Có phải thời điểm ấy Bác Hồ muốn nhắn tìm Út Huệ

Chủ Nhật, 17/06/2018, 18:29
Út Huệ ở đây là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng.

Bạn đọc hẳn nhớ các chi tiết Út Huệ kém cậu Thành (Nguyễn Tất Thành) vài tuổi. Duyên dáng, nết na, con gái của một vị quan làm ở Bộ Công triều đình Huế, bạn đồng liêu với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Nguyễn Tất Thành. 

Đôi trẻ chưa thề non hẹn bể nhưng từ lâu đã rất mến nhau. Cái buổi chiều anh Ba Nguyễn Tất Thành chuẩn bị rời tàu ở bến Nhà Rồng, giờ phút chia phôi, cậu Thành kín đáo rút ra một bọc lụa đỏ trong có gói chiếc lược đã cũ. 

Đó là chiếc lược mà thân mẫu của cậu, bà Hoàng Thị Loan vẫn dùng hằng ngày đến tận khi mất... Cậu Thành trao cho người thương của mình chiếc lược ấy như một vật đính ước, hẹn mai ngày trở về, nếu còn sống sẽ tìm đến nhau...

Nhà văn Sơn Tùng, nguyên phóng viên chiến trường B2, nhà Hồ Chí Minh học độc đáo đã chiến thắng thương tật hạng nặng nhất (¼) giành hẳn cuộc đời mình để có nhiều công trình nghiên cứu về Bác Hồ, trong đó có tác phẩm Búp sen xanh. Chất liệu cấu tứ nên tác phẩm nổi tiếng ấy là từ nhiều chuyến đi sau thời điểm 4-1975. 

Bìa cuốn "Nhật ký trong tù".

Chuyến đi phía Nam qua nhiều địa danh, Sơn Tùng và vợ qua nhiều nhân mối tin cậy đã lặn ngòi ngoi nước và may mắn gặp được nguyên mẫu Lê Thị Huệ tức Út Huệ - người thương của anh Ba Nguyễn Tất Thành tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. 

Bà Lê Thị Huệ khi ấy đang tu ở một ngôi chùa tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà rất cảm động với duyên may gặp gỡ... Chất giọng bà tuy khẽ khàng nhưng kiên quyết đã căn dặn vợ chồng Sơn Tùng rằng, một khi bà còn trên cõi đời này, không ai được nói chi đến hình tích của Út Huệ cả!

Năm 1980, bà Lê Thị Huệ mất. Tuân theo di nguyện của bà, sau đó năm 1981, nhà văn Sơn Tùng đã hoàn tất cuốn Búp sen xanh...

Hẳn mọi người còn nhớ, chính sử nước mình từng rành rẽ chi tiết như sau. Hạ tuần tháng 8-1942, Hồ Chí Minh từ Pắc Bó sang Trung Quốc. 

Mục đích chuyến đi này là Bác tới Trùng Khánh để hội kiến với Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chu Ân Lai dẫn đầu. Trên đường đến thôn Túc Vinh, huyện Đức Bảo, Tĩnh Tây, Bác bị Quốc dân đảng bắt.

Tiếp theo là chuỗi ngày đêm tê tái gông cùm suốt 14 tháng qua hàng chục nhà giam huyện Tĩnh Tây (Liễu Châu). Cuộc sống tù đày gian khổ đã được Bác thể hiện phần nào qua 134 bài thơ trong Nhật ký trong tù. 

Cũng cần nói thêm, khoảng tháng 10-1943, do sự đấu tranh và can thiệp khéo léo của chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Quốc và các đồng chí Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác được nới lỏng chế độ giam giữ, được tự do đi dạo, đọc sách báo, tắm giặt, kể cả leo núi, bơi lội và sau đó Bác được thả. 

Chính trong thời gian ngắn ngủi này,  Bác đã viết bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn (mới ra tù tập leo núi). Bài thơ này không có trong tập Nhật ký trong tù. Sau này mới được bổ sung vào, mang thứ tự số 135 (bài).

Tờ số 53 chép 2 bài thơ cuối.

Tân xuất ngục học đăng sơn

Vân ủng trùng sơn sơn ủng vân/ Giang tâm như kính tịnh vô trần/ Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh/ Giao vọng Nam thiên ức cố nhân.

Dịch nghĩa:

Mới ra tù tập leo núi

Mây ôm dãy núi núi ôm mây/ Lòng sông như gương không chút bụi/ Một mình dạo bước trên đỉnh núi Tây Phong/ Trông về phía trời Nam xa xăm nhớ bạn cũ.

Dịch thơ:

Núi ấp ôm mây mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/ Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa. (Nam Trân dịch).

Bác đã chép bài thơ này vào rìa một tờ báo Trung Quốc, kèm theo dòng chữ sau: "Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên".

