Trong chiều sương sao để lệ sầu vương
Trong mắt tôi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (1919-2001) bao giờ cũng hiện lên hình ảnh một nghệ sĩ lang thang với cây đàn trên những cung đường bụi đỏ. Chàng du tử luôn mang theo giá vẽ và những âm giai xưa buồn bã nhớ nhung hiện lên với sắc màu.
Chiếc mũ phớt luôn nghiêng nghiêng cùng đôi mắt sáng nhìn về phía trước. Đôi khi dừng chân, chàng ngồi bên gốc cây kéo lên tiếng đàn da diết: "Mùa thu trong bao lá rụng tơi bời" (Lời du tử).
Chàng du tử với chuyện tình dở dang
Mối tình đầu tiên nảy sinh khi chàng du tử Nguyễn Đình Phúc để mắt đến một cô nàng cùng lớp thuở học ở trường Trung học Thăng Long. Cuộc viễn du tình ái hiện ra trước mắt cùng nỗi niềm thơ mộng bao la. Nàng là con gái nhà giàu và chơi đàn dương cầm rất hay. Đôi khi vô tình nói đến chuyện âm nhạc, nàng làm chàng lúng túng. Nàng kể về những bản "Sonat", rồi "Phiên chợ Ba Tư", hay "Rondo"… làm chàng ù cả tai. Rủi thay đang yên lành thì bất ngờ một hôm nàng đốc chứng nói gay gắt và đòi chia tay. Sau này chàng mới hiểu ra phận nghèo khó trèo lên cao. Bố chàng chỉ là một thầy giáo dạy ở một tỉnh lẻ. Không môn đăng hộ đối tính sao đến chuyện nhân ngãi trăm năm.
Bất ngờ chàng tức khí tìm thầy học đàn. Cho dù đã muộn màng nhưng đúng lúc chưa tìm được việc làm sau khi đỗ tú tài, chàng học nhạc chỉ để trả thù sự coi thường của người mình yêu thương. Chàng xin học lớp đàn violon của thầy Phạm Đăng Hinh, người tốt nghiệp âm nhạc từ Pháp về. Sau hai năm trời theo đuổi, chàng đã biết chơi đàn khá thành thạo với ngón kỹ thuật tinh tường. Thật bất ngờ hơn khi chàng vô tình gặp được một thầy giáo dạy đàn khác là nhạc công người Nga lưu vong. Ông tên là Sibirev chuyên đánh đàn violoncelle (cello). Tiếng đàn cello của thầy Sibirev thật quyến rũ tâm hồn chàng. Cũng chỉ một năm khổ luyện chàng đã thuộc khá nhiều tác phẩm kinh điển và chơi cello như một nghệ sĩ thực thụ. Từ đó chàng du tử được bạn bè rủ chơi nhạc kiếm tiền. Trong một đêm buồn rã rời, chàng đã viết những câu nhạc đầu tiên khi nhớ đến người yêu. Lời ca hòa lẫn trong âm sắc trầm ấm của cây cello vang lên: "Ôi giấc mơ hoa đã tàn. Xa rồi nhỉ. Tìm đâu thấy! Ôi giấc mơ hoa. Xa rồi nhỉ. Tìm đâu đây! Buồn ơi xa vắng mênh mông buồn…". (Lệ Thu). Mối tình tan vỡ ấy đã kích động chàng du tử mê vẽ bỗng trở thành nhạc sĩ là duyên cớ trời cho.
