Vẫn nhớ, nhưng lòng không nhói nữa…

Thứ Năm, 14/04/2022, 13:11

“Chiều buồn len lén tâm tư/ Mơ hồ nghe lá thu mưa/ Dạt dào tựa những âm xưa/ Thiết tha ngân lên lời xưa… Lòng cuồng điên vì nhớ/ Ôi đâu người, đâu ân tình cũ”… Trên sân khấu nhỏ, người phụ nữ ấy đang run lên, môi mấp máy mà tai ù đi, con tim bóp nghẹt. Thời khắc chị cất tiếng hát sau hơn mười năm câm nín, oái oăm thay lại là lúc nỗi đau dội về.

Chị rơi vào trạng thái đầy mâu thuẫn khi những người yêu mến chị muốn nghe “Hoài cảm” - bài hát mà từ ngày anh mất đi, vì quá đau và nhớ mà chị không dám chạm lại. Thời khắc ấy, sau bao năm trốn chạy, chị buộc phải đối diện với kí ức dữ dội. Để rồi câu hát bỗng tắt nửa chừng trong tiếng nấc nghẹn và nước mắt lã chã rơi…

1. Nguyễn Thị Mai Loan là tên chị. Khắc khoải, khê nồng, lạ biệt là giọng hát của chị. Quyện vào chất giọng khàn đặc biệt đó là vị đắng đót của giọt cà phê, vị khô khát của khói thuốc gắn với chị từ ngày còn là thanh nữ đến tận bây giờ. Quyện vào đó còn là những khổ đau, tủi hờn, bế tắc mà chị phải oằn vai gánh lấy. Nhưng đó là giọng chị hiện tại. Nói thế là bởi có một thời giọng hát ấy dày và ấm áp. Đó là những tháng ngày hạnh phúc và yên an ở thị xã Hồng Gai (Quảng Ninh), Mai Loan lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ dành cho nhau và dành cho con cái. Chị thừa hưởng giọng hát hay của cả bố và mẹ - những người có đóng góp lớn cho phong trào văn hoá văn nghệ sôi nổi ở vùng than một thời.

Tự tin đứng trên sân khấu từ khi còn là một cô bé với bím tóc xinh xinh, Mai Loan sớm thành công trong phong trào ca hát sôi nổi ở Quảng Ninh. Sau này, không chỉ hát, Mai Loan mải miết dưới ánh đèn sân khấu với vai trò biên đạo các tiết mục biểu diễn đầy dấu ấn. Danh hiệu “Nghệ sĩ vùng mỏ” mà Mai Loan nhận được năm 2000 chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực, cống hiến của chị.

1.jpg -0
Mai Loan năm 1997 với giọng hát nổi bật ở vùng mỏ Quảng Ninh.

Xinh đẹp và tài năng, cuộc đời Mai Loan ngỡ sẽ chỉ có nụ cười, nhưng cuối cùng lại nhiều nước mắt. Hạnh phúc không trọn vẹn khiến chị phải bỏ dở sự nghiệp, rời vùng mỏ để đưa con lên Hà Nội trong sự tiếc nuối của bạn bè, đồng nghiệp. Đó là năm 2007. Chị bảo, cuộc đi đó vừa có động lực phía trước, có cả sự dồn đuổi phía sau. Chị không đặt lên bàn cân để xếp đặt điều gì trước, điều gì sau, chỉ biết rằng đã đến lúc phải rời đi.

Bố chị thương con gái, đã dằn dỗi mà rằng, “nhiều con đường đẹp mời gọi con, nâng bước chân con, con không chọn. Con cứ lao vào những con dốc khúc khuỷu, gập ghềnh, để rồi con hụt hơi, con vấp ngã, con khổ”. Khi ấy, chị chỉ cười: “Nhưng con có thấy khổ đâu”. Chỉ khi nào con trai chị được sống thực là mình, thì khi ấy chị mới yên lòng. Chị tự nhủ sẽ đồng hành cùng con, là vòng tay che chở cho con dù ngoài kia đầy bão tố.

