Từ chuyện của Thương Tín: Mất chữ tín rồi thì còn ai thương?

Thứ Bảy, 13/04/2024, 08:10

Ồn ào giữa Thương Tín và Tô Hiếu cuối cùng đã được giải quyết ổn thỏa nhờ vào cách xử sự rạch ròi, quyết liệt nhưng vẫn còn chút mềm mỏng, tế nhị của Tô Hiếu. Dù không muốn nhắc tới nữa vì đã quá nhàm nhưng có lẽ cũng nên có một lần cuối để bàn về chuyện này, không chỉ tập trung vào một cá nhân, mà nên nhìn rộng ra cả một giới…

1. Cuối tháng 3, nữ ca sĩ Sofia bất ngờ đăng đàn than thở về tình trạng bế tắc công việc trong công ty độc quyền quản lý cô (Công ty của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa) mà đỉnh điểm trong đó phải kể đến việc cô nói về tình trạng mấy tháng không có thu nhập, tới mức độ Tết cô cũng không dám nghĩ tới việc về thăm nhà. Từ thông tin mà Sofia tiết lộ, nhiều người đã nghĩ đến đời sống showbiz và sự hào nhoáng bên ngoài của nó. Không ít ý kiến cho rằng, showbiz dễ kiếm tiền nhưng đó chỉ đối với các ngôi sao hạng A, hạng B mà thôi. Phần còn lại, đời sống không dễ dàng chút nào.

c1.jpg -0
Thương Tín thời đỉnh cao sự nghiệp.

Quan điểm ấy đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Thực trạng của Sofia chưa đủ để nói lên bản chất của showbiz. Nó chỉ là một tình trạng cá biệt, chủ yếu đến từ việc công ty quản lý của cô chưa khai thác tốt việc làm cho nghệ sĩ dưới trướng mình mà thôi. Đời sống nghệ sĩ chưa nổi tiếng lắm đúng là có vất vả thật, nhất là ở giai đoạn thị trường sự kiện đóng băng sau COVID-19. Song, nếu nói đời sống nghệ sĩ chật vật thì không đến nỗi. Với những nghệ sĩ chưa có tên tuổi, chuyện kiếm thu nhập để sống một mức sống đô thị bình thường như bao người không phải chuyện quá khó.

Hãy nhìn vào các thống kê xã hội, chúng ta sẽ càng hiểu hơn. Theo thống kê, một cư dân đô thị lớn có thể trang trải thoải mái cho đời sống cá nhân của mình nếu có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Với một nghệ sĩ chưa nổi danh, việc kiếm ngần đó tiền trong một tháng nhờ vào việc lên sân khấu không phải khó. Không phải chương trình nào cũng chỉ sử dụng ca sĩ ngôi sao. Rất nhiều sân khấu vẫn cần những nghệ sĩ hát lót, với mức thù lao khoảng dưới 5 triệu đồng cho một suất diễn chừng 20 phút. Chịu khó cày cuốc, chắt bóp chi tiêu, thu nhập trung lưu với họ không phải là bất khả.

Sân khấu phòng trà ở TP Hồ Chí Minh hiện nay khá sôi động và các ca sĩ hạng B có thể kiếm được từ 80-120 triệu đồng cho một đêm diễn. Với các ngôi sao hạng A, thu nhập có thể còn gấp đôi, gấp ba. Mỗi tháng, xoay từ phòng trà này qua sân khấu khác ở khắp các nơi từ Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt… chuyện giới ca sĩ kiếm bạc tỷ mỗi tháng không phải là hiếm. Tất nhiên, hạng A, hạng B có thể kiếm nhiều, chạy nhiều sân khấu lớn, may mắn thêm thì có các sự kiện… còn hạng C hay thấp hơn thì sẽ ít cơ hội hơn. Nhưng không có nghĩa ít cơ hội thì không thể sống được. Cái cơ bản là chi tiêu của họ. Họ không chi tiêu như người thường mà phóng tay hơn, thậm chí có thể se sua. Chính cái se sua đó mới là nguồn cơn của khốn khó.

