Vương Trọng - nhà thơ của những nỗi niềm

Thứ Tư, 29/12/2021, 13:41

Nhà thơ Vương Trọng thường được mọi người gọi một cách âu yếm là "ông đồ xứ Nghệ". Anh có dáng nho nhã, mái tóc bồng bềnh, gương mặt luôn hồng hào và, đặc biệt, giọng nói luôn ân cần, ấm áp. Anh có biệt tài làm câu đối chuẩn, ứng khẩu thơ rất nhanh.

Nhớ một lần, lâu lắm rồi, tôi thường ghé Tạp chí Văn nghệ quân đội chơi. Hôm ấy, nhà thơ Vương Trọng đang xúc cơm cho con ăn. Cậu bé cứ chạy lung tung trong hành lang khiến nhà thơ vừa cầm bát cơm, vừa đuổi theo, vừa dỗ cho cậu bé không ngậm cơm trong miệng. Cậu bé cứ nấp sau các cánh cửa hoặc trong những góc khuất, ông bố cũng hoà nhập vào trò chơi của con. Thỉnh thoảng hai bố con lại vang lên những chuỗi cười giòn giã. Nhà thơ Thanh Tịnh đi ngang, đọc ngay câu: "Bố cho con ăn, con cười bố cười". Không ngờ nhà thơ Vương Trọng rất nhanh trí, đối ngay lại: "Con cho bố ăn, con khóc bố khóc". Ông Thanh Tịnh bất ngờ, công nhận vế đối xuất sắc. Các nhà thơ quân đội, tuy mang quân hàm nhưng tất cả đều "từ nhân dân mà ra" và "sinh ra không là lính" nên thấu hiểu cuộc đời.

263724089_1776569529204009_5386449580507195020_n.jpg -0

Những năm ở chiến trường Campuchia, tôi thường gửi thơ về Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tuy không được đăng nhưng lần nào tôi cũng nhận được thư trả lời của tạp chí. Những lá thư từ Thủ đô, vượt qua biên giới, sang tận mảnh đất địa đầu ở Campuchia. Ấm lòng và khích lệ bao nhiêu. Sau này, thơ được đăng. Tôi mới biết thơ mình được các nhà thơ Nguyễn Đúc Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng... biên tập rất kỹ lưỡng, cắt bỏ những câu thừa rất chuẩn xác. Tôi luôn mang ơn những tâm hồn thơ tinh tế, khoáng đạt và công minh của các anh.

Những năm chiến đấu xa Tổ quốc, tôi tình cờ được đọc bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” của nhà thơ Vương Trọng:

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây

Ngẩng trời cao, cúi đất dày

Cắn môi tay nắm bàn tay của mình.

Bài thơ như tiếng kêu buồn của hậu thế trước cảnh hoang vu của nấm mộ thi hào dân tộc. Bài thơ đầy cảm xúc, đi ngay vào trung tâm câu chuyện. Bài thơ ra đời năm 1982, chiến tranh chưa chấm dứt. Hàng ngàn thanh niên Nghệ Tĩnh cũng như mọi miền đất nước vẫn phải lên biên giới phía Bắc và chiến trường K. Nhưng, một dân tộc có truyền thống văn hiến ngàn năm không thể để nấm mộ vĩ nhân văn hóa trong cảnh:

Không cành để gọi tiếng chim

Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời

Không vầng cỏ ấm tay người

Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu.

Không ngờ, khi bài thơ được in, nó đã gây nên cơn chấn động trong dư luận. Mọi người nhìn lại mình, nhìn lại thái độ ứng xử với di tích văn hóa của mình. Không nên đổ lỗi cho chiến tranh, cho thiên tai, cho cơ chế... Và ít lâu sau, những cơ quan hữu trách đã bắt tay tôn tạo nấm mộ thi hào dân tộc. Nhà thơ Vương Trọng cho biết, anh tuy quê Nghệ Tĩnh nhưng mãi đến năm 1982 mới được đi công tác về Khu 4. Anh ghé thăm mộ Nguyễn Du, một mong ước bấy lâu. Nhưng, đến nơi, thật sững sờ. "Cắn môi tay nắm bàn tay của mình". Giận thì giận nhưng thương thì thương. Kiềm chế cảm xúc. Nhưng, hình ảnh nấm mộ vĩ nhân vẫn ám ảnh. Và bài thơ ra đời, như trút được nỗi lòng thương cảm của kẻ hậu sinh.

