Trung Quốc đang “lấp đầy” khoảng trống của Mỹ tại Mỹ Latinh

Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:58

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Với chiến lược kiên trì, linh hoạt và tận dụng triệt để các cơ hội, Trung Quốc đang thay đổi mạnh mẽ cán cân quyền lực tại Mỹ Latinh. Họ nhận thấy rõ khoảng trống do sự thờ ơ và thiếu tập trung của Mỹ để lại, biến thách thức thành cơ hội xây dựng ảnh hưởng. Khi Washington chỉ coi khu vực này là một “vấn đề” cần giải quyết, Bắc Kinh lại nhìn nhận đây là một “cơ hội” vàng để củng cố vị thế toàn cầu của mình, từ đó thiết lập tầm ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài thông qua các dự án kinh tế, chính trị và xã hội.

22_11_2024_quocte_trungquocmylatinh.jpeg -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 ở Lima, Peru, ngày 16/11.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến công du kéo dài một tuần đến Mỹ Latinh, nơi mà Bắc Kinh đã nhanh chóng trở thành đối tác thương mại chủ chốt của nhiều quốc gia. Ngoại trừ Mexico và Colombia, Trung Quốc đã không ngừng đầu tư tham vọng, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia còn lại trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Học thuyết “cơ sở hạ tầng không bao gồm Mỹ” đã được triển khai thông qua các dự án lớn, góp phần củng cố vai trò của Trung Quốc như một đối tác phát triển then chốt.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã không chỉ tập trung vào các dự án thương mại đơn thuần mà còn đầu tư vào những ngành công nghiệp chiến lược, mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị. Một ví dụ nổi bật là việc Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của Argentina về lithium - nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất pin xe điện, điều này cho thấy tham vọng kiểm soát các ngành công nghiệp của tương lai. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu thô từ Venezuela, quặng sắt và đậu nành từ Brazil, giúp gia tăng sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia này vào Trung Quốc, tạo đòn bẩy quyền lực đối với khu vực. Ngoài vai trò là khách hàng, Trung Quốc đã đầu tư hơn 286 tỷ USD vào khu vực, bao gồm nhiều dự án quan trọng như tuyến tàu điện ngầm ở Bogotá, Mexico City và các đập thuỷ điện ở Ecuador. Không chỉ giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, những dự án này còn là công cụ của ảnh hưởng văn hoá, xã hội và đồng thời tăng cường sự phụ thuộc vào Trung Quốc của các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, sự thờ ơ của Mỹ đã từng bước khiến mối quan hệ với khu vực này bị đánh mất. Khi Trung Quốc tạo sự hiện diện ở hai hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại Lima, Peru và Rio de Janeiro, Brazil, Mỹ lại bỏ lửng cơ hội của mình. Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng được chào đón nhưng không thể phủ nhận được mức độ quan tâm mà Trung Quốc đã dành cho khu vực này.

Một điểm đáng chú ý là siêu cảng Chancay gần Lima, Peru - một dự án chiến lược do Cosco - tập đoàn vận tải biển và logistics thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc - thiết kế và đầu tư. Cảng này có vai trò thúc đẩy thương mại với châu Á, minh chứng sự hiện diện sâu sắc và có tính toán của Trung Quốc. Với sự hiện diện của một cảng nước sâu, Trung Quốc không chỉ kiểm soát các tuyến đường vận tải chiến lược mà còn củng cố vị thế trong mạng lưới cung ứng toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Trung Quốc còn thúc đẩy mô hình quản trị và phát triển khác biệt, nhằm phá vỡ trật tự hậu chiến do Mỹ lãnh đạo. Việc Trung Quốc liên tục xây dựng các dự án lớn đã củng cố hình tượng của một đối tác đồng hành lâu dài và tạo ra hình mẫu mới cho các nước Nam bán cầu, vốn đang tìm kiếm sự tự chủ và đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ. Các dự án như siêu cảng Chancay trở thành biểu tượng của hợp tác “cùng có lợi”, thể hiện rõ cam kết chiến lược của Bắc Kinh. Ngược lại, sự thờ ơ của Mỹ đã khiến nhiều quốc gia như Uruguay và Ecuador chuyển sang Trung Quốc sau khi không đạt được thỏa thuận thương mại với Washington. Trung Quốc đã tận dụng linh hoạt khi đàm phán với các đối tác địa phương, không phân biệt về chính trị hoặc ý thức hệ. Điều này đã giúp Trung Quốc trở thành đối tác dễ chịu và đáng tin cậy hơn trong mắt các quốc gia trong khu vực. Điển hình là khi Brazil hợp tác với Trung Quốc đưa ra đề xuất chấm dứt xung đột ở Ukraine, điều này nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc định hình lại trật tự thế giới. Argentina thì cho phép Trung Quốc vận hành trạm theo dõi vệ tinh cho chương trình không gian của mình — một bước đi đầy táo bạo và chứa đựng tiềm năng chiến lược. Điều này cho thấy các quốc gia tại Mỹ Latinh đang dần hướng đến việc đa dạng hoá quan hệ quốc tế, thoát khỏi ảnh hưởng tiền lệ của Mỹ.

