Vẫn còn đó điệu Sli tình yêu

Chủ Nhật, 19/12/2021, 10:37

Tôi thân quen với gia đình NSND Doãn Châu và NSƯT Bích Thu cũng đã lâu. Lại có thời tôi đã từng sinh hoạt đội kịch thiếu nhi Hà Nội cùng với Doãn Hải (em trai anh Doãn Châu) nên thường hay gặp nhau. Chúng tôi rất thích xem các nghệ sĩ tập vở trên sân khấu để học hỏi. Thậm chí đôi khi mọi người còn tập diễn ở ngoài trời ngay phía sau Nhà hát lớn. Giọng nói của anh Doãn Châu to vang truyền cảm nghe thật đã tai.

Cặp đôi hoàn hảo

Trong số các nghệ sĩ học lớp kịch khóa một (1961-1963) có một cô gái người Tày. Cũng là một sự lạ khi mọi người thấy cô gái xinh xắn mặc quần áo màu chàm vào ghi tên dự thi với danh xưng Bích Thu. Không ngờ cô hát rất hay và giọng nói đầy biểu cảm thu hút lòng người. Chắc thế chăng mà ngay từ đầu mới gặp mặt chàng sinh viên Doãn Châu đã mê mẩn ngắm nhìn. Ngay từ năm đầu tiên hai người đã trao ánh mắt gửi gắm yêu thương. Tuy nhiên vào thời đó nhà trường cấm chuyện yêu đương nên cả hai không dám công khai thể hiện tình cảm trước mặt thày cô và các bạn.

Vẫn còn đó điệu Sli tình yêu -0
Vợ chồng NSND Doãn Châu và NSƯT Bích Thu ở Bảo tàng Mozart (nước Áo).

Doãn Châu rất hóm hỉnh và thông minh. Anh đòi Bích Thu dậy học tiếng Tày để đôi lúc hẹn hò và tâm sự mà không ai hay biết gì. Bởi lẽ nếu ai biết báo cáo ban giám hiệu là dễ làm kiểm điểm như chơi. Nếu quá mức còn bị đuổi học nữa. Vậy là hai người cứ tự nhiên nói chuyện trước mặt mọi người bằng tiếng dân tộc Tày. Có lần Doãn Châu còn hát một điệu Sli mới học được cho mọi người nghe. Thực ra ai cũng rõ sự tình giữa hai người nhưng vẫn ngầm ủng hộ và im lặng. Học viên sau khi tốt nghiệp lớp diễn viên khóa một đều được về Đoàn kịch Trung ương (tiền thân Nhà hát Kịch Việt Nam). Từ đó hai người công khai tình cảm và đi đâu cũng có nhau. Nhưng phải đến 1967 hai người làm lễ cưới. 

Tôi vẫn còn nhớ căn phòng hạnh phúc nhỏ bé của hai người trong ngôi nhà tập thể nghệ sĩ ở sau Nhà hát lớn. Nghệ sĩ Doãn Châu đánh đàn ghi ta rất hay. Giọng anh lại trầm ấm ngân vang. Nghệ sĩ Bích Thu nhiều lúc nhớ đến quê hương Cao Bằng chị lại cất tiếng hát dân ca Tày. Đó là những giây phút chạnh lòng nhớ tới những người thân. Có lần vợ chồng anh còn hát chung làn điệu Sli “Gọi thương”. Anh gảy tiếng ghi ta theo đúng giọng Then nghe rất thú vị. Tôi còn nhớ lõm bõm mấy câu rằng: “Em đang khắc khoải gọi câu thương/ Em đang vui gọi câu hát/ Chim kêu trên rừng khắc khoải gọi thương/ Vợ chồng cũng gọi nhau câu thương/ Cảnh xuân rừng hoa khoe sắc vui sao…”.