Dắt con lên Hà Nội, Mai Loan xoay xở đủ nghề để trang trải cuộc sống. Chị không còn thời gian và tâm trí mà hát nữa. May mắn, chị có một bờ vai để tựa vào. Tình yêu anh dành cho chị chân thành, nồng ấm và đầy bao dung. Nhưng cuộc đời vẫn không thôi nghiệt ngã với người đàn bà tài sắc. Hạnh phúc dành cho chị như một cái chớp mắt. Năm 2011, anh đột ngột ra đi. Chị như người rơi xuống vực sâu, không chút sức lực, chỉ có nỗi đau và sự chênh chao hiện hữu.

Không còn anh chở che và bênh vực, mẹ con chị trơ trọi trong sự miệt thị của người đời. Trước những lời ác lạnh, cay nghiệt, nước mắt chị chực trào ra trong uất nghẹn. Chị muốn hét thật to rằng đó là con chị, và chỉ là con của mình chị mà thôi, xin đừng ai làm tổn thương con thêm nữa. Nhưng chị đã kịp kìm nén, chị gồng mình lên, đôi bàn tay nắm chặt để không văng ra những lời nặng nhẹ. Rất nhiều đoạn thác ghềnh như thế, mẹ con chị đã vật vã vượt qua. Bây giờ nhớ lại, chị cũng không hiểu mình lấy đâu ra sức mạnh để rắn rỏi, để gân guốc với cuộc đời đến thế. Nhưng khi còn lại một mình, nước mắt lại trào ra, bờ vai gầy rung lên yếu đuối.

2. Từ khi anh mất, chị sống thu mình, không đi đâu, chẳng gặp ai. Cả những người bạn của anh, chị cũng không dám gặp, vì chị sợ cảm giác tê tái khi tiếc nhớ người đàn ông của đời chị. Chị suy sụp, không còn đủ sức khoẻ để lao vào công việc quên ngày quên đêm như trước nữa. Còn đồ đạc gì đáng giá, chị đem đi cầm cố để lấy tiền nuôi con. Chị rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài. Đã có lúc chị muốn kết thúc sự sống để đi theo anh. Có lúc chị muốn buông bỏ tất để nương náu nơi cửa Phật. Nhưng tất cả đều không thành, vì con chị luôn níu chân chị lại. Con tiếp cho chị sức mạnh để tự thoát khỏi tình trạng tồi tệ của bản thân để cân bằng lại tinh thần. Rồi cũng đến lúc chị quyết tâm gói ghém tất cả buồn đau lại để sống vì con.

 Cuối 2012, ở góc hồ Hoàng Cầu, chị đặt cái bàn, thêm vài cái ghế, gom vài cái chén bán trà đá. Biết hoàn cảnh của mẹ con chị, nhiều người tốt ở xóm hồ ấy đã cưu mang, giúp đỡ. Ngày tháng nối nhau, từ quán trà đá, chị mở quán trà chanh, rồi mạnh dạn mở quán cà phê, phòng trà. Suốt quãng thời gian đó, từ sáng sớm tới tối khuya, chị chỉ lặng lẽ đun nước, pha trà. Nỗi lo cơm áo hàng ngày đã chèn khối sầu đau xuống đáy tâm can, chị không có thời gian mà khơi lên. Có người bảo chị gàn dở khi cứ cắn răng chịu đựng, giấu nhẹm đi những khó khăn của hai mẹ con, từ chối sự giúp đỡ của nhiều người. Trong khoảng thời gian đó, chị ít cười và tịnh không một ai nghe thấy chị cất lên tiếng hát. Dằn lòng vậy thôi, chứ chị vẫn thèm được cất lên những lời ca.

3.jpg -0
Người đàn bà hát cháy hết mình trên sân khấu.