Cũng bởi từ lâu, anh rất yêu “Truyện Kiều”. Anh thuộc lòng Kiều từ lúc nào không biết. Mặc dù anh là người giỏi toán. Từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp toán nhưng tâm hồn anh lại là tâm hồn thi sĩ. Anh từng đặt tên con theo một địa danh trong Kiều, từng viết rất nhiều bài công phu, thú vị về Kiều, chọn ra những câu Kiều hay nhất... Không những mê Kiều, anh còn mê thơ chữ Hán Nguyễn Du. Và, theo bước Nguyễn Du, anh chuyển toàn bộ thơ chữ Hán của ông sang thể thơ lục bát. Anh mải mê âm thầm làm công việc này trong hàng chục năm trời. Làm vì tình yêu. Không vì mục đích nào. Chỉ cốt thơ chữ Hán của thi hào đến với công chúng bằng một kênh khác. Anh là một "nhà Kiều học" đến tận cốt tủy. Mỗi nhà thơ thường chọn cho mình những thần tượng để noi theo. Với nhà thơ Vương Trọng, bậc tiền bối đó chính là Nguyễn Du.

Đó là tình yêu hết sức tự nhiên. Đó là con đường hướng đến ngôi sao phía trước. Có thể anh không biết con đường thơ ca của mình đang đi in dấu vĩ nhân. Nhưng, khi trái tim anh cất lên lời ca, những bài hát đó, đều mang tinh thần của tư tưởng vĩ nhân. Trên đường đi xứ, Nguyễn Du cúi xuống mộ nàng TIểu Thanh. Hai trăm năm sau, nhà thơ Vương Trọng cúi xuống mộ Nguyễn Du. Chợt nhớ đến ca khúc “Cúi xuống thật gần” của Trịnh Công Sơn: "Cúi xuống/ Trên bờ xót xa/ Trên cơn lửa đỏ/ Trên khuôn mặt đã im lìm/ Cúi xuống/ Nhìn sâu trong mắt/ Và nghe mưa bão tan đi trong đại dương...".

Người nghệ sĩ chân chính là người nâng niu từng ngọn cỏ, từng viên sỏi trên đường. Để lắng nghe và thấu cảm trong đó những âm thanh, những tiếng vọng của các kiếp người. Lắng nghe một cách nhẫn nại, bền bỉ. Và, những thi phẩm đến như một sự tất yếu. Đó là trường hợp ra đời của bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc”. Nhà thơ kể: "Mùa hè năm 1995 tôi đến thăm nghĩa trang mười cô gái ngã ba Đồng Lộc. Mặc dù mười cô gái đã hy sinh trước đó 27 năm trời, tôi tự nhủ phải viết một cái gì đấy để giải tỏa nỗi xúc động. Bút ký, tùy bút cũng có thể chuyển tải được cảm xúc này nhưng vì trong đoàn còn có nhà văn Xuân Thiều, nhà văn Nam Hà nên tôi nghĩ nên nhường văn xuôi cho hai vị cao niên này. Bởi thế, trước mắt tôi chỉ còn một cửa hẹp là thơ. Nhưng, thơ về Đồng Lộc cũng không phải dễ, vì trước đó đã có nhiều người viết rồi, có bài khá nổi tiếng như bài thơ của nhà thơ Huy Cận. Thế thì mình phải viết thế nào để không bị chìm lấp bởi những bài đã có. Khi cắm những nén hương đang cháy lên mộ các cô, tôi tự hỏi, nếu mười cô gái hiển linh, họ sẽ nghĩ thế nào? Qua tài liệu thu thập được, tôi biết số người hy sinh ở ngã ba này thật nhiều, riêng Trung đoàn Phòng không 210 có 112 liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ mảnh đất này. Thế mà họ không có bia mộ để thắp hương, bởi thịt xương họ đã hòa trộn vào đất. Thế là cái ý tưởng dùng lời mười cô gái trò chuyện với các đoàn khách thăm viếng nảy sinh.

Bài thơ tôi viết và in lần đầu vào năm 1995, đến năm 1998 lại xuất hiện trong tuyển tập thơ về Đồng Lộc. Điều đáng nói là tập thơ này đã đến tay anh Nguyễn Tiến Tuẫn, là một trong ba anh hùng ở Đồng Lộc, thời mà mười cô gái hy sinh, anh đang phụ trách đơn vị cảnh sát giao thông ở trọng điểm ác liệt này. Anh bảo rằng, anh bị bài thơ ám ảnh và tự đặt cho mình phải làm một việc gì đó để giải tỏa sự ám ảnh này. Việc anh làm là lên huyện Hương Sơn tìm hai cây bồ kết con để đáp ứng lời thỉnh cầu của mười cô gái:

Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

Cho mọc dậy vài cây bồ kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Hai cây bồ kết anh trồng rất cẩn thận, hố đào to, bón tốt nên phát triển rất nhanh. Anh thuộc lòng và có ý định khắc bài thơ trên đá để mọi người cùng được đọc tại đây.  Điều trước tiên là phải liên hệ với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đơn vị phụ trách khu di tích này. Nghe anh trình bày ý định khắc đá bài thơ đó, mọi người tán thành và coi đây là một việc làm văn hóa.

