nào cũng sôi sùng sục cùng 4.0? 

Với VAR, trọng tài chính luôn nhận được những tư vấn (khi cần) qua thiết bị tai nghe, hoặc qua một chiếc đồng hồ đặc biệt trên tay mình. Đối tượng tư vấn dĩ nhiên là một đội ngũ trọng tài đang ngồi xem từng tình huống trận đấu qua màn hình. 

Trọng tài cho dừng trận đấu, xem lại video.

Với VAR, trọng tài thậm chí có thể dừng trận đấu, chạy ra ngoài đường piste, tận mắt xem lại tình huống qua video, rồi chạy ngược vào sân đưa ra quyết định. Trận Pháp - Australia ở vòng bảng World Cup này, khi cầu thủ Pháp ngã trong vòng cấm, trọng tài thoạt tiên xua tay, coi như không có chuyện gì. 

Nhưng chỉ vài giây sau, ông quyết định dừng trận đấu, chạy ra xem lại video và sau đó cho cầu thủ Pháp được hưởng 11m. Như thế có nghĩa, với VAR, quả nhiên sai số trong bóng đá ít hơn, các kết quả có được cũng công bằng hơn. 

Nhưng, cùng với nó, cảm xúc với bóng đá có thể cũng giảm hơn. Huyền thoại Maradona từng ghi một bàn thắng bằng tay và người ta gọi đấy là "bàn tay của Chúa" - bàn tay từng tạo ra biết bao cảm xúc, biết bao tranh luận. Nhưng với VAR, World Cup sẽ không bao giờ xuất hiện những "bàn tay của Chúa" hay "cái đầu của Chúa" như vậy nữa.

Xem World Cup, ta chợt rùng mình: điều gì sẽ xảy ra nếu công nghệ không chỉ can thiệp vào sân cỏ, mà còn can thiệp sâu hơn đến một cái sân vĩ đại hơn: sân bóng cuộc đời? 

Thời đại này, người ta nói tới trí tuệ nhân tạo (AI), và người ta dự đoán trong một tương lai không xa nữa, những con robot có thể xuất hiện tràn ngập trong xã hội loài người. Lúc đó cũng giống như sân cỏ: cuộc chơi của con người với con người có thể sẽ công bằng hơn nhưng cũng sẽ bớt cảm xúc hơn chăng?

Đấy là còn chưa nói, VAR đôi khi có thể bị hỏng đột ngột, những con robot cũng thế - cũng bị hỏng hoặc cố tình bị làm hỏng theo một chiều hướng tiêu cực nào đó thì xã hội loài người sẽ ra sao nhỉ?

Thành thử, xem World Cup thời VAR, chúng ta không tránh khỏi những suy tưởng, những lo lắng cho chính chúng ta trong một xã hội AI khôn lường phía trước!

Đến chuyện trảm tướng

Chỉ một ngày trước khi World Cup bắt đầu, Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha công bố một tin rúng động: Huấn luận viên trưởng Đội tuyển, ông Lopetegui bị sa thải. Vì, người ta phát hiện ra Lopetegui đã "đi đêm" với CLB Real Madird và sẽ trở thành Huấn luận viên trưởng CLB giàu có này ngay sau khi cùng Đội tuyển Tây Ban Nha kết thúc cuộc chơi World Cup.

Nói như ông Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha, Luis Rubiales, thì hành động này chẳng khác gì "sự phản bội" và đứng trước sự phản bội, hẳn nhiên chỉ có một con đường.

Báo chí Tây Ban Nha cho biết, trước khi quyết định sa thải Lopetegui, ông Rubiales đã được những người trong Liên đoàn đề nghị phải cân nhắc kỹ. Bởi nói gì thì nói, sát sạt giờ ra trận mà trảm tướng quân cũng là tối kỵ. 

Hơn nữa, tướng quân ấy - Lopetegui là người đã vực dậy một Tây Ban Nha bạc nhược sau World Cup 2014 và giúp Tây Ban Nha trải qua tới 20 trận bất bại ở vòng loại World Cup 2018, khu vực châu Âu. 

Với một thời điểm nhạy cảm và một con người tài năng như thế, sẽ không bất ngờ nếu ông Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha chấp nhận "cắn răng" chịu đựng. 

Ít ra thì cũng chịu đựng tới hết World Cup, rồi sau đó có quay ra chỉ trích cũng không phải là quá muộn. Nhưng không, với cá tính của mình, Rubiales không chịu đựng người mà mình cho là "phản bội", dù chỉ một phút.

Người theo chủ nghĩa quân tử lý tưởng có thể sẽ khen ngợi Rubiales. Người theo chủ nghĩa thực dụng an toàn có thể sẽ chỉ trích ông. Những tranh luận về tính đúng sai trong những trường hợp này là rất khó, đặc biệt là khi kết quả cuối cùng của Tây Ban Nha tại World Cup này chưa xuất hiện. 