Năm 2018, Mai Loan quyết định hát trở lại. Mỗi khi chạm đến những bài quen thuộc từng hát cho anh nghe, chị thoáng rùng mình. Chị sợ quá khứ sẽ quay trở lại, găm vào tim chị những vết đau. Rất nhiều bài chị đã hát trong nước mắt. Nhưng thật kì lạ, khi câu hát ngân lên thì nỗi buồn đau chất chứa cũng theo đó tan vào hư vô. Nước mắt cứ rơi nhưng lòng vơi nhẹ đi nhiều. Chị bỗng nhận ra quãng thời gian mười năm qua hình như chị đã sai khi cố tình nén lại tình yêu âm nhạc, cố tình ngăn trở câu hát cất lên. Chắc hẳn anh không hề muốn thế. Ở một nơi nào đó, anh vẫn giục giã, vẫn muốn lắng nghe chị hát hàng đêm.

Mai Loan quay trở lại sân khấu âm nhạc không phải ở Quảng Ninh quê chị, mà ở Hà Nội phồn hoa – nơi không ai biết chị là ai; lại ở vào thời điểm tuổi không còn trẻ nữa. Nhiều người khen chị dũng cảm, có người lại cho đó là sự liều lĩnh. Chị bảo, chẳng phải chị dũng cảm, liều lĩnh lại càng không, đơn giản chỉ vì chị thèm được hát, thèm tìm lại mình của những năm tuổi trẻ cháy hết mình cho nghệ thuật. Cuộc đời chị, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù dở dang hay trọn vẹn, thì chị vẫn không ngần ngại hát về điều đó. Dù nhiều người, hay chỉ một người nghe, chị vẫn ngồi tự tình, và tiếng guitar vẫn dìu dặt bên chị đến tận khuya.

Giờ đây, chị đã tạm yên lòng mà sống, mà cố gắng, dù còn nhiều khó khăn phía trước. Chị bảo chị đã mất đi nhiều thứ, nhưng chị “được” con. Người con ấy luôn thấu hiểu mẹ, vì mẹ mà luôn nỗ lực sống tốt. Bao năm qua, chưa bao giờ chị hướng con đến những oán ghét, hận thù. Bởi vậy mà khi đã đi qua bao nhiêu kì thị, châm chọc, thậm chí khinh miệt, thì lòng bao dung vẫn luôn tràn ngập trong tâm trí con. Chàng trai ấy bảo chị rằng, “mẹ hãy cứ hát để sưởi ấm lòng mẹ, sưởi ấm nhân gian. Khi nào mẹ yếu đuối, cần một bờ vai, thì mẹ tựa vào con, mẹ nhé”. Còn hạnh phúc nào bằng khi chị đã đánh đổi cả cuộc đời mình để được nghe câu nói ấy.

Trên con phố Từ Hoa ven hồ Tây thơ mộng, người ta nhớ không gian âm nhạc nhỏ xinh của Mai Loan và luôn muốn quay trở lại. Đâu đó giữa Hà Nội xô bồ, có một góc thật đằm sâu, là nơi tìm lại mình, nơi ủ ấm cho những tâm hồn chênh vênh nơi phố thị. Chị - người đàn bà hát, như đốm lửa ấm áp kéo những tâm hồn yêu nhạc tụ lại, cùng tự tình, cùng hiểu, cùng cảm nhau, dù chẳng nói với nhau một lời. Tiếng hát của chị là tiếng đời của chị - người đàn bà hồng nhan đa truân dẫu bị cuộc đời cào xước, dẫu có lúc ngừng hát, nhưng vẫn tự vá lành vết đau để nối lại lời ca đầy duyên nợ.

Những ngày này, chị đang khấp khởi chờ đón hai album nhạc xưa, nhạc Trịnh sắp ra mắt. Đó là tài sản âm nhạc kỉ niệm cuộc đời ca hát sóng gió và đứt đoạn của chị. Chị biết ơn cuộc đời, dù nghiệt ngã nhưng luôn có những vòng tay nâng đỡ, động viên chị hát, có những người dưng trở thành người thân như một gia đình. Bình yên với chị bây giờ không phải là cố quên đi kí ức buồn đau. Bình yên chính là cảm giác nhớ về nỗi đau đó nhưng lòng không nhói nữa…

Huyền Châm
.
.