Nghệ sĩ Bích Thu là gương mặt nghệ sĩ không đẹp một cách rực rỡ nhưng lại đằm thắm và dịu dàng. Chị nền nã như bông hoa rừng khi vào các vai “đào” với đúng nghĩa như Chị Quyên (trong vở Anh Trỗi), Lui-dơ trong “Âm mưu và tình yêu” (Sinler); hay vai con gái vua Lia (vở “Vua Lia”); hoặc cô gái Veska (vở “Hoa anh túc”)…Chị hóa thân vào các vai thật sâu lắng và diễn tả chân thực đời sống tinh thần của nhân vật. Có lần tôi nhớ chị đã tập thoại một câu trong vai Veska rất công phu. Lời thoại không dài nhưng chị luyện giọng và diễn tả tâm trạng nhân vật đến hàng chục lần.

Vẫn còn đó điệu Sli tình yêu -0
Nghệ sĩ Bích Thu trong vai con gái vua Lia (vở “Vua Lia”).

Câu nói của Vesta nói với người yêu vẫn còn văng vẳng đâu đây: “Mac Ta nói không đúng. Hoa anh túc không chóng tàn. Vấn đề là nhớ đến nó lúc nào. Nếu nhớ đến nó khi còn tươi nguyên, còn đang sống thì không bao giờ nó tàn héo cả…Và con người cũng vậy…”. Câu thoại được ngắt nhịp như một bài thơ với hồn điệu dân ca Sli mà người Tày vẫn hát: “Yêu nhau yêu cho nặng/ Ngày nào hươu lìa rừng mới thôi”.

Chính vì sự lao động nghệ thuật đam mê ấy mà những vai của nghệ sĩ Bích Thu luôn để lại những bảng mầu riêng trong bức tranh của sân khấu kịch Việt Nam. Chị xuất hiện trong hầu hết các vở lớn như “Tàn đêm”, “Bạch đàn liễu”, “Anh Trỗi”, “Vua Lia” hay các kịch mục “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Câu chuyện tình yêu”, “Búp trên cành”…Nghệ sĩ Bích Thu được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1996.

Người đồng hành nồng nhiệt

Nghệ sĩ Doãn Châu lại luôn gây ấn tượng ở những vai độc. Anh cùng vợ diễn chung một số vở nhưng đều ở những vai phụ. Với hình thể bị hạn chế nên Doãn Châu ít có dịp sắm các vai dài. Tuy nhiên anh lại gây ấn tượng lạ mỗi khi xuất hiện. Với lợi thế về giọng nói giàu sức biểu cảm anh đã khai thác tối đa ưu điểm của mình và tạo được những điểm nhấn trên sân khấu. Tôi rất nhớ đến các vai của anh như tên lái buôn trong vở “Kẻ đốt đền” (kịch nước ngoài); ông già điên (“Nguyễn Trãi ở Đông Quan”-Nguyễn Đình Thi) và vai địa chủ Subokov trong vở “Cầu hôn” (Sê khốp)…

Đó là những vai diễn thật kỳ lạ. Thần thái nhân vật sống động hấp dẫn người xem. Hình ảnh tên lái buôn đi từ dưới khán giả đi lên với tiếng húng hắng và bước chân tập tễnh rất ma mãnh. Ngữ điệu của âm sắc cùng cách chuyển động nhân vật tạo nên tính cách khôn ngoan lọc lõi của một tên lái buôn rất rõ nét. Nhưng câu thoại ngưng ngắt uyển chuyển trầm bổng, nhanh chậm với tiết tấu diễn tả sự xảo quyệt của một kẻ khó lường. Phải nói nghệ thuật diễn xuất của Doãn Châu là một góc dị biệt và độc sáng trong dàn nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam.

Vẫn còn đó điệu Sli tình yêu -0
Doãn Châu trong vai tên lái buôn trong vở “Kẻ đốt đền”.

Nhưng rồi mọi sự lại đổi thay bất ngờ đối với nghệ sĩ Doãn Châu. Anh còn ham mê hội họa và đàn ca sáo nhị. Anh tham dự vào công việc thiết kế mỹ thuật trong các vở diễn một cách tự nhiên và tỏ rõ năng khiếu nghệ thuật. Do đó anh đã được Nhà hát cho đi học mỹ thuật ở nước ngoài vào năm 1974. Từ đó nghệ sĩ Doãn Châu trở thành họa sĩ chuyên thiết kế mỹ thuật cho các kịch mục của nhà hát. Quả nhiên anh trở về với hội họa như cá gặp nước vậy. Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh bỗng trở thành cái kho sơn màu cùng hàng trăm khung vải bề bộn.