Thế rồi chàng du tử lang thang khắp nơi cùng ban nhạc ABC. Trong thời gian này chàng gặp nhạc sĩ Tạ Phước và theo học sáng tác trong một thời gian. Tại đây chàng kết bạn với nhạc sĩ Phạm Duy và một số người khác. Niềm hứng khởi sáng tạo được hun đúc và là niềm khát vọng trong lòng chàng. Rồi một ngày tình cờ chàng cùng Phạm Duy dạo bước trên hồ Gươm với giao ước sẽ cùng phổ nhạc thơ của Nguyễn Bính. Chàng chọn bài "Cô lái đò", còn Phạm Duy phổ nhạc cho bài "Cô hái mơ" trong tập thơ "Lỡ bước sang ngang" nổi tiếng lúc đó (1943). Cả hai đi ngược chiều nhau rồi hẹn sau từ một vòng Bờ Hồ là sáng tác xong bài hát. Chính trong cuộc du ngoạn dài đủ hai ngàn bước chân đó chàng du tử đã viết xong bài hát "Cô lái đò". Ngay lập tức tài tử Ngọc Bảo nổi tiếng khi đó biểu diễn và bài hát "Cô lái đò" đã đi vào lòng công chúng (1943). Cái tên Nguyễn Đình Phúc được vang động trong những đêm biểu diễn ở Hà Nội.
Từ "Lời du tử" đến "Chiến sĩ sông Lô"
Ngay sau sự kiện "Cô lái đò" nức tiếng, bất ngờ Nguyễn Đình Phúc còn đoạt giải nhất trong triển lãm duy nhất 43 với bức tranh "Chú bé thổi sáo". Cú đúp thành công trong năm 1943 có thể coi là định hình một cái tên Nguyễn Đình Phúc tài năng trẻ (24 tuổi) của giới nghệ thuật Hà thành. Chàng du tử ném cục tiền thưởng 500 đồng Đông Dương vào ba lô lên đường thực hiện chuyến viễn du vạn lý. Nhưng rồi cuộc trường chinh của chàng cũng kết thúc khi cạn tiền. Chàng rời Sài Gòn hoa lệ và dừng chân tại Đà Lạt. May sao khi tới đây Nguyễn Đình Phúc được mọi người cưu mang giúp đỡ. Chàng lại tiếp tục vẽ tranh, chơi nhạc kiếm tiền rong trên miền đất lạnh này. Thế rồi tình yêu lại đến. Lần này là một cô gái Huế yêu "Cô lái đò" của chàng; nhưng rồi mộng ước vẫn không thành. Nàng yêu tài năng của chàng nhưng cha mẹ nàng lại chê cuộc đời du tử của một nhạc sĩ lang bạt giang hồ. Giữa lúc buồn bã tan nát cõi lòng chàng lại hay tin cha mất nên càng sầu não hơn. Không một xu dính túi làm sao trở về thụ lễ tang cha. Chàng cất tiếng hát cô liêu trong một chiều hoang lạnh: "Chiều nay ta biết về nơi đâu. Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu. Ai đi trong lớp sương sa…Trông mây bay, trông mây bay về nơi quê nhà…" (Lời du tử -1944).
Con đường lênh đênh đã chấm dứt khi nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã tham gia cướp chính quyền ở Đà Lạt (1945). Và sau đó Nguyễn Đình Phúc được chọn là đại biểu của Đà Lạt về Hà Nội dự Đại hội Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất. Chàng du tử ở lại Hà thành hoạt động cách mạng bởi sau đó giặc Pháp đánh chiếm lại Đà Lạt. Ngay năm sau Nguyễn Đình Phúc lên chiến khu Việt Bắc sau "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" (19-12-1946) của Hồ Chủ tịch. Ở tuổi 27 ngỡ như tình duyên lận đận khắc khoải vô phương. Trước khi lên Việt Bắc, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc cũng đã kịp bảy tỏ tình cảm với Thảo, cô em gái của người bạn nhạc sĩ ở phố Cầu Gỗ. Số phận thật hẩm hiu cho dù cô em của bạn rất yêu chàng nhưng lại bị gia đình cấm cửa. Họ cám cảnh vì chàng vẫn chỉ là một hàn sĩ với số phận "xướng ca vô loài" ngày đó. Khi chia tay nhau lên chiến khu, nàng Thảo thề nhất quyết không từ bỏ chàng. Nguyễn Đình Phúc lên đường phấn chấn vô cùng.