Nhưng nói gì thì nói, đấy rõ ràng là một trong những quyết định độc nhất và sốc nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Với nó, chúng ta lại suy ngẫm về chuyện dụng nhân trong cuộc đời này. Phải dụng nhân một cách cương - nhu thế nào cho chuẩn xác? 

Phải dụng nhân làm sao để sau này nhìn lại, mình không hối hận? Lại nhớ đến câu nói của triết gia Tuân Tử: "Ở đời, phải có quyết phi thường thì mới có công phi thường".

Thật ra "công phi thường" trong rất nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào những "vận may phi thường", nhưng rõ ràng "quyết phi thường" là cái tiền đề, là cái có thể tạo ra niềm hy vọng. Từ chuyện trảm tướng độc nhất vô nhị ở World Cup này, một lần nữa ta lại có dịp ngẫm nghĩ về chuyện dụng nhân.

Và chuyện lạ có thật về Iceland

Loạt trận đầu tiên của World Cup, xem Iceland dũng cảm cầm hòa ông lớn Argentina 1-1, ta ngỡ ngàng tự hỏi ta: thôi chết, Iceland là "tay mơ" nào nhỉ? Trong địa hạt bóng đá, tháng 4 năm 2012, nghĩa là chỉ 6 năm trước, Iceland thậm chí còn đứng dưới cả Việt Nam trong bảng xếp hạng hằng tháng của FIFA. Mà là dưới những 34 hạng (131 so với 97). 

Phòng điều hành VAR tại World Cup 2018.

Thế mà năm 2016, Iceland đã lần đầu tham dự Vòng chung kết Euro (giải vô địch bóng đá châu Âu), đã làm nên chiến thắng lịch sử trước Đội tuyển Anh. Bây giờ thì lần đầu tiên tham dự Vòng chung kết World Cup và có một khởi đầu như mơ trước Argentina. Kỳ diệu quá! Và sự kỳ diệu ấy như nói với ta, một cách đột ngột rằng: tầm mắt của ta nhỏ quá chừng!  

Cố vươn thêm tầm mắt, nhìn lên quả địa cầu ảo trên mạng ảo, ta nhận ra một sự thật: Iceland là một hòn đảo ở châu Âu, nơi ngự trị của băng đảo và núi lửa. Dân số Iceland chỉ vỏn vẹn trên 30 vạn người. Hình dung thế này cho dễ: sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội có sức chứa 4 vạn người. 

Như vậy, số lượng khán giả trong 8 cái sân Mỹ Đình cộng lại sẽ bằng đúng dân số Iceland. Nhưng ở sân Mỹ Đình, người ta có thể chơi bóng đá quanh năm, chứ ở các sân bóng Iceland, nơi mà mặt cỏ bị tuyết phủ dày tới 5-6 tháng thì người ta cũng chỉ có thể chơi bóng khoảng 5-6 tháng mỗi năm. 

Đã thế, Iceland cũng chẳng có huấn luận viên chuyên nghiệp, cầu thủ chuyên nghiệp - cái thứ vốn được nhắc đến nhan nhản ở Việt Nam mình. 

Ông Huấn luận viên trưởng Iceland hiện nay vốn là một nha sĩ và sau những giờ làm việc cùng các học trò trên sân bóng, ông lại chui vào phòng làm việc để làm công việc chính và yêu thích nhất của mình là: khám răng!

Đất nước nhỏ bé thế, điều kiện thời tiết khắc nghiệt thế, dân số ít ỏi thế, những con người bóng đá "tay ngang" thế, vậy mà kể từ năm 2000 - năm thực hiện một chiến lược phát triển bóng đá đặc biệt, bây giờ thì cái đội tuyển bóng đá từng xếp dưới cả Việt Nam lại đang tạo ấn tượng mạnh ở đấu trường World Cup.

Phải nói, qua World Cup, chúng ta mới buộc phải tìm hiểu nhiều hơn và biết nhiều hơn về Iceland. Và qua Iceland, chúng ta lại thêm một lần thấm thía cái bài học mà mình từng nghe đâu đó: một đất nước dẫu nhỏ bé nhưng nếu đoàn kết, quyết tâm và tìm được một lộ trình phát triển đúng đắn, thực sự phù hợp với mình thì cái ngày sánh vai với các cường quốc là có thật.

Nhìn cái cách Iceland sánh vai với cường quốc bóng đá Argentina ở World Cup này, chúng ta hiểu: bài học ấy không chỉ đúng với riêng World Cup và với riêng chuyện quả bóng đơn thuần!

Phan Mỹ Chí
.
.