Bác Hồ không hề biết, trong thời gian tù đày, các đồng chí ở nhà qua trinh sát, thám thính, tiếp được tin dữ, rằng Bác đã mất trong nhà lao của Quốc dân đảng! 

Trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các yếu nhân của Tổng bộ Việt Minh tại Cao Bắc Lạng đã đau buồn tổ chức tang lễ ra sao. May mắn sau đó bất ngờ nhận được tờ báo có bài thơ kèm lời nhắn của Bác, tất cả như được hồi sinh.

Bài thơ ngoài chức năng làm trọn sứ mạng của việc "nhắn tin" một cách bí mật, khéo léo, còn mang giá trị nghệ thuật lớn. Rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã tìm đến bài thơ này và khẳng định đây là một tác phẩm văn chương toàn bích thể hiện cốt cách thi sĩ Hồ Chí Minh: tâm hồn trong sáng, thiết tha yêu thiên nhiên, nặng tình đối với đất nước và bạn bè yêu quý. 

"Đằng sau bức tranh phong cảnh, đằng sau những mây núi trập trùng, đằng sau dòng sông trong vắt dưới chân Tây Phong Lĩnh, ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn của độc giả chính là tâm trạng vừa trong trắng sâu sắc, vừa cao cả của con người” (Đặng Thai Mai).

Gần đây, trên mạng, nhiều người truyền nhau rất rộng đoạn băng của Hoàng Chí Bảo đề cập đến bài thơ này. GS.TS. Hoàng Chí Bảo, như nhiều người biết, một nhà Hồ Chí Minh học, nguyên là giáo viên THPT, bằng nghị lực và tình yêu Bác hiếm có đã bỏ thời gian hơn 40 năm chuyên sâu nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Bác, trong đó có 26 năm đi giảng bài nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn ngàn cuộc. 

Thủ bút bài “Tân xuất ngục học đăng sơn” của Xuân Ba.

Đoạn băng nói trên từng phát rộng rãi đã ghi lại một trong nhiều buổi nói chuyện như thế... 

Trong đoạn băng, GS. Hoàng Chí Bảo đã dẫn lại những chi tiết về cô Út Huệ trong cuốn Búp sen xanh như đã nói ở đầu bài. Sau đó GS. đã nhắc đến bản dịch khác của bài thơ Mới ra tù học leo núi của tác giả T. Lan in trong cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện.

Tác giả cuốn sách này cũng là của T. Lan. Vậy T. Lan là ai? Có phải một bút danh khác của Bác? Người nghe đoạn băng như cung cách dẫn chuyện của ông Hoàng Chí Bảo đã không thể không liên tưởng và đặt dấu hỏi, tại sao trong 134 bài thơ trong Nhật ký trong tù, T. Lan không nhắc lại bài nào mà chỉ nhắc đến và dịch bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn này?

Công nhận bản dịch của tác giả T. Lan nào đó khá đạt.

Mây ôm núi núi ôm mây/ Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng/ Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong/ Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai.

Sau khi phân tích ngữ nghĩa uẩn súc tài tình của chữ núi, mây (tượng trưng cho nam nữ, chàng nàng) GS. Bảo khẳng định chắc khừ rằng Bác muốn nhắn cho Út Huệ, muốn gửi gắm tâm sự của mình đến cố nhân (người yêu cũ) chứ không chỉ cho các đồng chí của mình trong Tổng bộ Việt Minh (?).

Khi tôi chia sẻ với một số vị nghiên cứu sử và bạn viết đã từng thưởng lãm đoạn băng của GS.TS. Hoàng Chí Bảo, nhiều vị đã bộc bạch rằng, GS. đã hơi vội vã trong sự liên tưởng, nếu không muốn nói là suy diễn!

Nhưng theo thiển ý của người viết bài này, bài tứ tuyệt thể Đường luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh Tân xuất ngục học đăng sơn không phải là thứ sử liệu mà đã thuộc về địa hạt văn chương. Bạn đọc, trong đó có GS. Hoàng Chí Bảo có thể tìm thấy ở đó những gợi mở, những thông điệp nhân văn của một tác phẩm văn học chăng?

Cũng cần nói thêm điều này, khi tái bản lần thứ nhất cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đích thân viết lời tựa. 

Trong đó có đoạn: “Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song, ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.

Dường như Thủ tướng đã lường, đã tiên liệu về những suy diễn này khác về Lê Thị Huệ ngoài đời với nhân vật Út Huệ trong Búp sen xanh

Cũng như sau này, người coi phim ùn ùn đổ đến rạp không chỉ để thỏa mãn sự tò mò nhân vật Út Huệ với những hành xử cùng cảnh đời cụ thể trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn mà rộng hơn, được chiêm quan toàn cảnh, được lĩnh hội đầy đủ tình cảnh ra đi tìm đường cứu nước của anh Ba Nguyễn Tất Thành vậy?

Xuân Ba
.
.