Vừa nuôi hai con ăn học trong thời buổi khốn khó vợ chồng anh vẫn ngày đêm cuốn vào những vở diễn của nhà hát. Nghệ sĩ Bích Thu vừa ôm con vừa học kịch bản. Trong khi đó họa sĩ Doãn Châu trần lực vã mồ hôi với toan và màu. Họa sĩ Doãn Châu cho biết đã nhiều đêm thức trắng để nghĩ ra một bố cục biểu tượng nghệ thuật trên sân khấu. Thậm chí anh còn mất đến mấy tháng trời mới nghĩ ra hình tượng mỹ thuật cho bản thiết kế sân khấu của vở “Vua Lia”. Đây là vở kịch do NSND đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng. Ông rất khó tính và đặc biệt nhạy cảm trong sáng tạo vở diễn nếu chưa có bản thiết kế mỹ thuật ưng ý.

Công việc thiết kế mỹ thuật sân khấu là mảnh đất vô cùng màu mỡ để họa sĩ phát huy sáng tạo. Bởi ngoài hình tượng nghệ thuật chính trên sân khấu người họa sĩ còn thiết kế thời trang phù hợp với đúng tính cách nhân vật. Bên cạnh đó họa sĩ cũng quan tâm đến trang điểm trên gương mặt nghệ sĩ cho nổi bật sắc thái vai diễn. Những chuyển động trên sân khấu luôn để lại dấu ấn của họa sĩ nằm phía sau bàn tay đạo diễn trong mỗi vở diễn. Họa sĩ Doãn Châu say mê công việc và có nhiều sáng tạo cho từng kịch mục. Đến nay anh đã thiết kế hàng trăm vở diễn cho các đoàn kịch trên toàn quốc. Họa sĩ Doãn Châu đã để lại phong cách độc đáo trong hàng chục vở diễn. Anh đạt nhiều thành công với 20 HCV và HCB về mỹ thuật. Đặc biệt những thiết kế độc đáo mang phong cách Doãn Châu trong các vở kịch  như “Hà My của tôi”, “Rừng trúc”, “Vua Lia”; hay “Tú Xương”, “Sống mãi tuổi 17”; hoặc “Đỉnh cao mơ ước”…Họa sĩ Doãn Châu về hưu năm 2004 với vai trò là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và được phong danh Nghệ sĩ nhân dân (NSND) năm 2007.

Ngôi nhà hạnh phúc bên “Chợ quê”

Giờ đây vợ chồng NSND Doãn Châu và NSƯT Bích Thu đã dọn về chung cư Ecopark. Họa sĩ Doãn Châu dành toàn bộ thời gian cho hội họa. Nghệ sĩ Bích Thu luôn đồng hành với chồng trong những chuyến đi và hòa chung với niềm vui sắc màu qua mỗi bức tranh. Anh chị có một phòng tranh trưng bày như một galery trong một chợ quê của khu đô thị. Chợ quê họp theo phiên cuối tuần. Bạn bè thường đến trò chuyện ngắm tranh và vẽ cùng họa sĩ Doãn Châu. Tôi thú vị nhất khi được ngồi trong phòng tranh tràn đầy ký ức sân khấu của anh.

Anh vẽ hầu hết những chân dung bạn bè cùng thời như các nghệ NSND Đào Mộng Long, Thế Anh, Văn Hiệp, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh... Riêng chân dung vợ, nghệ sĩ Bích Thu anh vẽ tới mấy chục bức với những ký ức sôi động hiện về qua hơn nửa thế kỷ. Đôi lúc nổi cơn hứng anh lại vớ cây đàn cất tiếng hát. Làn điệu Sli ngày nào bay lên: “Yêu nhau mười ngày đường cũng gần. Không yêu nhà dưới, nhà trên cũng xa. Thương nhau như cá về suối nguồn, như ong bay về tổ…”. Khi đó đôi mắt anh lim dim, tâm hồn trải theo tiếng đàn. Giọng anh trầm khê nồng nàn vang khắp chợ quê. 

Vương Tâm
.
.