Câu chuyện tình yêu này không ngờ là một duyên cớ về sự ra đời của tổ khúc "Chiến sĩ sông Lô", "Bến Bình ca" và "Hữu ngạn sông Thao" của Nguyễn Đình Phúc. Trong dịp nghỉ phép (1947), nhạc sĩ lên châu Sơn Dương thăm Thảo. Bởi hay tin sau đó cô Thảo cũng lên đường tham gia kháng chiến. Nhạc sĩ vác theo cây đàn cello quen thuộc đi dọc sông Lô lên Tuyên Quang. Không ngờ khi tới bến Bình Ca đúng lúc cuộc chiến đấu đã xảy ra. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc dừng chân tham gia cầm súng. Trung đoàn thủ đô khi ấy trực phục kích đánh tàu chiến Pháp tấn công chiến khu Việt Bắc. Khi nghỉ ngơi anh lại cùng mấy nhạc sĩ biểu diễn phục vụ chiến sĩ. Anh đã cùng tiểu đoàn Vệ quốc quân gần như quên ăn ngủ đánh giặc liên tục 4 ngày đêm liền. Các chiến sĩ quyết sống mái với kẻ thù. Những giai điệu hào hùng đã bừng lên trong tâm hồn nhạc sĩ. Âm thanh hùng tráng bay bổng ngân vang như tiếng vọng của đất nước oai hùng. Câu ca đầu tiên bật dậy trước sóng trào sông Lô. Nhạc sĩ cất tiếng ca vang: "Hoan hô, hoan hô đoàn chiến sĩ sông Lô. Sông Lô ai hay rằng, đó là mồ chôn lũ thực dân. Đã bao lần sông Lô gầm thét, chém hết quân sài lang. Đã bao lần, sông Lô gầm réo, giết, giết, giết hết quân hung tàn…" (Chiến sĩ sông Lô)
Cung thanh là tiếng mẹ
Sau sự kiện "Bình Ca" hai năm sau nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc mới có hạnh phúc trọn vẹn khi cô Thảo lên tận Việt Bắc xin cưới. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã làm chủ hôn cho hai người tại Thái Nguyên (19-8-1949). Hòa bình lập lại nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc được đi tu học âm nhạc tại Bungari và sáng tác nhiều bản khí nhạc cho giao hưởng. Ông còn viết nhiều ca khúc phục vụ cách mạng giải phóng miền nam với bút danh Nguyễn Thơ. Sau này ông còn nổi tiếng qua ca khúc "Tiếng đàn bầu" (phổ thơ Lữ Giang-1968). Ca khúc này gắn bó với sự nổi tiếng của các nghệ sĩ ưu tú như Kiều Hưng và Trọng Tấn. Cùng với tổ khúc "Chiến sĩ sông Lô", ca khúc "Cô lái đò" và "Tiếng đàn bầu" đã làm rạng danh tên tuổi Nguyễn Đình Phúc suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Đặc biệt vào những năm cuối đời nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc dành tâm sức cho hội họa. Ông tập trung vẽ chân dung những người bạn qua những năm tháng cùng hoạt động cách mạng. Đó đều là những chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng và quen biết với bạn đọc như Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nam Cao… Phải nói những chân dung được ông vẽ bằng ký ức tạo nên mỹ cảm mạnh về thần thái và tính cách nhân vật. Cuộc triển lãm chân dung văn nghệ sĩ của ông đã được tổ chức tại Hà Nội đem lại ấn tượng sâu sắc trong giới hội họa. Hiện trong kho tàng lưu trữ của, gia đình còn lưu giữ 120 bức chân dung và hàng chục tác phẩm thơ, tiểu thuyết và nghiên cứu âm nhạc của ông chưa được xuất bản. Sức làm việc của nhạc sĩ kiêm họa sĩ Nguyễn Đình Phúc thật đáng nể phục. Ông đã được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.