2. Nói chuyện vơ vẩn kia của showbiz để quay trở lại chuyện của Thương Tín, một ngôi sao hàng đầu một thời kéo dài tới hơn 2 thập niên ở Việt Nam. Cátsê từng tính bằng cây vàng; người đưa kẻ rước, tiền hô hậu ủng…, Thương Tín hoàn toàn có thể có một đời sống đủ đầy khi về già. Nhưng anh không có được đời sống đủ đầy ấy cũng là do có nguyên cớ cả. Bảo là tại “số trời” cũng được, nhưng “số trời” ở đây đã bắt Thương Tín phải… ăn chơi.

c2.jpg -0
Giờ đây, hình ảnh Thương Tín trên báo chí chỉ là những câu chuyện thảm hại của một ngôi sao hết thời.

Cách đây chừng chục năm, trên một bàn tiệc, nhiều người đã từng chứng kiến Thương Tín đứng dậy cáo bận về sớm. Trước khi về, anh có nói nhỏ muốn xin vài con tôm mang về cho con. Những người ngồi trên bàn tiệc đó đều chạnh lòng, thậm chí cũng có người ứa nước mắt. Họ thương cho một tài tử về già, khi cơ hội không còn nhiều nữa. Họ thương cho một thân phận mà họ từng chứng kiến đã oai phong thế nào trong quá khứ, nay rúm ró trong manh chiếu hẹp nuôi con.

Nhưng ai cũng hiểu ngọn nguồn do đâu. Ở vào thời đỉnh cao, khi tiền kiếm ra quá dễ, Thương Tín không có ý thức phòng thủ, ý thức tích lũy cho những khi sa cơ lỡ vận. Sau COVID-19, không ít nghệ sĩ đã tâm sự rằng đại dịch ấy làm họ thay đổi hoàn toàn quan niệm sống, lối sống. Họ cảm nhận một nghĩa vụ với bản thân mình rõ rệt hơn. Đó là cần sự tích lũy, chắt bóp để dành dụm cho lúc biến cố. Họ tiếc những lần phóng tay đã từng.

Nếu nói về chi tiêu phóng tay, có lẽ không ai dám so kè với giới nghệ sĩ. Tiền kiếm ra quá dễ dẫn tới chi tiêu cũng dễ dãi hơn. Nhưng phóng tay cho cái gì, phóng tay vào việc gì lại là câu chuyện khác. Một trong những người được xem là hào phóng nhất chính là ca sĩ Phương Thanh. Cô từng phóng tay chi tiền đầu tư xây dựng cả một phòng thu âm riêng. Bây giờ, cái phòng thu ấy không còn nữa, đồ đạc thiết bị cũng lạc hậu, chẳng còn đáng bao nhiêu tiền. Lần phóng tay ấy khiến Phương Thanh sau này thận trọng hơn. Nhưng dù sao, cái phóng tay của Phương Thanh cũng còn vì một mục đích rất tích cực là để phục vụ làm nghề. Còn nhiều nghệ sĩ khác, họ lại phóng tay vào những cuộc chơi mà nhiều trong số đó là những cuộc chơi tai hại, bạt mạng và thậm chí là phá phách.

 Có lần ngay giữa một con hẻm ở Phú Nhuận, một đám nghệ sĩ trẻ vô danh, tuổi chừng 20, tập hợp từ nhiều địa phương về TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, đã được chứng kiến cảnh một nghệ sĩ hài lừng danh ngồi năn nỉ đám cho vay nặng lãi cho anh ta được chậm trả vài ngày. Tiền nợ ấy đã được đổ vào đâu? Xin thưa, vào chỗ 22 người đuổi theo trái bóng dưới sự điều hành của một ông áo đen. Hôm nay, cũng chính nghệ sĩ đó thi thoảng lên đăng đàn trên truyền thông kể khổ. Người không biết chuyện có thể thấy thương. Ai từng biết sơ qua chỉ lắc đầu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Nói về tích lũy, không mấy nghệ sĩ được như Lam Trường, một ca sĩ ngôi sao bền bỉ nhất showbiz Việt. Nhiều người kháo nhau, bao nhiêu tiền kiếm được, Lam Trường mua bất động sản hết, trải từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Nhưng không phải Lam Trường hà tiện tới mức không biết chơi. Anh vẫn tham gia vào các đêm vui với bạn bè, song nó luôn có chừng mực và lành mạnh. Chính cái chừng mực, lành mạnh đó đã giúp Lam Trường tích lũy được gia sản để đủ cho anh không cần làm gì cho tới tận lúc già. Nhưng anh vẫn lao động, vẫn tiếp tục hát, thu âm, lưu diễn. Thu nhập đó, sau khi đã trả lương nhân viên, đã bảo đảm các chi phí gia đình, Lam Trường biết cần đầu tư vào đâu. Đó chính là cốt lõi của cái sự giàu, không phải giàu vật chất mà là giàu trí tuệ.