265285997_1916110191901450_3435539579962760907_n.jpg -0
Nhà thơ Vương Trọng bên tấm bia ở nghĩa trang Đồng Lộc có khắc bài thơ ''Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc'' của anh.

Gần đây tôi có dịp trở lại Đồng Lộc. Đồng chí giới thiệu khu di tích hướng dẫn đoàn chúng tôi đi thắp hương trên từng nấm mộ và đốt những quả bồ kết khô. Mấy năm nay, nhiều đoàn khách đến thăm khu di tích này thường đem theo những chùm quả bồ kết khô để đốt sau khi thắp nhang. Người đầu tiên đốt bồ kết ở đây là nhà văn Nguyễn Thế Tường, quê Quảng Bình, công tác tại Tuần báo Văn nghệ. Tháng 10-2002, anh Tường gặp tôi ở Tuần báo Văn nghệ, anh bảo rằng sắp vào nghĩa trang Đồng Lộc, hỏi tôi có nhắn gì không. Tôi nói rằng, hai cây bồ kết mới ra hoa nhưng chưa có quả, tôi muốn nhờ anh Tường mua hộ tôi một chùm bồ kết, vào đó đốt để viếng mười cô gái. Anh đã làm thế và khi vừa đốt mấy quả bồ kết thì bát hương lớn bỗng hóa, cháy bùng lên, làm mọi người ngạc nhiên và anh gọi điện cho tôi ngay sau đó: “Ngẫu nhiên hay tâm linh?".

Quan niệm về thơ và phong cách làm thơ của nhà thơ Vương Trọng luôn đồng nhất. Anh từng phát biểu: "Thơ hay là thơ được nhiều người ưa thích. Ít độc giả không bao giờ là mục đích sáng tác của những nhà thơ chân chính. Nói rằng, thơ mình chỉ cần ít người đọc hay mình chỉ viết cho người đời sau.. chẳng qua là thú nhận sự bất lực, bất tài". Những năm học ở Nga, trong một lần được du ngoạn bằng tàu thủy trên biển Đen, tôi đã được nghe một cô gái ngâm bài thơ:

Mẹ nghề y nhiều đêm trực vắng nhà

Tròn một tuổi gủi con về quê ngoại

Quê ngoại con là quê mẹ đấy

Sao bây giờ mẹ thấy xa xôi...

Cô ấy không biết tên bài thơ, chỉ biết gọi theo ba chữ đầu "Mẹ nghề y". Cô ấy cũng không biết tên tác giả. Chỉ nghe cô ấy nói, bài thơ đúng như hoàn cảnh gia đình cô. Hạnh phúc của người làm thơ, là đôi khi, thấy mình thành tác giả "kinh điển". Nghĩa là công chúng thuộc thơ mình nhưng không cần biết tác giả là ai! Trên trang "thivien.net"', khi đọc bài thơ “Nhớ con” của anh, một bạn đọc viết: "Bài thơ là lời tâm sự của người mẹ, với lối viết dung dị, thủ thỉ mà chứa chan cảm xúc. Nó có sức gợi cảm rất lớn. Bài thơ đã đi theo những người lính chúng tôi, vượt qua nhiều chiến trường, vượt qua nhiều gian khổ, đến ngày đất nước toàn thắng - TAL". Một bạn đọc khác: "Tôi đã được đọc bài thơ này từ rất lâu rồi. Nó được bố tôi chép trong cuốn sổ công tác năm 1980. Tôi đọc lên thấy sao giống với hoàn cảnh gia đình mình đến thế. Tôi không hỏi bố nhưng tôi nghĩ bố cũng thấy có một sự tương đồng rất nhiều với nhân vật trong bài thơ. Xin cảm ơn nhà thơ Vương Trọng vì một bài thơ rất hay (along88)".  Rất nhiều bài thơ khác của nhà thơ Vương Trọng cũng được công chúng yêu thích như “Chị dâu”, “Hai chị em”, “Mỵ Châu”, “Với đứa con ngoài giá thú”, “Nam Bộ mà anh” v.v... Đối với nhà thơ, đó là giải thưởng xứng đáng nhất.

Trong cuộc sống, nhà thơ Vương Trọng có thể bỏ qua điều này điều nọ nhưng với thơ, với những nguyên tắc văn chương, anh là người quyết liệt, không thỏa hiệp. Bởi anh có quan điểm riêng: "Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương; bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận".

Đoàn Tuấn
.
.