Vô ngã cùng sen

Thứ Hai, 28/02/2022, 13:19

Nhiều người không còn xa lạ với những bức ảnh hoa sen của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP HCM). Bắt đầu từ năm 2009 ông chuyên chụp hoa sen và trở thành kỷ lục gia có tới hàng trăm ngàn bức ảnh sen. Cuộc đời ông trôi nổi trên những đầm sen cùng bùn lầy và gai góc. Ông đã cùng những đóa hoa hát lên khát vọng sự sống vô thường. Đó là cõi Phật trừng thanh (trong suốt) với vẻ đẹp cao quý ngát hương.

Đời sen, đời người

Dần dần nghệ sĩ Trần Bích đến với sen như một thiền sư. Ông bị cánh đồng sen ám ảnh và thu hút tâm trí. Có lần quá ham mê với những nụ hoa chúm chím đang ngoi lên mặt nước. Ông lẳng lặng hít thở rồi ngắm ống kính và đợi ánh mặt trời rọi xuống dòng nước trong suốt tận đáy hồ. Búp hoa hình trái tim bật sáng lung linh vượt lên trên bùn lầy. Bấm máy.

Khi ông vừa nở nụ cười mãn nguyện cũng là lúc bước chân bị thụt sâu trong rong rêu sụt lún. Toàn thân ông chìm nghỉm trong nước. Hai tay ông chới với giơ máy ảnh lên mặt hồ. Bước chân vào đâu bây giờ khi nỗi tuyệt vọng không được cất lời. Những phiến lá sen đã chùm lên vai người. Ông vùng vẫy như một sự cứu rỗi. Lúc này hàng trăm cây sen chụm lại đỡ lấy tấm thân nặng nề chìm dần xuống. Một nông dân hái sen đã lao tới đỡ lấy máy ảnh và kéo ông lên thuyền. Ông thở phào nằm dài trên con thuyền phủ đầy lá sen. Hương thơm sen ru ông ngủ trong giấc mơ, mỗi bước lướt trên mặt nước là có một cánh lá sen đỡ gót chân phiêu du.

1a_Lan_loi_doi_sen-1645769990958.jpg
Lặn lội đời sen.

Thế rồi có lần ông kể với tôi đi chụp sen ở Đồng Tháp suốt một ngày trời. Hàng trăm khuôn hình lưu giữ những búp sen làm mê hoặc ông. Chân tay rã rời. Toàn thân ngấm nước. Trong khi đó mồ hôi lại ròng ròng trên vầng trán. Đất trời chao đảo. Ông hoa mắt cố lội đến gần chòi canh của người nông dân. Bỗng từ đâu một thuyền máy lướt tới. Đúng là người tính không bằng trời tính. Sóng nước xô mạnh vào người ông đánh văng chiếc máy ảnh rơi tõm xuống đầm sen. Ông hét lên vì hoảng loạn. Đầm sen cuộn sóng về phía xa. Thế là mất toi cái máy khi bị ngấm nước bùn. Chân máy như một cây nêu nối liền vũ trụ với đầm lầy của người nghệ sĩ. Ông gửi nhờ người mua nó với giá 75 ngàn đô. Thật tai bay vạ gió.

Nhưng sau đó ông lại tự nhủ: Vô thường mà. Lòng dù đau nhưng tình yêu của người nghệ sĩ với nghệ thuật sáng tạo đã vượt qua. Mỗi bức ảnh với ông là một cung thiền tự đi tìm mình qua mỗi cánh hoa sen. May sao cuộn phim ngấm nước đó vẫn còn được cứu vớt sót lại một tấm hình. Đó là hai bông hoa đang bừng sắc hồng đỏ trong ánh sáng lấp lánh của mặt trời rạng rỡ. Ông đã đặt tên cho tác phẩm là “Bừng sáng”. Âu cũng là sự giải thoát sau những hoạn nạn xảy ra.