Nói đến ăn chơi trong giới nghệ, người ta sẽ nhắc tới “anh Ba Ngọc Sơn”. Ngọc Sơn chất chơi từ xưa nhưng thực tế, cái chơi của Ngọc Sơn rất cân bằng. Tiệc tùng vừa đủ cũng như thể thao vừa đủ (Ngọc Sơn đánh bóng bàn rất hay). Và cơ bản, Ngọc Sơn củng cố tốt cái lô cốt của mình, tức là căn biệt thự, là nhà cửa cho thân quyến, là chi phí sinh hoạt hàng tháng. Nhờ an tâm với hậu phương vững vàng như thế, Ngọc Sơn có thể tiệc tùng vừa đủ, thể thao vừa đủ và cả từ thiện (bằng tiền túi của anh) vừa đủ.

3. Bất cần đời chính là một căn tính chung của nghệ sĩ nhưng cho dù có bất cần đến mấy, nghệ sĩ cũng là con người trước đã. Vì thế, nhiều nghệ sĩ, dù ham chơi tới đâu, vẫn luôn nắm rõ rằng họ cần một mái che của riêng mình mỗi đêm về, cần đảm bảo rằng mình phải sinh tồn cái đã trước khi mình ăn chơi. Song, cũng có không ít người bất cần đến bạt mạng và cái giá cuối cùng họ phải trả chính là đời sống nhọc nhằn, không chốn nương thân khi đã về già. Và cái nguy hại hơn cả là khi đã qua thời rồi, họ không từ bỏ được cái thói quen bạt mạng của lúc còn vàng son. Chính vì thế, khi có được những ủng hộ từ những người hảo tâm, từ đồng nghiệp, thậm chí người hâm mộ, họ không coi đó là cái cần để câu cá mà xem nó như món cá hảo hạng, mở ngay bữa tiệc sashimi bất kể ngày mai mình có gì lót vào dạ dày hay không. Để rồi khi trở lại khốn khó ngay sau đó, họ không còn có thể nhận được tình thương nữa. Tình thương nào cũng có giới hạn kiên nhẫn, không còn chữ tín, ai còn dám thương?

Thương Tín, và những nghệ sĩ như anh, không phải không có cơ hội để kiếm ra đồng tiền. Điều gì lẽ ra đã xảy ra nếu như sau khi nhận được ủng hộ, Thương Tín đi trồng lại bộ răng cho đẹp mã hơn, sửa soạn mình nghiêm túc hơn, bồi dưỡng thể chất hơn để lấy lại cái tinh anh lên sân khấu? Nếu anh đã làm như thế, chắc chắn những ai thương anh sẽ tạo tiếp cơ hội cho anh làm việc. Kiếm bạc tỷ một tháng có thể khó, nhưng kiếm tiền chục triệu hàng tháng đảm bảo trang trải không khó với anh chút nào.

Giả thuyết về cách Thương Tín thay đổi mình ở trên hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều nghệ sĩ xế chiều đang lâm cảnh khốn khó do cả một giai đoạn dài họ ăn chơi hơn công tử Bạc Liêu. Nhưng sau khi nhận được san sẻ của những người thương mình, có những điều rất khác đã níu chân họ lại trong những thói quen, lối sinh hoạt tán gia bại sản. Thậm chí, có cả những người còn ngập ngụa trong ma túy, trong cờ bạc. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống; tiền vào tiệm hút thì thun thút như nước qua lỗ rò.

Trong ngành công nghiệp giải trí, có một hạng mục mà rất nhiều người làm nghề được biết. Đó chính là quản trị tài chính cá nhân. Kiếm ra càng nhiều, càng phải biết quản trị để tương lai vững chắc hơn. Nhưng biết là một chuyện, thực hành lại là chuyện khác. Nhất là ở Việt Nam, nơi tình thương và san sẻ luôn tràn đầy do con người Á Đông rất dễ mủi lòng. Phải chăng, chính vì biết thiên hạ dễ mủi lòng như thế nên họ cứ tặc lưỡi bỏ qua để “có nhiêu xài nhiều hơn cho sướng”???

Văn Đoàn
.
.