Trung Quốc đã từng bước tạo dựng một mạng lưới ảnh hưởng phức tạp và đa chiều tại Mỹ Latinh, không chỉ giới hạn trong kinh tế mà còn mở rộng sang chính trị và quân sự. Chính sự hiện diện của Bắc Kinh đã gây ra những chuyển dịch đáng kể trong cán cân quyền lực tại khu vực, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ. Trong bối cảnh đó, Washington cần tái đánh giá lại chiến lược của mình, nếu không muốn bị đẩy lùi khỏi “sân sau” chiến lược vốn từng thuộc về mình. Những hoạt động hiện tại, bao gồm hỗ trợ tài chính và viện trợ kinh tế cần được mở rộng và linh hoạt hơn để đối đầu với sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc. Như vậy, cuộc đối đầu giữa hai cường quốc tại Mỹ Latinh không chỉ là vấn đề địa chính trị hay kinh tế mà còn là cuộc đua giành tâm trí và sự tín nhiệm từ các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc với chiến lược linh hoạt và cam kết lâu dài đang tạo ra một sự thay đổi không thể chối cãi tại khu vực, trong khi Mỹ đối mặt với thử thách phục hồi tâm ảnh hưởng của mình trên sân chơi quốc tế.

Tương lai của Mỹ Latinh sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cách thức mà hai cường quốc này tiếp tục cạnh tranh và hợp tác trong khu vực. Trung Quốc với cam kết đầu tư mạnh mẽ và chiến lược dài hạn đã xây dựng được lòng tin từ nhiều quốc gia, nhưng liệu sự phụ thuộc này có tạo ra những hệ lụy không mong muốn về mặt chính trị và kinh tế cho các nước trong khu vực hay không? Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng sự phụ thuộc vào đầu tư và thị trường Trung Quốc có thể khiến các quốc gia Mỹ Latinh dễ bị tổn thương trước các biến động chính trị và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khi các mối quan hệ quốc tế trở nên căng thẳng. Trong khi đó, Mỹ vẫn còn cơ hội để tái khẳng định vị thế của mình tại khu vực này nếu có sự thay đổi trong chiến lược và thái độ đối với Mỹ Latinh. Việc gia tăng các chương trình hỗ trợ kinh tế, mở rộng hợp tác về giáo dục, văn hóa, và đưa ra các cam kết dài hạn có thể giúp Washington giành lại lòng tin từ các quốc gia trong khu vực. Để làm được điều này, Mỹ cần thể hiện rõ rằng họ không chỉ coi Mỹ Latinh là “sân sau”, mà là đối tác quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung tại Mỹ Latinh là một bức tranh phức tạp với nhiều yếu tố địa chính trị, kinh tế và văn hóa đan xen. Những động thái của hai cường quốc không chỉ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực tại khu vực mà còn định hình tương lai của Mỹ Latinh trong nhiều thập niên tới. Đối với các quốc gia Mỹ Latinh, việc cân bằng giữa hai cường quốc này đòi hỏi sự khéo léo và chiến lược thông minh, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và sự phát triển bền vững trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Khổng Hà
.
.