Thực ra ký ức về cánh hoa sen đã ngấm vào tâm hồn ông với vẻ đẹp thầm kín từ khi còn nhỏ. Quê hương ông ở Diên Khánh (Khánh Hòa) có nhiều đầm sen. Cha ông là một ông lang nổi tiếng trong vùng đã lấy lá và hạt sen để làm thuốc cứu chữa cho bao người. Ông rất nhớ lời cha dạy, đời sen cũng như đời người vậy. Từ xa xưa tổ tiên đã dạy: “Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ông lớn lên trong câu ca ấy và nhớ lời cha dạy rằng hoa sen vươn lên mạnh mẽ đón ánh sáng mặt trời được ví như cái âm thanh tịnh, luyện thành chính quả sau quá trình tu tập và giải thoát (vô ngã). Sen đã dâng hiến và quên mình tạo nên mạch sống luân hồi bất tận. Cuộc đời con người cũng vậy luôn luôn vượt lên những khó khăn gian khổ để sống.

Ông nhớ lời cha răn dạy khi vào đời với ý niệm “Ngẫu không” trong đạo Phật mà đời cây sen đã chứa đựng. Đó chính là đức tính “hỷ, xả” trong giáo lý đạo Phật. Hình ảnh cây sen luôn đứng thẳng, bên trong rỗng từ bỏ những buồn khổ, tanh hôi, toan tính để đơm hoa ngát hương. Chính vì thế mỗi khi bước xuống đầm sen nghệ sĩ Trần Bích luôn rất thư thái, yên vui. Ông luôn tập trung thiền định chờ ánh sáng thiên nhiên mách bảo những điều kỳ vĩ nhất bừng lên.

Những tứ thơ sen

Có thể nói mỗi bức ảnh sen của nghệ sĩ Trần Bích là một tứ thơ. Hình tượng hoa sen luôn chuyển động và tạo nên những ý tưởng thâm trầm về cuộc sống. Ông quan niệm đời sen là đời người chịu đựng bao sóng gió và trầm luân. Muốn thành tựu và tỏa hương đều phải vượt qua những phong ba, bão táp. Sen là biểu tượng trong Phật giáo hội tụ những đức tính tốt đẹp mà con người hướng đến. Tôi rất mê những bố cục ánh sáng của nghệ sĩ Trần Bích.

Vô ngã cùng sen -0
Bố cục sen.

Ông xử lý chúng thật huyền ảo làm lung linh những ý tưởng qua những bông hoa, cánh lá cùng thân cây đầy gai sen. Chủ đề về bố cục hoa sen của ông luôn thể hiện tập trung những đặc tính của thiền phái Phật pháp. Đó là sự trong suốt an tịnh, kiên nhẫn, vô tư. Cùng với đó nhiều bức sen của ông còn toát lên những ẩn dụ có chiều sâu đạo lý như vô nhiễm (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn), hoặc hành trực (ngay thẳng) và nhân quả (bồng thực). Đặc biệt hiệu ứng nhân quả nổi bật trong hoa sen. Bởi lẽ loài hoa này luôn xuất hiện hoa và quả bên nhau. Khi hoa rụng và nhụy tàn chính là những hạt mầm hiện lên từ đài sen.

Chính vì thế các hình tượng sen của nghệ sĩ Trần Bích luôn sống động có đời sống mang hơi thở thời đại. Ngoài những chủ đề như “Lòng mẹ”, “Đời sen”, “Luân hồi”, “Duyên sen”, hay “Vô thường”, “Tàn phai” và “Bố cục” ông còn đề cập tới sự hủy hoại của môi trường và thói thờ ơ của con người. Nếu những cặp đôi hoặc những cụm hoa mang yếu tố quần tụ hân hoan đem lại những mỹ cảm đam mê và yêu thương thì những bông hoa đơn khoe sắc lại nổi bật vẻ kiều diễm và thanh cao của sắc hương như những cô gái ở tuổi xuân tràn đầy mơ mộng. Người xem qua những triển lãm của ông rất cảm động với những bức ảnh mang hình tượng người mẹ nhân hậu luôn che chở bảo vệ cho con cái. Hình ảnh những chiếc lá sen xanh mướt hoặc khi đã bị vàng khô, héo hắt nhưng vẫn dang rộng tấm lòng che chở cho những búp sen non tơ đang trỗi dậy. Phải nói đây là điểm rất mạnh của nghệ sĩ Trần Bích có sức sáng tạo và phát hiện ra những triết lý sống nhân ái trên cánh đồng sen.

Nhưng có lẽ những tứ thơ đặc sắc của nghệ sĩ lại nằm ở hình ảnh tương phản trong đầm sen. Đó là những cánh lá cuối mùa hiu hắt, già nua nhưng lại thật nồng ấm trong những bố cục “Tàn phai”. Đây là vẻ đẹp thăm thẳm nỗi niềm trong lòng thi nhân. Sự úa tàn và xơ xác cận kề với cái héo rũ, chết chóc lại toát lên sự gắng gỏi và mạnh mẽ dâng hiến đến tận cùng. Vẻ đẹp ấy luôn bừng lên ánh sáng phồn sinh. Một mầm sống kế đó tiếp nối. Vòng đời sen luân hồi sinh nở sự kiều diễm ngay sau đó khi cọng sen vừa đổ gục. Những đường gân lá sen khô báo hiệu sự mới lạ sẽ đến. Chủ đề tác phẩm của nghệ sĩ Trần Bích phản ánh cõi đời và cõi đạo rất gần nhau. Những bài thơ thiền qua hoa sen của ông là sự trải lòng với trần thế và lên tiếng bảo vệ thiên nhiên trước sự “hôi tanh mùi bùn” của con người.

Duyên nghiệp

Nghệ sĩ Trần Bích dành sự nghiệp sáng tạo của mình với hoa sen như một duyên nghiệp trời định. Dường như ông không chụp gì ngoài sen và đã trình bày tác phẩm của mình qua 19 cuộc triển lãm với những chủ đề khác nhau. Đây là kết quả của hành trình bôn ba khắp đất nước của nghệ sĩ Trần Bích. Ông bộc bạch trong cuốn “Hồi ức sen” khi đã ở tuổi 76 (2022) rằng: “Đời người bao cảnh ngộ, đời sen cũng bấy nhiêu. Tôi chụp hoài vẫn chưa khám phá hết sen. Cho đến bây giờ tôi vẫn yêu sen và luôn học hỏi ngôn ngữ của sen”. Điều mà mọi người lấy làm ngạc nhiên khi những tác phẩm bán được bao nhiêu ông đều làm từ thiện. Tính cho đến nay số tiền bán ảnh sen của nghệ sĩ Trần Bích lên tới hàng tỉ đồng. Nhưng ông đều trao tặng cho những số phận và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đó chính là tâm nguyện của ông trong quá trình đến với sen cùng những tháng năm ngâm mình dưới nước. Ông đã thấm nhuần được cõi thiền và tám điều giáo lý Phật pháp qua hình tượng hoa sen. Bỏ qua những sự tôn vinh nghệ sĩ Trần Bích luôn quán tưởng hoa sen để phát triển lòng từ, không mong được đáp trả. Ông nguyện như đời sen không còn phân biệt cái này của ta, hay thuộc về ta. Đó chính là sự giải thoát là niết bàn. Vô ngã là vậy. Tự do tuyệt đối. Những bức ảnh sen “Vô thường” của nghệ sĩ Trần Bích thể hiện hình tượng đẫm chất thi ca thiền Phật. Chính vì thế chỉ với năm màu của hoa sen với ánh sáng thần tiên của tâm hồn ông đã làm nên những câu chuyện làm ám ảnh lòng người.

Vương Tâm
.
.